Người nhiễm HIV tăng nguy cơ đột tử do tim

21/06/2021 13:25

Những người nhiễm HIV có nguy cơ đột tử do tim tăng gấp hai lần so với dân số chung. Một nghiên cứu mới cho thấy.

Không giống như một cơn đau tim do tắc nghẽn động mạch, đột tử do tim ở người nhiễm HIV có thể xảy ra mà không có dấu hiệu báo trước và được kích hoạt bởi sự cố điện tim gây nhịp tim không đều. Trong vòng vài phút, người bệnh mất ý thức và có nguy cơ tử vong cao.

Các nhà nghiên cứu cho biết, trong số những người nhiễm HIV, khám nghiệm tử thi cho thấy sẹo cơ tim (xơ hóa), đây có thể là lý do giải thích tại sao đột tử do tim dễ xảy ra hơn ở những bệnh nhân này.

Trưởng nhóm nghiên cứu, Tiến sĩ Zian Tseng, Đại học California, San Francisco cho biết: Rối loạn nhịp tim gây tử vong ở người nhiễm HIV cao hơn 87% so với dân số chung. Nguyên nhân có thể do mức độ viêm mãn tính gây sẹo ở những người bệnh này.

Theo TS Tseng, tình trạng viêm mãn tính ở người nhiễm HIV vẫn tồn tại ngay cả ở những người điều trị bằng thuốc kháng virus mà nồng độ HIV ở ngưỡng không phát hiện. Virus ẩn náu trong các cơ quan trong cơ thể và các hạch bạch huyết, tạo viêm gây sẹo làm ảnh hưởng tới chức năng hoạt động của các cơ quan.

Mặc dù không thể ngăn chặn tình trạng viêm, nhưng việc sử dụng MRI có thể xác định xơ hóa ở những bệnh nhân bị rối loạn nhịp tim. Để giảm nguy cơ đột tử do tim có thể cấy máy tạo nhịp tim/máy khử rung tim… Tuy nhiên, không phải tất cả các trường hợp đột tử do nhịp tim không đều ở bệnh nhân HIV là do bệnh tim. 1/3 số ca đột tử do tim ở những người nhiễm HIV mà các nhà khoa học xem xét là do sử dụng ma túy quá liều. TS Tseng cho biết.

Các nhà khoa học đã sử dụng dữ liệu từ một nghiên cứu kiểm tra những cái chết đột ngột không mong muốn ở San Francisco từ năm 2011 đến năm 2016. Nhóm của TS Tseng đã xem xét hồ sơ và khám nghiệm tử thi để tìm ra nguyên nhân thực sự gây ra cái chết đột ngột ở bệnh nhân HIV. Họ phát hiện ra rằng tỷ lệ đột tử cao hơn gấp đôi ở những người nhiễm HIV.

Cụ thể, trong số 610 trường hợp tử vong đột ngột ở người nhiễm HIV thì có tới 109 trường hợp tử vong do ngừng tim ngoài bệnh viện. Xem xét các hồ sơ y tế và khám nghiệm tử thi cho thấy: 48 người đột tử do tim, nhưng chỉ có 22 người là do rối loạn nhịp tim và bệnh tim (tim bị tổn thương hoặc phì đại, hoặc do bệnh rối loạn nhịp tim đã có từ trước); 16 bệnh nhân (gần 34% trong nhóm được cho là đột tử do tim) là do quá liều thuốc. Trong số các trường hợp tử vong của bệnh nhân không nhiễm HIV, chỉ có 13% trong số 505 trường hợp tử vong được coi là đột tử do tim là do sử dụng ma túy quá liều. Các trường hợp đột tử không do tim khác ở những bệnh nhân HIV là do suy thận, nhiễm trùng, chảy máu và nhiễm toan ceton do tiểu đường. TS Tseng cho biết, bệnh nhân HIV có tỷ lệ đau tim, suy tim, bệnh động mạch và đột quỵ cao hơn đáng kể so với dân số chung.

Theo TS Tseng, bệnh nhân và nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe cần sàng lọc việc sử dụng chất kích thích và xem xét nguy cơ đột tử một cách nghiêm túc. Ở người nhiễm HIV cần chú ý đến các triệu chứng như ngất xỉu, đau ngực, đánh trống ngực và nhịp tim chậm. Đó là những dấu hiệu cảnh báo tiềm ẩn về các vấn đề, và đặc biệt là các vấn đề về nhịp tim mà nhà cung cấp dịch vụ có thể cần làm thêm các xét nghiệm.

Thuốc điều trị HIV có phải là thủ phạm?

Tiến sĩ Jeffrey Laurence, Tổ chức Nghiên cứu AIDS cho biết, kết quả của nghiên cứu này bổ sung thêm kiến thức về cách HIV ảnh hưởng đến tuổi thọ ngay cả khi bệnh nhân đang sử dụng thuốc kháng virus.

TS Laurence tin rằng tình trạng viêm dẫn đến xơ hóa có thể do một số loại thuốc kháng retrovirus gây ra, đặc biệt là những loại thuốc cũ. Vì vậy, nên xem xét các loại thuốc chống HIV mà người bệnh đang sử dụng, vì một số loại thuốc có thể dễ khiến người bệnh bị xơ hóa hơn. Hơn nữa, bản thân virus cũng có liên quan và chứng xơ hóa có thể xuất phát từ sự kết hợp của HIV và một số loại thuốc nhất định. Bên cạnh đó, HIV có thể làm hỏng hệ thống miễn dịch vĩnh viễn, và đó là nguồn gốc của chứng viêm.

Điều quan trọng là tìm cách để ngăn chặn quá trình xơ hóa này. Hiện nhiều công ty dược phẩm đã và đang tìm kiếm các phương pháp điều trị hiệu quả cho chứng xơ hóa. Hy vọng trong tương lai sẽ có giải pháp hữu hiệu dể ngăn chặn tình trạng này.

Top