Tăng cường phòng, chống HIV/AIDS trong bối cảnh dịch COVID-19

15/11/2021 15:55

(Chinhphu.vn) - Năm 2021, trong bối cảnh đại dịch COVID-19 tiếp tục diễn ra rất phức tạp, dịch COVID-19 đã và đang có những tác động to lớn đến mọi mặt đời sống xã hội trên thế giới cũng như Việt Nam, trong đó bao gồm cả chương trình phòng, chống HIV/AIDS. Bộ Y tế, với vai trò Cơ quan thường trực phòng, chống HIV/AIDS của Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS và phòng chống tệ nạn ma tuý, mại dâm, đã đưa ra nhiều giải pháp để khắc phục những khó khăn này.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Hoàng Long, Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế): Ngành y tế luôn bảo đảm điều trị cho người nhiễm HIV/AIDS trong bối cảnh COVID-19. Ảnh: Giang Oanh

Trong 10 tháng đầu năm 2021, dịch HIV/AIDS tiếp tục diễn biến phức tạp và có xu hướng gia tăng so với 10 tháng đầu năm 2020 tại nhiều địa phương. Đường lây truyền HIV cũng có sự thay đổi, nhiễm HIV tăng nhanh trong nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM).

Dịch COVID-19 đã làm chậm lại công tác phòng, chống HIV/AIDS của Việt Nam. Cụ thể là ảnh hưởng đến việc đầu tư nguồn lực cho phòng, chống HIV/AIDS; nhiều hoạt động phòng, chống HIV/AIDS tại cộng đồng có thời điểm bị gián đoạn; nhiều cơ sở y tế cung cấp dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS gặp khó khăn trong việc cung cấp dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS cho người bệnh…

Trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Chính phủ, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Hoàng Long, Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) cho biết, dịch COVID 19 đã ảnh hưởng trực tiếp đến việc đầu tư nguồn lực cho công tác phòng, chống HIV/AIDS tại Việt Nam. Dịch COVID-19 bùng phát tại nhiều địa phương thời gian qua và kéo dài đã khiến nguồn lực cho phòng, chống HIV/AIDS bị suy giảm. Các cán bộ và nhân viên y tế quản lý, điều trị bệnh nhân HIV được huy động cho công tác phòng, chống COVID-19 đã dẫn đến nhân lực y bác sĩ chữa trị, chăm sóc người nhiễm HIV/AIDS bị thiếu hụt. Kinh phí nhà nước, cả Trung ương lần địa phương, đều tập trung cho các hoạt động phòng, chống COVID-19 nên việc đầu tư kinh phí các phòng, chống HIV gặp nhiều khó khăn.

Bên cạnh đó, nhiều hoạt động phòng, chống HIV/AIDS tại cộng đồng có thời điểm bị gián đoạn. Để phòng, chống COVID-19, các hoạt động triển khai tại cộng đồng và có tiếp xúc trực tiếp giữa người với người hoặc tập trung đông người như hoạt động tiếp cận cộng đồng, truyền thông nhóm, xét nghiệm tại cộng đồng... đã không được triển khai theo kế hoạch. Các cuộc hội thảo, hội nghị, tập huấn liên quan đến phòng, chống HIV/AIDS bằng các hình thức trực tiếp tại nhiều địa phương bị hủy bỏ do các quy định phòng, chống dịch COVID-19.

Trong các làn sóng dịch COVID-19 mà Việt Nam đã trải qua, mặc dù Bộ Y tế đã có hướng dẫn các địa phương xây dựng kế hoạch để sẵn sàng cung cấp dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS một cách thường xuyên nhưng việc một số cơ sở cung cấp dịch vụ bị phong tỏa đột ngột cũng đã ảnh hưởng đến việc cung cấp dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS cho khách hàng, đặc biệt là những người sử dụng dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS (bao gồm cả người bệnh điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế; điều trị bằng thuốc ARV bị nhiễm COVID-19 hoặc tiếp xúc gần với người mắc COVID-19 bị đưa vào các khu cách ly).

Về phía các địa phương, do thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Chính phủ, nên có một số thời điểm, người nhiễm HIV, người sử dụng các dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS như ARV, PrEP... không có đủ thuốc dự trữ dẫn đến gián đoạn ngắn khi điều trị hoặc dừng điều trị. Các khách hàng cần tiếp cận các dịch vụ khác như tư vấn xét nghiệm HIV; dự phòng và chăm sóc hỗ trợ cũng gặp khó do không tiếp cận được các dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS kịp thời.

Ngoài ra, dịch COVID-19 cũng đã tác động chung đến những người có hành vi nguy cơ cao như nhóm người nghiện ma túy, người bán dâm, nam quan hệ tình dục đồng giới, người nhiễm HIV khiến họ bị mất việc làm, giảm thu nhập, kẹt tại các địa phương, bị hạn chế đi lại... do đó không đủ khả năng để chi trả cho các nhu cầu y tế thiết yếu như các dịch vụ tư vấn, xét nghiệm và điều trị các bệnh lây truyền qua đường tình dục, viêm gan C, thuốc dự phòng sau phơi nhiễm HIV…

Bảo đảm điều trị cho người nhiễm HIV/AIDS

Tổ chức Y tế thế giới đã khẳng định rằng, HIV tiếp tục là một vấn đề sức khỏe cộng đồng toàn cầu lớn. Đến nay, dịch COVID-19 đã cướp đi sinh mạng của 34,7 triệu người. Để đạt được các mục tiêu 95-95-95 toàn cầu mới do UNAIDS đề ra, các quốc gia cần nỗ lực gấp đôi để tránh gia tăng các ca nhiễm HIV do gián đoạn dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS trong COVID-19.

Tại Việt Nam, những tác động tiêu cực của dịch COVID-19 đến công tác phòng, chống HIV/AIDS đã làm cho nhiều khách hàng khó tiếp cận các dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS và hậu quả dễ nhận thấy là số người nhiễm HIV gia tăng. Theo báo cáo từ các địa phương, số người nhiễm HIV được phát hiện trong 10 tháng đầu năm 2021 có xu hướng gia tăng so với cùng kỳ năm ngoái.

Nhằm ứng phó kịp thời với các tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19 tới công tác phòng, chống HIV/AIDS, Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS Nguyễn Hoàng Long cho biết, Chính phủ, Bộ Y tế cũng như các địa phương đã triển khai hàng loạt các giải pháp nhằm tăng cường phòng, chống HIV trong bối cảnh dịch COVID-19. Đó là xây dựng và ban hành kịp thời các hướng dẫn đáp ứng khẩn cấp để duy trì tiếp cận dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS; tiếp tục triển khai thực hiện các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS như: Xây dựng kế hoạch và các mô hình cung cấp dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS trong các tình huống khác nhau tùy theo của diễn biến dịch COVID-19 để bảo đảm người có hành vi nguy cơ cao và người nhiễm HIV không bị gián đoạn trong tiếp cận và sử dụng dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS; triển khai các giải pháp nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người nhiễm HIV tiếp cận liên tục và an toàn các dịch vụ điều trị bằng thuốc kháng HIV, tuân thủ điều trị.

Về phía người điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện, cần được điều trị liên tục và an toàn bằng thuốc Methadone, nhất là các địa phương thực hiện giãn cách xã hội hoặc cơ sở y tế bị phong tỏa, người bệnh bị cách ly do dịch COVID-19.

Bên cạnh đó, Chính phủ và các đơn vị chức năng đã vận động các địa phương, cơ sở y tế hỗ trợ người nhiễm HIV tiếp cận và được tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 cũng như tiếp cận các dịch vụ dự phòng và điều trị HIV/AIDS, nhất là với các địa phương bị giãn cách xã hội hoặc phong tỏa do dịch COVID-19; mở rộng việc cung cấp các dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS như xét nghiệm HIV dựa vào cộng đồng, tự xét nghiệm; cấp phát Methadone nhiều ngày, điểm cấp phát thuốc ARV tại các trạm y tế xã, cấp thuốc ARV nhiều ngày cũng như cung cấp các dịch vụ dự phòng trước phơi nhiễm HIV (PrEP).

Đồng thời vận động các doanh nghiệp tham gia các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS cho người lao động, bảo đảm cho người nhiễm HIV tham gia bảo hiểm y tế một cách liên tục; nhận người lao động là người nhiễm HIV, người sau cai, người đang được điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế.

Đặc biệt đã tăng cường các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS khu vực biên giới, vùng sâu, vùng  xa và vùng đồng bào dân tộc thiểu số; vận động những người tiêu biểu, người có uy tín trong cộng đồng dân tộc thiểu số, tôn giáo, dòng họ (già làng, trưởng bản, chức sắc tôn giáo, trưởng họ, trưởng tộc...), người nổi tiếng tích cực tham gia các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS; kêu gọi các tổ chức tôn giáo, tổ chức phi chính phủ, các tổ chức xã hội dân sự khác và mạng lưới người nhiễm HIV tại địa phương tích cực tham gia và tổ chức các hoạt động nhân Tháng Hành động phòng chống HIV/AIDS…

Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS Nguyễn Hoàng Long cho biết thêm, Bộ Y tế với vai trò Cơ quan thường trực phòng, chống HIV/AIDS của Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS và phòng chống tệ nạn ma tuý, mại dâm ngoài xây dựng hướng dẫn các Ban Chỉ đạo phòng, chống AIDS các bộ, ngành, đoàn thể Trung ương và các tỉnh thành phố tổ chức thực hiện Tháng Hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS; sẽ phối hợp với các cơ quan báo chí tuyên truyền rộng rãi các nội dung về phòng, chống HIV/AIDS trên các phương tiện thông tin đại chúng; đồng thời cùng các cơ quan chức năng tổ chức các hoạt động của Tháng Hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS phù hợp với chức năng nhiệm vụ và hoàn cảnh thực tế của cơ quan, địa phương trong tình hình bối cảnh dịch COVID-19.

Top