Phía sau những bản án ma túy

22/09/2021 12:23

Tội phạm ma túy thường phải nhận án phạt nghiêm khắc của pháp luật. Thế nhưng, bên cạnh những người có cơ hội gột rửa quá khứ, trở về đoàn tụ cùng gia đình thì cũng có những cuộc đời khép lại bằng bản án tử nghiệt ngã. Đằng sau mỗi bản án có không ít góc khuất cuộc đời.

Ngày 30/3/2021, TAND tỉnh Bắc Giang xét xử sơ thẩm vụ án mua bán trái phép chất ma túy. Bị cáo là Phạm Hồng Quý (SN 1990), trú tại tiểu khu 5, thị trấn Hát Lót, huyện Mai Sơn (Sơn La). Không giống như những phiên tòa khác, tại buổi xét xử điều khiến tôi để tâm nhiều là hình ảnh một phụ nữ trung niên cùng cậu bé độ tuổi học sinh cấp ba ngồi lặng lẽ ở một góc khán phòng. Căn phòng rộng lớn khiến hai con người ấy trở nên côi cút, bé nhỏ. Hóa ra, đó là mẹ và em trai bị cáo. Suốt phiên tòa, mẹ Quý - bà Nguyễn Thị Thi (SN 1961) ánh mắt thất thần, tuyệt vọng nhìn về phía đứa con trai tội lỗi. Với hành vi buôn bán số lượng lớn ma túy (12 bánh heroin và 4.000 viên ma túy tổng hợp - PV), Quý đã phải đối mặt với bản án tử hình.

Phiên tòa xét xử vụ án mua bán ma túy đối với bị cáo Phạm Văn Sỹ và đồng bọn

Mỗi bản án là bi kịch của một gia đình, là nỗi đau quặn thắt của những bậc làm cha, làm mẹ khi chứng kiến con mình đứng trước vành móng ngựa. Thấy tôi lại gần, có ý muốn hỏi chuyện, mẹ bị cáo ban đầu cúi xuống né tránh. Sau một hồi tiếp cận, bà mới mở lòng: “Tôi phải lặn lội về Bắc Giang dự phiên tòa xét xử con mình cũng chỉ mong được nhìn thấy con lần cuối. Đây là cái giá mà nó phải trả nhưng nó còn trẻ quá. Giá như, tôi quan tâm dạy dỗ con tốt hơn thì không nên cơ sự như ngày hôm nay”. Nói tới đây, nước mắt bà Thi cứ thế trào ra, thấm ướt đẫm chiếc khẩu trang đang đeo.

Với án ma túy, thời gian thụ án thường kéo dài vì đây là loại tội phạm được đánh giá là nghiêm trọng so với các hành vi phạm tội khác. Có lẽ vì vậy nên khi đối diện với bản án mà các bị cáo phải gánh chịu sẽ có những phản ứng, tâm trạng khác nhau. Đơn cử như trường hợp bị cáo Đỗ Thị Tin (SN 1977) ở tổ dân phố Phúc Lâm, thị trấn Nếnh (Việt Yên). Khi nghe Hội đồng xét xử TAND tỉnh Bắc Giang tuyên phạt bị cáo mức án chung thân về hành vi mua bán trái phép chất ma túy vào sáng 22/7 vừa qua, Tin như chết lặng, hai hàng nước mắt cứ thế tuôn ra. Bản án công minh, đúng người, đúng tội song cùng với đó là nỗi đau đến cả từ hai phía - kẻ phạm tội và những người thân của bị cáo.

Đối với một số vụ án xét xử ma túy bị cáo sinh ra trong gia đình có người thân từng “ra tù, vào tội” vì “cái chết trắng” thì hầu hết các bị cáo thường tỏ ra lạnh lùng, dửng dưng. Vẫn vẻ mặt lì lợm như những ngày đầu bị bắt, khi Hội đồng xét xử thẩm vấn, Phạm Văn Sỹ (SN 1986), trú tại tổ dân phố Phố, thị trấn Đồi Ngô (Lục Nam) khai báo vòng vo, liên tục phản bác những cáo buộc của cơ quan tố tụng về hành vi phạm tội của bản thân.

Quá trình xét xử tại phiên tòa sơ thẩm ngày 7/5, Phạm Văn Sỹ một mực cho rằng hành vi của bị cáo mua ma túy về nhà chỉ là tàng trữ chứ không phải mua để bán như truy tố của Viện Kiểm sát nêu và quanh co chối tội. Trước thái độ thiếu thành khẩn trên, Sỹ phải nhận bản án 20 năm tù về hành vi mua bán trái phép chất ma túy cùng 5 năm tù về hành vi tàng trữ trái phép chất ma túy tại bản án do TAND huyện Lục Nam tuyên phạt trước đó.

Trong một số vụ án, vì túng quá hóa liều nên các bị cáo chấp nhận là người vận chuyển ma túy thuê, mỗi lần trót lọt được hưởng vài triệu đồng. Đơn cử như vụ Lường Văn Thuyết (SN 1986), trú tại xã Mường Bú, huyện Mường La (Sơn La). Ngày 17/12/2020, khi đang ở nhà trọ tại thôn My Điền, thị trấn Nếnh (Việt Yên), Thuyết nhận được điện thoại của người quen ở TP Hà Nội nói chuyển cho ít hàng đến bến xe Hiệp Hòa, xong việc sẽ trả công 1 triệu đồng. Nghe nói vậy, Thuyết hiểu là Hải bảo vận chuyển ma túy vì trước đó bị cáo từng mua ma túy của người đàn ông này để sử dụng. Hội đồng xét xử tuyên phạt bị cáo Lường Văn Thuyết 16 năm tù về hành vi tàng trữ trái phép chất ma túy.

Hay như câu chuyện về “góc khuất” của bị cáo Dương Văn Chiều (SN 1990), trú tại thôn Mải Hạ, xã Tân Thanh (Lạng Giang). Ngày 9/3, TAND huyện Lạng Giang tuyên phạt Dương Văn Chiều 5 năm tù giam về tội tàng trữ trái phép chất ma túy. Hơn 30 tuổi, nhưng Chiều già hơn so với tuổi đời. Vợ hắn mất sớm để lại con nhỏ, vì vướng vào ma túy mà Chiều lao vào con đường lầm lỗi khiến con nhỏ giờ đây thiếu vắng cả cha lẫn mẹ. Nghĩ đến con, Chiều càng hối hận và tự trách bản thân nhiều hơn, trong suốt phiên tòa, bị cáo nhiều lần nhắc đến đứa bé với mong muốn nhận được sự khoan hồng của pháp luật để sớm ngày trở về chăm sóc con. Trước hoàn cảnh của bị cáo, Hội đồng xét xử đã miễn phạt bổ sung bằng tiền cho Dương Văn Chiều.

Thẩm phán TAND tỉnh Nguyễn Thị Kim Dung cho biết: Người phạm tội thì phải nhận sự trừng phạt của pháp luật, lao động cải tạo để đoàn tụ cùng gia đình. Đối với các vụ án ma túy khi diễn ra phiên tòa hầu hết người thân các bị cáo đều không có mặt nên trong một số trường hợp các bị cáo tỏ ra bất cần, ngoan cố. Do đó, các thành viên trong Hội đồng xét xử cũng đã cân nhắc rất nhiều khi nghiên cứu hồ sơ vụ án, khi tuyên án phải bảo đảm sự công minh của pháp luật, tạo được sự răn đe, phòng ngừa chung cho toàn xã hội. Tất cả những câu chuyện riêng, những uẩn khúc, lời sám hối… của người phạm tội và người thân của họ được khắc họa sinh động, trở thành cơ sở định hướng và góp phần hoàn lương cho đối tượng.

Top