Đằng sau những vụ án về ma túy

03/04/2021 12:36

Một ngày cuối tháng 3/2021, chúng tôi tham dự phiên tòa xét xử sơ thẩm Thào A Chư (sinh năm 1980), ở xã Trung Lý (Mường Lát) về tội vận chuyển trái phép chất ma túy. Không giống như nhiều phiên tòa khác, điều tôi quan tâm thường là những bản cáo trạng, hành vi phạm tội của bị cáo hay lời tuyên án sau cùng của hội đồng xét xử, mà điều khiến tôi trăn trở là những nỗi niềm của người thân bị cáo.

Một phiên tòa xét xử đối tượng buôn bán, tàng trữ trái phép chất ma túy

Sinh ra trong gia đình thuần nông nghèo, có tới 10 người con; đói nghèo luôn “đồng hành” với gia đình Chư suốt bao năm. Bởi vậy, dù là con út trong gia đình, nhưng không may mắn như nhiều đứa trẻ khác được cắp sách đến trường, tuổi thơ của Chư cũng giống như các anh chị của mình quanh năm suốt tháng chỉ biết lên nương trồng lúa, ngô, lần hồi kiếm ăn từng bữa. Giữa năm 2020, Chư tình cờ gặp và quen Ly Văn Máy, trú tại bản Piềng Cần, huyện Viêng Xay, tỉnh Hủa Phăn (Lào). Chính cuộc gặp gỡ định mệnh ấy đã kéo Chư bước vào con đường tù tội. Biết cuộc sống khó khăn của Chư, lợi dụng điều ấy, Máy nhờ Chư vận chuyển 9 bánh hê-rô-in cùng lời hứa nếu trót lọt sẽ trả công cho Chư 100 triệu đồng. Chỉ biết rằng ma túy là hàng quốc cấm, nhưng nhận thức vẫn còn nhiều hạn chế nên Chư không biết được rằng cái giá phải trả cho việc vận chuyển 9 bánh hê-rô-in sẽ “đắt” như thế nào? Phần vì nghĩ đến gánh nặng cơm áo gạo tiền đeo đẳng gia đình, Chư nhắm mắt làm liều. Lưới trời lồng lộng, chuyến vận chuyển đầu tiên của Chư đã bị lực lượng công an phát hiện, bắt quả tang.

Phải đến 8 giờ phiên tòa mới bắt đầu, nhưng từ sáng sớm, rất nhiều người nhà Chư đã có mặt trước cổng Tòa án Nhân dân tỉnh. Để được gặp mặt người thân, họ đã phải dắt díu nhau đi từ hôm trước. Trong buổi xét xử, người thân của Chư mỗi người một dáng vẻ, nhưng tựu trung là sự buồn bã, lo âu. Ngồi ngay hàng ghế đầu tiên là chị Lầu Thị Khiềng, vợ Chư. Mới ngoài 30, nhưng khuôn mặt sạm đi vì nắng gió đã cộng thêm cho người đàn bà ấy cả chục tuổi. Khi nghe kiểm sát viên đọc cáo trạng, có lẽ do không hiểu tiếng phổ thông nên chị Khiềng liên tục nhờ người đàn ông ngồi cạnh phiên dịch. Dường như hiểu được việc chồng mình tội rất nặng, đôi mắt chị trĩu nặng, nén tiếng thở dài. Suốt phiên tòa, ánh mắt của chị lúc nào cũng hướng về chồng mình phía trước vành móng ngựa, như cầu mong người cha của 5 đứa con chị sẽ có cơ hội làm lại cuộc đời.

Suốt phiên tòa, ông Thào A Lử - cha của Chư với ánh mắt thất thần, tuyệt vọng, vừa giận con và vì thương cháu. Thấy tôi lại gần, có ý muốn nói chuyện, người đàn ông ngồi cạnh ông cụ là anh trai của Chư nói như phân bua: Ông hơn 70 tuổi rồi, sức yếu, gia đình không muốn cho đi nhưng ông nhất quyết đòi đi để được gặp mặt Chư. Điều ấy khiến tôi cảm thấy chạnh lòng, xót xa. Có lẽ ông lo rằng ở cái tuổi 70, trong tình cảnh này thì những lần được gặp con chỉ còn đếm được trên đầu ngón tay. Ông Thào A Lử nói lơ lớ bằng tiếng phổ thông “con mình làm sai thì phải chịu tội, nhưng vợ con nó thì khổ quá!”. Câu nói chưa dứt, nhưng đôi mắt ông đã ầng ậc nước. Tòa tuyên Chư mức án chung thân, cũng là lúc cảm xúc những người thân của Chư bấy lâu bị dồn nén òa vỡ, những giọt nước mắt đau đớn của người cha, nước mắt tuyệt vọng của người vợ và có cả nước mắt hối hận của kẻ phạm tội.

Mới đây, phiên tòa xét xử sơ thẩm đối tượng Nguyễn Hoàng Tùng, sinh năm 1982, ở huyện Hoằng Hóa khiến ai có mặt cũng không khỏi chạnh lòng. Sinh ra trong gia đình thuần nông, bố mất, Tùng từng là niềm tự hào và là chỗ dựa duy nhất của mẹ. Lớn lên, Tùng không chỉn chu làm ăn mà theo chúng bạn ham chơi rồi dính vào ma túy lúc nào không hay. Vợ chưa lấy, con chưa có, Tùng từng nhiều lần hứa với mẹ sẽ tu chí làm ăn và chăm sóc cho mẹ già. Thế nhưng “ngựa quen đường cũ”. Cuối năm 2020, Tùng bị bắt về tội mua bán, tàng trữ, sử dụng trái phép chất ma túy và chịu hình phạt 18 năm tù giam theo bản án tuyên tại phiên tòa đã như tạm khép lại mọi dự định còn dang dở và những lời hứa có cánh với mẹ. Ngồi ở dãy ghế dành cho người đến dự, đôi mắt đẫm lệ của người mẹ già đã ngoài 70 tuổi khi nghe tòa tuyên án về tội danh của con trai mình khiến ai cũng thấy thương cảm. Đằng sau đó, những lời xì xào, bàn tán của người dân tham dự phiên tòa dường như khiến bà mẹ của Tùng, người phụ nữ với dáng người nhỏ bé, khắc khổ không đứng vững để về nhà, bà phải ngồi lại gần như sau cùng khi mọi người đã ra về gần hết.

Phiên tòa kết thúc, với những bản án khác nhau là bài học cảnh tỉnh cho những ai muốn kiếm lời bất chính từ ma túy, được đông đảo dư luận đánh giá là rất thích đáng. Tuy nhiên, phía sau mỗi bản án là bi kịch của một gia đình; là nỗi đau quặn thắt của những bậc làm cha, làm mẹ khi chứng kiến con mình đứng trước vành móng ngựa và như muốn chết đi khi nghe tòa tuyên án; là những người vợ thiếu chồng, chồng thiếu vợ; những đứa trẻ thiếu sự bảo ban dìu dắt của người cha trụ cột trong gia đình. Những bản án công minh, đúng người, đúng tội song cùng với đó là nỗi đau đến cả từ hai phía - kẻ phạm tội và những người thân của bị cáo.

Top