Truyền thông - "Vaccine" hiệu quả trong phòng, chống HIV/AIDS

05/01/2021 18:25

Trong bối cảnh gần 40 năm các nhà khoa học trên thế giới vẫn chưa tìm được vaccine thực sự để dự phòng lây nhiễm HIV thì truyền thông nâng cao nhận thức cho người dân được coi là vaccine trong phòng, chống HIV/AIDS.

Công tác truyền thông được liên tục đổi mới

Trong thời gian qua, công tác truyền thông được Chính phủ quan tâm, liên tục được đổi mới về nội dung và đa dạng về hình thức. Tư duy truyền thông cũng được đổi mới, chuyển truyền thông từ “hù dọa” trong những năm đầu sang truyền thông “giải thích”; chuyển từ đưa tin và hình ảnh tiêu cực về người nhiễm HIV sang đưa tin, hình ảnh tích cực về người nhiễm HIV; chuyển từ việc người nhiễm HIV và người có hành vi nguy cơ cao là đối tượng truyền thông sang không chỉ là đối tượng mà còn là chủ thể tham gia các hoạt động truyền thông và cung cấp dịch vụ cho chính cộng đồng của họ.

Ngoài các kênh truyền thông trực tiếp, kênh truyền thông đại chúng, trong những năm gần đây truyền thông qua mạng xã hội bao gồm qua các trang tin điện tử, báo điện tử, fanpage, các App, Zalo, Viber... đã được áp dụng phổ biến, đáp ứng được yêu cầu cung cấp thông tin và truyền thông kịp thời, nhanh chóng đến đúng các đối tượng đích trong thời đại bùng nổ công nghệ thông tin.

Truyền thông nhân sự kiện cũng góp phần thu hút sự quan tâm của cộng đồng với công tác phòng, chống HIV/AIDS. Hàng năm việc tổ chức các sự kiện truyền thông như Tháng truyền thông dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con, Tháng Hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS… luôn được Trung ương và các địa phương chú trọng.

Cũng chính vì huy động được đông đảo các lực lượng cùng tham gia vào truyền thông phòng, chống HIV/AIDS, từ đội ngũ cán bộ y tế đến các vị lãnh đạo, những người có uy tín, những người nổi tiếng được quần chúng mến mộ và một lực lượng đông đảo đội ngũ cộng tác viên, tuyên truyền viên đồng đẳng… Nhờ đó, đã nâng cao được hiểu biết của nhân dân, cải thiện đáng kể về tình trạng kỳ thị, phân biệt đối xử liên quan đến HIV/AIDS, giúp người nhiễm HIV vượt qua hố sâu ngăn cách, tiếp cận sớm các dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS, được yêu thương và hòa mình vào cộng đồng dân cư, sống có ích cho cộng đồng.

Can thiệp giảm tác hại được xác định là một trong những biện pháp quan trọng trong dự phòng lây nhiễm HIV. Không quản khó khăn, đội ngũ cán bộ y tế và các tuyên truyền viên đồng đẳng đã tiếp cận với các nhóm có hành vi nguy cơ cao, như người nghiện chích ma túy, phụ nữ bán dâm và nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới để phát bơm kim tiêm sạch, bao cao su, chất bôi trơn.

Truyền thông giúp tăng hiệu quả các chương trình can thiệp giảm hại

Những ngày đầu, khi triển khai chương trình can thiệp giảm tác hại gặp rất nhiều khó khăn do còn có sự khác nhau ngay trong quan điểm như “triển khai cấp phát bơm kim tiêm hay bao cao su là tiếp tay cho tệ nạn ma túy, mại dâm”, tuy nhiên qua thời gian, nhận thức của một số lãnh đạo và người dân đã thay đổi, do vậy chương trình can thiệp giảm tác hại dự phòng lây nhiễm HIV ngày càng thuận lợi hơn.

Đến nay Việt Nam đã triển khai chương trình cung cấp bơm kim tiêm tại 52 tỉnh và bao cao su, chất bôi trơn tại 55 tỉnh, thành phố với hàng chục triệu bơm kim tiêm sạch và bao cao su được cấp phát miễn phí mỗi năm. Ngoài ra, việc cung cấp bao cao su, chất bôi trơn và bơm kim tiêm sạch được qua kênh thương mại đã trở nên phổ biến và bình thường hóa ở Việt Nam.

Việc phát bơm kim tiêm và bao cao su cho người nghiện chích ma túy và phụ nữ bán dâm trước đây bị coi là hành động “tiếp tay” cho tệ nạn xã hội, thì đến nay đã được pháp luật công nhận là hợp pháp, được xã hội đồng thuận cao và mang lại hiệu quả cho can thiệp giảm tác hại lây nhiễm HIV cho nhóm người nghiện ma túy và mại dâm.

Điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế được các nhà khoa học trên thế giới khuyến cáo là biện pháp hiệu quả trong can thiệp giảm tác hại cho ngưởi sử dụng chất dạng được áp dụng ở nhiều quốc gia hơn 50 năm qua. Tuy nhiên tương tự như các biện pháp can thiệp giảm hại khác, ban đầu Methadone không phải dễ dàng được chấp nhận để triển khai ở Việt Nam.

Tuy nhiên, với sự nỗ lực của Chính phủ, từ thí điểm thành công ở Hải Phòng và Thành phố Hồ Chí Minh vào năm 2009, Methadone được mở rộng để điều trị thay thế nghiện các chất dạng thuốc phiện. Hiện nay, tất cả 63 tỉnh, thành phố đang triển khai với hơn 53.000 bệnh nhân đang tham gia điều trị. Việc cấp thuốc Methadone nhiều ngày cho người bệnh cũng sẽ sớm đưa vào triển khai. Việt Nam cũng đang thí điểm điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng Buprenorphine tại 7 tỉnh, thành phố.

Báo cáo tổng kết 10 năm điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế tại Việt Nam cho thấy chương trình này đã mang lại hiệu quả to lớn không chỉ về sức khỏe, dự phòng lây nhiễm HIV cho người bệnh mà còn có những hiệu quả về kinh tế, góp phần ổn định trật tự, an ninh cho toàn xã hội. Điều trị nghiện cũng giúp thay đổi cách nhìn của xã hội đối với người nghiện ma túy từ việc coi sử dụng ma túy là “tệ nạn xã hội” sang “nghiện là bệnh mãn tính của não bộ”.

Trong khi đó, điều trị dự phòng trước phơi nhiễm bằng thuốc kháng HIV (PrEP) được triển khai thí điểm tại Việt Nam vào năm 2017. Qua 2 năm thí điểm, đến năm 2019 đã được mở rộng nhanh chóng cho 26 tỉnh, thành phố với hơn 13.000 người đã được tiếp cận, góp phần dự phòng lây nhiễm HIV qua quan hệ tình dục đặc biệt cho các nhóm Nam quan hệ đồng giới Nam.

Việc triển khai PrEP giúp người có hành vi nguy cơ lây nhiễm HIV có thêm sự lựa chọn để dự phòng sớm lây nhiễm HIV. PrEP là thuốc dự phòng trước phơi nhiễm với vi – rút HIV (Phơi nhiễm với HIV là thuật ngữ dùng để chỉ sự tiếp xúc với niêm mạc hay da không nguyên vẹn với máu, mô hay dịch cơ thể của người khác có nguy cơ lây nhiễm HIV). Cùng với bao cao su, PrEP được xem là một biện pháp dự phòng bổ sung có tác dụng phòng ngừa lây nhiễm HIV một cách an toàn và hiệu quả. 

Nhờ việc mở rộng các biện pháp can thiệp giảm tác hại trong thời gian qua đã góp phần quan trọng vào việc làm giảm tỷ lệ lây nhiễm HIV. Tỷ lệ nhiễm HIV trong nhóm nghiện chích ma túy từ 29% năm 2001 đã giảm xuống chỉ còn 12,7% vào năm 2019. Tỷ lệ nhiễm HIV trong nhóm phụ nữ bán dâm từ 4,2% năm 2006 giảm xuống còn 3,6% trong năm 2019.

Truyền thông giúp đưa ra những biện pháp ứng phó kịp thời

Ngoài ra, tư vấn xét nghiệm HIV được coi là đầu vào cho các dịch vụ dự phòng, điều trị và chăm sóc HIV/AIDS. Công tác tư vấn xét nghiệm HIV trong 30 năm qua có nhiều thay đổi. Việt Nam đã triển khai nhiều mô hình và cách tiếp cận khác nhau như tư vấn xét nghiệm HIV tại cơ sở y tế nhà nước, y tế tư nhân, xét nghiệm lưu động; xét nghiệm HIV tại cộng đồng; xét nghiệm HIV do các nhóm đồng đẳng thực hiện; tự xét nghiệm HIV; xét nghiệm phát hiện nhiễm mới HIV; tư vấn xét nghiệm HIV dựa vào bạn tình, bạn chích...

Với hơn 1.200 cơ sở xét nghiệm sàng lọc HIV, mỗi năm Việt Nam thực hiện khoảng 3 triệu mẫu xét nghiệm HIV, tăng gấp khoảng 20 lần so với giai đoạn trước năm 2010. Cả nước hiện cũng có hơn 170 phòng xét nghiệm khẳng định HIV tại tất cả 63 tỉnh, thành phố và tại một số huyện vùng xa, tạo điều kiện cho xét nghiệm và khẳng định HIV được nhanh chóng.

Giám sát trọng điểm cũng được tiến hành thường xuyên hàng năm nhằm theo dõi xu hướng dịch HIV nhất là các cộng đồng có hành vi nguy cơ lây nhiễm HIV cao mà không phải bất kỳ các quốc gia trên thế giới nào cũng thực hiên được. Hệ thống giám sát ca bệnh cũng được triển khai tại tất cả các tỉnh, thành phố, cùng với đó là hệ thống theo dõi và đánh giá chương trình phòng, chống HIV/AIDS được chuẩn hóa và triển khai thu thập số liệu theo định kỳ, áp dụng hệ thống báo cáo trực tuyến.

Hệ thống theo dõi và báo cáo tình hình dịch HIV cũng đã được triển khai thông qua các phần mềm quản lý từ cơ sở tới trung ương và ngày càng được cải thiện, chất lượng số liệu được nâng cao đã giúp chương trình phòng, chống HIV/AIDS theo dõi sát xu hướng dịch, lập kế hoạch và có biện pháp đối phó kịp thời.

 

 Truyền thông phòng, chống HIV/AIDS cho cộng đồng. Ảnh: Thùy Chi

Chăm sóc và điều trị HIV/AIDS trong 30 năm qua đã đạt được những thành tựu vượt bậc. Việt Nam là một trong quốc gia đầu tiên trên thế giới thử nghiệm thành công “Sáng kiến tiếp cận điều trị 2.0” nhằm đưa các dịch vụ xét nghiệm và điều trị bằng thuốc kháng HIV (ARV) về các trạm y tế xã.

Rõ ràng, có truyền thông thì người dân mới có thể nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi an toàn về phòng, chống HIV/AIDS, sự lây truyền HIV và các biện pháp phòng, chống.  Thông tin, giáo dục và truyền thông thay đổi hành vi nhằm khuyến khích cộng đồng cùng tham gia đối thoại về các yếu tố lây lan của HIV/AIDS, các hành vi nguy cơ và các yếu tố làm tăng hoặc giảm các hành vi nguy cơ. Từ đó, tạo ra nhu cầu về thông tin, dịch vụ và thúc đẩy hành động, thực hiện hành vi an toàn để làm giảm nguy cơ và làm giảm sự kỳ thị xã hội.

Thông tin, giáo dục và truyền thông thay đổi hành vi giúp mọi người  hiểu biết đúng đắn và đầy đủ hơn về HIV/AIDS, làm giảm sự kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS và những người bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS trong cộng đồng.

Thông tin, giáo dục và truyền thông thay đổi hành vi góp phần nâng cao trách nhiệm và sự quan tâm của các cấp, các ngành, thu hút dư luận xã hội ủng hộ cho các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS, duy trì bền vững những thành quả đã đạt được. Đồng thời, thông tin, giáo dục và truyền thông thay đổi hành vi còn góp phần định hướng cho mọi người thực hiện pháp luật và các chính sách về phòng, chống HIV/AIDS, kết nối và thúc đẩy các dịch vụ về dự phòng lây nhiễm HIV, chăm sóc, hỗ trợ và điều trị cho người nhiễm HIV/AIDS và các dịch vụ hỗ trợ về kinh tế xã hội khác, tạo môi trường thuận lợi cho mọi người duy trì việc thực hiện các hành vi an toàn.

PGS. TS. Nguyễn Hoàng Long, Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS cho biết, công tác truyền thông đặc biệt quan trọng trong công tác phòng, chống HIV/AIDS. Chính vì vậy, thời gian tới cần tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông, nâng cao nhận thức của cộng đồng trong công tác phòng, chống HIV/AIDS; lồng ghép các hoạt động truyền thông bằng nhiều hình thức đa dạng phong phú. Bên cạnh đó, mỗi người dân cần ý thức, chủ động thực hiện các biện pháp phòng tránh để tự bảo vệ sức khỏe cho bản thân và cộng đồng.
Top