Ma túy dưới nhiều ‘vỏ bọc’ tấn công giới trẻ

04/12/2021 10:38

(Chinhphu.vn) – Tại Việt Nam, tình trạng ma túy tổng hợp "núp bóng" dưới dạng thực phẩm, đồ ăn, nước uống tuy không phổ biến nhưng hiện tượng này đã xuất hiện ở một số địa phương. Do đó người dân, đặc biệt là các em học sinh cần hết sức cảnh giác và không sử dụng các loại thực phẩm trôi nổi, không rõ nguồn gốc.

 Thượng tá Bùi Đức Thiêm, Phó Trưởng phòng Phòng 5, C04, Bộ Công an

Thượng tá Bùi Đức Thiêm, Phó Trưởng phòng Phòng 5, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (C04, Bộ Công an) cho biết, lực lượng chức năng đã có biện pháp phòng ngừa, đấu tranh với các loại ma túy này.

Mới đây, tại Quảng Ninh, lực lượng chức năng đã phát hiện vụ việc các cháu học sinh sử dụng một loại kẹo, sau khi giám định thì những viên kẹo này có chứa chất THC – một hoạt chất trong cần sa. Vậy ma túy tổng hợp "núp bóng" dưới dạng thực phẩm, đồ ăn, nước uống có phổ biến hay không, thưa ông?

Thượng tá Bùi Đức Thiêm: Ma túy tổng hợp được sản xuất từ nhiều tiền chất và hóa chất, do đó luôn thay hình đổi dạng với các màu sắc bắt mắt để lôi cuốn người chơi.

Thời gian gần đây, ma túy tổng hợp vào Việt Nam chủ yếu qua con đường tiểu ngạch, hàng xách tay, đường hàng không. Gần đây xuất hiện tình trạng ma túy tổng hợp "núp bóng" dưới dạng thực phẩm, đồ ăn, nước uống. Tuy không phổ biến nhưng hiện tượng này đã xuất hiện ở một số địa phương.

Liên quan đến vụ việc tại Quảng Ninh, khi một số học sinh biểu hiện ngộ độc sau khi ăn kẹo, qua giám định cho thấy các viên kẹo có chất THC – một hoạt chất trong cần sa. Thậm chí năm 2020, cơ quan chức năng phát hiện có đối tượng ở Hà Nội còn sang Thái Lan để học cách đưa ma túy vào bánh.

Tôi khẳng định là hiện nay, cơ quan quản lý nhà nước chưa cấp phép cho bất kỳ loại thực phẩm chức năng nào có hoạt chất như thế, bởi vì ma túy được kiểm soát rất chặt chẽ.

Trên thực tế, lực lượng chức năng đã phát hiện một số vụ mua bán ma túy núp bóng dưới vỏ bọc thực phẩm nhưng số lượng không nhiều. Chủ yếu các đối tượng mang từ nước ngoài về. Chúng tôi đã có biện pháp phòng ngừa, đấu tranh. Những vụ việc được phát hiện đều có sự kiểm tra, giám sát, xử lý kịp thời, đúng người, đúng tội.

Vậy làm thế nào để người dân nhận biết được loại đồ uống, thực phẩm có chứa ma túy vì bằng mắt thường rất khó phát hiện, thưa ông?

Thượng tá Bùi Đức Thiêm: Những đồ ăn, thức uống được cấp phép của cơ quan chức năng là những thứ đã được kiểm soát. Thực tế, chúng tôi cũng chưa phát hiện vụ việc nào các đối tượng đưa ma túy vào các bánh kẹo thông thường.

Còn tại các vụ việc được phát hiện trong thời gian qua ở một số địa phương, đó là hàng trôi nổi, do các đối tượng vận chuyển từ nước ngoài về.

Vì vậy, đối với các loại thực phẩm, đồ uống có nguồn gốc không rõ ràng, trôi nổi trên thị trường, người dân phải hết sức cảnh giác. Người lớn cần lưu ý với các cháu nhỏ khi sử dụng các đồ ăn, thức uống lạ từ nước ngoài về và không sử dụng nếu không biết nguồn gốc, nơi cấp phép của các loại thực phẩm này.

Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy đã có biện pháp gì để phòng ngừa, ngăn chặn ma túy tổng hợp thẩm lậu vào Việt Nam núp bóng dưới các mặt hàng thực phẩm, đồ uống như thế nào, thưa ông?

Thượng tá Bùi Đức Thiêm: Trong thời gian qua, chúng tôi đã phối hợp với các cơ quan chức năng, đặc biệt là các cơ quan chức năng của Bộ Y tế như Cục An toàn thực phẩm và các đơn vị khác quản lý chuyên ngành về lĩnh vực này.

Một mặt, chúng tôi tổ chức tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông đại chúng. Báo chí là một kênh thông tin hiệu quả giúp người dân nhận thức tốt hơn về tác hại của ma túy nói chung và ma túy tổng hợp nói riêng.

Mặt khác, chúng tôi có những điều chỉnh về mặt pháp luật, như Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi) sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2022 tới đây đã qui định rất rõ, cụ thể đối với từng chuyên ngành về công tác phòng, chống ma túy.

Các Bộ như: Y tế, Công thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Quốc phòng, Tài chính và các đơn vị liên quan đều được quy định rõ chức năng, nhiệm vụ cụ thể về công tác phòng, chống ma túy. Đơn cử như Hải quan là đơn vị “canh cửa” ở các tuyến biên giới để kiểm soát các mặt hàng từ bên ngoài vào Việt Nam. Tất cả việc này đều có sự phân công, giao nhiệm vụ rõ ràng và đều có sự trao đổi hướng dẫn về mặt nghiệp vụ của các lực lượng để phòng ngừa từ xa tội phạm ma túy cũng như các loại ma túy "núp bóng" dưới nhiều vỏ bọc.

Hiện nay, trên thế giới và khu vực, số lượng các chất ma túy tổng hợp ngày càng gia tăng. Việt Nam đã đưa vào danh mục quản lý là hơn 500 chất theo Nghị định số 73/2018/NĐ-CP ngày 15/5/2018 và Nghị định 60/2020/NĐ-CP sửa đổi Danh mục các chất ma túy và tiền chất.

Tuy nhiên, trong năm 2021, lực lượng chức năng đã phát hiện thêm 8 chất có tác dụng tương tự các chất ma túy; chưa nằm trong danh mục các chất ma túy tại Việt Nam nhưng đã được một số nước trên thế giới đưa vào danh mục kiểm soát ma túy.

Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy đang báo cáo và trình các cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung thêm những chất ma túy mới vào danh mục quản lý để công tác phòng ngừa, đấu tranh được tốt hơn.

Trân trọng cảm ơn Thượng tá!

Top