Tăng cường kiểm tra, bắt nhiều vụ trồng cây cần sa trái phép
Tiếp tục triển khai thực hiện Tháng hành động phòng chống ma túy (tháng 6/2021), công an Hà Nội, Đắk Lắk, Bắc Kạn tăng cường công tác kiểm tra, rà soát nhằm phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi trồng trái phép cây cần sa trên địa bàn.
Hiện trường nơi công an Đắk Lắk phát hiện 350 cây cần sa trồng trái phép
Theo đó, vào khoảng 9h50’ ngày 8/6, tổ công tác Công an TP.Bắc Kạn phát hiện Triệu Đình Dũng (SN 2003, trú tại tổ 12 phường Phùng Chí Kiên, TP.Bắc Kạn, tỉnh Bắc Kạn) trồng nhiều cây cần sa trái phép.
Công an xác định có 13 cây cần sa (chiều cao từ 80 đến 120cm) được Triệu Đình Dũng trồng tại bãi đất trống gần nhà.
Tại cơ quan công an, Dũng cho biết vì muốn ngâm rượu nên đã đặt mua hạt giống cần sa trên mạng xã hội để trồng và chăm sóc. Công an đã lập biên bản vụ việc, đồng thời tịch thu toàn bộ số cây cần sa.
Tại Đắk Lắk, ngày 7/6, tổ công tác công an xã Cư Né, đội Cảnh sát hình sự, đội Cảnh sát phòng chống tội phạm về kinh tế - ma túy Công an huyện Krông Búk tiến hành kiểm tra, phát hiện tại rẫy của ông Trương Bá Trọng Tín (sinh năm 1987) tại buôn Kô, xã Cư Né trồng trái phép 350 cây cần sa.
Tại Hà Nội, khoảng 11h30' ngày 5/6, Công an phường Ngọc Thuỵ phối hợp cùng Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về ma tuý (Công an quận Long Biên) kiểm tra khu vực bãi giữa sông Hồng phát hiện một vườn cần sa rộng hơn 3.000m2.
Cơ quan chức năng xác định, chủ nhân của vườn cần sa trên là Tiberghien Frederec (SN 1966, quốc tịch Pháp, tạm trú và làm việc tại Công ty LAVIE Vũ Linh, xã Vũ Linh, huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái).
Tại mảnh đất 3.000m2 bãi giữa sông Hồng do vợ chồng đối tượng Frederec thuê, lực lượng chức năng đã thu giữ 115 cây cần sa tươi với trọng lượng 34kg và 40,268g cần sa khô.
Sau khi lập biên bản tại chỗ, lực lượng chức năng mời đối tượng liên quan về trụ sở Công an tiếp tục xác minh, làm rõ.
Căn cứ Khoản 3 Điều 21 Nghị định 167/2013/NĐ-CP quy định mức phạt đối với hành vi vi phạm các quy định về phòng chống và kiểm soát ma túy, người trồng cây cần sa với số lượng nhỏ (dưới 500 cây) và vi phạm lần đầu, có thể bị xử phạt hành chính từ 2 triệu đến 5 triệu đồng.
Ngoài ra, người vi phạm còn bị tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính theo quy định tại Khoản 6 Điều 21 Nghị định này. Đối với trường hợp người vi phạm là người nước ngoài, tùy theo mức độ vi phạm, có thể bị áp dụng hình thức xử phạt trục xuất theo Khoản 7 Điều 21.
Đối với người vi phạm đã được giáo dục 2 lần và đã được tạo điều kiện ổn định cuộc sống, hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này, hoặc đã bị kết án về tội này chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, hoặc trồng cần sa có số lượng từ 500 cây đến dưới 3.000 cây, thì bị phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm theo quy định tại Khoản 1 Điều 247 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).
Trường hợp người phạm tội đã tự nguyện phá bỏ, giao nộp cho cơ quan chức năng có thẩm quyền trước khi thu hoạch, thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự theo Khoản 4 Điều 247 Bộ luật Hình sự năm 2015. Người phạm tội có tổ chức, hoặc trồng trên 3.000 cây trở lên, hoặc tái phạm nguy hiểm, thì bị phạt tù từ 3-7 năm. Ngoài các hình phạt trên, Khoản 3 Điều 247 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định người vi phạm còn có thể bị phạt tiền từ 5-50 triệu đồng.