Lao đa kháng thuốc: Mối đe dọa nguy hiểm khi lây lan ra cộng đồng

16/12/2020 18:29

Lao kháng thuốc là một thể bệnh nguy hiểm mà một trong những nguyên nhân chính là do người bệnh không tuân thủ quy trình điều trị, tự ý giảm liều hoặc ngừng thuốc khi chưa đủ thời gian điều trị. Ngoài việc khó khăn, tốn kém, mất nhiều thời gian hơn nhiều trong điều trị, chủng lao đa kháng thuốc còn là mối đe dọa nguy hiểm khi lây lan ra cộng đồng.

 

 Khám cho bệnh nhân lao. Ảnh: Thùy Chi

Bệnh lao vẫn là nguyên nhân gây tử vong thứ 3 trong các bệnh nhiễm trùng. Theo báo cáo của Tổ chức y tế thế giới (WHO) năm 2019, mỗi năm, khoảng 10 triệu bệnh nhân lao mới. Và gần 1,5 triệu người tử vong do lao trên toàn cầu.

Việt Nam hiện là nước đứng thứ 16/30 nước có số bệnh nhân lao cao nhất trên thế giới và đứng thứ 13/30 nước có gánh nặng bệnh lao kháng đa thuốc cao nhất trên toàn cầu. Mỗi năm có khoảng 130.000 người mắc lao mới, trong đó có 7.000 người mắc lao đồng nhiễm HIV, hơn 5.000 bệnh nhân lao đa kháng thuốc.

Số liệu thống kê của Bệnh viện Phối Trung ương cũng cho thấy, năm 2018 trên toàn cầu ước tính tỷ lệ mắc lao kháng thuốc là 3,4% trong số bệnh nhân mới và là 18% trong số bệnh nhân điều trị lại.

Ông Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương cho biết, đại dịch COVID - 19 bùng phát trên toàn cầu đã gây ảnh hưởng đến công tác chẩn đoán và điều trị lao kháng thuốc nói riêng và bệnh lao nói chung tại Việt Nam. Dịch COVID – 19 đã ngăn cản quá trình phát hiện sớm của người bệnh, cũng như điều trị kịp thời lao đa kháng thuốc.

“Trên thế giới đã ước tính COVID - 19 ảnh hưởng đến 25% khả năng phát hiện bệnh lao. Và như vậy sẽ khiến tỉ lệ người tử vong vì bệnh này tăng lên nhanh chóng. Theo đó, riêng năm 2020, đã tăng lên hơn 400.000 người tử vong trên toàn thế giới vì bệnh lao”, ông Nhung cho hay.

Theo ông Nguyễn Viết Nhung, có những bệnh nhân lao kháng thuốc ở mức độ ít nghiêm trọng như chỉ kháng một loại thuốc, nhưng có những bệnh nhân kháng thuốc mức độ nặng gọi là lao đa kháng thuốc, nặng hơn là siêu kháng thuốc.

Khi bị kháng thuốc, thuốc không có tác dụng với vi khuẩn lao, việc điều trị không hiệu quả. Mặc dù đang trong quá trình điều trị song các triệu chứng sốt, ho, khạc đờm ở người bệnh không thuyên giảm hoặc thuyên giảm một thời gian rồi xuất hiện trở lại với các biểu hiện tăng nặng hơn, nguy hiểm hơn ban đầu khi mới phát hiện bệnh.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc các bệnh nhân lao bị kháng thuốc như: Vi khuẩn lao tự biến đổi cấu trúc chống lại thuốc; người bệnh ngay từ đầu đã bị lây nhiễm loại vi khuẩn lao kháng thuốc từ người bệnh bị lao kháng thuốc khác hoặc do uống thuốc không đủ mạnh để tiêu diệt vi khuẩn lao. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, trong các nguyên nhân, nguyên nhân phổ biến nhất vẫn là do bệnh nhân lao không tuân thủ theo đúng phác đồ và thời gian điều trị.

Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương khẳng định, bình thường, bệnh lao có thể chữa khỏi hoàn toàn khi tuân thủ phác đồ và thời gian điều trị 6 tháng, tỷ lệ khỏi bệnh cao trên 90%.

"Nhưng với lao đa kháng thuốc, việc điều trị khỏi bệnh khó khăn hơn nhiều. Ngoài phải tuân thủ điều trị nghiêm ngặt, thời gian điều trị cũng phải kéo dài hơn và phải dùng nhiều loại thuốc hơn, chi phí tốn kém hơn, song tỷ lệ khỏi bệnh cũng thấp hơn", ông Nhung nêu.

Ngoài ra, nhiều chuyên gia y tế lo ngại, khi số người bị lao kháng thuốc tăng, đặc biệt là khi chưa được quản lý là mối nguy hiểm cho cộng đồng vì nguy cơ lây lan vi khuẩn lao kháng thuốc cao. Vì vậy, để dự phòng lao kháng thuốc, người đã mắc bệnh lao cần tuyệt đối tuân thủ chỉ dẫn của bác sĩ, phải uống thuốc đủ liều, đúng phác đồ và thời gian điều trị. Bên cạnh đó, bệnh nhân lao đa kháng thuốc cần phải được theo dõi, giám sát quá trình điều trị chặt chẽ.

Người bệnh cũng cần ý thức trong sinh hoạt như không khạc nhổ tùy tiện, phải sử dụng khẩu trang khi nói chuyện và tiếp xúc hàng ngày phòng lây lan bệnh ra cộng đồng.

Với người chưa mắc bệnh, khi ho kéo dài hơn 2 tuần hoặc trong gia đình có người đã từng bị lao, thường tiếp xúc với người bị bệnh lao cần chủ động đi khám, xét nghiệm để được tầm soát bệnh lao và sớm được điều trị nếu có bệnh.

Để phòng ngừa lây lan cho những người xung quanh, người bệnh phải thường xuyên đeo khẩu trang y tế để hạn chế phát tán vi khuẩn lao ra môi trường. Những người có tiếp xúc thường xuyên với bệnh nhân lao phổi kháng thuốc, hay là có tiếp xúc với những bệnh nhân lao phổi nói chung cần ngay lập tức đến các cơ sở y tế gần nhất để thăm khám và kiểm tra để phát hiện sớm và tầm soát hiệu quả bệnh lao.
Top