Sơn La: Truyền thông phòng ngừa mại dâm bằng nhiều hình thức

26/06/2019 11:19

Hoạt động truyền thông phòng ngừa tệ nạn mại dâm sẽ được Sơn La triển khai thông qua nhiều hình thức, như: Tuyên truyền trực tiếp, tuyên truyền lưu động, tập huấn, đưa tin bài trên phương tiện thông tin đại chúng và phát hành các ấn phẩm...

Tệ nạn mại dâm gây nhiều hệ lụy cho xã hội, để nâng cao chất lượng phòng, chống mại dâm, Sơn La triển khai nhiều giải pháp nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, nâng cao trách nhiệm của các cấp, các ngành và toàn xã hội trong công tác phòng, chống mại dâm và giảm thiểu những hệ lụy của hoạt động mại dâm đối với đời sống xã hội...

Theo Sở LĐTBXH tỉnh Sơn La, thời gian qua, công tác phòng, chống tệ nạn mại dâm trên địa bàn tỉnh đã nhận được sự quan tâm lãnh đạo của các cấp, các ngành, đoàn thể. Hiệu lực quản lý nhà nước về công tác này từng bước được nâng cao, nhờ đó địa phương tiếp tục duy trì và quản lý chặt số xã, phường lành mạnh không có tệ nạn xã hội.

Theo số liệu thống kê của các ngành chức năng và UBND huyện, thành phố, trên địa bàn toàn tỉnh có 1.512 cơ sở kinh doanh dịch vụ nhạy cảm có điều kiện, bao gồm 755 cơ sở lưu trú khách sạn, nhà nghỉ, nhà trọ, nhà cho thuê; 313 nhà hàng karaoke và cơ sở massage; 2 cơ sở vũ trường “Bar” và 442 cơ sở loại hình kinh doanh khác như nhà hàng ăn uống, quán cà phê, cắt tóc gội đầu thư giãn. Tổng số nhân viên làm việc trong các cơ sở này là 2.715, trong đó số nhân viên có hợp đồng lao động 2.310 người, lao động thử việc 405 người; số nhân viên nữ 1.230 người; số nhân viên là người ngoại tỉnh 215 người.

Số cơ sở nghi vấn có liên quan đến tệ nạn mại dâm trên địa bàn tỉnh là 15 cơ sở; 10 đối tượng nghi vấn liên quan đến việc chứa mại dâm; 1 đối tượng có nghi vấn môi giới mại dâm; số nhân viên nghi vấn liên quan đến hoạt động mại dâm 38 người.

Trước thực trạng đó, nhằm đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và người dân về phòng, chống tệ nạn xã hội nói chung, và tệ nạn mại dâm nói riêng. Tỉnh đã xây dựng kế hoạch phối hợp với các cơ quan truyền thông của tỉnh, của Trung ương triển khai công tác tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước trong công tác phòng, chống HIV/AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm.

Hoạt động truyền thông được triển khai thông qua nhiều hình thức, như: Tuyên truyền trực tiếp, tuyên truyền lưu động, tập huấn, đưa tin bài trên phương tiện thông tin đại chúng và phát hành các ấn phẩm... Nội dung tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước về công tác phòng, chống mại dâm; tác hại của mại dâm; xây dựng xã, phường, thị trấn lành mạnh không có tệ nạn xã hội...

Qua đó nâng cao nhận thức của người dân, huy động sự tham gia của các cấp ủy đảng, chính quyền và các tầng lớp nhân dân về phòng, chống, góp phần làm giảm lây nhiễm HIV/AIDS, tệ nạn mại dâm, ma túy trên địa bàn tỉnh.

Với những giải pháp đồng bộ, cụ thể và sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, các ngành, địa phương sẽ hạn chế thấp nhất tệ nạn mại dâm hoạt động và phát sinh thêm, góp phần bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.
Top