Xác định đối tượng phù hợp để Chương trình PrEP hiệu quả tối đa

10/02/2021 12:18

Sau hơn 4 năm triển khai Chương trình điều trị dự phòng trước phơi nhiễm (PrEP), chương trình đã mang lại những hiệu quả rất tích cực cho công tác phòng, chống HIV/AIDS, giúp cho những người nguy cơ cao lây nhiễm HIV trong nhóm nam quan hệ tình dục đồng tính (MSM) tránh được căn bệnh thế kỷ HIV/AIDS.

 Tư vấn điều trị PrEP cho nhóm đối tượng đích. Ảnh: Phát Trần

Theo số liệu thống kê, từ năm 2017 đến nay ngành Y tế đã mở rộng PrEP tại 27 tỉnh, thành phố. Tính đến 30/9/2020, tổng số khách hàng sử dụng ít nhất 1 lần dịch vụ PrEP là 13.625 khách hàng, số khách hàng đang điều trị PrEP 10.097 người, đạt 86,7% chỉ tiêu đã đặt ra cho năm 2020.

Trong số khách hàng điều trị PrEP, có 78,6% là nhóm khách hàng MSM có nguy cơ cao nhiễm HIV. Số cơ sở cung cấp dịch vụ PrEP là 111 cơ sở, trong đó tư nhân 28 cơ sở và công lập 83 cơ sở; hơn 50% số khách hàng PrEP đang nhận dịch vụ điều trị tại các cơ sở y tế tư nhân. Nhận thức về PrEP của các nhà lãnh đạo, cán bộ y tế, các tổ chức dựa vào cộng đồng, tổ chức xã hội, khách hàng có nguy cơ cao nhiễm HIV và người dân ngày càng được nâng cao.

Tại Bình Dương, Chương trình PrEP được Bình Dương thực hiện từ tháng 4/2019 tại 4 cơ sở với 118 khách hàng tham gia, chủ yếu là MSM. Bình Dương không chỉ có các khu công nghiệp nổi tiếng, mà còn là “điểm nóng” về HIV/AIDS ở phía Nam. Đặc biệt, có tới 80% số người nhiễm HIV ở Bình Dương là công nhân. Số nhiễm HIV trong nhóm đồng tính nam ở đây đang tăng nhanh, đặc biệt, có nhiều bệnh nhân là trẻ vị thành niên… Dân số Bình Dương chỉ hơn 2 triệu, nhưng tích lũy đã có 7.509 người dương tính với HIV. Hiện, địa phương đang quản lý  3.939 bệnh nhân HIV còn sống.

Để thực hiện tốt chương trình, địa phương cũng đã triển khai diện rộng dưới sự hỗ trợ của các nhóm hoạt động dựa vào cộng đồng (CBO), do đó việc hiểu rõ PrEP hoạt động như thế nào để tư vấn hiệu quả là một việc làm rất cần thiết.

Anh Tống Văn Nam, trưởng nhóm Kết Nối trẻ - người hoạt động tích cực trong chương trình PrEP tại Bình Dương chia sẻ: “Tôi phải công nhận rằng, việc tư vấn và hỗ trợ 1 trường hợp âm tính tiếp cận với PrEP không hề dễ dàng, thực tế là còn khó hơn với bệnh nhân dương tính với HIV tiếp cận với thuốc kháng virus ARV. Cũng từ việc cộng đồng tại Bình Dương nói riêng hay Việt Nam nói chung còn khá mới mẻ về phương pháp dự phòng này, có thể chỉ dừng lại việc biết tên về PrEP, tuy nhiên để hiểu rõ một cách tích cực và chấp nhận sử dụng cũng như tuân thủ lại là một phạm trù khác”.

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hoa Kỳ (CDC), khi một người âm tính với HIV nhưng có nguy cơ nhiễm HIV, việc dùng PrEP hàng ngày có thể làm giảm đáng kể nguy cơ này, lên đến 99%. Truvada là thuốc PrEP dạng uống duy nhất được Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) chấp thuận. Đây là một loại thuốc kết hợp bao gồm hai loại thuốc – tenofovir disoproxil fumarate (TDF) và emtricitabine (FTC). Thuốc có dạng viên và chỉ cần uống một lần mỗi ngày. PrEP phải được bắt đầu sử dụng trước khi tiếp xúc với virus, tối thiểu 7 ngày (đối với quan hệ tình dục đường hậu môn) và 21 ngày (qua quan hệ tình dục đường âm đạo).

HIV sử dụng một loại enzym để cho phép virus nhân lên và lây lan sang các tế bào khác khắp cơ thể. PrEP hoạt động bằng cách ngăn chặn enzym đó, khiến virus không thể tự sao chép. 

Đối với PrEP, có thể mất từ ​​7 đến 21 ngày để đạt được hiệu quả đầy đủ và có thể giảm đến 99% nguy cơ lây nhiễm HIV từ quan hệ tình dục. Nhưng mức độ bảo vệ sẽ giảm dần khi PrEP không được thực hiện mỗi ngày theo chỉ dẫn.

Ngoài ra, người sử dụng cũng có thể gặp một số tác dụng phụ nhẹ, như buồn nôn, đau đầu hoặc chóng mặt, khi bắt đầu dùng PrEP, nhưng hầu hết mọi người cho biết tác dụng phụ sẽ cải thiện theo thời gian ngắn. Trong một số trường hợp hiếm hoi, các vấn đề nghiêm trọng hơn có thể phát triển, bao gồm các vấn đề về chức năng gan, thận và mật độ xương. Do đó, người sử dụng PrEP hãy cho bác sĩ biết nếu có bệnh gan, thận hoặc loãng xương, cũng như bất kỳ loại thuốc nào khác mà bạn đang dùng.

Người tham gia chương trình PrEP phải âm tính với HIV trước khi bắt đầu PrEP. Bác sĩ sẽ làm xét nghiệm máu để kiểm tra, tuy nhiên nên lưu ý rằng nếu đang trong khoảng thời gian mới phơi nhiễm với HIV thì các xét nghiệm HIV chưa thể cho ra kết quả chính xác. Nói chuyện với bác sĩ về bất kỳ nguy cơ phơi nhiễm HIV tiềm ẩn nào gần đây và cách nhận biết các dấu hiệu sớm của nhiễm HIV để xác định xem có nên làm thêm xét nghiệm trước khi bắt đầu PrEP hay không.

Trước khi tham gia chương trình, người tham gia PrEP cần trò chuyện trung thực với bác sĩ để xem mình có thuộc nhóm nguy cơ cao lây nhiễm HIV hay không. Theo CDC Hoa Kỳ, PrEP nên được xem xét để dự phòng HIV cho các nhóm sau: Bất kỳ ai quan hệ tình dục thường xuyên với bạn tình nhiễm HIV; nam giới đồng tính, hoặc song tính luyến ái nam và nữ chuyển giới, người không quan hệ chung thủy một vợ một chồng và quan hệ tình dục không dùng bao cao su, hoặc mắc bệnh lây truyền qua đường tình dục (STD) trong 6 tháng qua; nam và nữ khác giới không quan hệ chung thủy một vợ một chồng và có quan hệ tình dục với bạn tình không biết nhiễm HIV mà không sử dụng bao cao su; nam hoặc nữ tiêm chích ma tuý và dùng chung kim tiêm hoặc đã điều trị ma tuý trong 6 tháng qua. Ngoài ra, những người từng có tiền sử sử dụng PEP (điều trị dự phòng sau khi phơi nhiễm HIV) cũng nên cân nhắc sử dụng PrEP.

Phòng ngừa HIV bằng PrEP có thể rất hiệu quả, nhưng không phải 100%. Vì vậy, khi nói đến vấn đề an toàn với HIV, cần phải thực hiện những biện pháp khác kèm theo/bổ sung để gia tăng khả năng bảo vệ bản thân.

Cụ thể, sử dụng bao cao su thường xuyên. Điều này không chỉ giúp bạn bảo vệ thêm HIV mà còn có thể bảo vệ chống lại tất cả các bệnh lây truyền qua đường tình dục khác mà PrEP không có khả năng bảo vệ.

Hãy kiểm tra và gặp bác sĩ thường xuyên. Nếu đang sử dụng PrEP, bạn cần đến bác sĩ ít nhất 3 tháng một lần để xét nghiệm HIV. Đây là thời điểm tốt để cho bác sĩ biết bạn đang tuân thủ lịch dùng thuốc của mình tốt như thế nào và thảo luận về bất kỳ câu hỏi, hoặc thắc mắc nào mà bạn có.

Đưa ra quyết định an toàn hơn khi nói đến đời sống tình dục của bạn. Yêu cầu bạn tình của bạn đi xét nghiệm HIV và các bệnh tình dục khác. Giới hạn số lượng đối tác của bạn… Không tiêm chích ma tuý bất hợp pháp hoặc dùng chung kim tiêm.

Mặc dù thế giới đã trải qua một chặng đường dài ứng phó với HIV/AIDS với rất nhiều kết quả tích cực trong công tác điều trị HIV, tuy nhiên cho đến nay vẫn chưa có vaccine hoặc thuốc chữa trị triệt để loại virus gây ra căng bệnh thế kỷ này. Do đó, việc phòng chống HIV bằng PrEP là một bước tiến quan trọng và tích cực trong lĩnh vực y học. Đặc biệt, tin vui của ngành Y tế và cho cộng động là một số biện pháp dự phòng HIV dạng tiêm một tháng một lần đang được thí điểm tại Hà Nội và hứa hẹn sẽ được ra mắt trong thời gian không xa.
Top