Ninh Bình: Tăng cường phối hợp phòng, chống HIV/AIDS trong tình hình mới

03/02/2021 17:22

Ninh Bình hiện đã kiểm soát tốt HIV trên cả 3 tiêu chí, giảm số người nhiễm mới, giảm số người tử vong do AIDS, giảm số người kỳ thị với HIV/ AIDS. Tuy nhiên, công tác phòng, chống HIV/AIDS trên toàn quốc nói chung và tại tỉnh Ninh Bình nói riêng đang bước vào một giai đoạn mới với nhiều khó khăn, thách thức.

 Tuyên truyền phòng, chống HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh. Ảnh: TTKSBT

Hơn 25 năm ứng phó với dịch HIV/AIDS

Bên cạnh việc phòng, chống HIV/AIDS, cả nước nói chung và ngành Y tế nói riêng đang phải căng mình để chống dịch COVID-19. Trong khi đó, vẫn còn nhiều người nhiễm HIV chưa biết được tình trạng nhiễm bệnh của mình và chưa tham gia điều trị HIV bằng thuốc ARV; sự kỳ thị và phân biệt đối xử liên quan đến HIV chưa được xóa bỏ, đây chính là rào cản chính khiến cho người nhiễm HIV/AIDS sợ lộ danh tính và e ngại khi tiếp cận đến các dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS.

Nhận thức rõ tầm quan trọng của việc phòng, chống lây nhiễm HIV/AIDS, thời gian qua, ngành Y tế tỉnh đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, nhằm hạn chế số người lây nhiễm HIV, nỗ lực cùng cộng đồng đẩy lùi đại dịch HIV/AIDS.

Từ trường hợp nhiễm HIV được phát hiện vào năm 1995 đến nay, Ninh Bình đã trải qua hơn 25 năm ứng phó với dịch HIV/AIDS. Địa phương đã có một hệ thống tổ chức phòng, chống HIV/AIDS chặt chẽ từ tỉnh đến huyện, xã, phường; 100% các huyện/thành phố, xã, phường, thị trấn có Ban Chỉ đạo phòng, chống tội phạm, HIV/AIDS, tệ nạn xã hội và xây dựng phong trào toàn dân xây dựng an ninh Tổ quốc; cán bộ làm công tác phòng, chống HIV/AIDS được củng cố từ tỉnh đến xã, phường bảo đảm triển khai các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS một cách thường xuyên, hiệu quả.

Cùng với đó, hệ thống dịch vụ được triển khai đồng bộ, toàn diện. Điển hình, công tác xét nghiệm HIV ngày càng được cải tiến về kỹ thuật và mở rộng quy mô. Từ hình thức xét nghiệm truyền thống tại các cơ sở y tế đã mở rộng các tiếp cận xét nghiệm khác như, xét nghiệm tại cộng đồng với nhiều hình thức như: Xét nghiệm HIV lưu động, không chuyên, xét nghiệm cho các đối tượng có nguy cơ cao, tư vấn xét nghiệm tại các khu công nghiệp, trại giam, trường giáo dưỡng…

Bên cạnh đó, địa phương đã mở rộng các phòng xét nghiệm khẳng định HIV tại tuyến huyện để người bệnh không phải đi xa. Tính đến 15/11/2020, lũy tích số người nhiễm HIV của toàn tỉnh là 3.046 người, trong đó, lũy tích tử vong là 1.271 người, số người nhiễm HIV/AIDS đang được điều trị là 1.401 người. Số người nhiễm HIV trong cộng đồng dân cư là 0,18%. Hiện 8/8 huyện/thành phố có người nhiễm HIV.

Trong công tác ứng phó với HIV/AIDS, việc nâng cao nhận thức truyền thông cho người dân về tác hại của HIV/AIDS đóng vai trò hết sức quan trọng. Vì vậy, những năm qua, ngành Y tế tỉnh đã phối hợp với các ngành chức năng, đoàn thể, địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền với nhiều hình thức đa dạng, phong phú.

Ninh Bình đã tổ chức hàng trăm đợt truyền thông lưu động trong "Tháng cao điểm dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con" trên địa bàn toàn tỉnh; sản xuất hàng nghìn bộ tài liệu truyền thông như in băng đĩa có nội dung tuyên truyền về giáo dục thay đổi hành vi; tác hại của các chất gây nghiện, lợi ích của điều trị Methadone... Qua đó, nhận thức của cộng đồng về HIV/AIDS ngày một cải thiện và nâng cao, thái độ kỳ thị với người bệnh giảm rõ rệt. Nhiều người nhiễm HIV/AIDS đã tự tin tham gia các nhóm hoạt động vì cộng đồng.

Chú trọng thực hiện tốt các chính sách phù hợp với tình hình mới

Trong thời gian tới, để đẩy lùi dịch bệnh, Ninh Bình đẩy mạnh công tác can thiệp giảm tác hại trong cộng đồng, như trao đổi bơm kim tiêm, cấp phát bao cao su miễn phí qua đội ngũ đồng đẳng viên, nhân viên tiếp cận cộng đồng. Các hoạt động liên tục được đổi mới, áp dụng các sáng kiến và khuyến cáo mới nhất của các tổ chức quốc tế giúp mở rộng về độ bao phủ và tăng cường về chất lượng các dịch vụ.

Đến nay 100% xã/phường trọng điểm đã được tiếp cận các hoạt động phòng chống HIV/AIDS; tổ chức giám sát phát hiện hằng năm nhằm kịp thời giải quyết những khó khăn vướng mắc cùng với đội ngũ nhân viên tiếp cận cộng đồng thống nhất phương thức làm việc có hiệu quả. Cho đến nay, đã có 20 nhân viên tiếp cận cộng đồng tham gia trong 4 nhóm hoạt động vì cộng đồng (CBO), qua đó hỗ trợ can thiệp kịp thời và làm giảm lây nhiễm HIV/AIDS trong cộng đồng.

Công tác điều trị thay thế nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone được quan tâm đẩy mạnh. Năm 2012 mới chỉ có một cơ sở điều trị tại Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh, đến 15/11/2020 toàn tỉnh có 6 cơ sở điều trị Methadone tại các huyện/thành phố; 02 cơ sở cấp phát thuốc Methadone tại trạm y tế; hiện điều trị cho 811 người bệnh trong toàn tỉnh đạt 82%. Qua điều trị thay thế các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone, sức khỏe bệnh nhân đã dần ổn định, Nhiều bệnh nhân đã tìm được việc làm để nuôi sống bản thân và phụ giúp gia đình. Số người có các hành vi vi phạm pháp luật trong nhóm người bệnh giảm.

Với mục tiêu bảo đảm cho người nhiễm HIV được tiếp cận sớm điều trị kháng virus (ARV), Ninh Bình cũng đã rất nỗ lực trong công tác này. Hiện trên địa bàn tỉnh có 9 cơ sở điều trị và 17 điểm cấp thuốc ARV; đang điều trị miễn phí cho 1.362 người; lũy tích số người bệnh điều trị ARV là 1.721 người có thẻ BHYT đạt 95,3%.

Ngoài ra, công tác dự phòng lây truyền mẹ con cũng đã được triển khai tại các cơ sở y tế trên toàn tỉnh. Trong năm 2020, có 13 phụ nữ mang thai nhiễm HIV được điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con, các trẻ sinh ra đều âm tính với HIV.

Để thực hiện mục tiêu chấm dứt dịch bệnh HIV/AIDS vào năm 2030, trong thời gian tới, Ninh Bình tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp, trong đó tập trung thực hiện tốt các chính sách phù hợp với tình hình mới. Huy động mọi nguồn lực và sự tham gia của các cơ quan tổ chức, đơn vị, cộng đồng, đồng thời đẩy mạnh thông tin, giáo dục truyền thông về phòng, chống HIV/AIDS tới mọi đối tượng.

Bên cạnh đó, triển khai các biện pháp chuyên môn kỹ thuật y tế nhằm hạn chế mức tối đa sự lây truyền của HIV và các vấn đề liên quan đến sức khỏe của người nhiễm HIV/AIDS.

Tích cực tuyên truyền, vận động các tổ chức, cá nhân và gia đình tích cực tham gia các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS, ủng hộ gây quỹ hỗ trợ người nhiễm HIV, mua thẻ BHYT cho người nhiễm HIV và tổ chức thăm hỏi, động viên người nhiễm hoặc nhóm người nhiễm HIV và bệnh nhân AIDS tại các cơ sở y tế và địa phương...
Top