Mở rộng mô hình cung cấp dịch vụ toàn diện cho điều trị HIV

27/11/2019 11:46

Thời gian tới ngành Y tế tập trung mở rộng mô hình cung cấp dịch vụ toàn diện cho điều trị HIV, lao và điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con tại tuyến huyện, điều trị trong trại giam, cơ sở điều trị khép kín.

PGS. TS Nguyễn Hoàng Long, Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS. Ảnh: Thùy Chi

Nhân Tháng Hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS và Ngày Thế giới phòng, chống HIV/AIDS (1/12), phóng viên Trang tin Tiếng Chuông đã có cuộc trao đổi với PGS. TS Nguyễn Hoàng Long, Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế).

Chủ đề của Tháng Hành động quốc gia phòng chống HIV/AIDS năm nay là "Cùng hành động để kết thúc dịch AIDS", xin ông cho biết ý nghĩa của chiến dịch này?

PGS. TS Nguyễn Hoàng Long: Năm 2019, Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy mại dâm chọn chủ đề cho Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS với chủ đề “Cùng hành động để kết thúc dịch AIDS” mang nhiều ý nghĩa.

Thứ nhất, nhấn mạnh vai trò của cộng đồng trong phòng, chống HIV/AIDS: Mặc dù nhiễm HIV là nhiễm bệnh truyền nhiễm mãn tính, tuy nhiên các giải pháp để kiểm soát dịch HIV không chỉ là các giải pháp y tế mà mang tính xã hội, tức là cần có sự tham gia của tất cả lãnh đạo các cấp, ngành y tế, các ban ngành đoàn thể và cả cộng đồng.

Khác với nhiều bệnh khác, khi một cá nhân mắc bệnh có thể đến các cơ sở y tế để khám, phát hiện và điều trị. Tuy nhiên, HIV là đại dịch xảy ra trên tất cả các quốc gia và châu lục trên thế giới nên ở bình diện rộng cần sự chung tay của cả cộng đồng thế giới phòng, chống HIV/AIDS, nhất là hiện nay xu hướng thế giới phẳng, người đã nhiễm HIV thậm chí vẫn không chẩn đoán được (trong giai đoạn cửa số) nên không thể áp dụng các biện pháp cấm đoán di chuyển hay cách ly.

Cộng đồng các quốc gia nếu không chung tay sẽ không thể bảo vệ được quốc gia mình khỏi HIV/AIDS. Tương tự vậy, ở phạm vi nhỏ hơn là một quốc gia, một tỉnh, thành phố hay nhỏ hơn là một gia đình, chúng ta không thể dùng các biện pháp cách ly để dập dịch như với nhiều dịch khác. Hơn nữa, các giải pháp kiểm soát dịch ngoài việc lấy ngành y tế là chủ đạo thì rất cần sự chung tay của cả cộng đồng, từ việc lãnh đạo chỉ đạo chương trình đến dự phòng lây nhiễm HIV, điều trị, chăm sóc HIV/AIDS, chống kỳ thị và phân biệt đối xử... nếu chỉ ngành y tế thực hiện sẽ không thể thành công.

Vai trò của cộng đồng ở đây còn muốn nhấn mạnh đến sự tham gia của các tổ chức xã hội, của các mạng lưới, cộng đồng người dễ bị tổn thương bởi HIV như người nghiện ma túy, người quan hệ tình dục đồng giới, người hoạt động mại dâm, người nhiễm HIV... họ không chỉ là đối tượng của chương trình mà còn phải tham gia như đối tác của chương trình.

Thứ hai, nhấn mạnh đến mục tiêu quan trọng mà cả thế giới quan tâm và Việt Nam đã cam kết đó là kết thúc dịch AIDS”. Kết thúc dịch AIDS là mục tiêu cao nhất hiện nay để AIDS không còn là vấn đề sức khỏe cộng đồng của bất cứ quốc gia nào trên thế giới. Liên Hợp Quốc cũng đã khuyến cáo các quốc gia muốn kết thúc dịch AIDS vào năm 2030 thì cần đạt được các mục tiêu 90-90-90 vào năm 2020, các mục tiêu 90-90-90 đó là: 90% người nhiễm HIV biết được tình trạng nhiễm của bản thân; 90% người chẩn đoán nhiễm HIV được điều trị bằng thuốc ARV; 90% người điều trị ARV có tải lượng HIV dưới ngưỡng ức chế.

Năm 2018, kết quả ba mục tiêu chúng ta đạt được là 80-70-95. Như vậy, trừ mục tiêu thứ 3 chúng ta đã đạt được, còn hai mục tiêu đầu nhất là mục tiêu thứ 2 còn khá xa so với đích đạt ra trong khi chúng ta chỉ còn có 1 năm để thực hiện. Do vậy, nếu không có sự chung tay hành động của cả cộng đồng thì có thể chúng ta cũng sẽ không đạt được các mục tiêu 90-90-90 vào năm 2020 và tiến tới kết thúc dịch AIDS tại Việt Nam vào năm 2030.

Xét nghiệm HIV chính là đầu vào cho các mục tiêu 90-90-90. Xin ông cho biết, hiện ngành Y tế có giải pháp căn cơ nào để thực hiện mục tiêu này?

PGS. TS Nguyễn Hoàng Long: Những giải pháp để đạt được mục tiêu này trong thời gian tới bao gồm: 1. Tăng cường công tác truyền thông, quảng bá dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS, đặc biệt là dịch vụ tư vấn xét nghiệm HIV: Tính sẵn có, đơn giản, bảo mật, thân thiện. 2. Đẩy mạnh triển khai tư vấn xét nghiệm HIV tại cộng đồng thông qua mạng lưới cán bộ y tế thôn bản, xã phường, các nhóm tự lực cộng đồng, triển khai tư vấn xét nghiệm sàng lọc HIV tại 1.340 cơ sở. 3. Triển khai các mô hình tư vấn xét nghiệm mới: Lần theo dấu vết của người nhiễm HIV để thông báo và tư vấn xét nghiệm HIV cho bạn tình, bạn chích chung của người nhiễm HIV, khuyến khích người nhiễm HIV giới thiệu những người có nguy cơ lây nhiễm HIV đến cơ sở y tế làm xét nghiệm. 4. Mở rộng  hệ thống phòng xét nghiệm được phép khẳng định các trường hợp HIV dương tính, hiện tại có 152 phòng xét nghiệm tại 63/63 tỉnh thành phố và 44 huyện. 5. Áp dụng những kỹ thuật mới của thế giới trong xét nghiệm sàng lọc đảm bảo nhanh, chính xác, an toàn: Xét nghiệm lấy máu đầu ngón tay, xét nghiệm dịch miệng . 6. Giới thiệu dịch vụ kết nối sẵn có đa dạng sau xét nghiệm HIV như điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế Methadone (MMT), PrEP, ARV, dịch vụ dự phòng khác bơm kim tiêm, bao cao su...

Xin ông cho biết công tác phòng, chống HIV/AIDS thời gian gần đay có gì nổi bật? Chúng ta đang gặp những thách thức nào trong việc ngăn chặn căn bệnh thế kỷ, thưa ông?

PGS.TS Nguyễn Hoàng Long: Thứ nhất, dịch HIV/AIDS trong cộng đồng tiếp tục thuyên giảm, mức 0,24%. Chúng ta đã mở rộng và đa dạng dịch vụ xét nghiệm HIV, phát hiện gần 10.000 trường hợp nhiễm HIV mới qua các giải pháp xé nghiệm mới như: tại các cơ sở y tế, dựa vào cộng đồng, tự xét nghiệm, sử dụng sinh phẩm mới để phát hiện sớm nhiễm HIV, recency testing, sinh phẩm xét nghiệm thế hệ 4...

Thứ hai, điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện tiếp tục được duy trì và đổi mới. Hiện có gần 53.000 bệnh nhân đang điều trị Methadone thường xuyên, hiệu quả cao. Buprenorphine được triển khai ở 7 tỉnh. Chuẩn bị thí điểm cấp phát MMT về nhà. Bộ Y tế đã ban hành Hướng dẫn xử trí nghiện ma túy tổng hợp.

Việc điều trị dự phòng trước phơi nhiễm (PrEP) đang được triển khai tốt. Tốc độ tăng trưởng khách hàng nhanh hơn so với các nước trong khu vực. Hiện có 4.000 người đang sử dụng PrEP; tỷ lệ duy trì điều trị cao.

Điều trị ARV tiếp tục được mở rộng, chất lượng điều trị rất tốt. Hiện có 140.000 bệnh nhân đang điều trị ARV. Tỷ lệ tuân thủ sau 12 tháng đạt 88%. Tải lượng virút dưới ngưỡng ức chế đạt 95%, dưới ngưỡng phát hiện đạt 92%. Hiện chúng ta đã chuyển đổi thành công điều trị ARV từ viện trợ sang BHYT, hiện có 40.000 BN đang nhận thuốc ARV qua BHYT.

Một việc hết sức quan trọng nữa, đó là Cục Phòng chống HIV/AIDS đang tổ chức đánh giá toàn diện công tác phòng, chống HIV/AIDS 10 năm; xây dựng “Chiến lược quốc gia Chấm dứt đại dịch AIDS tại Việt Nam vào năm 2030” theo Nghị quyết 20 của Bộ Chính trị, với nhiều đổi mới; Tổ chức đánh giá thực hiện Luật phòng, chống HIV/AIDS sau 13 năm thực hiện; đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật này, dự kiến trình Quốc hội xem xét vào tháng 10/2020.

HIV/AIDS hiện là vấn đề sức khỏe công cộng quan trọng, là một trong những nguyên nhân gây gánh nặng bệnh tật ở Việt Nam. Mỗi năm vẫn có 10.000 HIV mới và 2.000 - 3.000 trường hợp tử vong do HIV/AIDS, gây tác động rất lớn về sức khỏe, kinh tế - xã hội.

Mặc dù dịch HIV/AIDS ở Việt Nam tiếp tục có xu hướng giảm, tuy nhiên vẫn chưa bảo đảm tính bền vững. Đáng chú ý là có sự đan xen giữa các hành vi của nhóm người nghiện chích ma túy và nhóm phụ nữ bán dâm, nhóm nam có quan hệ tình dục với nam, chuyển giới... trong khi mức độ bao phủ của các dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS còn rất hạn chế

Ngoài ra, kinh phí cho hoạt động phòng, chống HIV/AIDS chủ yếu phụ thuộc vào viện trợ quốc tế đang cắt giảm nhanh, trong khi các nguồn tài chính trong nước chưa kịp bù đắp thiếu hụt tài chính. Do đó các địa phương không có dự án viện trợ quốc tế, hoạt động phòng, chống HIV/AIDS gặp nhiều khó khăn, nguồn kinh phí địa phương chỉ cung cấp đủ cho duy trì hoạt động thường xuyên của cơ quan phòng, chống HIV/AIDS.

Vậy định hướng trong công tác phòng, chống HIV/AIDS thời gian tới là gì, thưa ông?

PGS.TS Nguyễn Hoàng Long: Thời gian tới, chúng tôi dự kiến sẽ tiếp tục đổi mới, mở rộng, nâng cao chất lượng công tác truyền thông, giáo dục về phòng, chống HIV/AIDS; triển khai dịch vụ điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV cho người có nguy cơ cao nhiễm HIV, chú trọng điều trị cho vợ, chồng , bạn tình của người nhiễm, MSM, người chuyển giới ở khu vực có nguy cơ lây nhiễm HIV.

Mở rộng mô hình cung cấp dịch vụ toàn diện cho điều trị HIV, lao và điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con tại tuyến huyện, điều trị trong trại giam, cơ sở điều trị khép kín.

Tăng cường chất lượng điều trị: Tiếp tục triển khai các can thiệp về quản lý chất lượng điều trị, dự phòng và giám sát HIV kháng thuốc, tăng cường năng lực hỗ trợ kỹ thuật về điều trị HIV/AIDS tại các tỉnh/thành phố.

Điểm quan trọng là tiếp tục đa dạng hóa các dịch vụ tư vấn và xét nghiệm HIV, mở rộng các phòng xét nghiệm được phép khẳng định HIV không quá 24 giờ; mở rộng độ bao phủ dịch vụ điều trị thuốc ARV bền vững, sẵn có và dễ tiếp cận; nâng cấp hệ thống báo cáo ca bệnh thành hệ thống giám sát ca bệnh; củng cố và hoàn thiện hệ thống quản lý thông tin chương trình phòng, chống HIV/AIDS quốc gia.

Chuẩn hóa công nghệ thông tin trong quản lý điều trị HIV đáp ứng được yêu cầu khám chữa bệnh bảo hiểm y tế và thúc đẩy mở mở rộng thị trường cung ứng thuốc ARV trong nước tạo thuận lợi cho việc cung ứng thuốc ARV qua bảo hiểm y tế.

Xin trân trọng cảm ơn ông!
Top