Truyền thông tạo cầu và quảng bá dịch vụ điều trị PrEP lưu động

14/06/2021 13:52

Điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV bằng thuốc ARV (PrEP) là một trong những can thiệp dự phòng lây nhiễm HIV hiệu quả hiện nay. Dịch vụ điều trị PrEP lưu động là dịch vụ y tế nhân đạo và cấp phát thuốc miễn phí hoàn toàn cho người có nguy cơ cao nhiễm HIV, được thực hiện tại các địa điểm bên ngoài cơ sở y tế phù hợp với khách hàng hoặc tại một nơi thuận lợi với một nhóm khách hàng mà do hoàn cảnh hoặc lý do nào đó họ không tiếp cận được với dịch vụ điều trị PrEP tại các cơ sở y tế.

Ảnh minh họa

Ngày 14/8/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1246/QĐ-TTg về việc phê duyệt Chiến lược quốc gia chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030. Trong đó chỉ tiêu tỷ lệ nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM) được điều trị PrEP đạt 30% vào năm 2025 và 40% vào năm 2030.

Ngày 11/12/2020, Bộ trưởng Bộ Y tế đã ban hành Quyết định số 5154/QĐ-BYT phê duyệt Kế hoạch điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV bằng thuốc kháng HIV (PrEP) giai đoạn 2021-2025 (sau đây gọi tắt là Quyết định 5154) với chỉ tiêu 72.000 người có nguy cơ cao nhiễm HIV được điều trị PrEP vào năm 2025.

Để mở rộng độ bao phủ, đa dạng hóa các mô hình cung cấp dịch vụ PrEP đảm bảo khách hàng được tiếp cận dễ dàng, thuận lợi và phấn đấu đạt chỉ tiêu kế hoạch theo Quyết định 5154, Cục Phòng chống HIV/AIDS xây dựng Hướng dẫn cung cấp dịch vụ lưu động điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV bằng thuốc ARV (PrEP).

Cục Phòng, chống HIV/AIDS đề nghị Sở Y tế chỉ đạo cơ quan đầu mối phòng, chống HIV/AIDS tỉnh, thành phố và các đơn vị liên quan hướng dẫn các cơ sở điều trị PrEP trên địa bàn triển khai cung cấp dịch vụ điều trị PrEP lưu động phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương theo hướng dẫn.

Đồng thời tăng cường truyền thông tạo cầu, quảng bá dịch vụ điều trị PrEP lưu động, điều phối hoạt động kết nối giữa các cơ sở y tế (cơ sở tư vấn xét nghiệm HIV, cơ sở điều trị ARV, …) và các nhóm cộng đồng trên địa bàn tỉnh, thành phố nhằm chuyển gửi, giới thiệu khách hàng có nguy cơ cao lây nhiễm HIV được tiếp cận dịch vụ PrEP.

Theo Hướng dẫn cung cấp dịch vụ lưu động điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV (PrEP), cơ sở y tế thực hiện cung cấp điều trị PrEP lưu động theo hình thức đội khám và điều trị PrEP lưu động.

Cơ sở y tế lựa chọn địa điểm cung cấp điều trị PrEP lưu động phù hợp với đối tượng khách hàng đích, có thể là: (1) Phòng y tế tại trường đại học, cao đẳng, trung cấp dạy nghề; (2) Phòng y tế tại khu công nghiệp, khu chế xuất; (3) Phòng y tế của trại giam, trại tạm giam, cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng; (4) Các sự kiện truyền thông hoặc nơi tập trung nhiều người có nguy cơ cao có thể phù hợp để cung cấp dịch vụ PrEP tại chỗ; (5) Các cơ sở dịch vụ giải trí, nhà riêng, xe lưu động hoặc các địa điểm khác phù hợp với đối tượng nguy cơ cao nhiễm HIV cần điều trị PrEP.

Điều kiện về cơ sở vật chất, nhân sự và trang thiết bị y tế, thuốc và phạm vi hoạt động chuyên môn của cung cấp điều trị PrEP lưu động được thực hiện theo quy định tại Điều 5 Thông tư số 30/2014/TT-BYT ngày 28/8/2014 của Bộ Y tế Quy định về Khám bệnh, chữa bệnh nhân đạo.

Đối với truyền thông tạo cầu và quảng bá dịch vụ điều trị PrEP lưu động, các cơ sở cần xây dựng kế hoạch truyền thông tạo cầu và quảng bá dịch vụ điều trị PrEP lưu động tới nhóm khách hàng có nguy cơ cao nhiễm HIV. Thông tin chi tiết cho khách hàng về các đợt điều trị PrEP lưu động tại địa phương.

Việc truyền thông và quảng bá dịch vụ điều trị PrEP lưu động có thể được truyền thông trực tiếp qua nhóm tiếp cận cộng đồng và lồng ghép với truyền thông tạo cầu về điều trị PrEP hoặc các dịch vụ truyền thông về HIV/AIDS, STIs…; Lồng ghép với các hoạt động truyền thông cho nhóm đích tại các địa điểm tập trung nhiều đối tượng có nguy cơ cao.

Các kênh truyền thông quảng bá dịch vụ được thực hiện trên các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội, các ứng dụng hẹn hò, fanpage, các dịch vụ tiếp cận cộng đồng và xét nghiệm hoặc các sự kiện ở trường học, sự kiện cuối tuần hướng đến nhóm khách hàng có nguy cơ cao nhiễm HIV.

Các bước cung cấp dịch vụ điều trị PrEP lưu động cụ thể như sau:

Bước 1. Cơ sở điều trị PrEP thành lập đội cung cấp dịch vụ PrEP lưu động: Bảo đảm các điều kiện tại mục IV. 1.2 của hướng dẫn này.

Bước 2. Cơ sở điều trị PrEP xây dựng kế hoạch cung cấp dịch vụ điều trị PrEP lưu động chi tiết: Thời gian, địa điểm cung cấp dịch vụ, số lần cung cấp dịch vụ lưu động trong tháng, quý, năm.

Bước 3. Tập huấn đội cung cấp dịch vụ điều trị PrEP lưu động về kỹ năng tư vấn và quy trình cung cấp dịch vụ lưu động.

Bước 4. Chuẩn bị trước chuyến lưu động

Ngoài ra, cơ sở y tế cung cấp dịch vụ điều trị PrEP lưu động phải có trách nhiệm quản lý bệnh án và sổ sách ghi nhận các thông tin của khách hàng tại phòng khám thực hiện dịch vụ lưu động...

Top