Giải quyết những thách thức trong chăm sóc điều trị trẻ vị thành niên nhiễm HIV

30/08/2021 12:01

(Chinhphu.vn) - Mặc dù chương trình phòng, chống lây truyền HIV từ mẹ sang con đạt những thành tựu nhất định khi đã khống chế tỷ lệ lây truyền mẹ con chỉ còn dưới 2%, nhưng những năm gần đây, tại Việt Nam ghi nhận sự gia tăng trẻ vị thành niên nhiễm HIV. Đặc biệt, nguy cơ lây nhiễm HIV ngày càng tăng cao đối với trẻ vị thành niên có quan hệ tình dục nam đồng giới.

Hơn 4.700 trẻ nhiễm HIV đang điều trị thuốc ARV

Hiện nay, quy định của Tổ chức Y tế Thế giới thì tuổi trẻ vị thành niên được tính từ 10 đến 19 tuổi. Theo số liệu thống kê, ở Việt Nam hiện có trên 4.700 trẻ nhiễm HIV đang điều trị thuốc ARV. Trong số này, có nhiều trẻ vị thành niên cần được giáo dục về sức khỏe sinh sản và tình dục an toàn.

PGS. TS. Nguyễn Hoàng Long, Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS, Bộ Y tế cho biết, những năm gần đây, trẻ em Việt Nam có sự phát triển hơn về thể chất, tâm sinh lý, dậy thì sớm và có quan hệ tình dục sớm. Tình trạng quan hệ tình dục đồng giới nam trong lứa tuổi học đường và tệ nạn ma túy len lỏi vào trường học cũng là nguyên nhân khiến nguy cơ HIV ngày càng lây lan rộng trong người trẻ. Thêm vào đó là tình trạng ma túy len lỏi vào trường học.

Bên cạnh đó, công tác chăm sóc, điều trị HIV cho trẻ vị thành niên vẫn gặp phải một số những khó khăn, thách thức, đó là nhiều trẻ vị thành niên đặc biệt nhóm trẻ nhiễm HIV từ nhỏ về tình trạng nhiễm HIV của mình, hoặc trẻ sẽ bắt đầu nghi ngờ về việc thường xuyên phải đến cơ sở y tế, thường xuyên phải uống thuốc, hoặc có trẻ sẽ nghe được các thông tin về tình trạng nhiễm HIV không phải từ phía gia đình, người chăm sóc và nhân viên y tế. Điều này có thể dẫn đến các hậu quả tiêu cực đối với trẻ nếu như cơ sở chăm sóc điều trị không triển khai tư vấn bộc lộ tình trạng nhiễm HIV cho trẻ.

Thêm vào đó, tình trạng phân biệt đối xử, kỳ thị càng làm khó khăn hơn cho trẻ vị thành niên và người chăm sóc. Kỳ thị và phân biệt đối xử cũng có thể là yếu tố cản trở tiếp cận dịch vụ chăm sóc điều và duy trì điều trị của trẻ.

Giai đoạn phát triển thể chất và tâm lý giai đoạn dậy thì của trẻ vị thành niên có tác động đến việc chăm sóc bản thân trong khi đó trẻ thiếu kiến thức về sức khỏe sinh sản, tình dục và không được hỗ trợ tư vấn đầy đủ. Trẻ bắt đầu nghĩ về việc có bạn trai/bạn gái, quan hệ tình dục, tuy nhiên cũng lo sợ HIV sẽ ảnh hưởng đến các mối vị thành niên nhiễm HIV luôn lo lắng về tương lai sau này và về việc tìm kiếm bạn tình, kết hôn và bộc lộ tình trạng nhiễm HIV của mình với bạn tình và những người khác.

Tất cả những thách thức khó khăn mà trẻ vị thành niên phải đối mặt sẽ ảnh hưởng đến việc chuyển tiếp sang dịch vụ chăm sóc sức khỏe người lớn, ảnh hưởng đến tuân thủ điều trị, duy trì điều trị và dự phòng lây nhiễm HIV cho bạn tình và cộng đồng.

Ngoài ra, công tác quản lý, điều trị thuốc ARV cho trẻ em, trẻ vị thành niên nhiễm HIV cũng vẫn còn thách thức, đặc biệt nhóm trẻ vị thành niên tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm HIV ra cộng đồng. Tỷ lệ trẻ được xét nghiệm tải lượng HIV và trẻ có tải lượng HIV dưới ngưỡng ức chế thấp hơn so với người lớn điều trị thuốc ARV.

PGS. TS. Nguyễn Hoàng Long cho biết, để cải thiện hiệu quả điều trị thuốc ARV cho trẻ em, trẻ vị thành niên nhiễm HIV và triển khai các can thiệp dự phòng lây nhiễm HIV trong nhóm trẻ vị thành niên, Cục Phòng, chống HIV/AIDS đã đề nghị các tỉnh thành hướng dẫn các cơ sở điều trị thuốc ARV cho trẻ em, trẻ vị thành niên nhiễm HIV, trẻ phơi nhiễm với HIV trên địa bàn thực hiện: Tư vấn tuân thủ điều trị thuốc ARV cho trẻ hoặc người chăm sóc phù hợp với lứa tuổi và hoàn cảnh sống của trẻ; tư vấn bộc lộ tình trạng trẻ nhiễm HIV, sức khỏe sinh sản, tình dục an toàn và chuẩn bị chuyển tiếp trẻ sang cơ sở điều trị người lớn nhiễm HIV; chuyển tiếp trẻ nhiễm HIV sang cơ sở điều trị HIV/AIDS người lớn sau khi trẻ đã sẵn sàng; hỗ trợ trẻ tiếp tục tuân thủ điều trị thuốc ARV tại các cơ sở điều trị...

Đặc biệt, việc Quốc hội thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống nhiễm virus gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS) vào cuối năm 2020 là một giải pháp hữu hiệu. Theo luật sửa đổi, người từ đủ 15 tuổi trở lên và có năng lực hành vi dân sự được tự nguyện yêu cầu xét nghiệm HIV, thay vì đủ 16 tuổi trở lên như quy định hiện hành.

PGS. TS Nguyễn Hoàng Long cho biết, giảm độ tuổi được quyền tự nguyện đề nghị xét nghiệm HIV của trẻ em từ đủ 16 tuổi xuống đủ 15 tuổi mà không cần sự đồng ý của cha mẹ, người giám hộ hoặc người đại diện theo pháp luật để bảo đảm phù hợp với tình trạng thực tế lây nhiễm HIV trong nhóm trẻ hiện nay. Trẻ em nhiễm HIV vị thành niên cần được xét nghiệm sớm để điều trị kịp thời nếu trẻ nhiễm HIV, bảo đảm quyền được chăm sóc sức khỏe của trẻ em, khắc phục được các tồn tại hiện nay.

Chăm sóc sức khỏe sinh sản và an toàn tình dục cho trẻ vị thành niên

Thực trạng hiện nay cho thấy, trẻ em hiện đang phát triển hơn về thể chất, tâm sinh lý, dậy thì sớm và có quan hệ tình dục sớm. Theo thống kê của Tổng cục Dân số, tỷ lệ trẻ vị thành niên có thai ngoài ý muốn và nạo phá thai ngày càng gia tăng nhanh. Ông Long cho hay, hằng năm, trung bình có 250.000 đến 300.000 ca nạo phá thai, trong đó 60%-70% là học sinh, sinh viên ở độ tuổi 15-19 tuổi, cá biệt có trường hợp mang thai ở tuổi 12-14 là tuổi dậy thì. Cũng theo báo cáo của Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, tỷ lệ mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục ở trẻ vị thành niên có thai cao hơn khá nhiều so với phụ nữ mang thai ở lứa tuổi lớn hơn. 

Cũng theo ông Long, rất ít trường hợp cha mẹ biết con có nguy cơ lây nhiễm để đưa con đi xét nghiệm. Trẻ em thường không dám thông báo cho bố mẹ biết mình có nguy cơ lây nhiễm HIV do có quan hệ tình dục không an toàn, cơ sở y tế không xét nghiệm HIV khi không được bố mẹ trẻ đồng ý, làm giảm cơ hội trẻ được xét nghiệm, phát hiện HIV sớm. “Việc hạ độ tuổi trẻ được xét nghiệm tự nguyện cũng giúp trẻ em dễ tiếp cận dịch vụ xét nghiệm HIV hơn, được phát hiện HIV sớm, điều trị sớm bảo đảm sức khỏe của trẻ, giảm lây nhiễm HIV cho người khác trong cộng đồng. Đồng thời, bảo đảm quyền của trẻ em được gia đình bảo vệ và chăm sóc sức khỏe”, ông Long cho hay.

Việc chăm sóc sức khỏe sinh sản và an toàn tình dục cho trẻ vị thành niên là nội dung quan trọng không thể thiếu trong dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho trẻ nhiễm HIV. Việc này giúp trẻ vị thành niên nhiễm HIV nhận biết những tình cảm của bản thân và biết cách tự kiểm soát, xử trí. Đồng thời, cung cấp kiến thức hướng trẻ vị thành niên nhiễm HIV đến những thay đổi và ra quyết định tích cực liên quan đến cuộc sống và dự phòng lây nhiễm HIV.

Gia đình có thể tư vấn cho trẻ vị thành niên phù hợp với tuổi và sự phát triển của trẻ. Chẳng hạn như trong giai đoạn 10 - 13 tuổi, cần tư vấn kiến thức về thay đổi thể chất, tuổi dậy thì và những biến đổi về tâm lý. Lưu ý trẻ vị thành niên nhiễm HIV có thể chậm dậy thì hơn những trẻ bình thường khác. Đối với giai đoạn trên 13 tuổi, cần tư vấn kiến thức về tình dục an toàn và lành mạnh, bao gồm các biện pháp tình dục an toàn, phòng tránh lây nhiễm các bệnh lây truyền qua đường tình dục và HIV, tránh thai, kế hoạch hoá gia đình, mang thai và phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con; kĩ năng nhận biết và phòng tránh nguy cơ bị bạo hành hoặc lạm dụng tình dục; kĩ năng và trách nhiệm cần bộc lộ tình trạng nhiễm HIV với bạn tình…

Trẻ vị thành niên cần được giới thiệu và hỗ trợ tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản và sức khỏe tình dục một cách kịp thời. Các dịch vụ thường này bao gồm: Các dịch vụ hỗ trợ về sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục bao gồm cả các dịch vụ tránh thai, khám điều trị các bệnh lây truyền qua đường tình dục; các dịch vụ hỗ trợ tâm lý, sinh lý và các dịch vụ xã hội khác; những điểm lưu ý khi tư vấn sức khỏe sinh sản và sức khỏe tình dục; sử dụng tài liệu truyền thông-giáo dục để hỗ trợ cho tư vấn, đảm bảo cung cấp thông tin rõ rằng, chính xác, phù hợp và thu hút được trẻ vị thành niên. Đặc biệt, người tư vấn cần dành nhiều thời gian, giải thích cặn kẽ vì trẻ vị thành niên ít hiểu biết về cơ thể, sức khỏe sinh sản và thường e ngại khi nói ra những vấn đề này.

 

 Mục tiêu đặt ra là đến năm 2030, Việt Nam chấm dứt đại dịch HIV/AIDS. Song trước mắt vẫn còn nhiều thách thức, đáng lo ngại nhất là quan hệ tình dục đồng giới nam, đặc biệt là ở lứa tuổi vị thành niên. Ngoài việc tăng cường các hoạt động hỗ trợ người nhiễm HIV điều trị bệnh, hiện đã có thuốc dự phòng trước phơi nhiễm (PrEP) đã được Tổ chức Y tế Thế giới đánh giá hiệu quả. Các chuyên gia khuyến cáo những người có nguy cơ lây nhiễm HIV cao như người nam quan hệ tình dục đồng giới; người chuyển giới nữ; người bán dâm; người tiêm chích ma túy; bạn tình của người nhiễm HIV… sử dụng để phòng ngừa lây nhiễm. Ngoài ra, việc không kỳ thị, phân biệt đối xử với người HIV cũng là một trong những yếu tố góp phần giảm thiểu lây nhiễm HIV.

 

Top