Cuộc sống thay đổi tại ‘làng mại dâm’ ở Ấn Độ

17/10/2020 12:23

Từ lâu, mại dâm là nghề kiếm sống của hàng nghìn gia đình ở vùng Mandsaur, bang Madhya Pradesh. Cuộc sống ở đây đang dần thay đổi khi phụ nữ trẻ cố gắng học kỹ năng kỹ thuật số.

Phải mất hơn 8 tiếng di chuyển trên quốc lộ để đặt chân tới Navali - ngôi làng xa xôi cách Bhopal, thủ phủ của bang Madhya Pradesh, khoảng 370 km.

Cộng đồng bộ lạc Banchhada, được cho là hậu duệ của những gái mại dâm chuyên phục vụ giới quý tộc, sống rải rác trên 120 ngôi làng trong khu vực Mandsaur nghèo khó. Họ có hơn 20.000 người, đa số là phụ nữ. Mại dâm là nghề “cha truyền con nối” ở đây qua nhiều đời.

Navali còn kém phát triển khi đường sá, cơ sở hạ tầng y tế và giáo dục không được đầu tư. Tỷ lệ thất nghiệp cao. Hầu hết nam giới làm nông nghiệp hay lao động hợp đồng.

Giống như hầu hết ngôi làng khác xung quanh khu vực, Navali bị bỏ quên và chìm trong nghèo đói.

Tuy nhiên, mọi thứ đang dần thay đổi. Các cô gái trẻ tuổi trong làng từ chối hành nghề mại dâm. Thay vào đó, họ cố gắng học các kỹ năng kỹ thuật số.

Mại dâm là nghề được truyền từ đời này sang đời khác ở ngôi làng Navali và các vùng lân cận

“Mọi thứ đang trở nên tốt đẹp hơn. Các cô gái bắt đầu đi học trở lại và có sự thay đổi. Bây giờ, điều chúng tôi cần là việc làm và điều đó đang thiếu hụt trầm trọng”, thiếu nữ 18 tuổi Razia Bhajda nói.

Neha Banchhada, bạn của Bhajda, cũng có cảm nhận tương tự.

“Tôi muốn trở thành bác sĩ. Làng của chúng tôi đã thay đổi. Trước đó, mọi thứ thật tệ. Nếu tất cả chúng tôi đều có được công việc thích hợp, sẽ có một sự thay đổi. Nhưng thật không may, không ai lắng nghe chúng tôi”, Banchhada nói.

Thách thức lớn

Trong năm 2019, một sự can thiệp lớn đã để lại dấu ấn cho phụ nữ trẻ trong cộng đồng.

Các tổ chức như Trung tâm Dịch vụ Cộng đồng (CSC), nằm trong kế hoạch quản trị điện tử quốc gia nhằm kết nối vùng nông thôn Ấn Độ, đã giúp đào tạo một số phụ nữ và trẻ em gái tiếp cận nhiều lĩnh vực như phát triển ứng dụng di động, tiếp thị kỹ thuật số và truyền thông xã hội.

Bharat Nagar, nhân viên của CSC, người khởi xướng chương trình, cho biết việc thuyết phục dân làng thay đổi phương thức kiếm sống của họ đã tốn rất nhiều công sức.

“Đây là khu vực đã tồn tại nghề mại dâm quá lâu. Phải thuyết phục rất nhiều thì trưởng thôn mới cho phép chúng tôi thực hiện chương trình này vì họ nghi ngờ”, Nagar cho biết.

Dinesh Tyagi, CEO của CSC, cũng có quan điểm tương tự. “Ban đầu, chương trình vấp phải sự phản đối. Thay đổi hoạt động truyền thống hoặc công việc đã tồn tại lâu đời của những người sống ở vùng nông thôn Ấn Độ vẫn là thách thức lớn”.

“Chúng tôi phải thay đổi hành vi, tư duy và xây dựng sự tự tin cho họ. Đó là cách mọi chuyện diễn ra”, ông cho biết.

Phụ nữ và trẻ em gái ở làng Navali dần thay đổi tư duy nhờ được giúp đỡ tiếp cận với công nghệ thông tin

Làn gió thay đổi

Nghề mại dâm “cha truyền con nối” cũng phổ biến ở các vùng nông thôn khác của Ấn Độ.

Maangi Bhai (khoảng 40 tuổi) chia sẻ lý do truyền thống “buôn bán xác thịt” lại được tuân theo. “Khi không có việc làm, những người nghèo đôi khi phải làm điều này. Họ có thể làm gì khác?”.

Kể từ khi chiến dịch phát triển kỹ năng kỹ thuật số bắt đầu, nhiều người quan tâm đến việc học các bằng cấp và kỹ năng mới.

“Tôi đã học cách vận hành một chiếc máy may thông qua các lớp học trực tuyến do CSC tổ chức. Trong 10 ngày, tôi đã học được rất nhiều điều. Và tôi sẽ học được nhiều hơn nữa nếu họ tiếp tục dạy chúng tôi”, Renu Bhachhada, một phụ nữ trẻ, nói.

Bằng cách tiếp cận với phụ nữ và thúc đẩy mối quan hệ đồng hành, chiến dịch kỹ thuật số dường như đã đạt được bước đi đúng hướng. Tuy nhiên, nhiều người đánh giá vẫn còn quá sớm để khẳng định liệu kỹ thuật số có thể giúp mang lại những thay đổi về hành vi xã hội và loại bỏ hoàn toàn nghề mại dâm hay không.

“Bởi sự kỳ thị đã gắn liền với ngôi làng này, không ai sẵn lòng giúp đỡ chúng tôi. Đó là lý do tôi bỏ học. Nhưng giờ tôi muốn bắt đầu lại mọi thứ”, Ranu Bhiragi, một thiếu niên, cho biết.

Một sự khởi đầu đã được thực hiện và rõ ràng nhiều người ở Navali muốn nắm bắt cơ hội.

Top