Bệnh nhân điều trị HIV: 'Không sợ chết, chỉ sợ kỳ thị'

25/01/2021 18:17

Chồng mất do HIV, chị Minh cùng hai con gái thuê căn nhà nhỏ ở gần Bệnh viện Bạch Mai sống, trốn tránh những ánh mắt kỳ thị.

 

Chị Minh nhiễm HIV, không dám về quê.

16 năm trước, khi lây HIV (H) từ chồng, chị Minh không hề biết căn bệnh này. Nhờ sự động viên của các bác sĩ, cùng kiến thức tự tìm hiểu, giờ đây chị thấy H không còn đáng sợ, mà điều đang sợ nhất mà mỗi người mang H phải chịu đựng sự kỳ thị.

"Năm 2006, chồng tôi qua đời. Đám tang chỉ có 3 mẹ con tôi, không một ai tới phúng viếng", chị Minh nhớ lại.

Ngay sau đó, ba mẹ con chị bị đuổi ra khỏi nhà. Người phụ nữ 32 tuổi này từng nghĩ từ bỏ cuộc sống này để hai con gái sẽ không bị dị nghị vì mẹ mắc AIDS. Trong lúc khốn cùng, chị biết đến nhóm Hoa Hướng dương - một nhóm của các bà mẹ cũng mang H do lây từ chồng. Chị như tái sinh vì thấy mình được chia sẻ.

"Chúng tôi cùng nhau tiếp cận thuốc ARV, cùng tìm hiểu về các phác đồ điều trị. Giờ nói tới phác đồ nào, tôi có thể nói vanh vách", chị Minh nói.

Quê Hà Nam, nhưng chị Minh cũng không chọn cách quay về mà cùng hai con sinh sống ở Hà Nội. Hằng ngày chị chạy xe ôm nuôi hai con khôn lớn. Hơn 10 năm qua, chị sống khỏe mạnh nhờ nguồn thuốc viện trợ được cấp phát từ Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai.

"Tôi không dám quay về vì sợ kỳ thị", chị Minh nói. "Ở quê, khi họ biết mình mang H, sẽ không quan hệ, chết cũng không đến. Tôi giấu tất cả mọi người vì nghĩ đến hai đứa con gái, chúng không thể sống trong sự kỳ thị vì bố mẹ mang HIV/AIDS".

Chị Minh cho biết, hồi tháng 3 Trung tâm Bệnh Nhiệt đới phải đóng cửa do COVID-19, các bác sĩ tư vấn cho chị về quê lấy thuốc theo đúng tuyến. Song, sợ kỳ thị nên chị không về, nhờ các bác sĩ liên hệ đến trung tâm khác ở Hà Nội lấy thuốc.

"Nếu phải về quê nhận thuốc ARV, tôi sợ mình sẽ bị kỳ thị mà chết. Tôi sẽ bỏ điều trị", chị Minh giãi bày  và mong muốn được tạo điều kiện cho lấy thuốc ở bất kỳ đâu tại Hà Nội.

Chị Minh là một trong 1.600 bệnh nhân HIV đang được Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai quản lý và cấp phát thuốc điều trị.

Ông Đỗ Duy Cường, Giám đốc Trung tâm Bệnh Nhiệt đới cho biết, Bệnh viện Bạch Mai là Trung tâm điều trị HIV với tỷ lệ người điều trị ARV có tải lượng virus dưới ngưỡng ức chế cao nhất cả nước, lên đến hơn 98%. Các loại thuốc mới, các phác đồ điều trị tân tiến giúp cho bệnh nhân H hạn chế tới mức thấp nhất những ảnh hưởng tới sức khỏe và phòng tránh lây nhiễm.

Theo ông Cường, để xóa bỏ những kỳ thị, cần có sự chung tay của cả cộng đồng. Về phía bệnh nhân cần phải tuân thủ tốt việc điều trị, phải có lối sống lành mạnh và hành vi an toàn không để lây truyền HIV cho người khác.

Ông Dương Đức Hùng, Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cho biết, từ một căn bệnh tưởng chừng như "bản án tử hình", người bệnh hoang mang không còn niềm tin vào cuộc sống, nay HIV/AIDS là một bệnh mạn tính điều trị duy trì như những căn bệnh mạn tính khác. Ông nhìn nhận sự kỳ thị xa lánh, phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS vẫn còn song đã dần được cải thiện. Người nhiễm H đã hòa nhập tốt hơn với cuộc sống.

Theo Cục Phòng, chống HIV/AIDS, hiện số người nhiễm HIV trong cộng đồng khoảng 250.000 người, trong đó có hơn 213.000 người nhiễm HIV đã biết được tình trạng nhiễm của mình. Hơn 150.000 đã được điều trị ARV và tỷ lệ người điều trị ARV có tải lượng virus dưới ngưỡng ức chế (dưới 1000 bản sao/ml máu) chiếm 96%.

Một người nhiễm HIV được điều trị sớm bằng thuốc ARV, tuân thủ điều trị tốt thì thông thường sau 6 tháng điều trị ARV sẽ có tải lượng virus dưới ngưỡng phát hiện (200 bản sao/ml máu) sẽ không lây truyền HIV cho bạn tình qua quan hệ tình dục, làm giảm lây truyền từ mẹ sang con.

Việt Nam là một trong bốn quốc gia có chất lượng điều trị HIV/AIDS đứng hàng đầu thế giới, cùng với Anh, Đức và Thụy Sĩ. Với kinh nghiệm 30 năm phòng, chống HIV/AIDS cùng với những kết quả đã đạt được, Việt Nam tiến tới chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030.

*Tên nhân vật đã được thay đổi
Top