Khó khăn trong đấu tranh với tội phạm ma túy là người dân tộc

09/11/2011 16:36

Bị can, bị cáo không biết tiếng phổ thông trong khi lại thiếu phiên dịch nên cán bộ tố tụng rất mệt mỏi, nhiều vụ án bế tắc...

Một số bị can, bị cáo biết tiếng phổ thông thì lại ít học, hiểu biết về pháp luật hạn chế nên lời khai rất “tự nhiên”, không đi vào trọng tâm câu hỏi... khiến cán bộ tố tụng rất mệt.

Mới đây, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao (VKSNDTC) đã tổ chức tọa đàm liên quan đến án ma túy. Nhiều vướng mắc, khó khăn khi làm án ma túy đã được đặt ra, đặc biệt là những án vướng đến người dân tộc...

Khó chứng minh năm sinh

Phó Viện trưởng VKSND tỉnh Phú Thọ Đoàn Minh Hương cho biết tình hình án ma túy trên địa bàn tỉnh ngày càng gia tăng và phức tạp. Có những vụ án, bị can là người dân tộc nhưng lại cung cấp ma túy với số lượng lớn khiến việc điều tra, truy tố họ là cả một quá trình đấu tranh đầy cam go. Ông ví dụ về vụ án thu giữ 34 bánh heroin do Nguyễn Thị Thúy Liễu cầm đầu. Liễu thật thà khai đã mua bán số ma túy trên trong ba năm, tổng giá trị mua vào là khoảng 4,5 tỉ đồng và thu lãi hơn 2,6 tỉ đồng.

Vụ án chỉ có một lời khai của Thúy nên cơ quan tố tụng băn khoăn do tính thuyết phục của chứng cứ không cao. Khai thác thêm, Liễu cũng không cung cấp được chứng cứ gì mới. Tuy nhiên, qua quá trình điều tra, bằng những phương pháp sáng tạo, điều tra viên, kiểm sát viên ghi chép cẩn thận tỉ mỉ tên họ từng bị can, số lượng ma túy mua bán; ghi rõ giá trị mua, giá trị bán, chênh lệch thu lời rồi phân thành nhóm... nên đã chứng minh được tội phạm.

Còn ông Trần Quốc Tuấn, Phó Viện trưởng VKSND tỉnh Sơn La, cho biết có những xã có hàng chục người dân tộc bị truy nã về tội phạm ma túy thuộc trường hợp đặc biệt nghiêm trọng nhưng việc điều tra, truy tố không dễ dàng. Ngoài lý lịch của bị can do trưởng bản ký tên, đóng dấu xác nhận thì bị can không có giấy khai sinh, hộ khẩu hay học bạ, tài liệu nào khác... để đối chiếu, so sánh làm rõ ngày, tháng, năm sinh. Mặt khác, do họ thường câu kết với người nước ngoài nên khi giải quyết vụ án còn phải thông qua tương trợ tư pháp, các tài liệu phải thông qua phiên dịch nên gây rất nhiều khó khăn trong khi làm án...

Xét xử một vụ án ma túy tại TAND TP.HCM. Ảnh minh họa:

Khổ về ngôn ngữ

Ông Tuấn còn nêu ra một khó khăn khác mà cơ quan tố tụng địa phương gặp phải là về ngôn ngữ. Địa phương có nhiều án liên quan đến người dân tộc nhưng điều tra viên, kiểm sát viên và thẩm phán lại không rành ngôn ngữ của họ. Thông dịch viên cũng tìm không thấy nên việc lấy cung, dịch lời khai... thường rơi vào bế tắc. Mặt khác, một số bị can, bị cáo biết tiếng phổ thông thì lại ít học, hiểu biết về pháp luật hạn chế nên lời khai rất “tự nhiên”, không đi vào trọng tâm câu hỏi... khiến cán bộ tố tụng rất mệt mỏi.

Trao đổi lại, đại diện VKSND tỉnh Phú Thọ nêu ra một ví dụ làm kinh nghiệm xử lý. Đó là vụ Vàng Thị Xá ở bản Nóng Nia, xã Keo Lôm (huyện Điện Biên Đông) mang theo con nhỏ hai tháng tuổi cùng 47,5 g heroin đựng trong hộp thức ăn đến trại giam Tân Lập thăm chồng rồi bị bắt quả tang. Do Xá không biết tiếng phổ thông, để lấy lời khai ban đầu, cơ quan tố tụng phải nhờ hai phạm nhân người Mông biết tiếng phổ thông ở hai buồng khác nhau làm phiên dịch hai lần. Do vậy, cơ quan điều tra đã ghi được lời khai ban đầu chính xác và khách quan.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến nhìn nhận đây cũng chỉ là kinh nghiệm được ứng dụng trong một vài vụ việc chứ chưa phải là đại diện cho số đông.

  Cần sửa đổi, bổ sung luật

Theo một số ý kiến ở buổi tọa đàm, Bộ Luật hình sự quy định bốn hành vi phạm tội về ma túy ghép thành một điều luật (Điều 194: Tội tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt chất ma túy) đã gây khó khăn cho việc định tội danh, áp dụng hình phạt... Điểm p khoản 1 Điều 46 quy định người phạm tội thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải thì có thể được giảm nhẹ nhưng thực tiễn nếu họ khai ra các hành vi khác thì lại bị xử nặng hơn hoặc phạm thêm tội khác. Thế nên trước mắt, cần tách bốn hành vi tội phạm ma túy tại Điều 194 thành những điều luật cụ thể.

Ngoài ra còn một số khó khăn, vướng mắc như tội trồng cây thuốc phiện thì diện tích trồng là bao nhiêu mới bị truy cứu trách nhiệm hình sự? Đây cũng là vấn đề khó khăn cần được hướng dẫn...

Thiếu người rành tiếng dân tộc

Hiện tỉ lệ kiểm sát viên thông thạo hoặc biết một phần tiếng dân tộc của bị can còn hạn chế nên quá trình giải quyết án gặp nhiều khó khăn do bất đồng ngôn ngữ. Và vì thế cũng hạn chế cả việc khai thác, mở rộng vụ án và làm rõ các tình tiết liên quan…

(Đại diện VKSND tỉnh Yên Bái)

Chưa thống nhất tính trọng lượng ma túy

Việc giám định hàm lượng các chất ma túy hoặc giám định ma túy tổng hợp ở thể rắn, thể lỏng tại nhiều địa phương còn gặp khó khăn do chưa có đủ thiết bị kỹ thuật để giám định. Mặt khác, việc tính trọng lượng ma túy trong một số vụ án cũng chưa thống nhất. Có vụ án lấy hàm lượng tinh chất ma túy nhưng có vụ án lấy trọng lượng thực tế (gồm tinh chất và tạp chất) thu giữ được để truy cứu trách nhiệm hình sự dẫn đến việc đánh giá tính chất, mức độ phạm tội trong các vụ án khác nhau.            

(Đại diện VKSND tỉnh Lai Châu)

Chưa đầy đủ cơ chế hợp tác

Các vụ án phạm tội về ma túy có yếu tố nước ngoài gặp rất nhiều khó khăn khi xác minh lý lịch tư pháp; tiền án, tiền sự; xác định nhân thân, tên tuổi, lai lịch; việc trưng cầu người phiên dịch, dịch thuật; giám định hộ chiếu, các giấy tờ tùy thân khác đối với các bị can người nước ngoài… Trong khi đó, cơ sở pháp lý có liên quan đến hợp tác quốc tế đấu tranh phòng, chống tội phạm ma túy ở các tỉnh có đường biên giới với Trung Quốc, Lào chưa hoàn thiện. 

(Đại diện VKSND tỉnh Quảng Ninh)

Thiếu luật sư chỉ định

Trong các vụ án phạm tội về ma túy có nhiều bị can phạm tội có khung hình phạt cao nhất là tử hình, do đó theo quy định của pháp luật, bắt buộc phải có người bào chữa. Tuy nhiên, có một số tỉnh, TP do số lượng luật sư còn thiếu hoặc có tỉnh còn chưa thành lập đoàn luật sư nên việc thực hiện quy định này gặp rất nhiều khó khăn khi giải quyết vụ án. 

(Đại diện VKSND hai tỉnh Lào Cai, Lai Châu)

 

 
Top