Bảo đảm quyền con người, tạo điều kiện tốt nhất cho học viên cai nghiện

10/06/2019 13:08

Tại Việt Nam, người cai nghiện được bảo đảm thực hiện đầy đủ các quyền và trách nhiệm theo quy định của pháp luật, như: Chỗ ở phù hợp, đủ tiện nghi sinh hoạt; bố trí khu ở riêng cho nam, nữ, người chưa thành niên; được đón thân nhân thăm gặp; được tham gia các hoạt động văn hóa, thể thao, được phép có khiếu nại/góp ý kiến đối với cơ sở và các cá nhân có liên quan... Bên cạnh đó, Chính phủ đã có nghị định quy định trách nhiệm của các cơ sở trong tổ chức dạy nghề, hướng nghiệp cho các đối tượng trong thời gian cai nghiện. Mọi hành vi vi phạm thân thể, sức khỏe, danh dự và nhân phẩm của người cai nghiện tại cơ sở đều bị pháp luật nghiêm cấm.

Hiện nay, cai nghiện ma túy tại các cơ sở cai nghiện ma túy bao gồm 2 hình thức là cai nghiện tự nguyện và cai nghiện bắt buộc. Đối với những người chưa thành niên cai nghiện theo hình thức tự nguyện phải có sự đồng ý của cha mẹ hoặc người giám hộ. Cai nghiện bắt buộc tại cơ sở được áp dụng đối với người nghiện đã lệ thuộc quá nhiều vào ma túy, đã cai nghiện tại gia đình, cộng đồng hoặc đã cai nghiện tự nguyện tại cơ sở nhưng không có kết quả, tái nghiện nhiều lần.

Trước một số thông tin cho rằng, cuộc sống của người cai nghiện ở Việt Nam "hoàn toàn không có nhân quyền”, đang bị giam giữ ngoài ý muốn, phải lao động mỗi ngày… Nhân Tháng hành động phòng chống ma tuý (1-30/6), để thông tin một cách đầy đủ về chính sách của Đảng và Nhà nước đối với người cai nghiện tại các cơ sở cai nghiện, phóng viên có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Xuân Lập, Cục trưởng Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội (Bộ LĐTB&XH).

Ông Nguyễn Xuân Lập, Cục trưởng Cục Phòng chống tệ nạn xã hội (Bộ LĐTB&XH). Ảnh: Hoàng Anh

Hiện nay, có một số thông tin thiếu thiện chí về các chính sách nhân đạo của Nhà nước Việt Nam đối với người nghiện ma túy cũng như sự đầu tư, quan tâm của Nhà nước trong nâng cấp, cải thiện cơ sở vật chất, phác đồ điều trị giúp người nghiện ma túy có điều kiện tốt hơn khi cai nghiện. Xin ông cho biết về chính sách của Việt Nam đối với những người cai nghiện ma tuý hiện nay như thế nào?

Ông Nguyễn Xuân Lập: Trong thời gian vừa qua, công tác phòng chống ma túy tại Việt Nam hết sức khó khăn, phức tạp. Đối tượng buôn bán, sản xuất và vận chuyển ma túy có dấu hiệu đáng báo động. Điển hình như vừa qua, các lực lượng chức năng nước ta đã bắt được nhiều vụ vận chuyển ma tuý với số lượng lên đến hàng tấn. Đối tượng phạm tội về ma túy rất manh động, thậm chí sử dụng nhiều loại vũ khí nóng để chống trả lại lực lượng chức năng. Nhiều chiến sĩ Công an, biên phòng đã hy sinh trên mặt trận đấu tranh với tội phạm ma tuý.

Về vấn đề cai nghiện và chính sách cai nghiện, có thể khẳng định Đảng, Chính phủ, cấp ủy và chính quyền các địa phương hết sức quan tâm đến việc nghiên cứu, ban hành, triển khai thực hiện các chính sách đối với người cai nghiện ma túy tại các cơ sở cai nghiện do nhà nước hoặc tư nhân quản lý. Cụ thể, về chế độ trực tiếp với người nghiện ma túy, trong đó có chế độ hỗ trợ sinh hoạt hàng tháng ở trong cơ sở cai nghiện bắt buộc rất cải thiện. Trước năm 2014, chế độ này còn hạn chế do tình hình kinh tế-xã hội chung của đất nước, tuy nhiên, sau 2015, chúng tôi đã sửa đổi, bổ sung thêm các chế độ, chính sách cho các đối tượng trong các cơ sở cai nghiện ma túy.

Theo Nghị định 136/2016/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 221/2013/NĐ-CP ngày 30/12/2013 của Chính phủ quy định chế độ áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, định mức tiền ăn hàng tháng của học viên là 0,8 mức lương cơ sở. Ngày lễ, Tết dương lịch, Tết nguyên đán, học viên có chế đố ăn thêm; chế độ ăn đối với học viên bị ốm; hỗ trợ tiền chăn, màn, chiếu, gối, quần áo, đồ dùng sinh hoạt cá nhân…

Bên cạnh đó, đối tượng cai nghiện tự nguyện do bản thân, gia đình đưa vào các cơ sở này cũng được hỗ trợ bằng 70% so với đối tượng cai nghiện bắt buộc. Các đối tượng cai nghiện tự nguyện tại cơ sở cai nghiện do tư nhân quản lý cũng được thí điểm hỗ trợ phần kinh phí này.

Đối với những người cai nghiện tại gia đình, cộng đồng cũng được Đảng và Chính phủ quan tâm. Tới đây, chúng tôi tiếp tục sửa đổi Luật Phòng chống ma túy, Luật Xử lý vi phạm hành chính và các chính sách có liên quan để tạo điều kiện chính sách tốt hơn cho đối tượng cai nghiện tại gia đình cộng đồng với phương châm: Hỗ trợ cơ sở y tế của cấp xã; hỗ trợ cán bộ tham gia công tác cai nghiện tại địa phương, tập huấn đào tạo để họ có kỹ năng, phương pháp tiếp cận, hỗ trợ người nghiện.

Có thể khẳng định là kể cả đối tượng cai nghiện tại cơ sở hoặc cai nghiện tại cộng đồng đều được ngành LĐTB&XH quan tâm, tư vấn chống tái nghiện, dạy nghề tạo việc làm để họ có việc làm ổn định trở thành công dân tốt cho xã hội. Các chính sách trực tiếp và gián tiếp giúp họ sớm hòa nhập với cộng đồng xã hội.

Như ông đã nói ở trên, tại các cơ sở cai nghiện đang tiến hành lao động trị liệu, dạy nghề, hướng nghiệp cho học viên. Tuy nhiên, một số ý kiến lại cho rằng các cơ sở cai nghiện đang lợi dụng, cưỡng bức sức lao động của người cai nghiện. Ông đánh giá như thế nào về ý nghĩa, vai trò của việc hướng nghiệp, tạo điều kiện cho người cai nghiện học nghề tại các cơ sở cai nghiện?

Ông Nguyễn Xuân Lập: Trong thời gian qua, một số tổ chức quốc tế do chưa tìm hiểu đầy đủ thông tin và chính sách pháp luật tại Việt Nam nên đã cho rằng các cơ sở cai nghiện cưỡng bức lao động và vi phạm nhân quyền.

Chúng tôi đã có các cuộc trao đổi với Tổ chức dân chủ, nhân quyền và lao động của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ và nhiều tổ chức quốc tế như Cơ quan phòng chống ma tuý và tội phạm của Liên Hợp Quốc (UNODC), Chương trình phối hợp của Liên Hợp Quốc về AIDS (UNAIDS), Cơ quan quản lý các dịch vụ điều trị nghiện chất và sức khoẻ tâm thần (SAMHSA)… cũng như các tổ chức quốc tế khác. Chúng tôi khẳng định Việt Nam không vi phạm nhân quyền và không vi phạm tất cả các công ước mà Việt Nam đã tham gia, ký kết.

Chúng tôi luôn hoan nghênh và đón tiếp tất cả các đoàn đến tìm hiểu, xem quá trình chúng tôi thực hiện quy định của pháp luật Việt Nam đối với những người cai nghiện ở trong các cơ sở này kể cả đối tượng cai nghiện tự nguyện và bắt buộc.

Lao động trị liệu đối với học viên tại cơ sở cai nghiện nhằm mục đích trị liệu, giúp học viên nhận thức được giá trị của lao động, rèn luyện tay nghề và phục hồi kỹ năng lao động đã bị suy giảm do nghiện ma túy.

Theo Nghị định 136, học viên được nghỉ lao động trị liệu trong các ngày thứ bảy, chủ nhật, ngày lễ, tết theo quy định của pháp luật. Thời gian lao động trị liệu của học viên không quá 04 giờ/ngày. Không tổ chức lao động trị liệu cho học viên trong thời gian cắt cơn giải độc. Học viên tham gia lao động trị liệu được phân công công việc phù hợp với sức khỏe, độ tuổi và giới tính.

Học viên có nhu cầu và tự nguyện lao động để có thu nhập thì cơ sở cai nghiện tổ chức cho học viên lao động, việc tổ chức lao động phải tuân thủ các quy định của pháp luật về lao động. Học viên tham gia lao động trị liệu, lao động tự nguyện được hưởng thành quả lao động phù hợp với kết quả lao động của họ.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh có lời căn dặn dành cho các cháu nhỏ “tuổi nhỏ làm việc nhỏ, tùy theo sức của mình”. Từ trẻ em cũng tham gia những công việc nhỏ tại gia đình, nhà trường đến các chiến sĩ ở biên giới, hải đảo cũng tăng gia lao động sản xuất thì việc người nghiện vào cơ sở cai nghiện dù tự nguyện hay bắt buộc thì trong một ngày tham gia lao động sản xuất trị liệu với thời lượng 4h/ngày là hoàn toàn hợp lý.

Việc dạy nghề thường được thực hiện theo hình thức vừa học vừa làm, kết hợp với lao động trị liệu, lao động sản xuất nhằm phục hồi chức năng, hoặc khai thác các tiềm năng sẵn có của cơ sở để làm ra các sản phẩm phục vụ sinh hoạt của học viên. Lao động trị liệu tại các cơ sở không phải là lao động sản xuất có tính chất kinh doanh. Sản phẩm từ lao động của học viên chủ yếu góp thêm vào việc cải thiện bữa ăn. Khi tham gia lao động, học viên được trang bị đầy đủ thiết bị, dụng cụ bảo hộ lao động cần thiết và hoàn toàn được hưởng thành quả lao động theo quy định.

Tháng Hành động phòng chống ma túy được triển khai từ ngày 1- 30/6 năm nay có chủ đề “Hãy suy nghĩ trước khi bắt đầu”. Ông có thể chia sẻ về những hoạt động chính của ngành LĐTB&XH trong Tháng hành động phòng chống ma túy năm nay?

Ông Nguyễn Xuân Lập: Chủ đề Tháng hành động phòng chống ma tuý năm nay là “Hãy suy nghĩ trước khi bắt đầu”, nhắc nhở chúng ta đặc biệt là các bạn trẻ trước khi bắt đầu bất cứ một hành động gì cần suy nghĩ đến kết quả, hệ quả của nó. Các bạn hãy nghĩ về những hệ luỵ do ma tuý gây ra cho bản thân, gia đình và xã hội, từ đó có câu trả lời cho chính mình.

Trong lĩnh vực được phân công, Bộ LĐTB&XH tiếp tục phát huy vai trò chủ đạo trong thực hiện Đề án phối hợp truyền thông phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm đến năm 2020; tăng cường quản lý, giám sát người nghiện ma túy, bảo đảm an toàn trong các cơ sở cai nghiện; tổ chức các hoạt động phong trào văn hóa, văn nghệ thể thao hưởng ứng Tháng hành động phòng, chống ma túy tại các cơ sở cai nghiện để nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho các học viên.

Trong Tháng hành động này, chúng tôi cũng đã và đang vận động trong hệ thống ngành LĐTB&XH, đặc biệt là trong các cơ sở cai nghiện ma tuý, yêu cầu các cơ sở tăng cường tuyên truyền về mặt pháp luật cho các học viên.

Đối với ngoài cộng đồng và xã hội, Sở LĐTB&XH các địa phương phối hợp với các ngành, cơ quan truyền thông, chính quyền địa phương tuyên truyền về hiểm họa của ma túy đá, ma túy tổng hợp, đặc biệt đối với thế hệ trẻ để họ không sử dụng. Nếu sử dụng rồi thì được tư vấn, trị liệu và hỗ trợ ban đầu để tránh trường hợp phải đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc…

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Top