Áp lực từ “Tam giác vàng”, gia tăng ma túy thẩm lậu vào Thanh Hóa

28/01/2021 15:14

Hoạt động của tội phạm về ma tuý trên tuyến biên giới Thanh Hóa - Hủa Phăn (Lào), khu vực giáp ranh với các tỉnh Nghệ An, Hòa Bình, Sơn La có xu hướng gia tăng, có dấu hiệu của nhiều đường dây mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy lớn từ Lào vào Thanh Hóa, với phương thức thủ đoạn hoạt động tinh vi, có sự cấu kết chặt chẽ giữa đối tượng người Lào với các đối tượng người Thanh Hóa và các địa phương khác trong cả nước.

Công an tỉnh Thanh Hóa bắt giữ đối tượng trong vận chuyển 10 bánh heroin vào tháng 1/2020

Tính đến cuối năm 2019, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, số người nghiện có hồ sơ quản lý là 7.060 người, cao thứ 5/63 tỉnh thành, có xu hướng tăng theo từng năm; số người nghi nghiện là 3.012 người. Số người nghiện xuất hiện ở 470/559 xã, phường, thị trấn. Trong đó, đối tượng nghiện ma túy có độ tuổi từ 30 tuổi trở xuống chiếm 35% và vẫn có xu hướng tăng nhanh.

Số người cai nghiện tại các cơ sở cai nghiện ma túy công lập của tỉnh chiếm tỷ lệ thấp so với tổng số người nghiện có hồ sơ quản lý (593 người, chiếm 8,4%), do đó, số người nghiện ma túy đang sống ngoài cộng đồng cao, khó quản lý và tiềm ẩn nhiều nguyên nhân phát sinh tội phạm, nhu cầu tiêu thụ ma túy là rất lớn, đây cũng là nguyên nhân phát sinh các điểm, tụ điểm phức tạp về ma túy.

Những năm qua trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá, tình hình tội phạm ma tuý vẫn diễn biến phức tạp, nhất là trên tuyến biên giới Thanh Hóa - Hủa Phăn (Lào), khu vực giáp ranh với các tỉnh Nghệ An, Hòa Bình, Sơn La. Các đối tượng trong tỉnh và ngoài tỉnh, người Lào móc nối, liên kết với nhau hình thành các băng, nhóm, đường dây mua bán, vận chuyển ma tuý với số lượng lớn hoạt động liên huyện, liên tỉnh, xuyên quốc gia. Phương thức thủ đoạn hoạt động của tội phạm ma túy hết sức tinh vi, xảo quyệt, manh động, liều lĩnh, đa số chúng đều trang bị vũ khí nóng, sẵn sàng chống trả quyết liệt khi bị phát hiện, truy bắt, nhiều trường hợp gây nguy hiểm, thậm chí gây thương vong cho lực lượng chức năng.

Trong thời gian 5 năm (từ năm 2015 đến 2019), lực lượng phòng, chống tội phạm ma túy tỉnh đã phát hiện bắt giữ 3.032 vụ, 4.217 đối tượng phạm tội về ma túy. Số lượng ma túy, súng, đạn, lựu đạn, dao, kiếm thu được có xu hướng ngày càng gia tăng, thu giữ trên 76kg heroin, 85,9kg ma túy tổng hợp, 53.349 viên ma túy tổng hợp, 19,4kg cần sa, 19,4kg nhựa thuốc phiện, 232,6kg quả thuốc phiện, 09 khẩu súng, 46 viên đạn, 25 quả lựu đạn, 122 dao, kiếm các loại và nhiều tang vật liên quan đến hoạt động phạm tội. Khởi tố 2.382 vụ, 2.864 bị can; xử lý hành chính 650 vụ, 1.353 đối tượng. Triệt xóa 243 điểm, tụ điểm phức tạp về ma túy, bắt, xử lý 293 đối tượng.

Trong quá trình phòng ngừa đấu tranh chống tội phạm về ma túy trên địa bàn Thanh Hóa đã có 01 đồng chí hy sinh, 85 đồng chí bị thương, 29 đồng chí điều trị chống phơi nhiễm HIV…

Qua rà soát tính đến ngày 15/02/2020, toàn tỉnh có 62 điểm và 7 tụ điểm phức tạp về ma túy chưa bị triệt xóa, 75 xã, phường, thị trấn trọng điểm về ma túy (loại 1: 07, loại 2: 14, loại 3: 54). Các đối tượng hoạt động phạm tội về ma túy với nhiều thủ đoạn tinh vi, gây khó khăn cho công tác phát hiện, bắt giữ. Trong đó, đối tượng chính, cầm đầu các điểm, tụ điểm không trực tiếp tham gia mà thuê những đối tượng nghiện hoặc các thanh niên không có việc làm để bán ma túy, chúng gia cố nhà cửa, lắp camera giám sát, tạo boongke, nhận tiền trước và thông báo địa điểm cất giấu sau để các đối tượng mua tự đến nhận hàng...

Tình hình tội phạm tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy gia tăng, với nhiều đối tượng tham gia, chủ yếu diễn ra tại các cơ sở kinh doanh có điều kiện về ANTT (quán bar, karaoke, nhà nghỉ, khách sạn...), xảy ra ở hầu hết các địa bàn huyện, thị xã, thành phố với thủ đoạn ngày càng tinh vi, phức tạp. Loại ma túy các đối tượng sử dụng chủ yếu là thuốc lắc, bóng cười, ma túy đá, cỏ Mỹ và ketamin, vì những loại ma túy tổng hợp này dễ sử dụng, gây ảo giác mạnh, độ phê nhanh và kéo dài. Qua rà soát, hiện nay toàn tỉnh có trên 106 cơ sở kinh doanh có điều kiện về ANTT có dấu hiệu nghi vấn liên quan hoạt động chứa chấp, tổ chức sử dụng trái phép các chất ma túy.

Bên cạnh đó, ngày càng xuất hiện các loại ma túy tổng hợp mới, đa dạng, đa chủng loại, giá thành giảm mạnh nên công tác phát hiện, đấu tranh gặp rất nhiều khó khăn. Xuất hiện một số loại chất ma túy mới như “Bánh lười” - đây là loại bánh bích quy nhưng được các đối tượng tẩm tinh dầu cần sa, ngoài ra còn một số loại bánh Socola và kẹo mút cũng bị tẩm cần sa, ma túy tổng hợp rồi sau đó được các đối tượng rao bán trên mạng xã hội cho học sinh, sinh viên.

Trong điều kiện áp lực ma túy từ vùng “Tam giác vàng”, từ Lào gia tăng thì nguồn ma tuý thẩm lậu vào địa bàn tỉnh Thanh Hóa từ Hủa Phăn (Lào) và từ các tỉnh giáp ranh cũng sẽ gia tăng và diễn biến phức tạp hơn. Ngoài ra, tình trạng trồng, tái trồng cây thuốc phiện có nhiều nguy cơ bùng phát trở lại, nhất là vùng giáp biên giới. Tội phạm ma túy và các loại tội phạm khác do người nghiện ma túy sẽ gia tăng, gây phức tạp về trật tự an toàn xã hội...

Trước diễn biến phức tạp của tình hình ma túy thời gian qua và dự báo tình hình tội phạm và tệ nạn ma túy trong thời gian tới thì việc xây dựng và triển khai Đề án “Nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa đấu tranh với tội phạm và tệ nạn ma túy trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa” giai đoạn 2021-2025 là hết sức cần thiết, đây cũng là cụ thể hóa Chương trình hành động số 19 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa thực hiện Chỉ thị 36 của Bộ chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống ma túy trong tình hình mới.

Từ năm 2021 đến 2025, tỉnh Thanh Hóa đặt mục tiêu mỗi năm số vụ phát hiện, đấu tranh với phạm tội về ma túy tăng 10%, số vụ có tính chất nghiêm trọng trở lên tăng 5% so với năm trước. Mỗi năm đấu tranh, triệt xóa trên 10 đường dây mua bán trái phép chất ma túy số lượng lớn, liên tỉnh, xuyên quốc gia.

Không để phát sinh các điểm, tụ điểm phức tạp mới về ma túy; mỗi năm triệt xóa 50% số điểm và tụ điểm đang hoạt động; không để các điểm, tụ điểm ma túy tồn tại quá 01 năm kể từ khi phát hiện; không để xảy ra tình trạng trồng, tái trồng cây có chứa chất ma túy.

Phấn đấu hạn chế phát sinh người nghiện mới, mỗi năm giảm 05% người nghiện có hồ sơ quản lý đủ tiêu chuẩn đưa ra khỏi diện; 100% người nghiện có hồ sơ quản lý được tiếp cận các dịch vụ tư vấn, điều trị, cai nghiện.

Đề án đã đề ra các giải pháp đó là: Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp trong phòng, chống và kiểm soát ma tuý; đẩy mạnh công tác tuyên truyền về phòng, chống ma túy; nâng cao năng lực quản lý, phát huy tối đa hiệu quả công tác của các lực lượng trong phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm ma túy; nâng cao hiệu quả công tác cai nghiện, quản lý và tạo việc làm sau cai nghiện, chấp hành xong hình phạt tù về ma túy; nâng cao năng lực, trình độ, phẩm chất, đạo đức cho đội ngũ cán bộ nòng cốt trong công tác phòng, chống ma túy; tăng cường đầu tư trang thiết bị, công cụ hỗ trợ, bảo đảm các điều kiện cho lực lượng phòng, chống ma túy; xây dựng phần mềm quản lý người nghiện, nghi nghiện trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.

Top