Xóa bỏ quan niệm: Đi cai nghiện là bị tách biệt với đời sống cộng đồng

12/11/2019 09:27

Khi xác định cơ sở cai nghiện ma tuý là “nhà” sẽ giúp cho các học viên tập trung cai nghiện, xóa bỏ mặc cảm bị cách ly ra khỏi xã hội. Một ngôi nhà đầy đủ ý nghĩa bao gồm cả cuộc sống vật chất và tinh thần. Đó là nơi để con người tĩnh tâm nhất, suy nghĩ về những việc làm đúng sai trong cuộc đời mình.

Đến Cơ sở cai nghiện ma túy số 1 Thanh Hóa (huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa), phóng viên như lạc vào một nơi nghỉ dưỡng với không gian sáng, xanh rộng rãi, cảm giác rất yên bình. Hiện nay, cơ sở đang quản lý 500 học viên cai nghiện. Để thực hiện tốt công tác điều trị cho người cai nghiện, những năm gần đây cơ sở đã quan tâm đầu tư xây mới, sửa chữa lại cơ sở vật chất; chỉnh trang khuôn viên, tạo một môi trường sống xanh - sạch - đẹp để các học viên thấy gần gũi với thiên nhiên, thoải mái về tâm lý, nỗ lực cai nghiện thành công, sớm tái hòa nhập cộng đồng.

Phóng viên đã có cuộc trao đổi với ông Lê Chí Cường, Giám đốc Cơ sở Cai nghiện ma túy số 1 tỉnh Thanh Hoá để tìm hiểu rõ hơn về công tác cai nghiện cũng như cách làm thế nào để thu hút người nghiện đi cai.

Ông Lê Chí Cường, Giám đốc Cơ sở Cai nghiện ma túy số 1 tỉnh Thanh Hoá. Ảnh: Hoàng Anh

Xin ông chia sẻ về quá trình cai nghiện tại Cơ sở cai nghiện ma túy số 1 tỉnh Thanh Hóa?

Ông Lê Chí Cường: Hiện nay, chúng tôi đang thực hiện quy trình cai nghiện 5 giai đoạn do liên Bộ LĐTB&XH và Bộ Y tế ban hành. Đầu tiên là tiếp nhận người nghiện, phân loại, lập bệnh án, kế hoạch điều trị cắt cơn giải độc. Giai đoạn 2 là điều trị tâm lý để phục hồi hành vi, nhân cách, sức khỏe giai đoạn ban đầu. Giai đoạn 3 là học tập văn hóa, pháp luật, các chủ trương chính sách, đường lối của Đảng nhà nước, các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến phòng chống ma túy và cai nghiện ma túy. Giai đoạn 4 là dạy nghề, tạo việc làm, hướng nghiệp cho học viên. Giai đoạn 5 là đánh giá các tiêu chí qua quá trình điều trị cai nghiện phục hồi để đảm bảo các yếu tố giúp cho người cai nghiện ma túy chuẩn bị hòa nhập cộng đồng, cung cấp các giải pháp phòng ngừa tái nghiện.

Qua quá trình thực hiện tại đơn vị, tôi thấy quy trình quản lý 5 giai đoạn hiện nay mang tính chất khoa học, phù hợp với điều kiện quản lý, giúp người cai nghiện có đủ điều kiện cơ bản cần thiết để kết thúc một quá trình cai nghiện phục hồi trong khoảng thời gian từ 1-2 năm.

Để thu hút người nghiện đi cai, điểm khác biệt cũng như thay đổi của cơ sở cai nghiện Thanh Hóa so với trước đây là gì, thưa ông?

Ông Lê Chí Cường: Sau khi Đảng, Nhà nước và các cơ quan liên quan từ trung ương có địa phương có chủ trương đổi mới công tác cai nghiện ma túy, Cơ sở cai nghiện ma túy số 1 Thanh Hóa đã chủ động cải tạo sửa chữa, quy hoạch lại các khu quản lý, khu chữa bệnh, đào tạo nghề cho học viên ở quy mô bài bản, hợp lý, khoa học hơn. Trong đó, đề cao xây dựng môi trường sống văn hóa, tôn trọng tất cả các quy trình, giải pháp tác động đến học viên nhằm thay đổi hành vi, nhân cách và nhận thức của học viên.

Song song với đó là triển khai theo từng giai đoạn, từng bước xóa bỏ phương pháp quản lý xơ cứng, thụ động mang tính mệnh lệnh hành chính. Chúng tôi tập trung tất cả các nguồn lực, nhân lực để chuyển hóa từ quản lý sang phục vụ. Mục tiêu là phục vụ người bệnh, phục vụ người cai nghiện ma túy tốt hơn, gần với cuộc sống đời thường hơn và đặc biệt là xóa bỏ quan niệm kỳ thị: Vào cai nghiện ma túy là bị tách biệt một với đời sống cộng đồng xã hội.

Ngoài thực hiện nghiêm túc 5 quy trình cai nghiện đã được liên  Bộ ban hành như trên, với mục tiêu xây dựng Cơ sở thành địa chỉ trợ giúp xã hội tin cậy của quần chúng nhân dân đồng thời là nơi chia sẻ, giúp đỡ, tạo niềm tin trong học tập, lao động và rèn luyện của tập thể học viên, chúng tôi luôn tâm niệm" "Cơ sở là nhà - chúng ta là anh em".

 Bữa cơm trưa của các học viên tại Cơ sở cai nghiện ma tuý số 1, Thanh Hoá. Ảnh: Hoàng Anh

Ông có thể giải thích rõ hơn về phương châm "Cơ sở là nhà - Chúng ta là anh em" được không?

Ông Lê Chí Cường: Xuất phát từ văn hóa của dân tộc Việt Nam đề cao vai trò của gia đình, hình ảnh ngôi nhà luôn là biểu tượng gần gũi, là chốn đi về ấm áp của mỗi người - dù người đó có mắc lỗi gì đi chăng nữa, thì khi trở về nhà họ vẫn mong được chào đón, được sống trong tình cảm yêu thương, gắn bó.

Khi xác định “Cơ sở là nhà” sẽ giúp cho người cai nghiện ma túy tập trung cai nghiện, xóa bỏ mặc cảm bị cách ly ra khỏi xã hội. Họ sẽ nỗ lực phấn đấu để biến nơi ở, nơi học tập, rèn luyện trở thành chính ngôi nhà của mình - Một ngôi nhà đầy đủ ý nghĩa bao gồm cả cuộc sống vật chất và tinh thần. Đó là nơi để con người tĩnh tâm nhất, suy nghĩ về những việc làm đúng sai trong cuộc đời mình…

Vì lẽ đó, Cơ sở hoạt động với phương châm là thức tỉnh mọi thành viên trong đơn vị, không có sự phân biệt đối xử giữa cán bộ công nhân viên chức và người cai nghiện. Chúng tôi coi đơn vị là một ngôi nhà chung.

Mỗi cán bộ theo sát học viên từng bước. Có những tình huống, có những câu chuyện không có trong giáo án, chỉ có những cơ sở cai nghiện ma túy và chỉ có những cán bộ thực hiện nhiệm vụ giúp đỡ người nghiện ma túy mới nắm được tâm lý và diễn biến của người cai nghiện. Do đó, mỗi cán bộ đều luôn tâm niệm rằng, không được rời xa học viên của mình vì chỉ cần lơ là thì có thể dẫn đến rất nhiều nguy cơ ảnh hưởng đến người cai nghiện ma túy.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Top