Xây dựng hệ thống dịch vụ để hỗ trợ cho người cai nghiện ma túy

26/06/2020 15:14

Bộ Công an đang dự thảo Luật Phòng, chống ma túy sửa đổi với nhiều nội dung liên quan đến công tác cai nghiện. Nhân Tháng hành động phòng, chống ma túy và Ngày toàn dân phòng, chống ma túy (26/6), phóng viên Báo Điện tử Chính phủ có cuộc trao đổi với ông Cao Văn Thành, Phó Cục trưởng phụ trách Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội về những vấn đề liên quan đến công tác cai nghiện được đề xuất trong dự thảo luật.

Ông Cao Văn Thành, Phó Cục trưởng phụ trách Cục PCTNXH. Ảnh Nhật Thy

Ông có thể cho biết về các biện pháp và hình thức cai nghiện mà Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đề xuất trong Dự thảo Luật phòng, chống ma túy sửa đổi?

Ông Cao Văn Thành: Theo quy định hiện hành, có 3 hình thức cai nghiện (gia đình, cộng đồng và cơ sở  cai nghiện). Thực tế, hình thức cai nghiện tại gia đình và cai nghiện tại cộng đồng về bản chất chỉ là một hình thức (người nghiện tự nguyện cai nghiện với sự hỗ trợ, quản lý của gia đình họ và các tổ chức đoàn thể, chính quyền cấp xã). Do vậy, nên gộp hai hình thức này thành hình thức cai nghiện tại gia đình, cộng đồng để làm cơ sở cho việc quy định việc tổ chức thực hiện hình thức cai nghiện này. Đồng thời, làm rõ hơn đối với hình thức cai nghiện tập trung (các dịch vụ điều trị, cai nghiện, hỗ trợ được cung cấp tại 1 cơ sở khép kín) tại cơ sở cai nghiện bắt buộc (công lập) và cơ sở cai nghiện tư nhân.

Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội thống nhất với dự thảo 2 biện pháp cai nghiện (tự nguyện, bắt buộc) và không quy định biện pháp cai nghiện bắt buộc tại cộng đồng. Thực tiễn cho thấy, quy định cai nghiện bắt buộc tại cộng đồng do cấp xã quyết định là không phù hợp với thực tế (cơ sở vật chất, cán bộ chuyên môn), không khả thi.

Biện pháp cai nghiện tự nguyện được áp dụng đối với cả tất cả các hình thức cai nghiện; biện pháp cai nghiện bắt buộc chỉ áp dụng đối với hình thức cai nghiện tập trung tại các cơ sở cai nghiện bắt buộc.

Theo quy định hiện hành, việc tổ chức cai nghiện tại gia đình, cộng đồng được giao cho Ủy ban nhân dân cấp xã. Qua thực tiễn hơn 10 năm triển khai cho thấy quy định này không khả thi, thể hiện ở các điểm sau: Về nguyên tắc, cai nghiện là việc cung cấp các dịch vụ y tế, xã hội mang tính chuyên môn cao, do vậy phải do các đơn vị đảm bảo  các điều kiện, tiêu chuẩn thực hiện, trong khi Ủy ban nhân dân là cơ quan hành chính, không phải là đơn vị cung cấp dịch vụ; Các dịch vụ y tế, xã hội cơ bản ở cộng đồng hiện nay không thuộc Ủy ban nhân dân cấp xã quản lý nên việc huy động để hỗ trợ người cai nghiện rất khó khăn; nguồn lực cho việc tổ chức cai nghiện, số lượng người đăng ký cai nghiện tại gia đình, cộng đồng ở từng xã rất ít nên khó triển khai trên thực tiễn.

Từ những vấn đề trên, việc tổ chức cai nghiện ma túy tại gia đình, cộng đồng cần quy định theo nguyên tắc: đây là hình thức tự nguyện cai nghiện với sự giám sát của cơ quan chuyên môn (đơn vị cung cấp dịch vụ y tế, xã hội); xác định rõ các dịch vụ hỗ trợ cơ bản đối với người cai nghiện tại cộng đồng; giao trách nhiệm cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện trong việc tổ chức thực hiện (bao gồm xây dựng hệ thống dịch vụ hỗ trợ (ngân sách, nhân lực) và quy trình cung cấp dịch vụ hỗ trợ…). Đây là một điểm mới của cai nghiện tại gia đình, cộng đồng.

Sửa đổi lần này có đáp ứng được sự tiếp cận của người nghiện với các dịch vụ cai nghiện không, thưa ông?

Ông Cao Văn Thành: Về cơ bản, chúng tôi đang định hướng như vậy. Theo chủ trương của Chính phủ thì Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đặt mục tiêu trọng tâm là xây dựng hệ thống dịch vụ để hỗ trợ cho người cai nghiện tự nguyện và cai nghiện bắt buộc, trong đó Bộ được giao nghiên cứu định mức tiêu chuẩn cho các dịch vụ này. Trong dự thảo Luật Phòng, chống ma túy sửa đổi cũng đang xây dựng chính sách theo hướng xây dựng định mức tiêu chuẩn cung cấp dịch vụ cho người cai nghiện.

Dự thảo Luật sửa đổi có tương thích với các điều ước quốc tế mà chúng ta tham gia hay không, thưa ông?

Ông Cao Văn Thành: Riêng về cai nghiện ma túy thì hiện nay những sửa đổi chúng tôi đang rà soát, cơ bản đáp ứng được những công ước quốc tế Việt Nam tham gia kí kết, ví dụ như tổ chức cai nghiện, cai nghiện bắt buộc, chính sách hỗ trợ cai nghiện.

Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cũng đã tham dự những hội thảo quốc tế và khu việc để học tập, chia sẻ kinh nghiệm trong quá trình thực hiện hỗ trợ người cai nghiện.  Chính sách hỗ trợ cho người nghiện ở mỗi nước khác nhau do điều kiện kinh tế, văn hóa, xã hội, cách thức tổ chức khác nhau. Có những điểm mới mà chúng ta có thể học tập ở những nước khác ví dụ như Thái Lan, Myanmar trong việc xây dựng dịch vụ tốt nhất, đảm bảo nhu cầu cho người cai nghiện. Nhiều quốc gia đánh giá cao việc tổ chức cai nghiện tại Việt Nam với đa dạng các hình thức, huy động được sự tham gia của các tổ chức, đoàn thể…

Với biện pháp cai nghiện bắt buộc, cơ sở vật chất như hiện tại có đáp ứng được yêu cầu đặt ra, thưa ông?

Ông Cao Văn Thành: Đối với hình thức cai nghiện bắt buộc tại các cơ sở cai nghiện hiện nay, ngoài việc nâng cao cơ sở vật chất để đáp ứng số người nghiện gia tăng nhanh chóng, thì Bộ cũng tập trung xây dựng một đội ngũ cán bộ nòng cốt, xây dựng hệ thống dịch vụ hỗ trợ cho người nghiện tại các cơ sở cai nghiện... Đồng thời xây dựng thông tư hướng dẫn về chuyên môn nghiệp vụ cho các cơ sở cai nghiện ma túy theo hướng xác định rõ từng dịch vụ, trách nhiệm của cơ sở cai nghiện cũng như người nghiện tham gia dịch vụ.

Đây là một trong các nội dung quan trọng của Chương cai nghiện ma túy; các quy định phải đảm bảo tính thống nhất với Luật Xử lý vi phạm hành chính; đồng thời, thể hiện rõ nguyên tắc: nhà nước sẽ áp dụng biện pháp bắt buộc cai nghiện đối với người không tự nguyện cai nghiện và cố ý sử dụng trái phép chất ma túy; trách nhiệm của người nghiện trong thời gian bị áp dụng biện pháp cai nghiện bắt buộc; xử lý việc chấp hành hình phạt (hình sự) khi đang trong thời gian bị áp dụng biện pháp cai nghiện bắt buộc; thành lập, tổ chức, hoạt động; quyền, trách nhiệm của cơ sở cai nghiện ma túy bắt buộc.

Trân trọng cảm ơn ông!

Top