Tạo môi trường pháp lý thuận lợi cho người nhiễm HIV/AIDS

14/12/2017 16:13

Gỡ bỏ các rào cản về mặt pháp lý, nhằm tạo môi trường thuận lợi cho các nhóm chính tiếp cận các dịch vụ dự phòng, điều trị HIV và tăng cường sự tham gia của các tổ chức xã hội và tổ chức cộng đồng vào công cuộc phòng, chống HIV/AIDS là hai trong những mục tiêu Dự án VUSTA-Dự án Quỹ Toàn cầu phòng, chống HIV/AIDS thực hiện hiệu quả trong suốt thời gian qua.

Nhân viên tiếp cận cộng đồng tư vấn xét nghiệm cho người nguy cơ cao. Ảnh: Thùy Chi

Phát triển mạng lưới cộng đồng vững mạnh

Thời gian qua, Dự án VUSTA đã hỗ trợ việc hình thành và phát triển 99 tổ chức dựa vào cộng đồng, với 1.383 tiếp cận viên đồng đẳng, thực hiện các hoạt động dự phòng, chăm sóc và hỗ trợ toàn diện, đồng thời tăng cường năng lực để bảo đảm tính bền vững thông qua các hoạt động tập huấn, giám sát, hỗ trợ kỹ thuật tại chỗ, cung cấp trang thiết bị làm việc và hỗ trợ thuê văn phòng.

Dự án hỗ trợ kinh phí, kỹ thuật để nâng cao năng lực và phát triển mạng lưới cho 4 mạng lưới quốc gia, bao gồm: Mạng lưới người sống chung với HIV Việt Nam, mạng lưới người sử dụng ma túy, mạng lưới hỗ trợ người lao động tình dục, mạng lưới nam quan hệ tình dục đồng giới và người chuyển giới Việt Nam, hơn 70% các tổ chức cộng đồng tham gia Dự án hiện là thành viên của các mạng lưới này.

Bên cạnh việc phát triển hệ thống cộng đồng thông qua việc xây dựng các tổ chức dựa vào cộng đồng tại 15 tỉnh dự án, việc đầu tư, hỗ trợ sự phát triển của mạng lưới các nhóm dễ bị tổn thương cũng được chú trọng. Hoạt động này nhằm góp phần tạo sức lan tỏa, khuyến khích các tổ chức dựa vào cộng đồng trong cùng một mạng lưới cùng nhau đoàn kết, phát triển và duy trì một cách bền vững.

Đặc biệt, VUSTA đã điều phối, tạo điều kiện cho các tổ chức xã hội, tổ chức cộng đồng trong và ngoài nước, các tổ chức quốc tế hoạt động trong hoạt động phòng, chống HIV/AIDS chia sẻ kinh nghiệm với nhau. Đồng thời, tiến hành đối thoại với đại diện ban ngành liên quan ở Trung ương và địa phương về các chính sách và vấn đề liên quan đến HIV/AIDS, thông qua các hội thảo thường niên với sự tham gia của các tổ chức xã hội, các tổ chức dựa vào cộng đồng và các mạng lưới trong phòng, chống HIV/AIDS.

VUSTA cũng đẩy mạnh việc quảng bá về hình ảnh, vai trò của các tổ chức cộng đồng trên một số phương tiện truyền thông. Xuất bản bản tin chuyên đề phổ biến kiến thức dưới dạng số hóa để truyền đạt các thông tin đến các mục đích phổ biến thông tin, kiến thức cập nhật về phòng, chống HIV/AIDS cho hệ thống Liên hiệp hội địa phương tại 15 tỉnh/thành phố thực hiện Dự án và các tổ chức cộng đồng. Tổ chức cuộc thi viết bài về HIV/AIDS. Đối tượng tham gia là các anh chị em trong cộng đồng những người dễ bị tổn thương, các thành viên, tiếp cận viên các tổ chức cộng đồng, các tổ chức xã hội, lãnh đạo các nhóm tổ chức cộng đồng của Dự án.

Các tổ chức xã hội, tổ chức dựa vào cộng đồng ngày càng phát triển, khẳng định được vai trò, vị trí của mình, góp phần thành công cho công tác phòng, chống HIV/AIDS nói chung.

Đại diện Ban quản lý Dự án VUSTA cho hay, trong những năm gần đây, vai trò của các tổ chức xã hội dân sự đã được minh chứng là một trong những kênh hiệu quả hỗ trợ Ban quản lý Dự án trong triển khai các hoạt động dự án, nhằm đóng góp tích cực trong công cuộc phòng, chống HIV/AIDS. Do đó, trong thời gian tới, Dự án tiếp tục phát huy vai trò của các tổ chức xã hội, tổ chức cộng đồng trong việc tuyên truyền, vận động làm thay đổi nhận thức của xã hội về HIV/AIDS.

Ngoài ra, Dự án VUSTA còn chủ động xây dựng Chiến lược tăng cường sự tham gia của các tổ chức xã hội trong phòng, chống HIV/AIDS và nhiều chính sách, văn bản liên quan đến người nhiễm HIV và các nhóm chính, góp phần tăng cường năng lực cho người nhiễm HIV và các nhóm chính về chính sách và các văn bản, thủ tục pháp luật có liên quan đến HIV/AIDS.

Gỡ bỏ rào cản trong tiếp cận điều trị HIV

Từ năm 2017, các nhà tài trợ giảm dần và sau năm 2018 sẽ kết thúc viện trợ cho điều trị và dự phòng HIV ở Việt Nam. Việc này đặt ra nhiều thách thức, nhất là khi ngân sách Nhà nước giai đoạn 2016 - 2020 chỉ có 100 tỷ đồng cho thuốc điều trị ARV, chỉ cấp phát miễn phí cho các đối tượng ưu tiên. Do đó, bảo hiểm y tế (BHYT) sẽ là nguồn tài chính cơ bản cho phòng chống HIV/AIDS, cũng là giải pháp khả thi nhất để thay thế nguồn tài trợ cắt giảm cho điều trị ARV.

Với mục tiêu tất cả người nhiễm HIV/AIDS đều được tiếp cận điều trị ARV thông qua BHYT, Dự án VUSTA đã đề xuất triển khai thí điểm hoạt động này từ tháng 6/2017 tại Hải Phòng.

Mô hình thí điểm tại Hải Phòng được mong đợi là mô hình thành công để có thể chia sẻ với các địa phương khác. Nhóm Sống tích cực-một tổ chức cộng đồng của người nhiễm HIV tại Hải Phòng, đồng thời là thành viên của Liên minh Hỗ trợ Tuân thủ điều trị dành cho người nhiễm HIV được lựa chọn làm đối tác thực hiện hoạt động.

Theo chỉ tiêu cam kết trong năm 2017, nhóm hỗ trợ cho 720 khách hàng chuyển đổi điều trị HIV thành công sang bảo hiểm y tế và 50% số khách hàng sẽ được hỗ trợ tái khám và nhận thuốc đúng hẹn 3 tháng liên tục sau khi được chuyển đổi điều trị sang cơ sở điều trị bằng bảo hiểm y tế tuyến quận, huyện.

Nhằm mục đích xác định các rào cản/khó khăn đặc trưng của người nhiễm HIV (NCH) tại Hải Phòng khi tiếp cận điều trị HIV thông qua BHYT, thảo luận và thống nhất giải pháp khắc phục trước mắt để bảo đảm việc tiếp cận và tuân thủ điều trị cho NCH đang điều trị và mới tham gia điều trị; xác định vai trò của nhóm tự lực của NCH trong việc hỗ trợ NCH tiếp cận và tuân thủ điều trị; thống nhất cơ chế phối hợp giữa các bên liên quan. Dự án VUSTA đã tổ chức hội thảo nhằm tháo gỡ những khó khăn vướng mắc cũng như chia sẻ những kinh nghiệm để việc triển khai khả thi và phù hợp với chính sách hiện tại cũng như tình hình thực tế tại địa bàn.

Sau quá trình tìm hiểu tình hình thực tế tại địa bàn và trên cơ sở đóng góp ý kiến của các bên, Dự án VUSTA xác định 5 nhóm khách hàng sẽ ưu tiên hỗ trợ bao gồm: Khách hàng tại thời điểm tiếp cận chưa có bảo hiểm y tế và đang điều trị ở các bệnh viện tuyến tỉnh/thành phố và tuyến quận/huyện và gặp khó khăn khi mua; khách hàng tại thời điểm tiếp cận đã có bảo hiểm y tế và đang điều trị ở bệnh viện tuyến tỉnh/thành phố; khách hàng tại thời điểm tiếp cận chưa có bảo hiểm y tế và chưa điều trị ARV; khách hàng tại thời điểm tiếp cận đã có kảo hiểm y tế và chưa điều trị ARV; khách hàng tại thời đểm tiếp cận đã có bảo hiểm y tế, đang điều trị ARV tại tuyến quận, huyện và được đánh giá là gặp khó khăn trong tái khám và lĩnh thuốc hàng tháng do lộ danh tính hoặc các khó khăn khác về công việc, hoặc lo sợ kỳ thị và phân biệt đối xử, sợ lộ danh tính…

Các gói dịch vụ Dự án hỗ trợ, cung cấp cho khách hàng là: Truyền thông thay đổi hành vi với các nội dung: cung cấp thông tin về điều trị HIV, tuân thủ điều trị, cung cấp thông tin về BHYT…; chuyển gửi khách hàng tới dịch vụ y tế cần thiết: trọng tâm là chuyển gửi khách hàng đến cơ sở điều trị HIV bằng BHYT tại tuyến quận, huyện; hỗ trợ khách hàng tái khám đúng hẹn sau khi chuyển đổi điều trị sang BHYT. Hiện tại Dự án đang làm việc với các cơ sở điều trị trên địa bàn để thống nhất cơ chế phối hợp thực hiện.

Để tháo gỡ những khó khăn, rào cản cho người nhiễm HIV trong việc điều trị theo BHYT, ngành Y tế cũng tìm kiếm nhiều giải pháp để tăng tỷ lệ người nhiễm HIV có BHYT, như tăng cường công tác truyền thông, vận động để người nhiễm HIV tự nguyện đóng BHYT đối với những hộ có điều kiện kinh tế, đồng thời, tạo thuận lợi cho người nhiễm chưa đủ cơ sở pháp lý đang điều trị ARV được cấp thẻ BHYT. Tạo điều kiện để người nhiễm HIV được cấp thẻ BHYT mà không phải mua theo hộ gia đình.
Top