Khó kiểm soát mạng xã hội có nguồn gốc từ nước ngoài

20/02/2018 13:57

Với việc phát triển công nghệ trên nền tảng trí tuệ nhân tạo, các mạng xã hội (MXH) đang ngày càng thông minh hơn và mang lại nhiều tiện ích lớn hơn cho người sử dụng.

Tuy nhiên, MXH cũng tồn tại không ít mặt trái, trở thành thách thức lớn đối với nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam, đặc biệt là các MXH toàn cầu như Facebook, Google, YouTube...

Việt Nam có khoảng 35 triệu người dùng MXH, chiếm 37% dân số. Trung bình mỗi ngày, người Việt Nam vào MXH khoảng 2 giờ 18 phút. Theo số liệu của Bộ Thông tin và Truyền thông, hiện Việt Nam có 363 trang MXH đã được Bộ cấp phép hoạt động. Trong đó, hai trang MXH nước ngoài phổ biến nhất là Facebook (khoảng 53 triệu thành viên) và YouTube có (35 triệu thành viên).

Việt Nam là một trong nhóm 10 nước có lượng người dùng YouTube cao nhất trên thế giới. MXH ở Việt Nam có hai loại: MXH do các doanh nghiệp trong nước cung cấp và MXH do doanh nghiệp nước ngoài cung cấp xuyên biên giới (như Facebook, Google, YouTube, Twitter...).

Phần lớn các MXH do doanh nghiệp Việt Nam cung cấp đều tuân thủ các quy định của pháp luật hiện hành. Những thông tin tiêu cực chủ yếu đến từ MXH nước ngoài.

Kiểm soát mạng xã hội đang là thách thức của nhiều quốc gia. Ảnh minh hoạ

Cùng với sự bùng nổ của MXH, Facebook và Google đang tiếp tục thống lĩnh thị trường quảng cáo trực tuyến toàn cầu khi chiếm tới 61% thị phần, trong đó, riêng Google chiếm 44%.

Tại Việt Nam, Google và Facebook cũng chiếm tới 80% thị phần quảng cáo trực tuyến. Tuy nhiên, việc kiểm soát quảng cáo trên Google và Facebook đang gặp nhiều khó khăn do ngày càng có nhiều quảng cáo được gắn vào các video xấu độc, dễ dàng qua mặt các thuật toán kiểm duyệt thông thường.

Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông) đã yêu cầu Facebook gỡ bỏ các tài khoản thực hiện quảng cáo sai trái nhưng kết quả không được như kì vọng. Trong số 400 tài khoản quảng cáo sai quy định, Facebook mới xoá được khoảng 70%.

Theo ông Lê Quang Tự Do, Phó Cục trưởng Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử, Google và Facebook không tiền kiểm đối với MXH mà chỉ hậu kiểm. Bất kì ai cũng có thể đăng thông tin trên nền tảng ứng dụng, chỉ khi có số lượng report (thông báo vi phạm) nhất định thì Google và Facebook mới xem xét, xử lí.

Quá trình xem xét cũng mất nhiều thời gian do phải dịch từ ngôn ngữ các nước sang tiếng Anh. Tuy nhiên, Facebook, Google đã bước đầu hợp tác với Việt Nam. Cụ thể, đến ngày 31-12-2017, Google đã ngăn chặn và gỡ bỏ 6.423/7.410 video khỏi YouTube, 6 trò chơi khỏi Google Play.

Phía Google cho biết, Việt Nam là quốc gia có tỉ lệ video được Google gỡ bỏ nhiều nhất thế giới, tiếp theo là Thái Lan. Facebook cũng đã gỡ bỏ hơn 670 trong tổng số gần 5.000 tài khoản giả mạo, có hoạt động gây chia rẽ, xúc phạm danh dự cá nhân, tổ chức, quảng bá hình ảnh dâm ô, đồi trụy, kích động bạo lực...

Đánh giá về mặt trái của MXH, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn cho rằng, các MXH do nước ngoài cung cấp dịch vụ tại Việt Nam gần như không bị điều chỉnh bởi các quy định của pháp luật Việt Nam. Những doanh nghiệp sở hữu các MXH này không đặt máy chủ cũng như không có văn phòng đại diện tại Việt Nam, dẫn đến tình trạng khó theo dõi, xử lý các thông tin vi phạm.

Việt Nam cũng chưa có giải pháp hiệu quả ngăn chặn dòng tiền quảng cáo phục vụ cho các mục đích xấu trên Facebook, YouTube do hệ thống văn bản pháp luật và công nghệ còn hạn chế. Thời gian qua, Bộ Thông tin và Truyền thông đã triển khai công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động của các MXH nhằm xử lí kịp thời các sai phạm. Hiện các hành vi vi phạm trên MXH đều được cụ thể hóa trong các văn bản quy phạm pháp luật.

Đối với hành vi xác định được chủ thể, nếu đó là công dân Việt Nam thì sẽ được xử lý theo quy định của pháp luật Việt Nam. Tùy vào mức độ vi phạm, chủ thể vi phạm có thể bị xử lý hành chính hoặc hình sự. Với đối tượng vi phạm là người nước ngoài thì phải xử lý theo hình thức không xác định được đối tượng. Khi đó, cơ quan quản lý sẽ phối hợp với các nhà cung cấp dịch vụ xuyên biên giới để yêu cầu gỡ bỏ.

Ông Lê Quang Tự Do nhấn mạnh, không chỉ Việt Nam, rất nhiều quốc gia khác cũng đang phải đấu tranh với Google, Facebook… bởi những hệ luỵ mà nó mang lại. Đánh giá về thái độ hợp tác của Google, Facebook, ông Lê Quang Tự Do nói: “Trước đây, họ ít hợp tác. Từ năm 2017 tới nay, các bên đã làm việc với nhau nhiều hơn với nhiều cuộc làm việc cấp cao. Điển hình như Google đã cử Giám đốc phụ trách khu vực Đông Nam Á và Trung Quốc mở rộng, Facebook cử Giám đốc phụ trách nội dung toàn cầu sang làm việc với Việt Nam. Google cũng đã thay đổi thuật toán, tuyển thêm nhân sự cho bộ phận kiểm duyệt trên mạng, tuy nhiên vẫn chưa thể giải quyết được dứt điểm các video độc hại”.

Bên cạnh việc tăng cường công tác quản lý MXH, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức, văn hoá, nhất là giới trẻ trong việc sử dụng MXH một cách văn minh, có trách nhiệm. Ngoài ra, Bộ cũng đang thúc đẩy việc phát triển các MXH do người Việt Nam sáng tạo. Hiện tại, ở khu vực châu Á, chỉ có vài quốc gia xây dựng được mạng xã hội riêng thành công như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản…

Top