Ngăn chặn lạm dụng rượu bia

27/10/2018 16:44

Nhìn thẳng thực tế, hiện chúng ta đang bỏ trống việc kiểm soát ở khâu sử dụng bia rượu. Điều này khiến thói quen sử dụng rượu bia của người Việt Nam ngày càng có xu hướng lạm dụng, điều này cũng đồng nghĩa với việc những hệ lụy của nó gây ra ngày càng tăng với xã hội.

Vụ tai nạn kinh hoàng tại tại ngã tư Hàng Xanh (quận Bình Thạnh, TP.HCM) khiến 1 người chết, 7 người bị thương mới đây khiến dư luận chưa hết bàng hoàng. Lý do chính yếu mà nữ lái xe gây ra là việc đã dùng rượu bia trước khi cầm lái. Một lần nữa tác hại của việc sử dụng rượu bia trước khi lái xe lại là hồi chuông cảnh báo. 

Theo thống kê của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, 40% số vụ tai nạn giao thông liên quan đến rượu bia, đứng đầu các nguyên nhân của loại tai nạn gây nhiều thương vong này. Đặc biệt, trong những dịp lễ tết, tỷ lệ này thường tăng cao rõ rệt. Mặc dù, các cơ quan, ban ngành các cấp thường xuyên tuyên truyền, quy định pháp luật đã nâng cao mức xử phạt về vi phạm nồng độ cồn khi lái xe nhưng thực tế chưa có nhiều chuyển biến. 

Tác hại của rượu bia không chỉ trên phương diện tai nạn giao thông, theo Bộ Y tế, có 30% số vụ bạo lực gia đình liên quan đến sử dụng rượu bia, khoảng 200 loại bệnh có liên quan đến việc lạm dụng loại đồ uống này. Rượu bia còn là tác nhân của nhiều vụ đánh nhau kéo theo thương vong, các vụ việc gây rối trật tự công cộng, làm ảnh hưởng đến hạnh phúc gia đình và môi trường sống trong cộng đồng. Nếu có thống kê về việc bao nhiều gia đình bị tan nát vì rượu bia, bao nhiêu con người vùi cuộc đời trong loại đồ uống này, có lẽ đó sẽ là con không nhỏ.

Việt Nam hiện là quốc gia tiêu thụ bia rượu đứng đầu Đông Nam Á, đứng thứ ba châu Á. Thống kê của cơ quan chức năng cho thấy, năm 2017, sản lượng bia chạm mốc 4 tỷ lít, tăng 10,4% so với năm 2016 và bình quân mỗi người dân tiêu thụ 42 lít bia/năm. Sản lượng rượu thủ công năm 2016 đạt 188 triệu lít trong đó sản lượng rượu thủ công sản xuất nhằm mục đích kinh doanh được cấp phép năm 2016 là 32 triệu lít, sản lượng này cũng tăng nhanh hằng năm. 

Con số trên thực sự là con số đáng suy ngẫm trên khía cạnh tiêu dùng. Rượu bia được sử dụng ở mọi lúc, mọi nơi, mọi lứa tuổi. Mặc dù Nghị định số 105/2017/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 1/11/2017 quy định: Tổ chức, cá nhân sản xuất rượu công nghiệp, rượu thủ công nhằm mục đích kinh doanh phải có giấy phép theo quy định tại Nghị định này. Đặc biệt hơn, quy định bán rượu cho người dưới 18 tuổi, bán rượu có nồng độ cồn từ 15 độ trở lên qua mạng Internet, bán rượu bằng máy bán hàng tự động đều bị cấm. Tuy nhiên, việc thực thi pháp luật, kiểm soát chất lượng rượu còn nhiều lỏng lẻo, nhiều kẽ hở khiến thị trường tràn lan rượu kém chất lượng, rượu giả, nhiều vụ ngộ độc thương tâm do rượu đã từng xảy ra. Nhất là trong đời sống, việc cổ vũ sử dụng rượu, ép người khác uống rượu quá mức là điều thường thấy ở nhiều nơi. Thậm chí việc từ chối uống được cho là thiếu văn hóa...

Nhìn thẳng thực tế, hiện chúng ta đang bỏ trống việc kiểm soát ở khâu sử dụng bia rượu. Điều này khiến thói quen sử dụng rượu bia của người Việt Nam ngày càng có xu hướng lạm dụng, điều này cũng đồng nghĩa với việc những hệ lụy của nó gây ra ngày càng tăng với xã hội. Dự thảo Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia được trình Quốc hội tại kỳ họp lần này đã đề ra nhiều biện pháp hạn chế việc sử dụng loại đồ uống này tràn lan và lạm dụng. Đông đảo cử tri mong đợi những quy định thiết thực, phù hợp sớm được đi vào thực tế để giảm thiểu những hệ lụy cũng như ngăn chặn hữu hiệu tình trạng lạm dụng loại đồ uống này trong đời sống hiện nay.
Top