Người mẹ của những số phận không may mắn

08/10/2021 08:36

Tháng 11/2020, ngành Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức Đại hội thi đua yêu nước lần thứ 5 tại Hà Nội. Còn ở quê nhà Hà Tĩnh, khi thấy 'mẹ Liễu' xuất hiện trên bản tin truyền hình, rất nhiều tiếng vỗ tay đã vang lên cùng với nụ cười hớn hở trên những gương mặt con trẻ ở Làng trẻ mồ côi Hà Tĩnh.

“Mẹ Liễu” chính là bà Vương Thị Liễu - nhân viên bảo mẫu của Làng trẻ em mồ côi Hà Tĩnh, Sở LĐ-TB&XH tỉnh Hà Tĩnh. Bà là một trong những tấm gương cá nhân tiêu biểu xuất sắc, nổi bật đã được ngành Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) tôn vinh trong Đại hội thi đua yêu nước của ngành giai đoạn 2016-2020.

Bà Vương Thị Liễu

Trao cho con trẻ tình yêu và lòng bao dung

Dân gian có câu “Còn cha gót đỏ như son/Không cha không mẹ như đàn đứt dây”. Làng trẻ em mồ côi Hà Tĩnh được thành lập năm 2004 với sứ mệnh tiếp nhận, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục các đối tượng là trẻ mồ côi không nơi nương tựa, trẻ khuyết tật có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, trẻ bị bỏ rơi vào chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục. Thế nên, không có gì khó hiểu khi điều kiện đặt ra cho những cán bộ công tác tại Làng là phải trở thành những người cha, người mẹ, là chỗ dựa thật sự cho những đứa trẻ ở đây, để các em không còn cảm giác chênh vênh của “những chiếc đàn đứt dây”, để các em được học văn hóa, học nghề, giải quyết việc làm và hòa nhập cộng đồng khi đến tuổi trưởng thành.

Tháng 1/1998, bà Vương Thị Liễu bắt đầu công việc của mình tại Làng trẻ em mồ côi Hà Tĩnh. Khi đó bà đã có gia đình và hai con nhỏ. Đã là mẹ, nên bà rất thấu hiểu vai trò của người mẹ đối với con trẻ, cũng như sự bất hạnh của các con khi không còn có cha mẹ chăm sóc. “Ngày tôi quyết định vào Làng, bản thân tôi cũng suy nghĩ rất nhiều vì thời gian dành cho các con trong Làng sẽ là rất nhiều, đôi khi choán cả thời gian cho gia đình. Nhưng chồng và hai con tôi đều ủng hộ, thế nên tôi quyết định sẽ cố gắng mang tình yêu thương của một người mẹ đến các con trong Làng” – trò chuyện với phóng viên, bà Liễu cho biết.

Thấm thoắt hơn hai chục năm đã trôi qua, trong quá trình công tác bà Vương Thị Liễu không ít lần trào dâng cảm xúc khi được những đứa bé mồ côi do chính bàn tay mình chăm sóc gọi bằng tên gọi thân thương “mẹ Liễu”.

“Tôi được phân công chăm sóc chăm sóc các con là trẻ bị bỏ rơi, trẻ khuyết tật và trẻ mồ côi bố mẹ. Mỗi con vào Làng đều mang một hoàn cảnh, một số phận khác nhau, tâm sinh lý lứa tuổi và điểm xuất phát khác nhau. Chính vì vậy mà đòi hỏi người trực tiếp chăm sóc phải có kinh nghiệm vững vàng trong công tác chăm sóc trẻ, phải thật sự gần gũi và hiểu được tâm lý của từng đứa trẻ. Hiểu được thế, tôi đặt cho mình quyết tâm phải giúp các con xóa đi những mặc cảm tự ti do hoàn cảnh của mình để vươn lên trong cuộc sống, luôn mạnh khỏe, linh hoạt, học tập tốt. Muốn vậy, bản thân tôi cũng thấy mình phải tâm huyết với nghề, có phẩm chất đạo đức tốt, thực sự là tấm gương sáng cho các con noi theo”, bà Liễu nói.

Trò chuyện với phóng viên, bà Liễu kể về cô bé mang cái tên thật đẹp Kiều May. Bé bị đẻ non và bỏ rơi với thể trạng rất yêu, trọng lượng cơ thể chưa đến 1kg. Nhận chăm sóc cho bé, bà Liễu và một nữ đồng nghiệp nữa rất lo lắng. Sau 6 tháng đêm hôm chăm sóc, không quản ngại khó khăn, Kiều May đã phổng phao và khỏe hơn, cân nặng được 3.6kg. Đến 9 tháng tuổi, Kiều May được một gia đình người nước ngoài nhận làm con nuôi. “Ngày trao con đi, cũng bùi ngùi lắm, nhưng vui vì con đã khỏe mạnh và con đã tìm được tổ ấm mới đủ cha đủ mẹ” - bà Liễu nhớ lại

Cũng theo bà Liễu, nếu chăm sóc trẻ sơ sinh bị bỏ rơi như trường hợp của Kiều May khó một phần, thì chăm sóc những đứa trẻ vì một biến cố bất hạnh nào đó mà mồ côi cả cha lẫn mẹ lại khó vạn phần. Bởi, “các con đã có thời gian sống với cha mẹ, nên khi vào Làng tâm trạng rất tủi thân và hay so sánh ngày trước cha con làm thế này, mẹ con xử sự thế kia… Với những trường hợp như thế thì không gì hơn là để cho các con thấy được tình yêu thương và lòng bao dung của mình, dần dà qua thời gian các con sẽ hiểu” – bà Liễu tâm sự.

Vui mừng với sự trưởng thành của các con


Tại Làng trẻ em mồ côi Hà Tĩnh, nhắc đến “mẹ Liễu” là nhắc đến một hình ảnh bà mẹ đầy yêu thương, nhẫn nại trong mắt cả đồng nghiệp lẫn con trẻ.

Làng trẻ em mồi côi Hà Tĩnh tiếp nhận không ít những trường hợp trẻ được sinh ra trong những hoàn cảnh và điều kiện khắc nghiệt như: trẻ bị bỏ rơi ở đống rác, cánh đồng hoang hay ngoài đường…, khi tiếp nhận nhiều trẻ đã bị nhiễm trùng nặng, bị côn trùng cắn, bị bỏ đói; hay đối với những trẻ bị nhiễm HIV, sức đề kháng hết sức nhạy cảm… Rất nhiều trẻ rơi vào trường hợp này đều có bàn tay của “mẹ Liễu” và các đồng nghiệp tận tâm chăm sóc bằng chính tình yêu thương vô bờ bến, bằng bản năng làm mẹ từ những hành động nhỏ bé nhất.

Bà Vương Thị Liễu tự tay chăm lo từng bữa cơm cho trẻ trong Làng

Trong công tác giáo dục, học tập, sinh hoạt hàng ngày của trẻ, bà Liễu luôn sát cánh từng trẻ, đôn đốc các cháu học bài, có ý thức chăm ngoan, lễ phép, luôn tu dưỡng và rèn luyện đạo đức nhân cách tốt. Chính vì vậy mà trong những năm qua, không có trường hợp nào vi phạm, vô lễ, gây mất trật tự trong Làng. Trẻ trong Làng luôn ngoan ngoãn, chăm chỉ học tập, biết đoàn kết, chia sẻ và giúp đỡ lẫn nhau trong cuộc sống. Hàng năm, 70% trẻ đạt kết quả học sinh khá giỏi trở lên, tỷ lệ trẻ đậu Đại học đạt 90%.

“Từ Làng rất nhiều con đã trưởng thành nhưng vẫn thường xuyên quay lại thăm Làng, thăm mẹ. Các con đang làm ở rất nhiều ngành nghề trong tỉnh như y tế, giáo dục, đặc biệt có 4 con đã trở thành cán bộ của ngành LĐ-TB&XH tỉnh. Nhìn các con như vậy tôi rất vui” - mẹ Liễu cho biết.

Tháng 10 này, bà Vương Thị Liễu về nghỉ theo chế độ hưu trí của nhà nước, trở về với gia đình nhỏ trong vị trí, vợ, mẹ, bà ngoại, nhưng bà Liễu không lúc nào nguôi đau đáu về những đứa trẻ bà đã từng gắn bó ở Làng.

Bởi cũng như các nhân viên bảo mẫu tại Làng, việc chọn sự nghiệp “trồng người” để gắn bó cả cuộc đời mình chính là phần thưởng quý giá nhất đối với bà. Đây cũng chính là động lực để bà vượt qua và không ngừng phấn đấu, nỗ lực trong công tác. Và hạnh phúc lớn nhất của bà chính là “được các cháu gọi mình bằng “mẹ”, mang đến cho các con tình yêu thương, chăm sóc và chứng kiến các con trưởng thành.

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Hồng Sơn - Giám đốc Làng trẻ em mồ côi Hà Tĩnh cho biết, trong 23 năm công tác, bà Vương Thị Liễu đã chăm sóc, nuôi dưỡng 88 cháu trưởng thành, 50 cháu đã xây dựng gia đình.

“Những công việc bà Liễu đã đảm nhận hết sức âm thầm nhưng rất đỗi ấm áp và hạnh phúc. Dẫu biết vẫn còn những khó khăn, trăn trở và những mong muốn chưa thực hiện trọn vẹn nhưng có được kết quả như ngày hôm nay thực sự là nỗ lực lớn của người nhân viên bảo mẫu, bản thân bà Liễu đã góp phần thực hiện tốt chủ trương, chính sách an sinh xã hội và nhiệm vụ Đảng, Nhà nước giao, càng tự hào khi được làm việc, công tác, cống hiến trong ngành LĐ-TB&XH.

Trong quá trình công tác, bà Vương Thị Liễu thường xuyên nhận được sự động viên của lãnh đạo đơn vị, lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH tỉnh Hà Tĩnh. Với những thành tích đã đạt được, bà Liễu đã vinh dự được nhận bằng khen là điển hình tiên tiến của ngành LĐ-TB&XH tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2015 - 2020; Bằng khen của Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH vì những thành tích tiêu biểu trong công tác giai đoạn 2015 - 2020”, ông Sơn thông tin.
Top