Hải quan lật tẩy nhiều thủ đoạn buôn lậu ma túy vào Việt Nam

09/11/2021 09:54

(Chinhphu.vn) - Các đối tượng nuốt các viên ma túy đã được tráng nhôm nhằm kéo dài thời gian bảo quản trong cơ thể để vận chuyển qua nhiều nước. Thậm chí, dùng dẫn xuất của một chất ma túy phối trộn tạo ra viên nén để sử dụng, sau khi uống viên nén này vào cơ thể người sẽ chuyển hóa, giải phóng ra chất ma túy... Đây là những thủ đoạn rất mới của các đối tượng để vận chuyển trái phép chất ma túy vào Việt Nam.

Lực lượng chức năng phát hiện 40 kg ma túy trong 30 tấn đá granit chuẩn bị xuất sang Hàn Quốc vào tháng 7/2020 tại cảng Cát Lái

Theo Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan), hoạt động buôn bán, vận chuyển trái phép các chất ma túy của các đối tượng trong địa bàn kiểm soát hải quan vẫn diễn biến hết sức tinh vi, khó lường. Trao đổi với Báo điện tử Chính phủ, Bà Đoàn Thu Ngân, Trưởng phòng Kiểm soát ma túy, Cục Điều tra chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan đã chỉ ra một số thủ đoạn chính của tội phạm ma túy trong thời gian gần đây.

Tội phạm lợi dụng chính sách tạo thuận lợi trong thực hiện thủ tục hải quan

Bà Đoàn Thu Ngân cho biết, nếu trước đây các đối tượng chủ yếu chọn phương thức vận chuyển qua đường mòn, lối mở thì nay một mặt vẫn sử dụng phương thức qua đường mòn, lối mở ở những vùng rừng núi biên giới hẻo lánh, mặt khác các đối tượng người nước ngoài (Đài Loan, Trung Quốc, Hàn Quốc…) sang Việt Nam mở các công ty bình phong xuất, nhập khẩu, thuê các kho hàng và chỉ đạo người Lào, Thái Lan, Việt Nam ở vùng biên giới vận chuyển ma túy tổng hợp, heroin, từ vùng “Tam giác vàng” đi vào Việt Nam qua đường mòn tiểu ngạch biên giới, bí mật tập kết về kho hàng của các công ty bình phong tại tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Thành phố Hồ Chí Minh.

Sau đó chúng cất giấu vào container sắt thép phế thải, thức ăn chăn nuôi, hạt nhựa, đưa vào khoang rỗng của trục rulo máy ép bao bì, lốc máy ô tô cũ, cất giấu trong các loa thùng, đế giày dép, vật liệu xây dựng…để xuất khẩu trên các tuyến Việt Nam - Philippines; Việt Nam - Đài Loan (Trung Quốc); Việt Nam - Australia, Hàn Quốc.

Tội phạm ma túy tiếp tục lợi dụng sự thông thoáng của hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa bằng container tuyến đường biển để vận chuyển ma túy. Các đối tượng chủ hàng không trực tiếp đứng ra làm thủ tục xuất nhập khẩu mà lựa chọn các các doanh nghiệp chưa từng vi phạm pháp luật về hải quan làm hợp đồng ủy thác xuất, nhập khẩu hàng hóa lòng vòng qua nhiều công ty khác nhau, thậm chí sử dụng công ty “ma” không có trong thực tế để thực hiện xuất nhập khẩu các container có cất giấu ma túy đi và đến Việt Nam. Vì vậy, số lượng ma túy vận chuyển ở mỗi đường dây không còn nhỏ lẻ như trước mà lên đến hàng trăm, thậm chí hàng nghìn kg.

Một thủ đoạn khác là các đối tượng nhập khẩu máy móc về Việt Nam rồi gia cố, thiết kế lại các bộ phận, tạo các ngăn giả bên trong máy để giấu ma túy nhằm đối phó sự kiểm tra, kiểm soát của các lực lượng chức năng tại cửa khẩu hoặc cố tình vận chuyển hàng đến cửa khẩu để xuất đi nước ngoài sát giờ tàu chạy nhằm tạo áp lực cho hải quan nếu mở kiểm tra sẽ bị trễ chuyến, bồi thường.

Đối với loại hình hàng hoá, phương tiện quá cảnh và tạm nhập - tái xuất, tội phạm ma tuý thường lợi dụng chính sách quản lý hải quan đối với hàng quá cảnh là chỉ giám sát hàng hóa từ cửa khẩu nhập đến cửa khẩu xuất, không kiểm tra hải quan để cất giấu ma túy trong hàng hóa do các phương tiện quá cảnh chuyên chở, nhất là các phương tiện container) nhằm trốn tránh sự kiểm soát của các lực lượng chức năng.

Đối với hàng hóa gửi theo đường bưu điện, chuyển phát nhanh, các tổ chức tội phạm ma túy triệt để lợi dụng chính sách tạo thuận lợi trong thực hiện thủ tục hải quan, thông quan điện tử đối với hàng hóa, bưu phẩm, bưu kiện xuất nhập khẩu để vận chuyển ma túy với các phương thức, thủ đoạn thường sử dụng như: Khai tên, địa chỉ người gửi, người nhận không rõ ràng, khai báo sai tên hàng, ngụy trang ma túy vào hàng hóa như pha, tẩm tiền chất và ma túy vào các loại đồ uống, hóa mỹ phẩm, nước hoa, các loại thực phẩm phổ biến như bánh kẹo, thuốc lá, chè khô, cà phê; sử dụng các loại vỏ bao bì đựng thuốc tân dược, thực phẩm chức năng, thức ăn cho chó, mèo; hoặc gia công cất giấu giữa các cạnh, vách thùng bao bì hàng hóa, trong các quyển sách, bìa album, tranh ảnh, máy móc, thú nhồi bông, trong ruột của máy hát đĩa...

Đặc biệt, gần đây các đối tượng ở một số nước sử dụng cần sa hợp pháp như Canada, Mỹ... đã gửi cần sa qua đường chuyển phát nhanh với thủ đoạn chia nhỏ thành nhiều gói, có trọng lượng dưới 1 kilogam và ghi tên người nhận khác nhau nhằm mục đích không bị xử lý hình sự nếu bị phát hiện.

 Lực lượng Hải quan, Công an kiểm tra tang vật ma túy được giấu trong vỏ bao bì thuốc tân dược, thực phẩm chức năng

Đối với hành lý mang theo người làm thủ tục xuất nhập cảnh, trên tuyến đường hàng không, các tổ chức tội phạm ma túy thường lợi dụng chính sách tạo thuận lợi trong hoạt động xuất nhập khẩu, xuất nhập cảnh để vận chuyển ma túy với các phương thức, thủ đoạn thường sử dụng như: ngụy trang ma túy vào hàng hóa, hành lý; thuê hành khách nhập cảnh vận chuyển ma túy từ Campuchia vào Việt Nam giao cho đối tượng tại Thành phố Hồ Chí Minh.

“Liều lĩnh hơn, các đối tượng đã sử dụng thủ đoạn mới, nuốt các viên ma túy đã được tráng nhôm nhằm kéo dài thời gian bảo quản trong cơ thể để vận chuyển qua nhiều nước, qua mắt các lực lượng chức năng”, bà Đoàn Thu Ngân cho hay.

Trên tuyến đường bộ, tội phạm thường trực tiếp thực hiện và thuê cư dân biên giới, các đối tượng lao động tự do thường xuyên qua lại hai bên biên giới, thăm thân, du lịch để vận chuyển ma túy được cất giấu tinh vi bên trong các vali, túi xách được thiết kế hai đáy, gia cố cất giấu giữa các cạnh, vách thùng đựng hàng hóa; cất giấu trong hàng tạp hóa, tượng, tranh sơn dầu, loa thùng...

Cũng theo bà Đoàn Thu Ngân, hiện có hàng trăm chất, tiền chất ma túy đã được kiểm soát tại Việt Nam nhưng vẫn liên tục xuất hiện những chất mới có tác dụng tương tự, thậm chí hoạt lực còn mạnh hơn nhiều. Đáng lo ngại hơn, khi xuất hiện một chất ma túy mới bị phát hiện được đưa vào diện kiểm soát thì liên tục xuất hiện những chất mới có tính năng tác dụng tương tự thay thế, điển hình là nhóm ma túy loại cần sa tổng hợp.

Bên cạnh đó còn xuất hiện thủ đoạn rất tinh vi của tội phạm ma túy là dùng dẫn xuất của một chất ma túy phối trộn tạo ra viên nén để sử dụng, sau khi uống viên nén này vào cơ thể người sẽ chuyển hóa, giải phóng ra chất ma túy.

Đơn cử như việc lực lượng chức năng đã tìm thấy chất Acetylpsilocine (không có trong danh mục chất ma túy tại Việt Nam) là dẫn xuất của Psilocine trong viên nén, khi uống vào cơ thể sẽ chuyển hóa và giải phóng ra chất Psilocine có tác dụng gây tác dụng ảo giác mạnh (Psilocine là chất có trong danh mục chất ma túy tại Việt Nam).

Tăng cường cảnh báo nghiệp vụ, đào tạo

Để giải quyết thực trạng trên, ngành Hải quan luôn xác định công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm mua bán, vận chuyển ma tuý qua biên giới là một trong những nhiệm vụ trọng tâm gắn liền với việc tạo thuận lợi cho các hoạt động thương mại xuất khẩu, nhập khẩu.

Trong thời gian qua, ngành Hải quan đã triển khai quyết liệt nhiều giải pháp từ cấp Tổng cục đến cấp Cục Hải quan tỉnh, thành phố, trong đó có việc tăng cường công tác cảnh báo nghiệp vụ, đào tạo và tuyên truyền phòng, chống ma túy.

Thông qua công tác theo dõi, tổng hợp tình hình và trao đổi thông tin tài liệu trong và ngoài ngành, trong và ngoài nước về hoạt động của tội phạm ma túy trong lĩnh vực Hải quan, từ tháng 01/2016 đến tháng 7/2021, Tổng cục Hải quan đã ban hành 17 công văn cảnh báo, hướng dẫn về việc tăng cường công tác phòng, chống buôn bán, vận chuyển ma tuý qua biên giới và tăng cường công tác kiểm soát hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu tiền chất.

Công tác cảnh báo và hướng dẫn đã kịp thời cập nhật tình hình, phương thức, thủ đoạn, tuyến đường, các loại ma túy mới, hướng dẫn các biện pháp, phương án để các đơn vị trong Tổng cục chủ động phát hiện, bắt giữ các vụ buôn bán, vận chuyển ma tuý qua biên giới.

Trong giai đoạn 2017-2020, Tổng cục Hải quan đã giao Cục Điều tra chống buôn lậu xây dựng kế hoạch phối hợp với các ngành chuyên môn của Cục Hóa chất, Bộ Công Thương; Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế; Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, Bộ Công an tổ chức 15 lớp đào tạo, tập huấn nghiệp vụ cơ bản về công tác đấu tranh phòng, chống ma túy nhằm nâng cao nhận thức, trình độ nghiệp vụ cho toàn thể cán bộ, công chức Hải quan đang làm nhiệm vụ tại các khâu nghiệp vụ Hải quan và đào tạo chuyên sâu về nghiệp vụ kiểm soát ma túy cho lực lượng chuyên trách phòng, chống ma túy.

Tổng cục Hải quan cũng thường xuyên tuyên truyền, giáo dục cho cán bộ, công chức toàn ngành Hải quan nhận thức đầy đủ về tác hại của ma túy và tệ nạn ma túy; tích cực tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân trong khu vực, đặc biệt là cư dân sinh sống trong địa bàn cửa khẩu không tham gia buôn bán, vận chuyển trái phép hoặc che giấu tội phạm ma túy, tự giác tố giác tội phạm về ma túy...

Top