Thanh Hóa: Triển khai toàn diện các dịch vụ dự phòng phòng, chống HIV/AIDS

12/03/2021 15:03

(Chinhphu.vn) - Với nhiều giải pháp đồng bộ, quyết liệt trong triển khai toàn diện các dịch vụ từ dự phòng, chẩn đoán và chăm sóc, điều trị, Thanh Hóa đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận trong công tác phòng, chống HIV/AIDS.

 Tư vấn điều trị HIV cho bệnh nhân tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh. Ảnh: TTKSBT

Theo số liệu thống kê, tính đến cuối năm 2020, lũy tích người nhiễm HIV/AIDS trên địa bàn toàn tỉnh là 8.591 người; trong đó số người đang còn sống và quản lý được là 4.312 (3.539 người Thanh Hóa và 573 ở trại giam) và hơn 2.500 người nhiễm HIV đã tử vong. HIV có mặt tại 100% huyện, thị xã, thành phố; 93,8% xã/phường.

Để thực hiện thành công mục tiêu 90-90-90, tiến tới kết thúc dịch AIDS, Thanh Hóa đã đẩy mạnh công tác phòng, chống HIV/AIDS phù hợp với từng giai đoạn. Trong đó, công tác tuyên truyền luôn là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu trong công tác dự phòng lây nhiễm HIV/AIDS. Tại các địa phương đã triển khai đồng bộ các hình thức truyền thông thay đổi hành vi, phù hợp với từng địa bàn, đối tượng cụ thể và đã huy động được sự tham gia tích cực của các cấp, ngành, lồng ghép với các chương trình phát triển kinh tế xã hội.

Đặc biệt, việc triển khai các hoạt động dự phòng, chăm sóc, điều trị bệnh nhân HIV/AIDS đã từng bước khống chế tỷ lệ người nhiễm HIV. Đến nay, tỉnh ta đã đạt được mục tiêu 90-90-90 như kế hoạch đề ra và đang từng bước nỗ lực, đẩy mạnh các hoạt động để tiến tới chấm dứt đại dịch HIV/AIDS vào năm 2030.

Trong năm 2020, số người nhiễm HIV mới, đưa vào điều trị ARV tăng so với cùng kỳ năm 2019. Toàn tỉnh có 12 phòng xét nghiệm HIV được phép khẳng định các trường hợp HIV dương tính; trong đó có 11 phòng xét nghiệm được khẳng định HIV dương tính tuyến huyện (Mường Lát, Quan Hóa, Quảng Xương, Bỉm Sơn, Ngọc Lặc, Thường Xuân, Nghi Sơn, Nông Cống, Hậu Lộc, Thọ Xuân, Đông Sơn) và 1 phòng xét nghiệm được khẳng định HIV dương tính tại CDC.

Để phát hiện số người nhiễm mới HIV, địa phương đã xét nghiệm cho 110.776 lượt người, đạt 98,2% số lượt được tư vấn (110.776/112.697); số lượt người phát hiện nhiễm là 535.

Về hoạt động can thiệp giảm hại, được sự hỗ trợ của Dự án Quỹ toàn cầu, địa phương đã triển khai phân phát bơm kim tiêm miễn phí tại 18 huyện, thông qua 160 tuyên truyền viên đồng đẳng nhóm ma túy, đã cấp 1.802.253 bơm kim tiêm cho 6.546 người nghiện chất ma túy; cấp bao cao su miễn phí triển khai tại thị xã Bỉm Sơn và TP Sầm Sơn, thông qua 19 tuyên truyền viên đồng đẳng mại dâm, đã cấp 1.439.444 bao cao su cho 891 phụ nữ mại dâm, 3.994 nghiện chất ma túy và 1.615 MSM và 1.684 vợ, bạn tình của người nhiễm HIV; hoạt động cấp bao cao su miễn phí triển khai tại các huyện, thị tiếp giáp với TP. Thanh Hóa thông qua 25 tuyên truyền viên đồng đẳng nhóm MSM, đã cấp 32.533 bao cao su và 9.865 chất bôi trơn cho 1.615 MSM.

Chương trình điều trị nghiện các chất thuốc phiện bằng thuốc thay thế, hiện toàn tỉnh đang triển khai cung cấp dịch vụ điều trị Methadone cho 27 cơ sở và 16 điểm cấp phát thuốc tại 24 huyện, thị/thành phố (trừ huyện Như Thanh, Như Xuân, Vĩnh Lộc chưa triển khai). Tính đến nay, tổng số bệnh nhân đang điều trị Methadone là 2.281 người; trong đó 304 bệnh nhân HIV; 294/304 (96,7%) bệnh nhân điều trị Methadone bị nhiễm HIV đã được điều trị ARV. Điều trị bằng thuốc Buprenorphine cho 35 bệnh nhân. Điều trị dự phòng trước, sau phơi nhiễm HIV/AIDS (PrEP) triển khai từ ngày 18-3-2020 tại 3 phòng khám tư nhân trên địa bàn TP Thanh Hóa. Đến nay đã tiếp nhận điều trị cho 193 khách hàng có nguy cơ cao lây nhiễm HIV/AIDS (chủ yếu khách hàng trong nhóm nam có quan hệ tình dục đồng giới); trong năm 2020, toàn tỉnh điều trị dự phòng sau phơi nhiễm cho 35 người; 100% có kết quả âm tính sau điều trị.

Cùng với đó, đang điều trị ARV cho 4.011 người. Đã mua 280 thẻ BHYT cho 280 bệnh nhân điều trị ARV từ nguồn ngân sách của UBND tỉnh; có 683/4.011 bệnh nhân của 3 huyện Ngọc Lặc, Thọ Xuân và TP Thanh Hóa đã nhận thuốc qua BHYT...

Thanh Hóa là một trong số ít tỉnh trong toàn quốc có số bệnh nhân được điều trị đạt mục tiêu của Liên hợp quốc đề ra, với 90% bệnh nhân nhiễm HIV được điều trị ARV. Để đẩy lùi dịch bệnh, trong thời gian tới địa phương tiếp tục huy động mọi nguồn lực và sự tham gia của các cơ quan, tổ chức, đơn vị, mỗi người dân và cộng đồng vào các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS. Trong đó, tăng cường các hoạt động dự phòng lây nhiễm HIV, xét nghiệm phát hiện và điều trị sớm HIV/AIDS, bảo đảm việc tham gia BHYT của người nhiễm HIV, cung cấp các dịch vụ toàn diện về phòng chống HIV/AIDS cho người dân.
Top