Tết của “lính ma túy”

13/02/2021 12:08

Khu vực biên giới tỉnh Hà Tĩnh được xác định là địa bàn trọng điểm của các loại tội phạm, trong đó, đáng chú ý nhất là tội phạm ma túy xuyên quốc gia. Trong mọi thời điểm, cán bộ, chiến sĩ chuyên trách trong công tác đấu tranh với tội phạm của BĐBP Hà Tĩnh luôn sẵn sàng lên đường thực hiện nhiệm vụ. Có những ngày Tết, họ mật phục giữa rừng sâu, đấu tranh, bắt giữ các đối tượng cộm cán nằm trong các đường dây buôn bán, vận chuyển ma túy.

Cán bộ Phòng Phòng, chống ma túy và tội phạm, BĐBP Hà Tĩnh phối hợp với các lực lượng chức năng bắt giữ đối tượng vận chuyển ma túy qua biên giới. Ảnh: Báo Biên Phòng

Khi chúng tôi đặt vấn đề muốn viết về cán bộ, chiến sĩ đơn vị đón Tết, Đại tá Phan Mạnh Tâm, Trưởng phòng Phòng, chống ma túy và tội phạm, BĐBP Hà Tĩnh nói rằng: “Nhà báo cứ gặp anh em trinh sát sẽ có nhiều chuyện để nghe và viết”. Nói rồi, anh giới thiệu để chúng tôi gặp 2 trinh sát viên của Đội đặc nhiệm, lực lượng được ví như “cú đấm thép” trong quá trình trấn áp tội phạm.

Người đầu tiên chúng tôi trò chuyện là Trung tá Trần Văn Toản, trinh sát viên, Đội Đặc nhiệm, Phòng Phòng, chống ma túy và tội phạm, BĐBP Hà Tĩnh. Anh đã có 30 năm phục vụ trong quân ngũ và 25 năm gắn bó với nhiệm vụ đấu tranh phòng, chống tội phạm. Anh từng bị tội phạm chống trả làm bị thương trên mặt trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, hiện đang được hưởng chế độ thương binh 3/4. Mở đầu câu chuyện, anh nói rằng, không thể nhớ nổi mình đã cùng đồng đội tham gia bao nhiêu chuyên án, vụ án. Rồi Trung tá Toản khoe: “Tôi đã lên chức ông nội được mấy tháng rồi, nhưng vẫn mê nghề lắm! Được lệnh là sẵn sàng lên đường đánh án”.

Trung tá Toản chia sẻ, suốt 30 năm trong quân ngũ, chưa bao giờ anh được đón cái Tết trọn vẹn bên gia đình. “Vào những ngày Tết, tội phạm lại càng lợi dụng để hoạt động mạnh hơn. Còn nhớ, chiều 30 Tết năm 2019, khi đang chuẩn bị bữa cơm tất niên cùng gia đình thì chúng tôi được lệnh lên đường mật phục phá án. Trong đêm giao thừa, chúng tôi còn nằm giữa rừng, chia nhau từng mẩu lương khô, ngụm nước, phải 3 ngày sau mới hoàn thành nhiệm vụ” - Anh Toản chia sẻ.

Không được đào tạo cơ bản từ đầu, Trung tá Toản nhận mình là người có duyên với nghề. Trải qua quá trình dài thực hiện nhiệm vụ, anh đã không ngừng học tập, đến nay trở thành cán bộ dày dạn kinh nghiệm trận mạc. Quá trình tham gia trực tiếp đấu tranh với các chuyên án, vụ án, anh luôn chia sẻ những kinh nghiệm của mình cho đội ngũ cán bộ trẻ. Khép lại câu chuyện nghề, anh Toản lại nhắc nhiều đến sự hy sinh thầm lặng của người vợ, bởi anh đằng đẵng xa nhà. Đặc biệt, vì nhiệm vụ, có những thời điểm, anh phải cắt liên lạc với người thân cả tháng trời, mọi việc trong gia đình, rồi lễ, Tết đều do vợ anh gánh vác, chăm lo.

So với Trung tá Trần Văn Toản thì Thiếu tá Lê Kiếm Sơn, Phó Đội trưởng Đội Đặc nhiệm, Phòng Phòng, chống ma túy và tội phạm, BĐBP Hà Tĩnh ít hơn về tuổi đời, tuổi nghề. Ấn tượng ban đầu về Lê Kiếm Sơn đó là thể hình cao to, lực lưỡng, đôi mắt luôn ánh lên những ánh nhìn quyết đoán, mọi động tác đều rất nhanh nhẹn, dứt khoát. Nghe kể mới biết, anh vốn được đào tạo chuyên ngành sĩ quan đặc công, võ thuật điêu luyện, khả năng bắn súng ngắn bằng cả hai tay.

Dù tuổi đời, tuổi nghề khá trẻ nhưng với phẩm chất của mình, Thiếu tá Sơn thực sự là “khắc tinh tội phạm” khi tham gia phá trên 100 chuyên án, vụ án lớn. Trong đó, Thiếu tá Sơn trực tiếp đối diện, bắt giữ nhiều đối tượng tội phạm sừng sỏ, sử dụng vũ khí “nóng”. Khi nói về nghề, anh chia sẻ: “Chiến công trên trận tuyến phòng chống tội phạm, đặc biệt là tội phạm ma túy là của cả tập thể. Sự thành công trong đấu tranh các chuyên án, vụ án là nhờ vào quá trình điều tra bài bản, triển khai bất ngờ, sự phối hợp nhịp nhàng của lực lượng đánh án…”.

Cũng như đồng đội của mình, Lê Kiếm Sơn nói rằng, bất cứ thời điểm nào cũng sẵn sàng lên đường thực hiện nhiệm vụ. Mới lập gia đình, có vợ trẻ, con thơ, nhưng do tính chất nghề nghiệp nên anh thường xuyên xa nhà dài ngày. Nói về điều này, Thiếu tá Lê Kiếm Sơn khẳng định, cùng với kỷ luật quân đội, nguyên tắc nghề nghiệp thì sự thấu hiểu, thông cảm, chia sẻ của gia đình là rất quan trọng. Muốn vậy, mình phải làm công tác tư tưởng, sống có nguyên tắc với những người xung quanh, trong đó có cả vợ, con.

“Mỗi lần tôi chuẩn bị thực hiện và kết thúc nhiệm vụ đều chủ động liên lạc với gia đình. Vợ con đều hiểu rằng, nếu thường xuyên gọi điện thoại sẽ có lúc gây nguy hiểm cho chính bản thân tôi và đồng đội” - Thiếu tá Sơn bộc bạch và cho biết vì nhiệm vụ, anh không bao giờ hứa với gia đình, vợ con những điều trong tương lai mà chỉ dành điều tốt đẹp nhất cho mọi người mỗi khi sum họp.

Tết nào cũng vậy, những người lính trên mặt trận phòng, chống tội phạm của BĐBP Hà Tĩnh không có niềm vui quây quần, đoàn tụ bên người thân, mà luôn trong tâm thế sẵn sàng lên đường thực hiện nhiệm vụ. Sự hy sinh thầm lặng của họ đang góp phần bảo vệ bình yên cho đất nước, cho mọi nhà được vui Xuân, đón Tết an lành.

Top