Suy sụp sau khi bị chẩn đoán nhầm nhiễm HIV

02/06/2021 14:26

(Chinhphu.vn) - Chẩn đoán sai nhiễm HIV khiến những người bị chuẩn đoán sai bị ảnh hưởng đến tinh thần và phải hứng chịu nhiều điều tiếng.

 

 Ảnh minh họa

Theo trang tin EBC, sự việc xảy đến với một nam thanh niên họ Hồ ở thành phố Quý Dương, tỉnh Quý Châu (Trung Quốc). Anh Hồ đến một phòng khám nam khoa thuộc một bệnh viện ở địa phương khám vì bộ phận sinh dục có chút khó chịu. Tại đây, anh được bác sĩ chẩn đoán đã nhiễm HIV.

Kết quả xét nghiệm lây nhiễm căn bệnh thế kỷ khiến anh Hồ hoang mang tột độ. Nam thanh niên sau đó đã nhờ bác sĩ tư vấn và giúp anh thông báo tình hình bệnh với người nhà để họ có thể hiểu rõ hơn. Tuy nhiên vị bác sĩ kia lại ngăn anh Hồ, khuyên anh không nên cho gia đình biết, lý do là vì “họ chắc chắn không thể chấp nhận được chuyện đó”.

Anh Hồ cuối cùng nghe theo lời khuyên của bác sĩ, giấu kín bệnh tình với người nhà, âm thầm đến bệnh viện điều trị suốt 1 tháng sau đó với chi phí khoảng 2000 NDT (khoảng 7,2 triệu đồng). Bác sĩ cũng liên tục trấn an anh Hồ, bảo anh chỉ cần uống thuốc và theo sát phác đồ điều trị thì sẽ ổn.

Nghe lời trấn an của bác sĩ, lại thấy có nhiều người có thể điều trị khỏi hoàn toàn hoặc chung sống tốt với căn bệnh, anh Hồ yên tâm điều trị. Vậy nhưng, sau một thời gian chữa trị, anh vẫn không thấy tình trạng khó chịu ở bộ phận sinh dục thuyên giảm. Quá lo lắng, anh Hồ quyết định tới một bệnh viện thứ 2 để kiểm tra lại thì nhận được thông tin gây “sốc”. Hóa ra, anh Hồ không hề nhiễm HIV mà chỉ bị viêm nhiễm thông thường. Bác sĩ tại bệnh viện thứ 2 cho biết anh chỉ cần uống thuốc, kết hợp vệ sinh sạch sẽ và bôi thuốc đều đặn, bệnh tình sẽ sớm khỏi.

Khi đã chữa khỏi bệnh, anh Hồ quay lại bệnh viện đầu tiên để làm rõ mọi chuyện. Phía bệnh viện thừa nhận vị bác sĩ kia đã chẩn đoán sai, đồng thời đền bù viện phí cho anh.

Hay tin về vụ việc, mọi người không khỏi bức xúc, yêu cầu cảnh sát phải vào cuộc điều tra và đóng cửa bệnh viện. Một số người nghi ngờ động cơ phía sau hành động bác sĩ xúi anh Hồ không cho gia đình biết về bệnh tình, rất có thể bác sĩ đó có ý định lừa tiền chữa trị của anh.

Theo Bangkok Post, một sự việc tương tự đã xảy ra với người phụ nữ tên Suthida Saengsumat, 24 tuổi, tới từ tỉnh Roi Et, Thái Lan, nhưng hậu quả chị phải gánh chịu nặng nề hơn anh Hồ rất nhiều.

Cụ thể, vào năm 2005, chị Suthida nhận kết quả xét nghiệm dương tính với virus HIV từ cô giáo chủ nhiệm. Kết quả đó khiến nhà trường không khỏi lo lắng vì bố của chị đã qua đời vì AIDS. Chị Suthida đã không được xét nghiệm lại lần nữa để xác nhận kết quả. Kể từ thời điểm nhận kết quả dương tính với HIV, chị phải hứng chịu sự kỳ thị. Theo lời chia sẻ của Suthida, sự kỳ thị của bạn bè buộc chị phải bỏ học. Sau khi kết hôn, chị luôn sử dụng các biện pháp tránh thai. Tuy nhiên, chị đã mang thai và sinh con đầu lòng vào năm 2012.

Chị Suthida sau đó đã đưa con đi xét nghiệm HIV và nhận kết quả âm tính. Lúc này, chị quyết định đi làm xét nghiệm lại cho chính mình. Cầm kết quả không nhiễm virus HIV trên tay, chị Suthida đã bật khóc. Điều này cũng đồng nghĩa với việc chị có thể ngừng sử dụng thuốc kháng ARV, con chị cũng “không còn xấu hổ hoặc trốn tránh vì có mẹ bị nhiễm HIV nữa”. Sau đó chị Suthida đã làm đơn kiện Bộ Y tế Công cộng Thái Lan.

Tại Việt Nam, nhờ vào sự phát triển của khoa học kỹ thuật, quá trình xét nghiệm HIV ngày càng rút ngắn thời gian cũng như đem lại kết quả có độ chính xác cao hơn. Dù tiến hành xét nghiệm HIV ở đâu, việc xét nghiệm HIV có thể tiến hành theo 3 trình tự. Cụ thể, xét nghiệm sàng lọc: Xét nghiệm này giúp sàng lọc được những người nhiễm virus HIV trong cộng đồng. Phương pháp này thường hay được sử dụng để xét nghiệm test nhanh HIV. Ngoài ra, hiện nay 1 số cơ sở còn áp dụng sàng lọc bằng xét nghiệm miễn dịch tự động.

Xét nghiệm chẩn đoán nhiễm HIV: Đây là phương pháp tiếp theo sau khi có được kết quả xét nghiệm sàng lọc có nghi ngờ dương tính với HIV. Với phương pháp xét nghiệm này, bác sĩ sẽ cho ra kết quả xét nghiệm chính xác nhất, khẳng định mẫu bệnh phẩm có dương tính với HIV hay không.
Top