Phức tạp tội phạm ma tuý lợi dụng thông thoáng thủ tục hải quan

30/12/2018 00:06

Các đối tượng lợi dụng các chính sách tạo thuận lợi của nhà nước trong thông quan hàng hóa, nhất là trong thủ tục hải quan đối với hàng hoá xuất nhập khẩu để cất giấu ma túy, với các phương thức, thủ đoạn tinh vi.

Số lượng các vụ mua bán, vận chuyển các chất ma túy qua biên giới, cửa khẩu do lực lượng Hải quan phát hiện, bắt giữ ngày càng tăng trên tất cả các tuyến. Công tác phòng, chống ma túy của ngành Hải quan được đánh giá có những tiến bộ vượt bậc trong phát hiện bắt giữ và phối hợp triệt phá nhiều đường dây, tổ chức buôn lậu ma túy xuyên quốc gia. Phóng viên đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Lịch, Phó Cục trưởng Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan) để tìm hiểu rõ hơn về công tác kiểm soát phòng, chống ma túy của ngành Hải quan.

 Ông Nguyễn Văn Lịch, Phó Cục trưởng Cục Điều tra Chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan). Ảnh: Hoàng Anh

Nhận diện thủ đoạn của tội phạm ma tuý

PV: Ông có thể chia sẻ một số nét chính về tình hình tội phạm ma tuý trên địa bàn hải quan trong năm 2018? Đặc biệt dịp cuối năm, tình hình diễn biến phức tạp như thế nào?

Ông Nguyễn Văn Lịch: Có thể nói, thời gian qua, hoạt động mua bán, vận chuyển trái phép các chất ma túy tiếp tục diễn biến phức tạp trên các tuyến biên giới, cửa khẩu. Tội phạm ma tuý trong và ngoài nước câu kết chặt chẽ với nhau, hình thành các đường dây, tổ chức tội phạm, hoạt động với tính chất, phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi, liều lĩnh và manh động hơn. Xu hướng trong thời gian tới, tội phạm ma túy không còn mang qua đường mòn, lối mở mà cất giấu trong hàng hóa, hành lý, phương tiện khi thực hiện xuất nhập khẩu, xuất nhập cảnh qua khu vực địa bàn hoạt động thuộc trách nhiệm quản lý của Cơ quan Hải quan.

Trên tuyến biên giới Việt Nam-Trung Quốc, hiện nay nhiều nguồn tin cho biết: Tội phạm chuyên sản xuất ma tuý ở Trung Quốc đã chuyển địa bàn sang khu vực “Tam giác vàng” để tổ chức sản xuất ma tuý tổng hợp, Metamphetamine (ma túy dạng đá) với số lượng lớn tìm cách đưa về Việt Nam qua biên giới các tỉnh giáp với Lào và Campuchia.

Trên tuyến biên giới Việt Nam-Lào, từ giữa năm 2017 đến nay hoạt động mua bán, vận chuyển các loại ma tuý tổng hợp dạng viên và dạng đá kèm theo heroin với số lượng lớn từ khu vực “Tam giác vàng” qua Lào về Việt Nam có chiều hướng gia tăng, một phần tiêu thụ trong nước, phần lớn tiếp tục được vận chuyển sang nước thứ 3 tiêu thụ, chủ yếu là Trung Quốc.

Trên tuyến biên giới Việt Nam-Campuchia, lợi dụng việc qua lại 2 bên biên giới Việt Nam-Campuchia dễ dàng, bọn tội phạm ma tuý móc nối với các đối tượng Việt kiều hoặc làm ăn, buôn bán ở Campuchia, các đối tượng là cư dân biên giới, thăm thân, du lịch, lao động tự do, không nghề nghiệp... thường xuyên qua lại hai bên biên giới để mua bán, vận chuyển trái phép các chất ma tuý, chủ yếu là: Heroin, ma tuý tổng hợp, cần sa từ Campuchia vào Việt Nam tiêu thụ ở các tỉnh phía Nam, thậm chí vận chuyển ra phía Bắc tiêu thụ.

Bên cạnh đó, tội phạm ma tuý thường lợi dụng hình thức vận chuyển hàng hoá qua đường hàng không, tuyến bưu điện quốc tế, chuyển phát nhanh để vận chuyển trái phép các chất ma tuý, tiền chất với nhiều thủ đoạn tinh vi. Đặc biệt một số nước sử dụng cần sa hợp pháp như Hà Lan, Canada ... gần đây các đối tượng vận chuyển cần sa qua đường chuyển phát nhanh với thủ đoạn chia nhỏ thành nhiều gói có cân nặng dưới 1 kg và tên người nhận khác nhau nhằm mục đích không bị xử lý hình sự nếu bị phát hiện.

Ngoài ra, tuyến biển và cảng biển quốc tế được các lực lượng chức năng đánh giá là tuyến tiềm ẩn nhiều nguy cơ tội phạm ma tuý lợi dụng để vận chuyển, trung chuyển các loại ma tuý với số lượng lớn từ các nước Châu Âu, Châu Phi, Nam Mỹ, Mỹ, Canada, Mỹ về Việt Nam và từ Việt Nam đi các nước như Australia, Nhật Bản, Đài Loan, Hồng Kông, Trung Quốc…

Trong dịp cuối năm là thời điểm số lượng hành khách qua lại cửa khẩu tăng nhanh, người Việt Nam tại nước ngoài về thăm thân, tình hình tội phạm ma tuý tại Việt Nam tiềm ẩn nhiều diễn biến phức tạp cả về quy mô, tính chất, số vụ, số lượng ma tuý, gia tăng hoạt động của các đường dây mua bán, vận chuyển ma tuý lớn, có tính chất xuyên quốc gia trên tất cả các tuyến biên giới, cửa khẩu. Mặt khác, vẫn tiếp tục có nguy cơ các loại ma tuý mới xuất hiện từ nước ngoài được bọn tội phạm ma tuý đưa vào Việt Nam.

PV: Như ông cho biết, xu hướng là tội phạm ma túy không còn mang qua đường mòn, lối mở mà cất giấu trong hàng hóa, hành lý, phương tiện khi thực hiện xuất nhập khẩu, xuất nhập cảnh. Vậy ông có thể cho biết rõ hơn những thủ đoạn mới nào đang được tội phạm sử dụng, thưa ông?    

Ông Nguyễn Văn Lịch: Có 5 thủ đoạn chính đang được tội phạm ma tuý sử dụng trên địa bàn kiểm soát của Hải quan.

Đầu tiên, đó là lợi dụng các chính sách tạo thuận lợi của nhà nước trong thông quan hàng hóa, nhất là trong thủ tục hải quan đối với hàng hoá xuất nhập khẩu để cất giấu ma túy, với các phương thức, thủ đoạn thường sử dụng như: Khai báo sai tên hàng hoá, số lượng, chủng loại hàng hoá; lợi dụng các doanh nghiệp được ưu tiên để cất giấu ma tuý vào trong hàng hoá xuất nhập khẩu, phương tiện xuất nhập cảnh, quá cảnh.

Thứ hai, đó là lợi dụng chính sách quản lý hải quan đối với hàng quá cảnh là chỉ giám sát hàng hóa từ cửa khẩu nhập đến cửa khẩu xuất, không kiểm tra hải quan để cất giấu ma túy trong hàng hóa do các phương tiện quá cảnh chuyên chở, (nhất là các phương tiện xe container) nhằm trốn tránh sự kiểm soát của các lực lượng chức năng.

Thứ ba, đó là tội phạm ma tuý lợi dụng loại hình hàng tạm nhập-tái xuất để cất giấu vào hàng hoá đựng trong các container, vận chuyển ma tuý từ nước ngoài vào Việt Nam, sau đó trung chuyển đi nước thứ 3 tiêu thụ.

Thứ tư, đó là lợi dụng phương thức gửi hàng hóa theo đường chuyển phát nhanh để vận chuyển ma túy, tiền chất ma tuý với nhiều thủ đoạn như: Khai tên, địa chỉ người gửi, người nhận không rõ ràng, khai báo sai tên hàng, pha, tẩm tiền chất và ma túy vào các loại đồ uống, hóa mỹ phẩm, nước hoa, thực phẩm.

Và cuối cùng, đối với hành lý mang theo người làm thủ tục xuất nhập cảnh, các đối tượng trực tiếp thực hiện hoặc thuê cư dân biên giới, các đối tượng lao động tự do thường xuyên qua lại 2 bên biên giới, thăm thân, du lịch để vận chuyển ma túy được cất giấu tinh vi bên trong các vali, túi xách được thiết kế hai đáy, gia cố cất giấu giữa các cạnh, vách thùng đựng hàng hóa; cất giấu trong hàng lưu niệm, tượng, tranh sơn dầu...

Triển khai đồng bộ các biện pháp, từ bỏ ngay bệnh thành tích

PV: Được biết, bên cạnh việc thực hiện các chính sách, quy định của pháp luật về Hải quan tại cửa khẩu, việc phòng ngừa phát hiện ma túy được xác định là nhiệm vụ trọng tâm của ngành Hải quan. Vừa qua, ngày 2/8/2018, Tổng cục trưởng Hải quan đã ban hành Chỉ thị về tăng cường đấu tranh chống ma túy trong địa bàn Hải quan. Đến nay, việc thực hiện chỉ thị này đạt kết quả như thế nào, thưa ông?

Ông Nguyễn Văn Lịch: Trước tình hình, hoạt động của tội phạm trên các tuyến biên giới ngày càng có những diễn biến phức tạp, khó lường và xác định công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm mua bán, vận chuyển ma tuý qua biên giới là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành Hải quan, Tổng cục Hải quan đã chỉ đạo Cục Điều tra chống buôn lậu tham mưu cho Lãnh đạo Tổng cục ban hành nhiều kế hoạch nhằm tăng cường công tác phòng, chống ma tuý và kiểm soát hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu tiền chất.

Đặc biệt, ngày 2/8/2018, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan đã ban hành Chỉ thị số 4550/CT-TCHQ về tăng cường công tác đấu tranh phòng, chống ma tuý của ngành Hải quan chỉ đạo các đơn vị toàn ngành Hải quan, nòng cốt là lực lượng chuyên trách kiểm soát ma túy và lực lượng kiểm soát hải quan tăng cường công tác nắm tình hình, phối hợp, trao đổi thông tin với các lực lượng chức năng trong và ngoài nước, thực hiện đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ hải quan, sử dụng hiệu quả các trang thiết bị chuyên dụng, chó nghiệp vụ, chủ động phát hiện, đấu tranh có hiệu quả đối với hoạt động mua bán, vận chuyển ma túy của bọn tội phạm ma túy tại địa bàn hoạt động Hải quan.

Cơ quan Hải quan các cấp đã quán triệt nghiêm túc, xây dựng các kế hoạch thực hiện Chỉ thị 4550 chủ động các phương án phòng ngừa, ngăn chặn, phát hiện và bắt giữ tội phạm ma túy thông qua dây chuyền thủ tục hải quan, tuần tra, kiểm soát và xác lập nhiều chuyên án đấu tranh có hiệu quả trong địa bàn hoạt động hải quan.

Các biện pháp nghiệp vụ kiểm soát hải quan đã được triển khai một cách đồng bộ tại các Đội Kiểm soát phòng, chống buôn lậu ma tuý chuyên trách, Đội Kiểm soát Hải quan từ Cục Điều tra chống buôn lậu đến Cục Hải quan các tỉnh, thành phố, các Chi cục Hải quan cửa khẩu, vì vậy đã phát hiện, bắt giữ kịp thời nhiều vụ mua bán, vận chuyển ma tuý qua biên giới. Số lượng các vụ mua bán, vận chuyển các chất ma tuý qua biên giới, cửa khẩu do lực lượng hải quan phát hiện, bắt giữ ngày càng tăng trên tất cả các tuyến biên giới miền Bắc, miền Trung, miền Nam với số lượng ma tuý lớn chưa từng có từ trước đến nay.

Cụ thể, sau 4 tháng thực hiện Chỉ thị, lực lượng Hải quan đã chủ trì và phối hợp phát hiện và bắt giữ 81 vụ, thu giữ: 66,658 kg heroin; 100,4 kg cocain; 97,63 kg và 155.711 viên ma túy tổng hợp; 40,314 kg và 15 bánh cần sa; 498,8 kg thảo mộc chứa chất ma túy và 315 viên thuốc gây nghiện...

Điển hình như ngày 20/4/2018, lực lượng kiểm soát ma tuý của Cục Hải quan TP Hà Nội phối hợp với Chi cục Hải quan chuyển phát nhanh và Đội Kiểm soát phòng, chống buôn lậu ma tuý phía Nam - Cục Điều tra chống buôn lậu, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm ma tuý, Bộ Công an tổ chức kiểm tra bưu kiện hàng hoá từ Bỉ gửi về Việt Nam qua đường chuyển phát nhanh, phát hiện bắt giữ 9,349 kg ma tuý tổng hợp MDMA.

Ngày 15/5/2018, Cục Hải quan Hải Phòng phối hợp phối hợp với Công an Hải Phòng kiểm tra phát hiện 1 container chứa 2,5 tấn lá Khát gửi từ khu vực Châu Phi về cảng Hải Phòng. Ngày 11/7/2018, Đội Kiểm soát phòng, chống buôn lậu ma tuý phía Nam - Cục Điều tra chống buôn lậu phối hợp với các lực lượng chức năng của Bộ Công an và Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng tổ chức bắt giữ đường dây mua bán, vận chuyển trái phép ma tuý từ Lào về Việt Nam tiêu thụ. Kết quả, bắt giữ 4 đối tượng, thu giữ 179 bánh heroin, 1 ô tô, nhiều xe máy và tài liệu liên quan.

PV: Qua những vụ án được phá thành công, ngành Hải quan đúc kết được bài học kinh nghiệm gì trong công tác kiểm soát phòng chống ma túy để nâng cao năng lực cho lực lượng chuyên trách, thưa ông?

Ông Nguyễn Văn Lịch: Đầu tiên, đó là cần phải có sự quan tâm chỉ đạo sát sao của lãnh đạo Hải quan các cấp về công tác đấu tranh phòng, chống ma tuý tại địa bàn.

Hiện nay, các vụ án mua bán, vận chuyển trái phép ma tuý với số lượng lớn ngày càng gia tăng, hoạt động của bọn tội phạm ma tuý ngày càng liều lĩnh, manh động, nguy hiểm hơn, nếu bị bắt giữ thì chỉ bắt được người vận chuyển. Trong khi đó quyền hạn của lực lượng Hải quan còn hạn chế, vì vậy lực lượng Hải quan các cấp cần phải phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng như: Công an, bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm ma tuý. Đây cũng là bài học cho tất cả các lực lượng kiểm soát ma túy.

Đồng thời, tăng cường và triệt để khai thác thông tin qua việc hợp tác quốc tế. Tích cực, chủ động tham gia hợp tác quốc tế đa phương, song phương hải quan về kiểm soát ma tuý. Phải thực hiện đúng quy trình kiểm soát, bắt giữ, xử lý vụ việc mua bán, vận chuyển trái phép các chất ma tuý của lực lượng Hải quan để đảm bảo tốt các yêu cầu nghiệp vụ và pháp luật. Từ bỏ ngay bệnh thành tích làm suy giảm hiệu quả bắt giữ các vụ án ma tuý và sẽ dẫn đến vi phạm pháp luật.

PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!

Top