Thừa Thiên-Huế: Đẩy mạnh can thiệp giảm tác hại các đối tượng nguy cơ cao

17/01/2019 14:19

Thời gian tới, Thừa Thiên-Huế chú trọng đẩy mạnh việc xã hội hóa công tác phòng, chống HIV/AIDS; nghiên cứu đánh giá tình hình dịch tễ HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh để đẩy mạnh việc can thiệp giảm tác hại vào các đối tượng nguy cơ cao.

 Bệnh nhân nhiễm HIV đang nhận thuốc điều trị ARV tại Phòng khám chuyên khoa và điều trị nghiện chất. Ảnh: TT KSBT Thừa Thiên-Huế

Theo số liệu thống kê, tính đến hết năm 2018, toàn tỉnh phát hiện thêm 96 trường hợp nhiễm mới ( trong đó 44 người Thừa Thiên Huế, 47 người ngoại tỉnh và 20 phạm nhân)  8 trường hợp chuyển sang AIDS và 3 trường hợp tử vong.

Tính đến nay 110/152 (72,4%) xã, phường đã phát hiện người nhiễm; độ tuổi người nhiễm mới từ 20-49 tuổi chiếm tỷ lệ 83%;  đa số các trường hợp nhiễm đều bị lây truyền qua đường quan hệ tình dục. Số người nhiễm HIV đang được quản lý là 349 người, trong đó 345 bệnh nhân được điều trị ARV; số người nhiễm có thẻ BHYT 328; số bệnh nhân đang tham gia điều trị nghiện các dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế methadone là 260 người; 7 trường hợp phụ nữ mang thai nhiễm HIV đang điều trị ARV đã sinh con và con sinh ra đều được điều trị dự phòng đúng qui định.

Trong năm qua, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh phối hợp với các tổ chức, đoàn thể xã hội, triển khai cụ thể hoạt động cam kết phòng chống HIV/AIDS đến từng địa phương, đơn vị. Triển khai và mở rộng mô hình truyền thông lưu động phòng, chống HIV/AIDS với hình thức sân khấu hóa, nhiều nội dung đa dạng được chuyển tải đến tận đối tượng đích và người dân ở vùng sâu, vùng xa.

Mở rộng và nâng cao chất lượng hoạt động phong trào “Toàn dân tham gia phòng, chống HIV/AIDS tại cộng đồng dân cư” nhằm phổ biến kiến thức phòng, chống lây nhiễm HIV/AIDS; chống kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS.

Bên cạnh đó, địa phương đã chăm sóc, hỗ trợ và giúp đỡ 100% người nhiễm HIV điều trị miễn phí bằng thuốc kháng virus (ARV) nhằm ổn định sức khỏe, giảm đáng kể tỷ lệ tử vong bệnh nhân AIDS.

Công tác điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con tiếp tục mở rộng, giảm các trường hợp trẻ sinh ra từ mẹ nhiễm HIV bị nhiễm HIV; hoạt động giám sát dịch HIV/AIDS được triển khai đúng quy định, gồm hệ thống giám sát báo cáo đến tận tuyến xã, phường; giám sát trọng điểm trong nhóm nguy cơ cao, giảm tác hại và điều trị thuốc Methadone có hiệu quả..., góp phần các chỉ tiêu đề ra trong năm 2018 và hướng đến mục tiêu 90-90-90 vào năm 2020.

Thời gian tới, địa phương chú trọng đẩy mạnh việc xã hội hóa công tác phòng, chống HIV/AIDS; nghiên cứu đánh giá tình hình dịch tễ HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh để đẩy mạnh việc can thiệp giảm tác hại vào các đối tượng nguy cơ cao; mở rộng các điểm điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế methadone, để đưa dịch vụ cung ứng gần với các đối tượng hơn; bảo đảm nguồn cung ứng thuốc ARV, không để gián đoạn trong điều trị đối với bệnh nhân nhiễm HIV.

Bên cạnh đó là kiện toàn nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ hoạt động công tác phòng, chống HIV/AIDS... góp phần khống chế tỷ lệ nhiễm HIV trong cộng đồng dưới 0,1% trong năm 2019 và giảm tác động của HIV/AIDS đối với sự phát triển kinh tế xã hội địa phương và hướng đến loại trừ HIV/AIDS trong cộng đồng vào năm 2030...
Top