Hạnh phúc ‘mỉm cười’ với người phụ nữ từng bị hắt hủi vì HIV

21/10/2020 17:45

Sau những thăng trầm trong cuộc sống, cuối cùng chị đã tìm được hạnh phúc bên người chồng hết mực yêu thương mình. Chị nghẹn ngào: “Cảm ơn những nỗi đau mà tôi đã có như ngày hôm nay. Những người phụ nữ như chúng tôi vẫn luôn xứng đáng được yêu thương”.

 

 Chị Sen hỗ trợ bệnh nhân HIV/AIDS đến thăm khám tại Phòng khám ngoại trú, Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Dương. Ảnh: Thùy Chi

Chị là Trần Thị Sen, sinh năm 1973 (hiện ở Bến Cát, Bình Dương), vì lây nhiễm HIV từ chồng và bị gia đình chồng kỳ thị, ruồng bỏ, hắt hủi, chị Sen đã phải rời bỏ quê hương Nghệ An để vào Bình Dương lập nghiệp.

Chị Sen tâm sự: “Mình bị nhiễm HIV từ chồng vì chồng sử dụng ma túy. Hội bạn của chồng thường chích ma túy chung. Đến một ngày bác sỹ thông báo anh đã bị lây nhiễm HIV". Sau đó, chị Sen đi kiểm tra và cũng nhận được kết quả tương tự.

Sau khi phát hiện nhiễm HIV, chị Sen đau khổ, dằn vặt lại thêm bị phân biệt đối xử, kỳ thị từ gia đình nhà chồng nên tâm lý nhiều lúc chỉ muốn chết.

Nuốt những nỗi niềm ấy vào trong lòng, vợ chồng chị Trần Thị Sen đã rời bỏ quê hương từ năm 2007 để vào Nam lập nghiệp. Chị Sen xin làm công nhân may. Sau đó gần một năm thì chồng chị chết.

Một mình chị Sen phải vất vả bươn chải nơi đất khách quê người, làm công nhân may để có tiền nuôi con và điều trị bệnh. Giờ đây, sau hơn 10 năm vất vả, cuộc sống mới đã mỉm cười với gia đình chị. Chị Sen đã lên chức bà nội với hai đứa cháu kháu khỉnh và một người chồng thứ hai, nguyên là sỹ quan công an ân cần ở bên đồng hành, chăm sóc cho chị.

Nhìn chị Sen xông xáo, hoạt bát ít ai nghĩ chị đang mang trong mình virus HIV. Vượt qua nỗi buồn bệnh tật, bằng việc tuân thủ điều trị, đến thời điểm hiện tại, tải lượng virus HIV trong cơ thể chị ở mức không phát hiện. Điều này có nghĩa là “Không phát hiện = Không lây truyền”. Đây cũng là chiến dịch mà hằng ngày chị đang tư vấn cho những người cùng cảnh ngộ, những người nhiễm HIV đang điều trị hoặc chưa điều trị.

Những người nhiễm HIV thường hay tự ti, mặc cảm với bản thân. Do lo ngại bị phân biệt đối xử, kỳ thị họ thường giấu bệnh không chủ động tiếp cận xét nghiệm. Hoặc có những người khi biết bản thân nhiễm HIV thì không tiếp cận điều trị vì sợ bị phát hiện, lộ danh tính.

Hơn 10 năm tất bật với công việc hỗ trợ cho các bệnh nhân nhiễm HIV, hiện tại công việc tại Phòng khám ngoại trú, Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Dương là niềm vui đối với chị Sen. Lúc nào chị Sen cũng tươi cười, chia sẻ, động viên, an ủi những bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS. Dần dần họ coi chị như những người thân quen, có những người đã chủ động gọi điện cho chị để được chia sẻ, tâm sự, tư vấn. Chị Sen mỉm cười hiền lành “mình luôn sẵn lòng, khi nào mình còn khoẻ thì vẫn còn làm, còn đi hỗ trợ vận động những người nhiễm HIV khác điều trị”.

Bên cạnh việc hỗ trợ, động viên những bệnh nhân nhiễm HIV chủ động xét nghiệm, tiếp cận điều trị. Chị Sen hằng tuần còn rà soát nhắc nhở những bệnh nhân khi đến ngày kiểm tra định kỳ mà không tới khám thì đến khám, nhận thuốc để không bị ngắt quãng điều trị, bảo đảm tuân thủ điều trị, bởi việc tuân thủ tốt sẽ giúp những bệnh nhân này cải thiện sức khỏe và sống khỏe mạnh như những người bình thường khác.

Những công sức của chị Sen đã được đền đáp rất xứng đáng, cho dù đó chỉ là kết quả điều trị tốt của những bệnh nhân mà chị hỗ trợ điều trị. Trong 10 năm qua, chị Sen không nhớ hết đã vận động được bao nhiêu bệnh nhân tới điều trị HIV. Chị tâm sự: “Những ngày đầu, tôi đi tìm bệnh nhân để vận động, đưa họ vào điều trị kịp thời. Trong hành trình của mình, cũng có vài lần gặp trường hợp người nhiễm HIV không đi điều trị kịp đã tử vong. Đau xót lắm!”.

Làm quen với công việc đi tìm bệnh nhân rồi, nên nhiều khi chị không còn biết sợ. Đây vừa là phần việc chị yêu thích khi giúp đỡ những người mắc bệnh như chị có thêm cơ hội duy trì sự sống đồng thời chị cũng có thêm một phần kinh phí để trang trải cuộc sống. Có những ngày chị một mình lặn lội lên vùng trồng cây cao su ở Đồng Tháp, đi tìm bệnh nhân bỏ điều trị. Khi tới nơi không thấy bệnh nhân vì bệnh nhân không khai đúng địa chỉ.

Trước những tình huống trên, chị phải tìm đến địa phương phải khéo léo liên hệ với hội phụ nữ, công an để nhờ họ phối hợp nhằm tìm ra chính xác người bệnh.

Sau đó, những bệnh nhân họ có ý thức và biết sử dụng công nghệ hơn, chị sử dụng Zalo, Facebook để liên hệ nên việc liên lạc cũng đỡ vất vả hơn. Chị Sen nhớ lại, có bạn một bạn nam, sinh năm 1985 ở Thủ Dầu 1, thành phố Bình Dương bị nhiễm HIV nhưng khi chị vận động đi chữa trị thì viện cớ mưu sinh để trốn tránh. Chị đã kiên trì nhiều lần thuyết phục, cuối cùng bệnh nhân đó đã nghe và điều trị đều đặn theo phác đồ.

Chị Sen tâm niệm: “Mỗi người mang trong mình một bệnh, người mang bệnh có lỗi, điều quan trọng nhất là  bạn sống chân thành, bạn sẽ nhận được quả ngọt là hạnh phúc”.

Hiện tại, người chồng thứ hai của chị nguyên là sỹ quan công an. Khi quen nhau, chị có chia sẻ chị là người nhiễm HIV, nhưng anh không kỳ thị và sợ hãi, anh vẫn quyết tâm theo đuổi, đến với chị dù biết chị mang bệnh. Chung sống với nhau 10 năm qua, người chồng thứ hai của chị vẫn khỏe mạnh, không nhiễm virus HIV. Chị Sen cho hay, vì chị uống thuốc ARV đều đặn nên không có khả năng lây truyền bệnh qua đường tình dục cho người khác.

Trải qua nhiều thăng trầm trong cuộc sống, hạnh phúc đã mỉm cười với chị Sen. Chị tâm niệm “Chắc chắn ngày mai bạn sẽ hạnh phúc hơn ngày hôm nay; sống phải luôn có ích cho gia đình và xã hội”.
Top