Bộ Y tế: Cẩn trọng với 20 bệnh nền tăng nặng khi mắc COVID-19

24/08/2021 11:02

Bộ Y tế vừa đưa ra 20 bệnh nền có nguy cơ gia tăng mức độ nặng khi mắc COVID-19. Trong đó có lưu ý đối với người nhiễm HIV/AIDS.

Ảnh minh họa

Cụ thể 20 bệnh nền gồm: Đái tháo đường; Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và các bệnh phổi khác; Ung thư (đặc biệt là các khối u ác tính về huyết học, ung thư phổi và bệnh ung thư di căn khác); Bệnh thận mạn tính; Ghép tạng hoặc cấy ghép tế bào gốc tạo máu; Béo phì, thừa cân; Bệnh tim mạch (suy tim, bệnh động mạch vành hoặc bệnh cơ tim); Bệnh lý mạch máu não; Hội chứng Down; HIV/AIDS; Bệnh lý thần kinh (bao gồm cả chứng sa sút trí tuệ); Bệnh hồng cầu hình liềm, bệnh thalassemia, bệnh huyết học mạn tính khác; Hen phế quản; Tăng huyết áp; Thiếu hụt miễn dịch; Bệnh gan; Rối loạn do sử dụng chất gây nghiện; Đang điều trị bằng thuốc corticosteroid hoặc các thuốc ức chế miễn dịch khác; Các bệnh hệ thống; Bệnh lý khác đối với trẻ em như: tăng áp phổi nguyên hoặc thứ phát, bệnh tim bẩm sinh, rối loạn chuyển hóa di truyền bẩm sinh, rối loạn nội tiết bẩm sinh-mắc phải.

Bộ Y tế yêu cầu những người nhiễm COVID-19 theo dõi sức khỏe tại nhà hằng ngày cần thường xuyên quan tâm về các chỉ số: Nhịp thở, mạch, nhiệt độ, SpO2 (nếu có thể) và huyết áp (nếu có thể). Các triệu chứng: Mệt mỏi, ho, ho ra đờm, ớn lạnh/gai rét, viêm kết mạc (mắt đỏ), mất vị giác hoặc khứu giác, tiêu chảy (phân lỏng/đi ngoài); Ho ra máu, thở đốc hoặc khó thở, đau tức ngực kéo dài, lơ mơ, không tỉnh táo; Các triệu chứng khác như: Đau họng, nhức đầu, chóng mặt, chán ăn, buồn nôn và nôn, đau nhức cơ,…

Đặc biệt, Bộ Y tế lưu ý, khi phát hiện bất cứ một trong các dấu hiệu dưới đây phải báo cáo ngay với cơ sở quản lý người nhiễm COVID-19 tại nhà; trạm y tế xã, phường; hoặc trạm y tế lưu động, Trung tâm vận chuyển cấp cứu,… để được xử trí cấp cứu và chuyển viện kịp thời.

Những người nhiễm COVID-19 chăm sóc, điều trị tại nhà nên nghỉ ngơi, vận động thể lực nhẹ (phù hợp với tình trạng sức khỏe); tập thở ít nhất 15 phút mỗi ngày; Uống nước thường xuyên, không đợi đến khi khát mới uống nước; Không bỏ bữa; Tăng cường dinh dưỡng: ăn đầy đủ chất, ăn trái cây, uống nước hoa quả… và suy nghĩ tích cực, duy trì tâm lý thoải mái.

Theo Bộ Y tế, trong bối cảnh tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp tại TPHCM và một số tỉnh, thành phố phía Nam, việc giúp người bệnh được tiếp cận y tế một cách nhanh chóng, chủ động, từ đó góp phần giảm tải trong điều trị, giảm tử vong là yêu cầu được đặt lên hàng đầu.

Để điều trị F0 tại nhà, Bộ Y tế đã đồng ý để triển khai chương trình thí điểm phát thuốc kháng virus Molnupiravir cho F0 tại nhà ở TPHCM dự kiến triển khai vào ngày 25/8. Cùng với đó Bộ Y tế đã hướng dẫn thiết lập mô hình trạm y tế lưu động tại TPHCM. Khoảng 400 trạm y tế lưu động sẽ được thiết lập tại TPHCM để quản lý, điều trị F0 tại nhà.

Đối với người nhiễm HIV/AIDS

Vào đầu tháng 7/2021, báo cáo mới của WHO xác nhận rằng, nhiễm HIV là một yếu tố nguy cơ độc lập đáng kể đối với cả COVID-19 nặng/nguy kịch và tử vong khi nhập viện.

Nhìn chung, gần một phần tư (23,1%) tổng số người nhiễm HIV trên thế giới nhập viện với COVID-19 đã tử vong.

Nguy cơ phát triển COVID-19 nghiêm trọng hoặc tử vong ở người nhiễm HIV cao hơn 30%.

Báo cáo dựa trên dữ liệu giám sát lâm sàng từ 37 quốc gia về nguy cơ kết quả COVID-19 xấu ở những người nhiễm HIV (PLHIV) nhập viện do COVID-19; phát hiện ra rằng nguy cơ phát triển COVID-19 nghiêm trọng hoặc tử vong ở người có HIV cao hơn 30% so với những người không bị nhiễm HIV. Những bệnh lý tiềm ẩn như tiểu đường và tăng huyết áp thường gặp ở những người có HIV.

Ở nam giới có HIV trên 65 tuổi, bệnh tiểu đường và tăng huyết áp có liên quan đến việc tăng nguy cơ mắc bệnh COVID-19 nghiêm trọng và tử vong. Những điều kiện này cũng đã được biết yếu tố nguy cơ mắc bệnh nặng và tử vong cao hơn.

Điều này nhấn mạnh người nhiễm HIV cần thực hành các biện pháp giúp sống khỏe nhất có thể, như: Thường xuyên tiếp cận và uống thuốc ARV; ngăn ngừa và quản lý các bệnh lý tiềm ẩn. Điều này cũng có nghĩa là những người nhiễm HIV (không phụ thuộc vào tình trạng miễn dịch của họ), nên được ưu tiên tiêm chủng ở hầu hết các cơ sở. Một cuộc thăm dò không chính thức của WHO cho thấy trong số 100 quốc gia có thông tin, 40 quốc gia đã ưu tiên người có HIV tiêm chủng COVID-19.

Phân tích được thông báo bằng dữ liệu từ Nền tảng lâm sàng toàn cầu của WHO về COVID-19, thu thập dữ liệu lâm sàng ở cấp độ cá nhân và mô tả đặc điểm COVID-19 trong số những người nhập viện vì nghi ngờ hoặc xác nhận nhiễm SARS-CoV-2 trên toàn cầu.

Người nhiễm HIV cần thực hành các biện pháp giúp mình khỏe mạnh nhất

Tới đây, WHO cũng sẽ công bố Hướng dẫn cập nhật về dự phòng, xét nghiệm, điều trị, cung cấp và giám sát dịch vụ HIV. Các hướng dẫn này gồm hơn 200 khuyến nghị được cung cấp thông tin bằng chứng và các tuyên bố thực hành tốt để đáp ứng sức khỏe cộng đồng đối với việc phòng ngừa, xét nghiệm và điều trị những người nhiễm HIV.

Những khuyến nghị này giúp đảm bảo rằng những người nhiễm HIV có thể bắt đầu và tiếp tục điều trị trong thời gian dịch vụ bị gián đoạn do hậu quả của đại dịch COVID-19.

TS. Meg Doherty, Giám đốc Chương trình Toàn cầu về HIV, Viêm gan và STI của WHO cho biết, báo cáo này có ý nghĩa chính sách quan trọng - cung cấp dữ liệu để xác nhận rằng HIV là nguy cơ dẫn đến kết quả xấu do COVID-19 và làm tăng tính cấp thiết để tất cả những người có HIV được điều trị và tiếp cận với tiêm chủng COVID-19.

HIV tiếp tục là một vấn đề sức khỏe cộng đồng toàn cầu lớn, đã cướp đi sinh mạng của 34,7 triệu người cho đến nay. Để đạt được các mục tiêu 95-95-95 toàn cầu mới do UNAIDS đề ra, các quốc gia cần nỗ lực gấp đôi để tránh gia tăng các ca nhiễm HIV do gián đoạn dịch vụ HIV trong COVID-19, do đó làm chậm phản ứng của y tế công cộng đối với HIV.

Top