Người thầy trong giảng đường, vị tướng ngoài biên cương

17/04/2021 11:42

Thiếu tướng, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Hữu Chiến, Phó Tham mưu trưởng BĐBP là một con người đầy tận tụy với công việc mà ở đó, cho thấy trong ông có biết bao tình cảm mến thương và ý thức trách nhiệm của một người lính đã dành trọn vẹn cuộc đời mình cho vùng địa đầu phên dậu.

Thiếu tướng Hoàng Hữu Chiến kiểm tra công tác sẵn sàng chiến đấu bảo vệ Đại hội lần thứ XIII của Đảng tại BĐBP Nghệ An

Năm 1983, đồng chí Hoàng Hữu Chiến trở thành học viên chuyên ngành trinh sát ở Trường Sĩ quan Biên phòng (nay là Học viện Biên phòng). Ngày tốt nghiệp, đồng chí vinh dự là một trong hai học viên tốt nghiệp xuất sắc nhất khóa 15 và được giữ lại trường làm giảng viên Khoa Trinh sát - Pháp luật. Năm 1987, đồng chí nhận lệnh lên biên giới làm Đội trưởng Đội Trinh sát của Đồn Biên phòng Xuất Lễ (BĐBP Lạng Sơn). Sau đó, đồng chí lần lượt đảm nhiệm các chức vụ Phó Đồn trưởng, Trưởng phòng Trinh sát, Phó Chỉ huy trưởng rồi Chỉ huy trưởng BĐBP ở hai tỉnh biên giới Cao Bằng và Quảng Trị. Từ tháng 6-2017 đến nay, đồng chí giữ cương vị Phó Tham mưu trưởng, Bí thư Đảng ủy Bộ Tham mưu BĐBP và được thăng quân hàm Thiếu tướng năm 2020.

Trên chặng đường binh nghiệp gần 40 năm, Thiếu tướng, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Hữu Chiến có gần 20 năm công tác, giảng dạy, nghiên cứu khoa học tại Học viện Biên phòng. Nhiều sĩ quan trẻ của lực lượng vẫn thường nhắc đến người thầy mặc áo lính đã tận tâm truyền giảng kiến thức, ấm áp, nghĩa tình theo sát học trò của mình qua từng bước đi với một niềm kính trọng và tri ân sâu sắc. Ngoài việc góp phần đào tạo hàng ngàn học viên Biên phòng, đồng chí còn là thầy giáo hướng dẫn cho hàng chục học viên bảo vệ thành công luận văn Thạc sĩ, luận án Tiến sĩ.

Bên cạnh đó, là một người luôn học hỏi và đam mê nghiên cứu, ông đã góp phần quan trọng trong việc nghiên cứu, biên soạn 7 đầu sách phục vụ đào tạo đại học và sau đại học, 4 đề tài nghiên cứu khoa học và công bố gần 40 bài viết trên các tạp chí khoa học uy tín... Năm 2018, với những cống hiến xứng đáng trong hoạt động quản lý, bảo vệ biên giới và nghiên cứu khoa học, Thiếu tướng Hoàng Hữu Chiến đã được Nhà nước phong hàm Phó Giáo sư ngành Khoa học quân sự.

Đã có nhiều dấu ấn quan trọng mà ông cùng đồng chí, đồng đội đã tạo nên trong quá trình cống hiến, thực hiện nhiệm vụ của mình. Tháng 5-2013, khi được bổ nhiệm làm Phó Chỉ huy trưởng và sau đó không lâu đảm nhận vai trò Chỉ huy trưởng BĐBP Quảng Trị năm 2015, người lính quân hàm xanh Hoàng Hữu Chiến đã cùng với tập thể Đảng ủy Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh thực hiện tốt công tác quản lý, bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới, đấu tranh triệt phá nhiều đường dây mua bán, vận chuyển ma túy qua biên giới; bảo đảm an toàn, hiệu quả công tác tôn tạo và tăng dày hệ thống mốc quốc giới Việt-Lào và vượt thời gian quy định; duy trì, phát triển mô hình kết nghĩa bản - bản; tăng cường hàng chục cán bộ Biên phòng về giữ chức danh tại các xã biên giới khó khăn... Nhiều ý tưởng mang tính chiến lược nhằm xây dựng khu vực biên giới vững mạnh, phát huy sức mạnh của toàn dân tham gia bảo vệ biên giới và đấu tranh phòng chống các loại tội phạm cũng đã được ông đề xuất thực hiện hiệu quả.

Năm 2015, khi Bộ Tư lệnh BĐBP đã tham mưu cho Bộ Quốc phòng báo cáo Chính phủ phối hợp với Chính phủ Lào triển khai mô hình "Một cửa, một điểm dừng" tại cặp cửa khẩu quốc tế Lao Bảo (Việt Nam) - Đen Sa Vẳn (Lào) theo Hiệp định EMS, đồng chí Hoàng Hữu Chiến đã chỉ đạo BĐBP Quảng Trị phối hợp với các lực lượng triển khai thành công hoạt động này, tạo nên một điểm sáng trong cải cách hành chính của BĐBP. Cũng trong giai đoạn này, đồng chí Hoàng Hữu Chiến còn hoàn thành hai đề tài nghiên cứu quan trọng là "BĐBP sử dụng trinh sát nội tuyến trong chuyên án chống tội phạm ma túy" và "BĐBP tỉnh Quảng Trị phòng, chống vi phạm pháp luật về xuất nhập cảnh tại cửa khẩu biên giới đất liền".

Tháng 6/2017, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Hữu Chiến được đặt trên vai một trọng trách mới là Phó Tham mưu trưởng BĐBP, Bí thư Đảng ủy Bộ Tham mưu và được thăng quân hàm Thiếu tướng năm 2020. Trên cương vị mới, ông bận rộn nhiều hơn nhưng vẫn còn nguyên đó sự nhiệt huyết, sâu sát cơ sở và phẩm chất của một nhà giáo, một nhà khoa học. Thiếu tướng, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Hữu Chiến đã lĩnh hội kinh nghiệm của các thế hệ chỉ huy đi trước, mạnh dạn đổi mới cách nghĩ, cách làm, nghiên cứu thực tiễn, hoàn thiện cơ sở lý luận để cùng với Đảng ủy Bộ Tham mưu đề xuất, tham mưu cho Đảng ủy, Bộ Tư lệnh BĐBP nhiều giải pháp hữu hiệu. Từ đó, vấn đề biên chế, tổ chức của BĐBP các cấp được quan tâm điều chỉnh hợp lý, đặc biệt là đồn Biên phòng đang biên chế tổ chức theo tuyến địa bàn, chính diện, chiều sâu, rất cụ thể và tiêu chí thống nhất. Quan hệ của BĐBP với các quân khu, quân chủng được đẩy mạnh. Chế độ chính sách, chức danh, tuyển quân, trần quân hàm, tuyển sinh, tuyển quân được quan tâm chặt chẽ, chi tiết hơn.

Một loạt các giải pháp mới cũng đã được triển khai như: Kết hợp huấn luyện với làm nhiệm vụ thường xuyên; huấn luyện theo nhiệm vụ; huấn luyện sử dụng trang thiết bị công nghệ mới, nâng cao hiệu quả công tác; đổi mới công tác tập huấn, kiểm tra, phúc tra huấn luyện, ưu tiên kiểm tra trực tiếp đội ngũ cán bộ chủ trì đơn vị; tăng cường công tác huấn luyện chuyển trạng thái sẵn sàng chiến đấu, diễn tập khu vực phòng thủ, diễn tập chỉ huy tham mưu, hội thi, hội thao, phúc tra, bắn đạt thật các loại vũ khí có trong biên chế; tăng cường diễn tập, sử dụng vũ khí được trang bị, huấn luyện phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn... Qua đó, đã gắn đào tạo với huấn luyện, nhà trường với thực tiễn công tác, tạo đột phá mạnh mẽ, kiên quyết trong khắc phục các khâu yếu, mặt yếu, gắn quản lý, bảo vệ biên giới, sẵn sàng chiến đấu với nhiệm vụ huấn luyện.

Gần 5 năm qua, Thiếu tướng, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Hữu Chiến đã tham gia đầy trách nhiệm trong chỉ đạo, hướng dẫn các hoạt động đối ngoại biên giới như các kỳ giao lưu hữu nghị, hoạt động kết nghĩa giữa các đơn vị BĐBP Việt Nam và lực lượng bảo vệ biên giới Trung Quốc, Lào, Campuchia. Rất nhiều thành tựu của BĐBP trong giai đoạn gần đây như tham mưu, đề xuất với Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng phê duyệt Đề án Quy hoạch đồn, trạm Biên phòng đến năm 2021 và những năm tiếp theo; phê duyệt Đề án Tổ chức lực lượng BĐBP giai đoạn 2017-2021 và những năm tiếp theo... đều có đóng góp đáng ghi nhận của vị Phó Tham mưu trưởng BĐBP giàu kinh nghiệm và trách nhiệm này.

Bên cạnh đó, với phương pháp làm việc khoa học, chính xác và sự tận tụy đáng trân trọng đã giúp Thiếu tướng Hoàng Hữu Chiến được tín nhiệm giao cho nhiều nhiệm vụ quan trọng như tham gia thành viên cơ quan Thường trực Ban soạn thảo "Chiến lược bảo vệ biên giới quốc gia", dự án "Luật Biên phòng Việt Nam", Ban soạn thảo sửa đổi các Nghị định liên quan đến biên giới, biển đảo và BĐBP... Đầy trách nhiệm và cầu thị, dù tham gia ở vai trò gì, nội dung gì, Thiếu tướng, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Hữu Chiến cũng phối hợp chặt chẽ, ăn ý với các thành viên và các cơ quan chức năng. Ông thường xuyên đi khảo sát cơ sở, lấy ý kiến tham gia của các bộ, ngành và chính quyền, đoàn thể, nhân dân các tỉnh, thành phố biên giới trong cả nước để qua đó, hoàn chỉnh các văn bản pháp luật phục vụ cho sự nghiệp xây dựng, quản lý và bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia.

Thiếu tướng, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Hữu Chiến chia sẻ: "Nhiệm vụ xây dựng, ban hành Luật Biên phòng Việt Nam là vô cùng quan trọng. Do đó, tôi luôn xác định phải dốc hết thời gian, tâm huyết và tri thức để phối hợp với Ban soạn thảo hoàn thiện dự Luật đúng với mục đích, yêu cầu mà Ban chỉ đạo đề ra. Đảm bảo chuyển hóa một cách sâu sắc, triệt để các quan điểm, chủ trương, mục tiêu, nguyên tắc, phương châm, phương thức bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới của Đảng vào thực tiễn xây dựng, quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia".

Là một sĩ quan cao cấp của quân đội, một nhà khoa học, một người thầy, Thiếu tướng, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Hữu Chiến luôn tìm tòi sáng tạo và không ngừng tư duy, xem xét từ vấn đề cụ thể để rút ra nhưng vấn đề lớn, bao trùm rồi tự đúc rút ra bài học và kinh nghiệm. Trong quá trình thực hiện, ông luôn tôn trọng chính mình và đề ra yêu cầu cao với bản thân và luôn phấn đấu để hoàn thành mục tiêu ấy. Những cống hiến của ông dù trên bục giảng hay nơi biên giới, dù ở thao trường hay tại các hội thảo nghiên cứu hàn lâm..., luôn được đồng đội, học trò và đồng bào các dân tộc nơi biên giới ghi nhận và trân trọng.

Top