Cùng quyết tâm chấm dứt đại dịch AIDS!

08/06/2021 16:58

(Chinhphu.vn) - Trong hơn một năm qua, tất cả các phương tiện thông tin đại chúng trên toàn thế giới đều tập trung cho y tế công cộng. Tác động tàn phá của đại dịch COVID-19 đối với cuộc sống và sinh kế của con người cũng như các nền kinh tế trên toàn thế giới đã nhắc nhở chúng ta về sức tàn phá của một virus cực nhỏ.

 * 16,2 triệu người nhiễm HIV/AIDS đã thoát khỏi ‘lưỡi hái tử thần’
* Cộng đồng chung tay bảo đảm bền vững kết quả điều trị HIV/AIDS
Bảo đảm việc cung ứng thuốc điều trị HIV/AIDS an toàn và hiệu quả

Bà Winnie Byanyima - Giám đốc Điều hành UNAIDS

Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 vẫn đang diễn ra hết sức phức tạp, cả thế giới sẽ tập hợp lại từ ngày 8 đến ngày 10/6 để thống nhất về một chương trình nghị sự mới, táo bạo, nhằm chấm dứt một đại dịch khác - đã xuất hiện cách đây 40 năm. Tại Hội nghị Cấp cao của Liên Hợp Quốc (LHQ) về HIV/AIDS năm 2021, được tổ chức theo hình thức kết hợp họp trực tiếp tại New York và trực tuyến, các nhà lãnh đạo, các nhà hoạt động và những người sống chung, bị ảnh hưởng bởi HIV sẽ đưa ra một Tuyên bố Chính trị mới của LHQ nhằm chấm dứt đại dịch AIDS vào năm 2030.

Kể từ khi các ca bệnh HIV/AIDS đầu tiên được chẩn đoán cách đây 4 thập kỷ, nhân loại đã đạt được rất nhiều tiến bộ trong công tác phòng, chống HIV/AIDS. Số người tử vong do AIDS lên đến mức cao nhất là 1,7 triệu vào năm 2004, nhưng đã giảm xuống còn dưới 700.000 vào năm 2019. Số người nhiễm HIV mới cũng đã giảm bớt, từ 2,8 triệu vào năm 1998 xuống còn 1,7 triệu vào năm 2019. Điều trị HIV đã mang lại hy vọng sống cho hàng triệu người. Nhiễm HIV từng bị coi là án tử hình thì giờ đây đã có thể được quản lý một cách hiệu quả. Vào tháng 6/2020, 26 triệu người đã tiếp cận được điều trị bằng thuốc kháng virus (ARV) - một phương pháp điều trị giúp những người nhiễm HIV đạt được tuổi thọ thông thường.

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều việc cần phải làm để bảo vệ những thành quả đã đạt được và thực hiện các mục tiêu mà Việt Nam cùng với 192 quốc gia khác đã cam kết tại Hội nghị Cấp cao của LHQ về chấm dứt đại dịch AIDS năm 2016, như một phần trong Mục tiêu Phát triển Bền vững.

Hiện nay, trong tình hình đại dịch COVID-19 vẫn đang ảnh hưởng đến hầu hết mọi quốc gia, các khủng hoảng khác về y tế công cộng rất dễ bị bỏ quên. Nhưng đại dịch AIDS vẫn đang hiện hữu. Và COVID-19 đang ảnh hưởng đến tiến trình chấm dứt đại dịch AIDS.

COVID-19 đã cho thấy những điểm yếu trong hệ thống y tế ở cấp độ toàn cầu, khu vực và các quốc gia. Đồng thời, những kiến ​​thức, chuyên môn và cơ sở hạ tầng được xây dựng trong hơn 40 năm qua để ứng phó với đại dịch AIDS đã đóng vai trò quan trọng trong việc định hướng các đáp ứng với COVID-19 dựa trên quyền con người và lấy người dân làm trung tâm. Đầu tư vào cơ sở hạ tầng y tế toàn cầu cho phòng, chống AIDS đã hỗ trợ cuộc chiến chống lại COVID-19, nhưng chúng ta phải làm nhiều hơn nữa và củng cố những điểm yếu trong hệ thống y tế để khi những khủng hoảng y tế công cộng khác xảy ra thì thế giới luôn sẵn sàng và có thể ứng phó hiệu quả.

Vào tháng 3 năm nay, Ban điều hành chương trình của Chương trình phối hựp phòng, chống HIV/AIDS của LHQ (UNAIDS) đã thông qua Chiến lược Phòng, Chống AIDS Toàn cầu giai đoạn 2021–2026. Chiến lược này nhằm thu hẹp những khoảng trống đang ngăn cản tiến trình chấm dứt đại dịch AIDS, bằng cách tập trung vào giảm những bất bình đẳng khiến HIV/AIDS lan tràn. Chiến lược này nhằm mục đích thúc đẩy các xã hội công bằng hơn, đặt ra các mục tiêu để nhằm đưa thế giới trở lại đúng hướng và vững chắc trên con đường hướng tới chấm dứt đại dịch AIDS vào cuối thập kỷ này.

Dựa trên chiến lược phòng chống AIDS toàn cầu, Hội nghị Cấp cao của LHQ về HIV/AIDS sẽ nỗ lực để chỉnh hướng đáp ứng với HIV. Để mang lại kết quả, Tuyên bố Chính trị 2021 phải đặt ra các mục tiêu táo bạo và hoài bão lớn. Với thời gian còn lại không nhiều, Tuyên bố Chính trị này phải là kim chỉ nam dẫn dắt toàn thế giới trên hành trình còn lại trong đáp ứng với HIV hướng đến mốc 2030.

Nói một cách khác, Tuyên bố Chính trị này phải bảo đảm rằng không ai bị bỏ lại phía sau. Tuyên bố cần hỗ trợ mạnh mẽ cho các vấn đề mà một số người có thể cảm thấy không thoải mái như: giáo dục giới tính và tình dục toàn diện, quyền về sức khỏe tình dục và sức khỏe sinh sản, quyền con người của tất cả mọi người bao gồm các nhóm quần thể đích - những người vẫn còn bị gạt ra ngoài lề xã hội và bị hình sự hóa ở một số quốc gia vì bản dạng giới và khuynh hướng tính dục, sinh kế của họ hoặc chỉ do họ sống với HIV.

Tuyên bố chính trị mới phải có cam kết chính trị đi kèm. Trường hợp những cam kết trong quá khứ chưa được hiện thực hóa thì điều đó một phần là do thế giới chưa cung cấp đủ những hỗ trợ cần thiết để thực hiện những cam kết đó.

Chúng ta biết rằng khi đầu tư thỏa đáng cho hoạt động phòng, chống HIV/AIDS thì khoản đầu tư  đó sẽ tạo tác động lớn. Mỗi 1 USD Mỹ được đầu tư bổ sung cho việc thực hiện chiến lược phòng chống AIDS toàn cầu ở các nước có thu nhập thấp và trung bình sẽ mang lại lợi ích về sức khỏe của người dân và hệ thống y tế tương đương với 7,37 USD Mỹ.

Bây giờ là lúc cần tái thiết lập vị trí của các đáp ứng về y tế trong chương trình nghị sự toàn cầu. Đáp ứng với COVID-19 trước mắt là  ưu tiên hàng đầu và cùng với đó là nhu cầu quan trọng phải triển khai tiêm chủng cho tất cả mọi người dân, ở mọi nơi. Tình trạng bất bình đẳng rõ rệt trong tiếp cận tiêm chủng phòng COVID-19 là một vấn đề nghiêm trọng, nhưng thế giới không thể quên dịch HIV/AIDS vẫn đang tồn tại. Việt Nam sẽ không bỏ quên đáp ứng với HIV.

Sau hết, chúng ta vẫn lạc quan. Chúng ta đã biết cách chẩn đoán và điều trị HIV. Chúng ta biết cách ngăn ngừa các ca nhiễm HIV mới. Chúng ta biết làm thế nào để cứu sống bệnh nhân AIDS. Việt Nam đã  đạt được những bước tiến lớn trong đáp ứng với HIV. Tiếp nối những Hội nghị cấp cao trước đây, việc Việt Nam tiếp tục ủng hộ cho một Tuyên bố Chính trị mạnh mẽ của LHQ về HIV/AIDS là rất quan trọng để thế giới có thể chấm dứt đại dịch AIDS vào năm 2030 - gần 50 năm sau khi HIV/AIDS xuất hiện trên thế giới.

Bây giờ là lúc cần bẻ lái trong đáp ứng với HIV. Bây giờ là lúc để đưa thế giới trở lại đúng hướng để chấm dứt đại dịch AIDS. Tất cả chúng ta hãy quyết tâm và hành động để đạt được mục tiêu này!

Winnie Byanyima

Giám đốc Điều hành UNAIDS

Top