TPHCM: Tình hình người nghiện, người sử dụng ma túy chưa có chuyển biến tích cực

07/12/2021 10:17

(Chinhphu.vn) - Theo UBND TPHCM, mặc dù triển khai nhiều giải pháp nhưng tình hình người nghiện, người sử dụng ma túy trên địa bàn TPHCM chưa có dấu hiệu chuyển biến tích cực. Tính đến tháng 10/2021, Thành phố có 28.226 người nghiện có hồ sơ quản lý (tăng 0,82% so với cuối năm 2020).

Các học viên tại một cơ sở cai nghiện tại TPHCM sát khuẩn tay phòng chống dịch COVID-19

Trong đó, 12.724 người đang cai nghiện tại các cơ sở cai nghiện, các cơ sở xã hội do Sở LĐTB&XH và Lực lượng Thanh niên xung phong quản lý; 648 người đang ở tại trại tạm giam, các nhà tạm giữ; 14.854 người đang sinh sống tại cộng đồng.

Trước thực trạng tội phạm và tệ nạn ma túy trên địa bàn TPHCM diễn biến phức tạp, trở thành “điểm nóng” ma túy của Việt Nam trong thời gian qua, UBND TPHCM đã giao Công an Thành phố chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan rà soát, nghiên cứu và tham mưu xây dựng Đề án “Nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống ma túy trên địa bàn Thành phố giai đoạn 2020 - 2030” để quyết liệt đấu tranh, huy động hệ thống chính trị tham gia phòng, chống tội phạm và tệ nạn ma túy trên địa bàn Thành phố.

Sau khi thực hiện Đề án, với những giải pháp đã triển khai và do thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 tạm ngừng các hoạt động vui chơi giải trí, các tụ điểm dễ phát sinh tội phạm và tệ nạn ma túy (quán bar, vũ trường, karaoke...), tình hình tội phạm và tệ nạn ma túy trên địa bàn TPHCM có chiều hướng giảm về số vụ và số đối tượng bị bắt giữ (giảm 414 vụ, 2.072 đối tượng so với cùng kỳ năm 2020).

Tuy nhiên, tình hình tội phạm ma túy vẫn còn tiềm ẩn nhiều diễn biến phức tạp trên các tuyến, địa bàn trọng điểm. Hình thức tổ chức sử dụng, chứa chấp, lôi kéo người khác sử dụng trái phép các chất ma túy tổng hợp tại các cơ sở kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự, dịch vụ nhạy cảm được chuyển hướng tới các căn hộ chung cư, biệt thự biệt lập để qua mặt lực lượng chức năng.

Đáng chú ý, trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội trên địa bàn Thành phố, các đối tượng tiếp tục dùng thủ đoạn lợi dụng việc xuất, nhập khẩu hàng hóa để cất giấu ma túy ngụy trang trong các kiện hàng hóa nhập khẩu từ nước ngoài trung chuyển về TPHCM để vận chuyển đi các nước, trọng điểm là tại khu vực Cảng Cát Lái và sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất. Ngoài ra, đã xuất hiện thủ đoạn lợi dụng phương tiện vận tải “luồng xanh” để cất giấu, vận chuyển ma túy từ Campuchia về TPHCM tiêu thụ, lợi dụng không gian mạng Internet để mua bán trái phép chất ma túy...

Trong 10 tháng năm 2021, Công an TPHCM đã phát hiện, điều tra khám phá 1.149 vụ liên quan đến ma túy, giảm 414 vụ (tương ứng giảm 26,49%) so với cùng kỳ năm 2020, bắt 2.044 đối tượng, giảm 2.072 đối tượng (tương ứng giảm 50,34%) so với cùng kỳ năm 2020; khởi tố 982 vụ, 1.072 bị can; xử lý hành chính 163 vụ, 968 đối tượng; thu giữ khoảng 101kg heroin; 3 kg cocaine; 118kg cần sa; 720 kg ma túy tổng hợp; 215,715 g Diazepam; 0,55g Nimetazepam; 1.251 bình “nước vui”; 2.000 gói “đông trùng”; 8  kg chất phức tạp cùng một số công cụ phương tiện hoạt động phạm tội có liên quan.

UBND TP đã chỉ đạo Công an Thành phố và các Tổ kiểm tra liên ngành 814 đã kiểm tra 220 cơ sở kinh doanh có điều kiện về an ninh trật tự; phát hiện, xử lý 770 đối tượng mua bán, tàng trữ, tổ chức sử dụng và sử dụng trái phép chất ma túy, trong đó, đã khởi tố 65 đối tượng có hành vi mua bán, tàng trữ, tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy; xử lý hành chính 527 trường hợp sử dụng trái phép chất ma túy; đưa đi cai nghiện bắt buộc 162 trường hợp; thu giữ 10g Heroine; 2,545kg MTTH cùng nhiều công cụ, phương tiện có liên quan.

Các cơ sở cai nghiện đã chủ động xây dựng kế hoạch, phương án đảm bảo công tác an ninh trật tự, phòng chống dịch bệnh COVID-19 tại đơn vị. Trong các đợt bùng phát dịch bệnh COVID-19 chỉ có 01 cơ sở cai nghiện ma túy Bố Lá có người nghiện bị nhiễm COVID-19. Hiện nay tình hình an ninh trật tự tại các cơ sở cai nghiện luôn được giữ vững, công tác phòng, chống dịch bệnh đã được ngăn chặn và kiểm soát.

Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện một số nội dung của Đề án vẫn còn hạn chế. Tại một số địa phương thiếu sự phân công, phối hợp chặt chẽ giữa các ngành, các cấp và các đoàn thể; công tác phối hợp quản lý, giáo dục của nhà trường, gia đình chưa được quan tâm đúng mức làm cho đạo đức một bộ phận thanh thiếu niên xuống cấp dẫn đến dễ vướng vào tệ nạn ma túy.

Công tác điều trị thay thế bằng Methadone và Suboxone hiện nay chỉ có tác dụng đối với người nghiện ma túy gốc Opiate, nhưng ngành y tế chưa đánh giá được thực trạng hiệu quả mô hình điều trị thay thế bằng Methadone và Suboxone trên địa bàn thành phố trong thời gian qua.

Công tác đấu tranh chuyển hóa địa bàn trọng điểm có lúc, có nơi còn chưa quyết liệt, triệt để, tình hình mua bán, sử dụng ma túy vẫn tái diễn. Công tác phối hợp lập hồ sơ quản lý đối tượng nghiện ma túy theo các Nghị định của Chính phủ hiệu quả chưa cao, còn nhiều đối tượng nghiện, sử dụng ma túy chưa bị phát hiện và chưa có hồ sơ quản lý. Người nghiện ma túy tổng hợp ngày càng gia tăng, thường bị loạn thần, hoang tưởng, gây khó khăn trong công tác quản lý; ngành LĐTB&XH chưa tổng kết, đánh giá thực trạng các mô hình tổ chức cai nghiện tại gia đình và cộng đồng, cai nghiện bắt buộc tại cộng đồng, cai nghiện tập trung tại các cơ sở cai nghiện bắt buộc.

Ngoài ra, công tác cai nghiện ma túy tại gia đình, tại cộng đồng còn hạn chế, bất cập; môi trường tại cộng đồng còn nhiều phức tạp, không đảm bảo các điều kiện thuận lợi để người nghiện ngưng sử dụng ma túy và tiến đến cai nghiện thành công...

Top