Báo động bệnh trầm cảm đang tăng lên

18/09/2021 07:50

Theo số liệu công bố trong nước, Việt Nam có ít nhất ba triệu thanh thiếu niên bị rối loạn tâm thần, chỉ 20% trong số đó được chẩn đoán và điều trị thích hợp. Số đông tìm đến rượu bia, ma túy, và các chất kích thích như những giải pháp tạm thời.

Theo một báo cáo về sức khỏe tâm thần của Ủy ban Lancet, rối loạn tâm thần đang gia tăng ở mọi quốc gia trên thế giới và sẽ khiến nền kinh tế toàn cầu thiệt hại 16 nghìn tỷ USD vào năm 2030.

Chi phí kinh tế

Trong báo cáo năm 2011 về gánh nặng kinh tế toàn cầu của các bệnh không lây nhiễm 6, Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) ghi nhận rằng, chi phí kinh tế của bệnh tâm thần phần lớn đến từ tổn hao nhân lực, ví dụ như giảm năng suất (bao gồm nghỉ phép, nghỉ hưu sớm) và tổn thất thu nhập (bao gồm tử vong, và nghỉ việc).

“Sức khỏe tinh thần kém không chỉ là một triệu chứng của kinh tế bất ổn: nó có thể là một nguyên nhân,” Stephanie Flanders và Lucy Meakin cho biết trong bài báo của họ trên Bloomberg.

Ở cấp độ cá nhân, khoa học đã chứng minh sức khỏe tinh thần khỏe mạnh giúp ổn định cảm xúc và linh hoạt thần kinh. Điều đó tạo cơ sở cho khả năng phục hồi và linh hoạt bộ não khi đối mặt với áp lực và căng thẳng. Về cơ bản, sức khỏe tinh thần của các cá nhân là nền móng cho hoạt động lành mạnh của gia đình, doanh nghiệp và cộng đồng.

Ảnh minh hoạ

Ở cấp độ gia đình, những người chăm sóc và người thân thường phải chịu nhiều tổn thương về mặt tinh thần khi luôn tục phải đối phó với tình trạng không ổn định và ý định tự tử của bệnh nhân tâm lý. Những chấn thương liên tiếp đi kèm với việc chăm sóc người bệnh tâm thần không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe tâm lý mà còn ảnh hưởng đến việc làm và thu nhập của họ.

Gia đình của những người mắc bệnh tâm thần nặng thường có cảm giác bất lực, thất vọng, mất mát, mặc cảm và mệt mỏi. Chính họ cũng cần những trợ giúp về mặt tinh thần. Sự phá vỡ cấu trúc gia đình do cha mẹ mắc bệnh tâm thần và gen bệnh di truyền dẫn đến một thế hệ sau dễ tổn thương và dễ mắc bệnh tâm thần hơn. Vòng tròn dường như lặp đi lặp lại không có hồi kết.

Ở cấp độ kinh tế vĩ mô, tác động của rối loạn tâm thần đối với tăng trưởng kinh tế ở một nhóm dân số xác định có thể được định lượng bằng sản lượng kinh tế bị mất. Con số này được tính toán bằng cách ước tính tác động của rối loạn tâm thần đối với tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Dữ liệu về hậu quả kinh tế toàn cầu của bệnh tâm thần vẫn còn rất thiếu sót. Riêng khu vực Châu Âu, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã ước tính rằng hậu quả kinh tế của các vấn đề sức khỏe tâm thần, chủ yếu dưới dạng tổn hao nhân lực, đóng góp tới 3-4% tổng sản phẩm quốc dân ở các nước này hàng năm.

Thách thức mới với Việt Nam

Những khó khăn trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng sức khỏe tâm thần tiềm ẩn đặt ra một thách thức mới cho Việt Nam. Theo số liệu công bố trong nước, Việt Nam có ít nhất ba triệu thanh thiếu niên bị rối loạn tâm thần, chỉ 20% trong số đó được chẩn đoán và điều trị thích hợp.  Số đông tìm đến rượu bia, ma túy, và các chất kích thích như những giải pháp tạm thời. Chính phủ Việt Nam đã thành lập Chiến Lược Quốc Gia về Sức Khoẻ Tâm Thần từ năm 1999 với mục tiêu cụ thể là sử dụng 5% ngân sách y tế từ năm 2020 và mở rộng nguồn lực về sức khỏe tâm thần vào năm 2025. Tuy nhiên, Chiến Lược này đến nay chỉ bao gồm khoảng 30% dân số của đất nước, và sử dụng một danh sách bệnh tâm thần rất hẹp; phần lớn bệnh nhân vẫn chưa được điều trị hoặc chẩn đoán sai.

Ngoài ra, cơ sở hạ tầng chăm sóc sức khỏe tâm thần ở Việt Nam còn kém phát triển hơn các nước châu Á khác. Cuộc khảo sát của WHO năm 2014 báo cáo rằng chỉ có 0, 91 bác sĩ tâm thần trên 100.000 dân ở Việt Nam. Hệ thống bệnh viện tâm thần ở Việt Nam hiện tại bao gồm các bệnh viện Nhà nước với 36 bệnh viện và 6000 giường bệnh được bố trí rộng khắp cả nước nhưng chỉ dành cho những bệnh nhân nặng.

Hơn nữa, các dịch vụ tư vấn tư nhân như tâm lý trị liệu có chi phí cao hơn mức mà hầu hết những người lao động có thu nhập thấp và trung bình có thể chi trả. Điều trị sức khỏe tâm thần là một đặc ân mà một người bình thường không thể có và không thể tiếp cận. Mặc dù có những tiến bộ vượt bậc trong thập kỷ qua, hệ thống điều trị sức khỏe tâm thần phần lớn vẫn còn thiếu sót vì nó tập trung nhiều hơn vào các rối loạn nghiêm trọng; nhận thức về sức khỏe tâm thần chưa được nâng cao công khai và phổ biến đến hầu hết mọi người.

Phương pháp Tiếp cận Giá trị Cuộc sống Thống kê (VSL) của WHO chỉ ra rằng gánh nặng kinh tế toàn cầu của các rối loạn tâm thần ước tính khoảng 8,5 nghìn tỷ USD vào năm 2010, tương đương với các bệnh tim mạch và cao hơn so với các bệnh ung thư, các bệnh hô hấp mãn tính và tiểu đường. Tuy nhiên, cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần nhận được ít sự công nhận và tài trợ hơn so với các vấn đề sức khỏe thể chất khác. Ở Việt Nam, chính phủ chỉ tài trợ tiền thuốc men và tiền ăn cho những bệnh nhân tâm thần nặng ở các trung tâm bảo trợ xã hội; tuy nhiên, nguồn kinh phí này vẫn còn hạn chế.

Các chứng rối loạn tâm thần đôi khi vẫn còn thấm nhuần sự xấu hổ và ô nhục ở Việt Nam, ngăn cản sự phát triển của ngành sức khỏe tâm thần và các cá nhân tìm đến sự trợ giúp của chuyên gia. Kỳ thị, thành kiến và phân biệt đối xử về bệnh tâm thần bắt nguồn từ những quan điểm sai lầm rằng những cá nhân này khác biệt và bất bình thường. Sự thật là các vấn đề sức khỏe tâm thần là một trải nghiệm chung của con người có thể xảy ra với tất cả mọi người từ mọi tầng lớp xã hội.

Trước hết, chúng ta cần thừa nhận rằng chúng ta có một vấn đề chưa được giải quyết liên quan đến những khó khăn về sức khỏe tâm thần. Các phản ứng kịp thời và hiệu quả đối với những người có vấn đề về sức khỏe tâm thần có thể là cách sử dụng tiền công có giá trị cho tăng trưởng kinh tế trong tương lai. Một khi cuộc khủng hoảng sức khỏe tâm thần được thừa nhận và xem xét nghiêm túc hơn, hy vọng xã hội sẽ sẵn sàng chấp nhận rằng việc chi tiền để ngăn ngừa và điều trị các rối loạn tâm thần là một khoản đầu tư bền vững.

Top