Nỗ lực ngăn chặn sự phát triển và lây lan trong nhóm nguy cơ cao

01/10/2020 18:13

Tỷ lệ nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM) nhiễm HIV tăng mạnh trong thời gian gần đây làm ảnh hưởng không nhỏ đối với công tác phòng, chống HIV/AIDS và đối với việc thực hiện mục tiêu 90 thứ hai đã cam kết trên địa bàn tỉnh, vì vậy Bà Rịa-Vũng Tàu đang nỗ lực ngăn chặn sự phát triển và lây lan trong nhóm nguy cơ cao trên địa bàn.

 

BS Bùi Minh Kha, Giám đốc Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS Bà Rịa-Vũng Tàu. Ảnh: Thùy Chi

Lây nhiễm HIV qua đường tình dục tăng rõ rệt

Để làm rõ hơn những khó khăn, thách thức trên địa bàn tỉnh trong công tác phòng, chống HIV/AIDS, phóng viên Trang tin Tiếng Chuông-Trang tin của UBQG phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm có buổi trao đổi với bác sĩ Bùi Minh Kha, Giám đốc Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS Bà Rịa-Vũng Tàu.

Những năm gần đây tỷ lệ lây nhiễm HIV qua đường tình dục đã tăng rõ rệt, xin ông cho biết thực trạng lây nhiễm HIV trên địa bàn tỉnh hiện nay?

Bác sĩ Bùi Minh Kha: Tính đến 30/09/2020, lũy tích số người nhiễm HIV của tỉnh là 4.935 trường hợp, 2.114 trường hợp tử vong do AIDS và nhiễm HIV còn sống là 2.821 tại 82 xã/phường/thị trấn.

Riêng 9 tháng đầu năm 2020 toàn tỉnh đã phát hiện 141 trường hợp nhiễm HIV và đã chuyển gửi thành công đến các phòng khám ngoại trú 133/141 (95,65%).

Về phân bố nhiễm HIV theo nhóm tuổi, tỷ lệ nhiễm HIV tập trung ở  khoảng tuổi từ 20-39 (69,7%). Về đường lây nhiễm: Lây qua đường máu chiếm tỷ lệ 22,6%, lây truyền qua đường tình dục chiếm 75,8% và mẹ truyền sang con là 1,8%. Trong những năm gần đây tỷ lệ lây nhiễm qua đường tình dục đã tăng rõ rệt (55,1% năm 2018; 62,8% năm 2019 và 75,8% năm 2020).

Dịch HIV/AIDS tại tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu vẫn còn trong giai đoạn dịch tập trung, tỷ lệ nhiễm HIV trong các nhóm nguy cơ cao: MSM, người nghiện chích ma túy (NCMT), phụ nữ bán dâm (PNBD). Theo Kết quả giám sát trọng điểm HIV (2011-2019): Tỷ lệ nhiễm HIV trong nhóm người NCMT tại cộng đồng có xu hướng giảm dần từ 15,4% (2007) xuống 10% (2013), từ năm 2013-2018 xu hướng dịch ít biến động, giao động trong khoảng 8,5%-10%. Tỷ lệ nhiễm HIV trong nhóm phụ nữ mại dâm dao động trong khoảng 2% -4% (2011-2019), cụ thể 4% năm 2011, 2,7% năm 2013, 2,5% năm 2015, 3,5% năm 2017, 3% năm 2019. Riêng đối với nhóm MSM thì tỷ lệ nhiễm có chiều hướng tăng mạnh từ 2,2% (2012) lên 15,3% (2016), 18,7% (2017) và 16,5 % (2018).

Tỷ lệ MSM nhiễm HIV tăng mạnh trong thời gian gần đây, làm ảnh hưởng không nhỏ đối với công tác phòng, chống HIV/AIDS, xin ông cho biết Trung tâm có những giải pháp gì để giảm thiểu số người nhiễm HIV trong nhóm MSM?

Bác sĩ Bùi Minh Kha: Theo kết quả giám sát trọng điểm năm 2011 thì tỷ lệ nhiễm HIV ở nhóm MSM là 2,25%, thấp hơn so với nhóm phụ nữ bán dâm (4%), nghiện chích ma túy là 12%. Tuy nhiên, khảo sát năm 2016, tỷ lệ nhiễm HIV ở nhóm MSM là 15,3%, 2017 là 18,7%, năm 2018 là 16,5 %. Tỷ lệ nhiễm HIV trong nhóm MSM đã tăng lên rất nhiều. Đây là tình trạng báo động về tình hình dịch ở tỉnh. Chính vì vậy tỉnh đã xây dựng các hoạt động nhằm giảm sự tăng lên của nhóm MSM.

Cụ thể, từ năm 2016, tỉnh bắt đầu đẩy mạnh các hoạt động can thiệp giảm hại ở nhóm MSM: Phát bao cao su, chất bôi trơn qua các các nhóm nhân viên tiếp cận cộng đồng MSM/nhân viên trạm y tế của các huyện/thị xã/thành phố.

Bên cạnh việc triển khai các hoạt động can thiệp giảm hại truyền thống, địa phương đã triển khai thêm các biện pháp dự phòng. Cụ thể, tìm các ca nhiễm HIV, tiến hành điều trị ARV. Việc điều trị ARV đóng vai trò dự phòng hiệu quả. Nếu người nhiễm HIV tuân thủ điều trị ARV tốt và đạt được ngưỡng ức chế tải lượng HIV dưới 200 bản sao/ml thì sẽ không có khả năng lây truyền HIV qua quan hệ tình dục (Không phát hiện = Không lây truyền, hay còn gọi K=K).

Điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV (PrEP) là sử dụng thuốc ARV để dự phòng lây nhiễm HIV cho người chưa nhiễm HIV nhưng có hành vi nguy cơ cao nhiễm HIV. PrEP có hiệu quả dự phòng lây nhiễm HIV 96%-99% nếu tuân thủ điều trị tốt. Tính đến 31/7/2020 số bệnh nhân đang điều trị PrEP tại tỉnh là 77 bệnh nhân, dự kiến năm 2021 sẽ mở rộng thêm các cơ sở  điều trị PrEP để điều trị cho 970 bệnh nhân.

Bảo đảm cho người nhiễm HIV duy trì điều trị ARV

Bên cạnh những kết quả địa phương đã đạt được trong công tác phòng, chống HIV/AIDS, xin ông cho biết những khó khăn, bất cập mà địa phương đang phải đối mặt trong công tác phòng, chống HIV/AIDS?

Bác sĩ Bùi Minh Kha: Thực hiện công tác phòng, chống HIV/AIDS, từ 2005 đến nay địa phương được sự hỗ trợ từ Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế), từ UBND tỉnh, Sở Y tế tỉnh và các dự án.

Trong những năm gần đây, để bảo đảm cho người nhiễm HIV duy trì thuốc ARV, tỉnh đã chuyển dần nhiệm vụ điều trị bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS từ nguồn lực của các chương trình, dự án sang Quỹ BHYT; đa dạng hóa các mô hình xét nghiệm HIV. Nhờ mở rộng thêm các loại hình các xét nghiệm tại cộng đồng và tăng cường công tác xét nghiệm HIV trong các cơ sở y tế, số người nhiễm mới HIV trong cộng đồng được phát hiện, người nhiễm HIV biết sớm tình trạng bệnh và tham gia điều trị sớm ARV tiếp tục gia tăng, góp phần giảm nguy cơ lây nhiễm HIV trong cộng đồng).

Đồng thời, tỉnh đã mở thêm các cơ sở xét nghiệm khẳng định, điều trị ARV/Methadone tại tuyến huyện/thị xã/thành phố, nhằm đáp ứng các dịch vụ HIV/AIDS ngay tại địa phương, giúp bệnh nhân dễ dàng tiếp cận hơn với chương trình.

Với tiến độ thực hiện các hoạt động chương trình phòng, chống HIV/AIDS, dự kiến đến 31/12/2020 địa phương sẽ đạt được mục tiêu 90-90-90 đã cam kết là: Số lượng người biết tình trạng nhiễm HIV (2.870 người, đạt 90%); số lượng người nhiễm HIV được điều trị ARV (2.371, đạt 84%); số bệnh nhân điều trị ARV có tải lượng virus dưới ngưỡng ức chế (2.262, đạt 95%).

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được trong công tác phòng, chống HIV/AIDS, hiện tỉnh vẫn tồn tại những  khó khăn, thách thức đòi hỏi những người làm công tác phòng chống HIV tập trung, nỗ lực giải quyết trong thời gian tới.

Thứ nhất là khả năng tiếp cận, duy trì chương trình ở một số địa bàn còn hạn chế, nhất là tại những địa phương không có dự án tài trợ. Việc triển khai hoạt động phòng, chống HIV/AIDS còn thiếu tính chủ động, các hoạt động chỉ mới tập trung trong các tháng chiến dịch truyền thông hoặc tuyên truyền về phòng chống lây nhiễm HIV cho đại diện các ban ngành, đoàn thể của địa phương.

Thứ hai, tình trạng phân biệt, kỳ thị đối xử đối với người nhiễm HIV/AIDS và thân nhân của họ vẫn còn cao, làm ảnh hưởng đáng kể tiếp cận với dịch vụ điều trị của người nhiễm HIV.

Thứ ba là việc sử dụng thẻ BHYT tại cơ sở điều trị nguy cơ làm lộ danh tính bệnh nhân nên tỷ lệ bệnh nhân bỏ trị, mất dấu tăng cao. Một số bệnh nhân không có giấy tờ tùy thân không sử dụng được thẻ BHYT trong khi nguồn hỗ trợ của dự án đang cắt giảm.

Từ những khó khăn trên, chúng tôi đề nghị Cục Phòng, chống HIV/AIDS, UBND tỉnh và các dự án tiếp tục hỗ trợ tỉnh trong hoạt động phòng, chống HIV/AIDS để tăng cường giảm sự kỳ thị phân biệt đối xử với bệnh nhân nhiễm HIV, bảo đảm nguồn tài chính để tăng cường các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS.

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1246/QĐ-TTg về việc phê duyệt Chiến lược Quốc gia chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030, việc này giúp cho Việt Nam đứng trước cơ hội lớn chấm dứt dịch AIDS vào năm 2030, với mục tiêu số người nhiễm HIV mới giảm dưới 1.000 ca một năm. Xin ông cho biết, địa phương sẽ có những kế hoạch, hoạt động gì để ủng hộ cho chiến lược này?

Bác sĩ Bùi Minh Kha: Chúng tôi đã có những định hướng, kế hoạch thực hiện để tiến tới việc đạt được mục tiêu trên. Cụ thể, xây dựng kế hoạch bảo đảm tài chính để đảm bảo nguồn lực cho các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS; kế hoạch thực hiện phòng, chống HIV/AIDS tỉnh các năm sẽ bám sát các định hướng, chỉ tiêu, các giải pháp thực hiện trong Quyết định 1246/QĐ-TTg. Trong đó, chú trọng xây dựng kế hoạch thực hiện chi tiết để đảm thực hiện được mục tiêu 95-95-95 vào năm 2030.

Đồng thời, duy trì các hoạt động can thiệp giảm hại truyền thống (bao cao su, bơm kim tiêm, chất bôi trơn, methadone); đẩy mạnh các hình thức can thiệp giảm hại mới bằng ARV, PrEP.

Địa phương sẽ phát triển hơn nữa các hình thức tư vấn xét nghiệm HIV đã triển khai tại tỉnh năm 2020 như đẩy mạnh xét nghiệm HIV tại cộng đồng, tự xét nghiệm.

Duy trì hoạt động giám sát, theo dõi đánh giá về tình hình dịch để có những định hiện can thiệp phòng, chống HIV/AIDS kịp thời. Đặc biệt, chúng tôi sẽ đẩy mạnh truyền thông nhằm giảm kỳ thị phân biệt đối xử, cung cấp thông tin các dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS như PrEP, K=K… trên hệ thống internet, mạng xã hội

Xin trân trọng cảm ơn ông!
Top