Ngăn chặn lợi dụng việc điều trị Methadone để vi phạm pháp luật

14/01/2021 11:20

Điều trị thay thế nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone là chính sách nhân văn của Nhà nước nhằm tạo điều kiện, giúp đỡ người nghiện giảm và tiến tới dừng sử dụng ma túy bất hợp pháp. Tuy nhiên, nhiều đối tượng đã lợi dụng việc điều trị để tuồn Methadone ra ngoài, bán kiếm lời.

 

 

 Điều trị Methadone trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc

Trong năm 2020, trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc, cơ quan điều tra đã khởi tố 2 vụ án với 2 bị can về tội mua bán trái phép chất ma túy liên quan tới Methadone. Điển hình, khoảng 20 giờ ngày 19/12/2019, tại khu vực cổng Bệnh viện Quân y 109, đường Tô Hiến Thành, phường Đồng Tâm, thành phố Vĩnh Yên, tổ công tác Công an thành phố Vĩnh Yên đã phát hiện, bắt quả tang Hoàng Nghĩa Bình có hành vi bán trái phép chất ma túy cho đối tượng Nguyễn Văn Sơn, thu giữ của Bình 1 chai nhựa nhãn hiệu Lavie bên trong có dung dịch màu hồng nhạt. Bình bán cho Sơn với giá 400.000 đồng.

Quá trình điều tra xác định dung dịch màu hồng nhạt trên là ma túy, loại Methadone, có thể tích 170ml, khối lượng chất ma túy Methadone trong mẫu vật thu giữ là 0,1683g.

Bình khai nhận khi được cán bộ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Vĩnh Phúc (CDC Vĩnh Phúc) cấp thuốc Methadone để uống, Bình chỉ uống một phần, phần còn lại ngậm trong miệng rồi đem về nhà tích trữ để tìm người bán kiếm lời.

CQĐT đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Hoàng Nghĩa Bình về tội mua bán trái phép chất ma túy.

Từ vụ việc kể trên cho thấy quy trình cấp, phát thuốc Methadone còn sơ hở, thiếu sót. Trong quá trình cấp, phát thuốc điều trị đã và đang thiếu sự kiểm tra, giám sát nghiêm túc, dẫn đến việc để lọt tình trạng sau khi được cấp thuốc, các đối tượng chỉ uống một phần, phần còn lại ngậm trong miệng rồi đi ra khỏi cơ sở điều trị đem về nhà tích trữ, bán cho người có nhu cầu.

Theo đại diện CDC Vĩnh Phúc cho biết: “Hiện nay việc quản lý, giám sát các đối tượng đến trung tâm để uống Methadone được thắt chặt. Tại khu vực cấp phát thuốc đơn vị bố trí 3 cán bộ đến 4 cán bộ làm công tác chuyên môn, kiểm tra thông tin người nghiện, giám sát việc uống. Mọi trường hợp, sau khi uống xong Methadone đều phải nói lời cảm ơn 3 lần mới được ra về.

Do số người nghiện đông (có gần 300 lượt người đến uống Methadone mỗi ngày) nên việc theo dõi, quản lý rất khó khăn. Chính vì vậy, đơn vị chú trọng công tác tuyên truyền để người nghiện thấy được lợi ích, hiệu quả của việc sử dụng Methadone nếu tuân thủ theo đúng phác đồ điều trị.

Cán bộ trung tâm thường xuyên phổ biến, giáo dục pháp luật để người điều trị ý thức được rằng việc mang Methadone ra khỏi cơ sở điều trị nhằm sử dụng vào mục đích khác là vi phạm pháp luật; không được phép tự ý mua bán, tàng trữ trái phép Methadone vì Methadone là một dạng chất ma túy.

Hiện nay, ngoài CDC Vĩnh Phúc, toàn tỉnh hiện còn có 4 cơ sở điều trị nghiện ma túy bằng thuốc Methadone tại Trung tâm y tế các huyện Vĩnh Tường, Phúc Yên, Lập Thạch, Bình Xuyên.

Thời gian tới, để bảo đảm phòng ngừa vi phạm, tội phạm về ma túy liên quan đến các đối tượng tham gia điều trị cai nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế (Methadone), các cơ sở điều trị cai nghiện bằng Methadone cần tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền về tác hại của ma túy; không ngừng nêu cao tinh thần, trách nhiệm trong công việc.

Thường xuyên rà soát lại toàn bộ quy trình cấp phát thuốc Methadone nhằm kịp thời phát hiện, khắc phục những tồn tại, thiếu sót để bảo đảm việc cấp phát thuốc Methadone được thực hiện theo đúng quy định. Người đứng đầu các đơn vị tăng cường công tác giáo dục chính trị tư tưởng; có biện pháp kiểm tra, giám sát hiệu quả để ngăn ngừa các hành vi tiêu cực có thể xảy ra.

Chủ động, tích cực phối hợp với lực lượng công an để nhận được sự hỗ trợ tốt nhất về mặt an ninh, trật tự. Đồng thời luôn nêu cao tinh thần cảnh giác, tự trang bị kiến thức để nắm bắt được phương thức, thủ đoạn mới của các loại tội phạm nói chung, tội phạm ma túy nói riêng nhằm ngăn chặn, phòng ngừa hiệu quả.
Top