Những bài học kinh nghiệm sau 30 năm đương đầu với HIV/AIDS

01/12/2020 08:32

Trong suốt 30 năm qua, Đảng và Nhà nước ta luôn coi công tác phòng, chống HIV/AIDS là một trong những công tác trọng tâm, thường xuyên và lâu dài cần tập trung chỉ đạo nhằm huy động sức mạnh tổng thể của cả hệ thống chính trị, của toàn xã hội để kìm chế, ngăn chặn và từng bước đẩy lùi đại dịch này.

Kiện toàn bộ máy phòng, chống AIDS để chống dịch hiệu quả

Kể từ khi nước ta phát hiện ca nhiễm HIV đầu tiên vào tháng 12 năm 1990, dịch bệnh HIV/AIDS đã trở thành dịch bệnh nguy hiểm gây tác hại và là thách thức trực tiếp tới sự phát triển bền vững của đất nước.

Khi các nhà khoa học của Pháp và Mỹ vào năm 1984 công bố việc phát hiện ra virus gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch ở người  (HIV), Bộ Y tế  Việt nam đã quyết định thành lập Tiểu ban Phòng, chống SIDA thuộc Bộ Y tế, đặt tại Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương.  

Nhận thức được sự cần thiết của hoạt động liên ngành trong phòng, chống HIV/AIDS nên Chính phủ đã ban hành quyết định 358-CP ngày 6/10/1990 về việc thành lập Uỷ ban Quốc gia phòng chống AIDS Việt Nam (UBQG).

Từ một ca nhiễm được phát hiện vào tháng 12 năm 1990 đến năm 1993, HIV/AIDS tấn công vào nhóm tiêm chích ma túy phía Nam, số ca nhiễm HIV phát hiện được trên toàn quốc  vào cuối năm 1993 là 1.260. Những ca tử vong đầu tiên do AIDS được ghi nhận. Điều đó có nghĩa là, HIV đã thâm nhập vào Việt Nam từ giữa những năm 80 của thế kỷ trước, trùng hợp với thời kỳ Việt Nam bắt đầu công cuộc đổi mới và mở cửa.

Trước tình hình trên, các chuyên gia dịch tễ học của tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã cùng các chuyên gia dịch tễ học Việt Nam dự báo rằng nếu không tăng cường  công tác phòng chống AIDS thì đến cuối năm 1998 Việt Nam sẽ có khoảng 570.000 người nhiễm HIV/AIDS.

Năm 1994 UBQG sau khi phân tích, nhận định về mô hình diễn biến dịch HIV/AIDS ở Việt Nam đã tham mưu cho Đảng, Quốc hội và Chính phủ ban hành các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống HIV/AIDS trên toàn quốc.

Nhằm tăng cường vai trò lãnh đạo và chỉ đạo của UBQG, Chính phủ quyết định tách UBQG khỏi Bộ Y tế , trực thuộc Chính phủ và do một Phó Thủ tướng làm Chủ tịch Ủy Ban, Bộ Trưởng Bộ Y tế, một Thứ trưởng Bộ Kế Hoạch và Đầu tư làm Phó Chủ tịch Ủy ban và bổ nhiệm một Phó Chủ tịch Ủy ban chuyên trách kiêm chánh Văn phòng UBQG. Kể từ đó hệ thống phòng chống AIDS được kiện toàn một bước. Ở cấp Trung ương do một Phó Thủ tướng làm Chủ tịch, ngoài ba phó chủ tịch còn có 16 đại diện là cấp phó của các bộ ngành, đoàn thể Trung ương. Để làm tham mưu cho việc lập kế hoạch, điều hành, chỉ đạo và hợp tác quốc tế, Chính phủ quyết định thành lập Văn phòng UBQG.

Năm 1997, Chính phủ ban hành quyết định 1122/ QĐ/TTg xác định chức năng, nhiệm vụ và hệ thống phòng, chống AIDS từ Trung ương đến cơ sở. Theo Quyết định này, ở Trung ương, các Bộ, ban ngành, Đoàn thể thành lập Ban Phòng chống AIDS do một Thứ trưởng hoặc một lãnh đạo cấp phó của các Đoàn thể làm trưởng ban, có một số cán bộ chuyên trách hoặc kiêm nhiệm giúp việc. Ở cấp tỉnh thành lập UBPC AIDS cấp tỉnh do một Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm Chủ tịch, Giám đốc hoặc Phó Giám đốc Sở Y tế là Phó Chủ tịch.

Trước sự gia tăng ngày càng nghiêm trọng của HIV/AIDS trên phạm vi cả nước, ngày 11 tháng 3 năm 1995, Ban Bí thư Trung ương Đảng ra Chỉ thị số 52/CT-TƯ về lãnh đạo công tác phòng, chống HIV/AIDS; ngày 31 tháng 5 năm 1995, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Pháp lệnh về phòng, chống nhiễm virus gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS); ngày 01 tháng 6 năm 1996, Chính phủ ban hành Nghị định số 34/CP để hướng dẫn tổ chức thực hiện pháp lệnh “Phòng, chống nhiễm virus gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS)”. Đây là bộ ba văn bản quan trọng đầu tiên, là cơ sở pháp lý và định hướng cho toàn bộ các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS trong suốt 30 năm qua.

Nhằm kiện toàn bộ máy phòng, chống AIDS và phòng chống tệ nạn ma túy, mại dâm, ngày 5 tháng 6 năm 2000, Chính phủ đã ban hành quyết định 61-2000/QĐ-TTg về việc thành lập Uỷ ban quốc gia phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma tuý, mại dâm (UBQG) trên cơ sở hợp nhất ba cơ quan: Uỷ ban quốc gia phòng chống AIDS, Uỷ ban Quốc gia phòng chống ma tuý và Chương trình phòng chống tệ nạn xã hội của Chính phủ.  

Tiếp theo đó, sau 6 năm hoạt động, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 50/2007/QĐ-TTg về việc kiện toàn UBQG với 26 Bộ, ngành. Với sự nổ lực và quyết tâm cao, thông qua các hoạt động của mình, UBQG đã hoàn thành các nhiệm vụ được giao là làm cho đại dịch HIV/AIDS được kiềm chế ở mức tỷ lệ hiện nhiễm dưới 0,3% dân số ở nước ta.

Những bài học kinh nghiệm quý báu

Nhìn lại chặng đường 30 năm đương đầu với HIV/AIDS, chúng ta đã đạt được nhiều kết quả và rút ra những bài học kinh nghiệm. Nổi bật nhất là những kết quả và bài học kinh nghiệm trong việc tham mưu, đề xuất cho Đảng, Quốc hội và Chính phủ ban hành các văn bản làm cơ sở pháp lý cho công tác phòng, chống HIV/AIDS.

Kết quả quan trọng và bài học kinh nghiệm đầu tiên là UBQG đã coi trọng việc tham mưu cho Đảng, Quốc hội và Chính phủ ban hành các văn bản xác định đường lối, quan điểm, nguyên tắc và các biện pháp then chốt trong Phòng chống HIV/AIDS tại Việt nam. Với sự tham mưu của UBQG, ngày 11 tháng 3 năm 1995, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ra Chỉ thị số 52CT-TƯ về lãnh đạo công tác phòng chống AIDS. Chỉ thị 52 của Đảng là cơ sở đường lối quan trọng làm nền tảng cho toàn bộ công cuộc phòng, chống HIV/AIDS ở nước ta.

Thực hiện Chỉ thị 52 của Đảng về công tác phòng, chống AIDS, ngày 31 tháng 5 năm 1995 Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Pháp lệnh phòng chống virus gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch ở người HIV/AIDS và ngày 01 tháng 6 năm 1996, Chính phủ đã ban hành Nghị định 34/CP hướng dẫn thi hành Pháp lệnh phòng, chống HIV/AIDS. Với bộ ba văn bản quan trọng này chúng ta đã triển khai công tác phòng chống HIV/AIDS trên khắp cả nước.

Sau gần 10 hoạt động, hệ thống văn bản đã được nâng cao về thể thức và hiệu lực. Ngày 17 tháng 3 năm 2004, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược Quốc gia phòng, chống HIV/AIDS đến năm 2010 và tầm nhìn 2020.

Năm 2005, sau 10 năm tổ chức thực hiện, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã tiến hành đánh giá và tổng kết Chỉ thị 52/CT-TƯ về Lãnh đạo công tác phòng, chống HIV/AIDS, đồng thời ban hành Chỉ thị 54-CT/TW về tăng cường lãnh đạo công tác phòng, chống HIV/AIDS trong tình hình mới.

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh HIV/AIDS, ngày 29 tháng 6 năm 2006, Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam Khóa XI, Kỳ họp thứ 9 đã thông qua Luật Phòng, chống nhiễm virus gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS).

Ngoài ra, Nghị định 108/2007/NĐ-CP của Thủ tướng Chính phủ về việc quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phòng, chống HIV/AIDS; và hơn 118 văn bản quy phạm pháp luật, các quyết định của Thủ tướng và các hướng dẫn chuyên môn của Bộ ngành cũng đã được ban hành. Các văn bản chỉ đạo của Đảng và Chính phủ đã tạo hành lang pháp lý cho công tác phòng chống HIV/AIDS, bảo đảm thống nhất chỉ đạo, huy động đa ngành tham gia phòng, chống HIV/AIDS và tăng cường thu hút đầu tư quốc tế.

Có thể nhận định, hệ thống pháp luật về phòng, chống HIV/AIDS của Việt Nam là tiến bộ phù hợp với hệ thống pháp luật quốc tế và đáp ứng kịp thời để đối phó với tình hình diễn biến của dịch bệnh.

Kết quả và bài học kinh nghiệm thứ hai là huy động cộng đồng, hoạt động phối hợp liên ngành và xóa bỏ sự kỳ thị phân biệt đối xử liên quan đến HIV/AIDS trong phòng, chống HIV/AIDS.

Ngay từ đầu vụ dịch, Đảng và Nhà nước đã sớm coi công tác phòng, chống HIV/AIDS là một công tác liên ngành với phương châm “Phòng, chống nhiễm HIV/AIDS là trách nhiệm của mỗi người, của mỗi gia đìnhvà của toàn xã hội”.  

Trong thời gian qua, nhiều mô hình hoạt động phòng, chống HIV/AIDS đã được các Bộ, ngành xây dựng và triển khai có hiệu quả, điển hình là mô hình “Toàn dân tham gia phòng, chống HIV/AIDS tại cộng đồng dân cư” của Liên Bộ Y tế - Văn hoá Thể thao và Du lịch - Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Mô hình Câu lạc bộ thanh niên phòng, chống HIV/AIDS, Quán cà phê thanh niên, góc thân thiện chăm sóc sức khoẻ sinh sản vị thành niên, thanh niên và HIV/AIDS của Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh; Mô hình Câu lạc bộ đồng cảm của Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam; Mô hình Chi hội Nông dân phòng, ngừa lây nhiễm HIV/AIDS của Hội Nông dân Việt Nam; Mô hình Huy động cộng đồng/doanh nghiệp phòng, chống HIV/AIDS của Tổng Liện đoàn lao động Việt Nam; Mô hình huy động các tôn giáo tham gia phòng, chống AIDS đã góp phần động viên bà con giáo dân, các chức sắc tôn giáo có nhiều hình thức hoạt động phong phú nhằm đẩy lùi đại dịch.

Đặc biệt nhờ coi chống kỳ thị phân biệt đối xử liên quan đến HIV/AIDS là một quan điểm quan trọng của Đảng, được luật pháp thừa nhận và được coi trọng trong tổ chức thực hiện chiến lược quốc gia phòng, chống AIDS, sự kỳ thị phân biệt đối xử đã giảm thiểu nhiều so với những năm trước đây. Điều đó đã góp phần lôi cuốn những người bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS tham gia tích cực vào các hoạt động PC AIDS.

Kết quả và bài học kinh nghiệm thứ 3 chính là đẩy mạnh công tác thông tin, giáo dục, truyền thông, nâng cao nhận thức cho mọi tầng lớp nhân dân về HIV/AIDS. Trong dự phòng HIV/AIDS chúng ta đã coi công tác tuyên truyền, giáo dục nhằm năng cao nhận thức của mọi tầng lớp nhân dân về HIV/AIDS là biện pháp có ý nghĩa then chốt. Đặc biệt, trong những năm gần đây, chúng ta đã coi trọng công tác truyền thông thay đổi hành vi là công tác rất quan trọng.

Các hoạt động truyền thông thay đổi hành vi đã được triển khai trên toàn quốc với sự tham gia của các bộ, ban ngành, đoàn thể, bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú. Các hoạt động truyền thông giáo dục giới tính và truyền thông thay đổi hành vi được triển khai bao gồm: Truyền thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, đào tạo tập huấn, giáo dục đồng đẳng cho các nhóm có hành vi nguy cơ cao, tư vấn trực tiếp và qua đường dây nóng, các cuộc thi hiểu biết về HIV/AIDS, các buổi tọa đàm, triển lãm, lồng ghép nội dung phòng, chống HIV/AIDS vào các sinh hoạt thường kỳ của các đoàn thể quần chúng.

Cuộc vận động “Toàn dân tham gia phòng, chống HIV/AIDS tại cộng đồng dân cư” đang từng bước được thúc đẩy ở nhiều nơi. Hàng năm, 63 tỉnh, thành phố đã tổ chức tốt Tháng Hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS nhân Ngày Thế giới phòng, chống AIDS (1/12) và mít tinh hưởng ứng ở tuyến xã phường vào cùng một thời điểm với sự tham gia của các tầng lớp nhân dân.

Các hoạt động truyền thông thay đổi hành vi trong giai đoạn qua đã góp phần nâng cao nhận thức của nhân dân về HIV/AIDS, có tác động không nhỏ đến sự thay đổi hành vi  trong các nhóm có hành vi nguy cơ cao cũng như trong cộng đồng dân cư.

Kết quả và bài học kinh nghiệm thứ 4 chính là tăng cường hợp tác quốc tế. Hợp tác quốc tế có vai trò đặc biệt quan trọng trong chương trình phòng, chống HIV/AIDS. Thời gian qua, chúng ta đã tranh thủ được sự ủng hộ về nhiều mặt của bè bạn quốc tế. Các tổ chức quốc tế ở Việt Nam cũng như Chính phủ các nước rất quan tâm hỗ trợ cho chương trình phòng, chống HIV/AIDS ở Việt Nam. Nguồn viện trợ của các nước cho Việt Nam ngày một tăng lên, tỷ trọng kinh phí chiếm hơn 2/3 tổng nguồn lực đầu tư cho phòng, chống HIV/AIDS trên toàn quốc và dự án hỗ trợ đầu tư quốc tế đã được triển khai hiệu quả.

Ngoài việc tài trợ về nguồn lực, sự chia sẻ các bài học kinh nghiệm, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ làm công tác phòng, chống HIV/AIDS cũng đặc biệt quý báu. Các mô hình phòng, chống HIV/AIDS được các tổ chức quốc tế hỗ trợ đã thu được các kết quả khả quan. Kể  từ năm 2016 nguồn viện  trợ  quốc  tế  về  phòng, chống HIV/AIDS cho Việt Nam giảm dần, vì vậy để bảo đảm chấm dứt đại dịch vào năm 2030 Chính phủ cần đầu tư và huy động nguồn kinh phí từ các nguồn khác như sự đóng góp của các doanh nghiệp, cộng đồng.

Kết quả và bài học kinh nghiệm thứ 5, đó là kiện toàn công tác tổ chức hệ thống phòng, chống HIV/AIDS. Hệ thống phòng, chống HIV/AIDS đã được thành lập và kiện toàn thống nhất từ Trung ương đến cơ sở theo tinh thần chỉ đạo của Ủy ban Quốc gia.Để kiện toàn cơ quan tham mưu cho Bộ Y tế và UBQG trên lĩnh vực phòng, chống HIV/AIDS, ngày 20/5/2005 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 432/QĐ-TTg về việc thành lập Cục Phòng, chống HIV/AIDS, giúp Bộ trưởng Bộ Y tế quản lý Nhà nước về công tác phòng, chống HIV/AIDS, đồng thời tổ chức chỉ đạo và điều hành thống nhất các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS, nhằm huy động được mọi nguồn lực trong nước và quốc tế.

Kết quả và bài học kinh nghiệm tiếp theo đó nâng cao chất lượng hoạt động chuyên môn. Cụ thể là chương trình can thiệp giảm tác hại dự phòng lây nhiễm HIV. Sau năm 2005, Chiến lược Quốc gia Phòng, chống HIV/AIDS, Luật  phòng, chống HIV/AIDS (2006) và Nghị định 108 (2007) đã tạo hành lang pháp lý quan trọng cho việc tăng cường, mở rộng các can thiệp giảm tác hại toàn diện, bao gồm chương trình phân phát bơm kim tiêm sạch, chương trình khuyến khích sử dụng bao cao su và chương trình điều trị thay thế nghiện các chất dạng thuốc phiện.

Đây là những biện pháp can thiệp giảm tác hại đã được nhiều nước ứng dụng thành công để khống chế và ngăn chặn lây truyền HIV trong các nhóm ma túy, mại dâm và từ nhóm này ra cộng đồng. Nhờ áp dụng các biện pháp can thiệp giảm tác hại này, tình hình lây nhiễm HIV/AIDS ở nước ta  đã bắt đầu làm giảm số mắc mới ở nhiều địa phương và trên bình diện cả nước. 

Bên cạnh đó, chương trình chăm sóc và điều trị cũng được nâng cao. Điều trị và chăm sóc HIV/AIDS có ý nghĩa hết sức quan trọng, không chỉ năng cao sức khỏe, kéo dài tuổi thọ cho người bệnh mà còn góp phần quan trọng giảm sự phân biệt kỳ thị và thể hiện tính nhân đạo của chế độ xã hội.

Trong những năm qua, đáp ứng của quốc gia cho nhu cầu điều trị là một trong những thành tựu lớn của chương trình phòng, chống HIV/AIDS: Các hướng dẫn về chuyên môn và chính sách liên quan đến công tác chăm sóc và điều trị HIV/AIDS đã được ban hành tương đối đầy đủ và kịp thời.

Diện bao phủ mở rộng từ 2 điểm điều trị ARV năm 2003 lên 56 điểm năm 2006 và đạt 288 điểm năm 2009. Bên cạnh điều trị cho người lớn, các điểm điều trị cho trẻ em cũng tăng nhanh. Số bệnh nhân được điều trị ARV tăng từ 160 bệnh nhân năm 2003 lên 36.008 người lớn và 1.987 trẻ em năm 2009 và hiện nay 153 .000 được điều trị.

Công tác điều trị đã giúp làm giảm số tử vong do AIDS trong những năm qua, theo báo cáo giám sát số ca tử vong năm 2006 là 6.609 ca, con số này năm 2009 chỉ còn 1.815 ca và đến nay hầu như không còn nhiều ca tử vong do AIDS.

Công tác chuyên môn tiếp theo phải kể đến đó là Chương trình Dự phòng lây nhiễm HIV từ mẹ sang con (DPLTMC). DPLTMC đã thiết lập từ năm 2006. Các điểm dịch vụ DPLTMC đã mở rộng từ 107 điểm năm 2006 tăng lên 157 điểm  năm 2009 và tiếp tục tăng lên trong giai đoạn hiện nay. Tỷ lệ bà mẹ bị nhiễm HIV được cung cấp tư vấn xét nghiệm HIV trước sinh và uống thuốc dự phòng tăng lên đáng kể trong hai năm gần đây. Trong năm 2009 số bà mẹ mang thai được tư vấn trước khi sinh tăng gấp 3 lần so với năm 2008 và trong số đó người được xét nghiệm HIV tăng gấp 2 lần.

Chương trình DPLTMC có ý nghĩa hết nhân văn, nhân đạo, bên cạnh các bằng chứng khoa học về cứu sống rất nhiều trẻ em khỏi căn bệnh thế kỷ, nó còn thể hiện sự quan tâm đến phụ nữ và trẻ em và thế hệ tương lai của dân tộc. Chính vì vậy, trong thời gian qua, được sự chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Y tế đã phát động tháng hành động dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con và thu được kết quả rất đáng khích lệ.

Chương trình an toàn truyền máu cũng đã được nâng cao. Trong 30 năm qua công tác an toàn truyền máu dự phòng lây nhiễm HIV đã được thực hiện tốt, 100% các chai máu được sàng lọc trước khi truyền. Đây là một trong những mục tiêu pháp lệnh của Nhà nước luôn được hoàn thành trong các năm qua và chưa để xẩy ra trường hợp nào nhiễm HIV qua truyền máu. Việc cung cấp các trang thiết bị, sinh phẩm xét nghiệm phục vụ công tác sàng lọc máu được đảm bảo từ chương trình phòng chống HIV/AIDS và chương trình an toàn truyền máu. Phong trào hiến máu nhân đạo ngày càng được các tầng lớp nhân dân, nhất là thanh niên học sinh, quân đội ,công an…tích cực tham gia.

Trong giai đoạn qua Chương trình phòng, chống các nhiễm khuẩn lây qua đường tình dục cũng đặc biệt được lưu ý. Các hoạt động khám và điều trị bệnh STI đã tăng lên đáng kể, số bệnh nhân được khám điều trị tăng từ 225.000 ca năm 2001 lên 340.000 ca và 809.872 ca năm 2009 và hàng triệu ca hiện nay.

Hệ thống giám sát, theo dõi và đánh giá đã luôn được quan tâm cải tiến. Trên cơ sở đảm bảo nguyên tắc 3 thống nhất trong chương trình phòng, chống HIV/AIDS nhằm mục đích thực hiện thành công chương trình phòng, chống HIV/AIDS, Bộ Y tế đã ban hành 8 văn bản quy phạm pháp luật nhằm củng cố hệ thống giám sát và hướng dẫn chuyên môn.

Hệ thống phòng xét nghiệm HIV được phép khẳng định các trường hợp HIV dương tính tăng từ 58 phòng năm 2005 lên 68 phòng năm 2009. Số mẫu xét nghiệm đã tăng đáng kể 430.784 mẫu năm 2001, 565.422 mẫu năm 2006,  866.065 năm 2009 và hàng triệu mẫu mỗi năm như hiện nay.

Nhìn lại chặng đường 30 năm đương đầu với đại dịch HIV/AIDS, nhiều khó khăn thách thức chúng ta đã vượt qua, nhiều kết quả chúng ta đã đạt được và đáng tự hào. Hiện nay chúng ta đã kiềm chế được tỷ lệ hiện nhiễm HIV dưới 0,3% dân số như mục tiêu của Chiến lược quốc gia phòng, chống HIV/AIDS đến năm 2010 đã đề ra. Nhưng cuộc chiến chống lại đại dịch HIV/AIDS vẫn còn nhiều khó khăn thách thức và lâu dài.

Chủ động xây dựng một lộ trình mới đột phá và sáng tạo

Trên cơ sở kết quả đã đạt được và kinh nghiệm đã trải qua, chúng ta phải chủ động xây dựng một lộ trình mới có tính đột phá và sáng tạo cho công cuộc phòng, chống HIV/AIDS giai đoạn 2020-2030 nhằm kết thúc đại dịch vào năm 2030.

Cụ thể, tiếp tục các cam kết chính trị nhằm tăng cường hơn nữa sự chỉ đạo, lãnh đạo của cấp ủy đảng và chính quyền các cấp, khuyến khích thay đổi hành vi, phổ biến rộng rãi các thông tin về HIV, nâng cao việc thực thi khung pháp chế hiện hành là những việc được nhìn nhận là hết sức thiết yếu trong giải quyết tình trạng kỳ thị phân biệt đối xử liên quan đến HIV.

Đẩy mạnh các biện pháp để mở rộng can thiệp dự phòng, điều trị và chăm sóc về HIV/AIDS cho tất cả những người có nhu cầu. Mở rộng chương trình điều trị thay thế nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone và cung cấp các dịch vụ dự phòng HIV tại các trại giam, tạm giam, trường giáo dưỡng

Trong khuôn khổ các nội dung của đáp ứng quốc gia trong giai đoạn tiếp theo, sẽ bao gồm việc xây dựng gói dịch vụ toàn diện cho các nhóm có nguy cơ cao (tiêm chích ma túy, mại dâm, nam quan hệ tình dục đồng giới), cũng như các bạn tình của những người tiêm chích ma túy và những người nhiễm HIV. Nâng cao năng lực cung cấp các dịch vụ điều trị, chăm sóc và hỗ trợ tại các trại giam, tạm giam, trường giáo dưỡng… và tăng cường sự kết nối giữa các trại, trường này với các cơ sở y tế và cộng đồng.

Tăng cường hơn nữa sự tham gia của các tổ chức xã hội dân sự, những người nhiễm HIV vào các chương trình HIV/AIDS.

Xây dựng chiến lược phát triển nhân lực, đào tạo và có chính sách đãi ngộ những cán bộ có trình độ và tạo điều kiện phát triển năng lực cho cán bộ ở tất cả các cấp, đặc biệt trong các lĩnh vực cung cấp, quản lý và điều phối các nỗ lực phòng, chống HIV/AIDS tại tuyến tỉnh.

Tăng cường nguồn kinh phí địa phương cho HIV/AIDS và khuyến khích tập trung phân bổ nguồn lực cả ở tuyến trung ương và tuyến tỉnh để đáp ứng phù hợp với động lực gây dịch chính là tiêm chích ma túy và quan hệ tình dục không an toàn

Nâng cao năng lực trong lĩnh vực thông tin chiến lược và đẩy mạnh việc sử dụng và phân tích số liệu để có thể theo dõi và lập kế hoạch các chương trình phòng, chống HIV/AIDS quốc gia một cách có hiệu quả.
Top