Điều trị ARV thông qua BHYT: Bước tiến lớn trong công cuộc phòng, chống AIDS

07/03/2019 11:02

Việc điều trị ARV thông qua BHYT có ý nghĩa như thế nào đối với ngành Y tế nói chung và công cuộc phòng, chống HIV/AIDS Việt Nam nói riêng trong bối cảnh hiện nay? Việc bắt đầu điều trị ARV bằng BHYT cho những bệnh nhân đầu tiên vào ngày mai (8/3) được đồng loạt triển khai trong cả nước là bước tiến lớn trong công tác này.

TS. Hoàng Đình Cảnh, Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) chia sẻ thông tin về ý nghĩa điều trị ARV thông qua BHYT

Để tìm hiểu rõ hơn về những lợi ích, quy trình chuyển đổi và tiến độ cung ứng thuốc ARV qua BHYT cho bệnh nhân, phóng viên Trang tin Tiếng Chuông (Trang tin của UBQG phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm) đã có cuộc phỏng vấn TS. Hoàng Đình Cảnh, Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế).

Việc điều trị ARV thông qua BHYT có ý nghĩa như thế nào trong bối cảnh hiện nay, thưa ông?

TS. Hoàng Đình Cảnh: Điều trị ARV đã triển khai tại Việt Nam hơn 10 năm nay, hầu hết từ nguồn tài trợ quốc tế. Hiện nay, có trên 115 nghìn người nhiễm HIV đang được điều trị ARV và con số này sẽ ngày một tăng. Trong khi đó, nguồn viện trợ đang giảm dần và kết thúc vào năm 2018. Trước bối cảnh đó, Chính phủ đã chủ trương sử dụng BHYT là nguồn thay thế và chỉ đạo các địa phương phải bảo đảm 100% người nhiễm HIV có thẻ BHYT.

Người nhiễm HIV thuộc rất nhiều các đối tượng khác nhau và sẽ tham gia BHYT theo các nhóm đối tượng đã quy định trong Luật BHYT. Tuy nhiên, phần đông người nhiễm HIV thuộc nhóm người không được hỗ trợ của Nhà nước mà phải tham gia BHYT theo hộ gia đình. Các địa phương cân đối kinh phí hỗ trợ cho những đối tượng thuộc hộ cận nghèo, khó khăn để bảo đảm 100% người nhiễm có thẻ BHYT.

Với chủ trương BHYT toàn dân thì việc điều trị ARV thông qua BHYT sẽ khuyến khích mọi người tham gia, trong đó bao gồm cả người nhiễm HIV vì BHYT không chỉ phục vụ khám điều trị HIV/AIDS hay cấp thuốc ARV mà còn để khám và chữa các bệnh khác.

Điều trị ARV là điều trị liên tục và suốt đời. Nếu không tham gia BHYT, người nhiễm HIV sẽ phải chi trả khoản kinh phí lớn hàng năm. Vì vậy, điều trị ARV thông qua BHYT sẽ là nguồn tài chính bền vững để người nhiễm HIV tiếp tục được điều trị với chi phí hợp lý và phù hợp với hầu hết người dân.

Xin ông cho biết tiến độ cung ứng thuốc ARV từ nguồn BHYT điều trị HIV/AIDS?

TS. Hoàng Đình Cảnh: Cung ứng thuốc ARV được hiểu là một chuỗi hoạt động bao gồm từ xác định nhu cầu, đấu thầu mua thuốc, cung ứng thuốc đến cơ sở điều trị, sử dụng thuốc, thanh quyết toán. Các hoạt động này đòi hỏi phải liên hoàn, không được ngắt quãng, vì vậy đây là thách thức lớn đối với các đơn vị y tế trên toàn quốc.

Phác đồ ARV được lựa chọn để mua bằng quỹ BHYT là phác đồ Bậc 1, với những thuốc thông dụng và có sẵn ở Việt Nam. Bộ Y tế đã hướng dẫn, đôn đốc các tỉnh tính toán nhu cầu thuốc ARV BHYT cho năm 2019 để Trung tâm mua sắm tập trung thuốc Quốc gia triển khai mua sắm và sử dụng tại 188 cơ sở điều trị. Trung tâm mua sắm tập trung thuốc Quốc gia làm đầu mối tổ chức đấu thầu thuốc ARV với kết quả tốt, giá cạnh tranh. Thỏa thuận khung đã được ký ngày 26/10/2019 với nhà cung cấp, giao hàng cho các cơ sở điều trị trong tháng 2/2019, theo đúng tiến độ dự kiến.

Trung tâm Giám định BHYT và Thanh toán đa tuyến khu vực phía Bắc đã được Bảo hiểm xã hội Việt Nam chỉ định là đơn vị ký hợp đồng với nhà cung ứng thuốc. Hiện nay Trung tâm Giám định BHYT và Thanh toán đa tuyến khu vực phía Bắc đang tiến hành các thủ tục ký hợp đồng với nhà cung ứng. Các cơ sở điều trị tiếp nhận, quản lý, sử dụng và thanh toán thuốc ARV nguồn BHYT theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

Tư vấn điều trị cho người nhiễm HIV

Về phía cơ sở khám, chữa bệnh đã chuẩn bị như thế nào để chuyển đổi khám và điều trị HIV/AIDS qua BHYT?

TS. Hoàng Đình Cảnh: Để triển khai khám, chữa bệnh từ quỹ BHYT, cơ sở y tế đó phải đủ điều kiện ký hợp đồng với BHXH. Vì vậy, các cơ sở điều trị HIV/AIDS phải được kiện toàn lại. Để thực hiện, Bộ Y tế đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn chuyên môn để hướng dẫn địa phương thực hiện công tác này, đồng thời tổ chức rất nhiều đoàn hỗ trợ kỹ thuật; đôn đốc, theo dõi, giám sát, đánh giá tiến độ thực hiện tại các tỉnh, thành phố. Với sự hỗ trợ kỹ thuật của các dự án, đối tác quốc tế, đến nay hơn 90% cơ sở điều trị HIV/AIDS đã kiện toàn để được ký hợp đồng khám chữa bệnh BHYT, khoảng 85% cơ sở điều trị đã thanh toán ít nhất một dịch vụ từ nguồn quỹ BHYT. Năm 2019, năm đầu tiên sẽ triển khai khám chữa bệnh BHYT ở 188 cơ sở, dự kiến đến hết năm 2019 sẽ có 48.000 bệnh nhân nhận thuốc ARV từ BHYT.

Bộ Y tế đang phối hợp với Bảo hiểm xã hội Việt Nam xây dựng cơ sở dữ liệu bệnh nhân điều trị ARV phục vụ cho việc theo dõi thanh toán thuốc ARV nguồn BHYT và thiết lập hệ thống thông tin quản lý đến từng bệnh nhân tham gia điều trị ARV để tránh tình trạng nhận thuốc nhiều nguồn.

Tiếp tục tuyên truyền, vận động để người nhiễm hiểu và chủ động tham gia BHYT. Hiện Bộ Y tế đã triển khai mạnh mẽ công tác truyền thông bằng các kênh truyền thông trực tiếp và đại chúng nhằm cung cấp thông tin về lợi ích của điều trị ARV, lợi ích của điều trị ARV sớm, lợi ích và quyền lợi khi tham gia BHYT để được điều trị liên tục tới người nhiễm HIV nhằm khuyến khích, vận động người nhiễm HIV tự tham gia BHYT. Các nhân viên y tế đã được cung cấp đầy đủ thông tin về BHYT và điều trị ARV và được tập huấn nhằm tăng cường kỹ năng tư vấn, truyền thông, giáo dục cho người nhiễm HIV tầm quan trọng tham gia BHYT và tự nguyện tham gia BHYT.

Xin ông cho biết những khó khăn và giải pháp chủ yếu trong thực hiện chi trả thuốc ARV qua BHYT cho người nhiễm HIV?

TS. Hoàng Đình Cảnh: Đó chính là khó khăn đồng chi trả thuốc ARV qua BHYT. Theo quy định tại khoản 1 Điều 22 của Luật BHYT năm 2008, người tham gia BHYT phải đồng chi trả chi phí khám chữa bệnh tùy theo các nhóm đối tượng tham gia BHYT. Do đó, người nhiễm HIV có thẻ BHYT có trách nhiệm cùng chi trả tiền thuốc ARV theo quy định. Tuy nhiên, việc cùng chi trả là rất khó khăn cho người nhiễm HIV. Hầu hết bệnh nhân HIV/AIDS đều ở mức thu nhập thấp. Điều trị ARV là điều trị liên tục và suốt đời. Đây là một thách thức lớn cho bệnh nhân.

Bên cạnh đó, trong bối cảnh còn nhiều nguồn thuốc hỗ trợ miễn phí và để tiếp cận công bằng giữa các nhóm bệnh nhân có thẻ BHYT và không có thẻ BHYT, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định 2188/QĐ-TTg ngày 15/11/2016 quy định các địa phương bảo đảm các nguồn ngân sách cho hỗ trợ phần cùng chi trả thuốc ARV.

Để khắc phục khó khăn trên, Cục Phòng, chống HIV/AIDS đã có Công văn số 380/AIDS-VP ngày 30/5/2018 về hướng dẫn các tỉnh, thành phố xây dựng kế hoạch bảo đảm kinh phí mua thẻ BHYT và hỗ trợ đồng chi trả thuốc ARV giai đoạn 2018-2020. Hiện nay đã có 35/63 tỉnh thành phố được cấp thẩm quyền phê duyệt kế hoạch hỗ trợ mua thẻ (gần 30.000 thẻ đã được mua và cấp cho người nhiễm HIV). 18/63 tỉnh thành phố phê duyệt ngân sách cho hỗ trợ đồng chi trả thuốc ARV.

Cục Phòng, chống HIV/AIDS cũng đã đề xuất và được Quỹ Toàn cầu phê duyệt hỗ trợ mua thẻ BHYT và đồng chi trả thuốc ARV cho 32 tỉnh nằm trong dự án và 16 tỉnh ngoài dự án trong giai đoạn 2019-2020.

Sự kiện “Những bệnh nhân đầu tiên nhận thuốc ARV qua BHYT” sẽ được tổ chức như thế nào, thưa ông?

TS. Hoàng Đình Cảnh: Sau một thời gian nỗ lực, khẩn trương chuẩn bị cho sự chuyển đổi nguồn thuốc, đến giờ phút này, chúng ta có thể khẳng định những viên thuốc ARV đầu tiên từ nguồn BHYT sẽ đến tay người nhiễm trong những ngày đầu tháng 3 năm 2019 này và chính thức từ ngày mai 8/3.

Cục Phòng, chống HIV/AIDS đã hướng dẫn 63 tỉnh, thành phố đồng loạt tổ chức sự kiện “Những bệnh nhân đầu tiên điều trị thuốc ARV từ nguồn BHYT” vào ngày 8/3/2019, nhằm truyền thông, quảng bá mốc chuyển đổi nguồn thuốc ARV từ BHYT; nâng cao nhận thức cộng đồng về tầm quan trọng của BHYT trong việc điều trị HIV/AIDS. Đồng thời, vận động sự ủng hộ của các ban ngành trong việc bảo đảm cung ứng thuốc ARV nguồn BHYT được liên tục.

Bộ Y tế chọn 4 địa phương là Hà Nội, Hải Phòng, Nghệ An và TPHCM tổ chức sự kiện cấp quốc gia “Những bệnh nhân đầu tiên nhận điều trị ARV từ nguồn bảo hiểm y tế”.

Tại Hà Nội, sự kiện diễn ra tại Trung tâm Y tế quận Nam Từ Liêm với sự tham gia của lãnh đạo Bộ Y tế, Bảo hiểm xã hội Việt Nam, lãnh đạo UBND thành phố Hà Nội và quận Nam Từ Liêm, cùng đông đảo cán bộ y tế và bệnh nhân đang điều trị HIV/AIDS tại cơ sở. Sự kiện thu hút sự quan tâm của đội ngũ phóng viên báo đài Trung ương và Hà Nội.

Lợi ích của BHYT là quá rõ ràng với mỗi người và là xu hướng tất yếu trong tiến trình tiến tới BHYT toàn dân. BHYT lại càng cần thiết với người nhiễm HIV/AIDS. Nếu có phải đóng tiền mua BHYT thì với người nhiễm HIV cũng chỉ là đóng góp một phần nhỏ cho chi phí khám và điều trị bệnh cho chính bản thân mình. Vì ngoài chi phí khám, điều trị HIV/AIDS bằng BHYT, các chi phí khám chữa bệnh khác như người không nhiễm HIV cũng được BHYT chi trả. Do vậy người nhiễm HIV nếu chưa có BHYT cần tham gia BHYT ngay từ bây giờ.

 - Xin trân trọng cảm ơn ông./.

Điều trị ARV mang lại sức khỏe, giảm tử vong, nâng cao tuổi thọ cho người nhiễm HIV. Điều trị ARV cũng giúp giảm lây truyền HIV do khi điều trị bằng thuốc ARV số lượng virus HIV trong máu của người nhiễm HIV giảm xuống mức thấp. Khoa học đã chứng minh khi tải lượng virus dưới ngưỡng phát hiện tức dưới 200 bản sao/ml máu sẽ không có lây truyền HIV qua quan hệ tình dục. Phụ nữ mang thai nhiễm HIV nếu được điều trị ARV sớm thì có đến 98% trẻ em sinh ra không bị nhiễm HIV. Điều trị ARV sớm còn đem lại lợi ích kinh tế cho bệnh nhân và xã hội.
Top