Không thể hy sinh nhân cách người thầy vì bất cứ quyền lợi nào

21/09/2020 17:16

Vụ việc Phó hiệu trưởng phụ trách Trường tiểu học và trung học cơ sở xã An Thắng (H.Pắc Nặm, Bắc Kạn) cùng 1 giáo viên và 2 người khác đang sử dụng ma túy ngay tại trường hiện đang gây bức xức trong dư luận, ảnh hưởng rất lớn tới ngành giáo dục và mang lại nhiều hệ lụy.

Trang tin Tiếng Chuông có cuộc trao đổi với TS. Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý Giáo dục Hà Nội, Chủ tịch Hội đồng Giáo dục trường THPT Đinh Tiên Hoàng về vụ việc này.

Theo TS. Nguyễn Tùng Lâm, vụ việc vừa xảy ra đối với một trường học ở miền núi là một điều hết sức đáng tiếc. Trong điều kiện hiện nay, khi chúng ta đang tiến hành đổi mới, để xảy ra bất cứ chuyện gì trong môi trường học đường đều không có lợi cho nền giáo dục. Đối với học sinh miền núi thì việc hút thuốc phiện có lẽ dễ gặp, chúng ta có thể chia sẻ do hoàn cảnh. Nhưng đối với các thầy cô giáo, đặc biệt là cán bộ quản lý thì không thể thông cảm hay chia sẻ được.

TS. Nguyễn Tùng Lâm. Ảnh: Nhật Thy

TS. Nguyễn Tùng Lâm cho rằng, vụ việc lần này ảnh hưởng rất lớn tới ngành giáo dục và mang lại nhiều hệ lụy. Hệ lụy đầu tiên là vai trò, sứ mệnh của người thầy trong trường hợp này là không còn nữa. Người thầy có sứ mệnh là tạo ra nhân cách cho học trò, truyền lửa để cho học sinh để vượt qua khó khăn, thử thách. Có những người thầy hết lòng vì học sinh, tạo điều kiện cho học sinh được học, được tỏa sáng. Người thầy ở vùng sâu vùng xa còn quan trọng hơn nữa vì có vai trò định hướng phát triển cho các em trong hiện tại và tương lai. Với vụ việc đã xảy ra, người thầy trong trường hợp này đã tự làm mất đi vai trò, sứ mệnh của mình.

Theo TS. Nguyễn Tùng Lâm, những giáo viên ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn cần được quan tâm, giúp đỡ, chia sẻ nhưng chúng ta không thể dung tha khi có thầy cô vướng vào tệ nạn xã hội-một vấn nạn mà cả xã hội đang ra sức bài trừ. Những vùng cao, vùng sâu xa, tệ nạn xã hội nhất là thuốc phiện luôn hiện hữu, thì người thầy càng phải đứng vững. Hệ lụy này, về mặt phạm luật, sẽ được xử lý theo quy định, nhưng chắc chắn là người này không thể đứng trong ngành giáo dục được nữa.

"Vụ việc trên cũng gây mất niềm tin trong xã hội. Phụ huynh gửi con đến trường hy vọng được thầy cô chỉ bảo, hướng dẫn phòng tránh tệ nạn xã hội nhưng ở chính môi trường này người thầy lại vướng vào tệ nạn xã hội. Vụ việc xảy ra khi các em học sinh đang ở những ngày đầu hân hoan chào đón năm học mới, đó là một điều rất đáng buồn…", TS Nguyễn Tùng Lâm chia sẻ. Do đó, theo TS Nguyễn Tùng Lâm cần phải làm rõ vụ việc để phụ huynh yên tâm và làm gương cho các thầy cô giáo khác.

Vấn đề đặt ra hiện nay là làm thế nào để tránh những vụ việc tương tự xảy ra trong môi trường học đường. Theo TS. Nguyễn Tùng Lâm, qua vụ việc lần này có thể thấy, quản lý cấp sở, cấp phòng chưa được chặt chẽ, không lường trước được tình huống sẽ xảy ra liên quan đến các vấn đề với cán bộ giáo viên nói chung và cán bộ quản lý nói riêng. Công tác quản lý, giáo dục cán bộ quản lý và giáo viên phải cải tiến, đó là việc phải làm đầu tiên. Quản lý ở đây không phải chỉ răn đe mà nên tạo điều kiện cho giáo viên được hiểu biết những vấn đề mới, những yêu cầu của giáo dục mới để họ tự sắp xếp, tạo điều kiện phát huy nguồn lực của mỗi nhà trường. Phải xây dựng văn hóa trường học, văn hóa phát triển. Văn hóa phát triển cần những yếu tố tích cực là phải biết đổi mới, tận tâm, hợp tác. Các giáo viên cũng như mọi người khác, không ai hoàn thiện được nhưng quan trọng, giáo viên phải nhận thức được vấn đề về nhân cách người thầy, không thể hy sinh nhân cách ấy vì bất cứ quyền lợi nào cả.

Giải pháp quan trọng nữa là phải xây dựng được ý thức dân chủ trong nhà trường. Nhà trường dân chủ để giáo viên, học sinh được nói lên, bày tỏ thẳng thắn thì lúc đó vai trò cán bộ quản lý sẽ phải gương mẫu, hiểu biết. Dân chủ sẽ tự bảo vệ, làm trong sáng đội ngũ.

Nhân vụ việc này, nói thêm về việc phòng, chống ma túy học đường, theo TS. Nguyễn Tùng Lâm, phải làm đồng bộ “3 lý”: Đầu tiên là tâm lý, tức là công tác giáo dục, tư tưởng. Phải nắm bắt kịp thời những điều kiện hoàn cảnh của giáo viên, học sinh có thể nảy sinh ra để đưa ra giải pháp kịp thời. Thứ hai là công tác tổ chức quản lý. Quản lý chặt chẽ trong từng nhà trường, từng tổ chuyên môn, ai có những biểu hiện gì phải cảnh báo ngay, phải quản lý bằng dân chủ thì mới phát hiện nhanh, tránh những trường hợp đáng tiếc xảy ra. Ma túy đến rất nhanh, có sức hút của nó, nếu nhà trường không mạnh thì khó thắng được. Thứ ba là pháp lý. Pháp lý ở đây tức là nội quy, quy chế, khi có hiện tượng thì bất cứ nhà trường nào, bất cứ thầy cô nào vướng vào thì phải xử lý nghiêm.

Cuối cùng, để nâng cao chất lượng giáo dục, theo TS. Nguyễn Tùng Lâm, cần phải thực hiện đồng bộ 3 khâu. Thứ nhất là đào tạo bồi dưỡng để giáo viên có đủ năng lực; thư hai là sử dụng và chọn lọc, ai không có năng lực cần chuyển chuyển sang việc khác. Yếu tố thứ ba là tôn vinh và đãi ngộ. Ba khâu này hiện đều yếu, chưa phát huy nội lực của nhà giáo. Ngành giáo dục phải làm tốt các khâu đó thì mới xây dựng được môi trường học đường trong sạch theo đúng nghĩa mà nhân dân mong muốn.

 

Top