Biến tướng thủ đoạn mua bán người

17/05/2021 21:23

“Hàng người” là khái niệm không hề mới, dù đã được khuyến cáo, cảnh báo và thậm chí là trừng phạt bằng những bản án thích đáng, song, vì lợi nhuận, nhiều người vẫn lao vào như con thiêu thân. Đáng lên án, có những người vì tiền, biết là sai trái, vi phạm luân thường đạo lý nhưng vẫn nhắm mắt đưa chân, tự biến mình thành kẻ buôn người tráo trở…

Tuyên Truyền về phòng, chống mua bán người được tổ chức thường xuyên tại Nghệ An.

Tỉnh Nghệ An là địa bàn phức tạp, trọng điểm về tệ nạn mua bán người. Thống kê cho thấy, hằng năm trên địa bàn xảy ra hàng chục vụ việc liên quan đến mua bán người, mua bán trẻ em và mua bán trẻ em từ trong bụng mẹ qua biên giới. Thực trạng này, ngày càng biến tướng với những chiêu thức, thủ đoạn tinh vi để đối phó với cơ quan chức năng.

Nhức nhối nạn mua bán người qua biên giới

Ngày 10-5, trao đổi với phóng viên, Thượng tá Nguyễn Đức Thân, Trưởng phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Nghệ An cho biết, liên quan đến vụ án mua bán người vừa được đơn vị triệt phá, giải cứu thành công 3 sản phụ đang trên đường vượt biên sang Trung Quốc bán con hồi cuối tháng 4 vừa qua, đơn vị đang tiếp tục điều tra mở rộng.

Theo đó, vào ngày 24-4, sau khi được phát hiện, giải cứu trên đất Trung Quốc, 3 sản phụ này được đưa về Việt Nam, sau thời gian hoàn thành cách ly y tế phòng, chống dịch COVID-19 theo quy định, đã được trao trả cho gia đình và địa phương để theo dõi, quản lý.

Tài liệu của cơ quan điều tra cho thấy, 3 phụ nữ này có danh tính lần lượt là Ven Mẹ T. (SN 1988), Lữ Thị Nh. (SN 2003) và Moong Thị S. (SN 1996), cùng là dân tộc Khơ Mú, trú tại huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An. Trong số này, tại thời điểm được cơ quan chức năng phát hiện, chị T. đang mang thai ở tháng thứ 9, chị S. mang thai 7 tháng và chị Nh. đang mang thai ở tháng thứ 5. Chị T. khai, lấy chồng về một xã biên giới ở huyện Kỳ Sơn, có với nhau một đứa con chung thì chồng chị này chẳng may qua đời.

Thời điểm chồng mất, T. đang mang thai đứa thứ hai được 3 tháng tuổi, cuộc sống gặp rất nhiều khó khăn. Trong khi, Lữ Thị Nh. trót có bầu với người yêu nhưng bị gia đình hai bên ngăn cản, còn Moong Thị S. thì gặp phải người tình “Sở Khanh”, đã cao chạy xa bay khi hay tin chị này có thai.

Trong lúc bối rối trước những khó khăn của cuộc đời, cả 3 phụ nữ này gặp Ven Thị Son (SN 1985) và Lương Thị Săn (SN 1990), quê ở bản Phà Khảo, xã Phà Đánh, huyện Kỳ Sơn. Cả 2 phụ nữ này đều lấy chồng và sinh sống ở Trung Quốc nhiều năm nay, gần đây trở về quê hương thăm thân.

Biết số phận éo le của các cô gái, Son đã trực tiếp rủ rê chị T. và chị S., còn Săn lôi kéo chị Nh. qua Trung Quốc sinh đẻ rồi bán con. Mờ mắt trước số tiền quá lớn mà hai người này đưa ra, 3 mẹ bầu đã quyết định nhắm mắt đưa chân, chấp nhận qua bên kia biên giới sinh nở rồi bán con, bù lại họ sẽ có một khoản tiền kha khá để quay trở về quê nhà trang trải cuộc sống.

Cuối tháng 3-2021, theo sự sắp xếp của “má mì” Son và Săn, 3 thai phụ lên 3 chuyến xe khác nhau nhưng cùng một điểm đến là TP Móng Cái (Quảng Ninh), để lên thuyền theo đường tiểu mạch vượt biên trái phép sang Trung Quốc. Đến ngày 1-4, khi cả 3 người đã được đưa đi vào sâu nội địa, đang ở một ngôi nhà, chuẩn bị đưa đi đến một địa điểm chờ sinh nở để bán con thì bị nhà chức trách sở tại phát hiện, bắt giữ.

3 phụ nữ mang thai tự nguyện qua bên kia biên giới.

Liên quan đến vấn đề này, trước đó, vào cuối năm 2020, Phòng Cảnh sát hình sự Công an Nghệ An cũng đã làm rõ đường dây mua bán trẻ em qua biên giới do đối tượng Cụt Văn Út (SN 1988), trú bản Nà Bè, xã Xá Lượng, huyện Tương Dương cầm đầu. Sự việc bắt đầu vào tháng 4-2019, khi Út quen một người phụ nữ tên Vân, quê ở Nghệ An lấy chồng sang Trung Quốc. Người này nhờ Út tìm những phụ nữ trẻ đẹp, đưa sang Trung Quốc để lừa bán, mỗi phi vụ trót lọt, Út sẽ được trả 5 triệu đồng.

Thực hiện hành vi phạm tội của mình, Út đã đến gặp gia đình em Cụt Thị X. (SN 2004), dựng màn kịch đưa X. vào miền Nam làm ăn. Tin lời, X. đi theo đối tượng, sau đó bị lừa bán sang Trung Quốc. Trong phi vụ này, đối tượng Cụt Văn Út và đồng phạm đã thu lãi số tiền 8 vạn nhân dân tệ, tương đương 240 triệu tiền Việt.

Tháng 12-2020, Cụt Thị X. được Phòng Cảnh sát hình sự Công an Nghệ An phối hợp với Tổ chức Trẻ em Rồng Xanh và cảnh sát nước bạn, phát hiện, giải cứu thành công. Đáng chú ý, từ lời khai của X., lực lượng chức năng đã lần tìm và giải cứu nạn nhân khác là chị Lương Thị B. (SN 2000), trú tại xã Hữu Khuông, huyện Tương Dương, bị lừa bán vào năm 2015. B. khai, thời điểm đó, B. đi cùng 2 thiếu nữ khác trong bản, hiện cơ quan chức năng vẫn đang mở rộng điều tra, xác minh lại lời khai của thiếu nữ này.

Công an Nghệ An đẩy mạnh công tác tuyên truyền phòng, chống mua bán người đến tận bản làng.

Khi thủ phạm và nạn nhân đồng lõa

Số liệu thống kê của Công an tỉnh Nghệ An cho thấy, trong thời gian từ tháng 6-2020 đến nay, các lực lượng chức năng tỉnh Nghệ An đã phát hiện, điều tra, làm rõ, bắt giữ 16 vụ (trong đó, lực lượng công an các cấp phát hiện, bắt giữ 14 vụ và bộ đội biên phòng 2 vụ), 24 đối tượng liên quan đến 25 nạn nhân; trong số này, có 12 nạn nhân được giải cứu.

Ngoài ra, lực lượng Công an đã phát hiện bắt 1 vụ, 2 đối tượng tổ chức, môi giới cho người khác trốn đi nước ngoài trái phép nhằm mục đích sang Trung Quốc mang thai hộ; 2 vụ, 2 đối tượng có hành vi giúp sức, chứa chấp, che giấu, tạo điều kiện cho người khác trốn đi nước ngoài, ở lại nước ngoài và 2 vụ, 2 đối tượng có hành vi tổ chức cho người khác xuất cảnh trái phép.

Thượng tá Nguyễn Đức Thân cho biết thêm, xuất phát từ lợi nhuận, đặc thù về vị trí địa lý, trình độ dân trí bởi tỉnh Nghệ An diện tích rộng, chủ yếu là vùng đồng bào dân tộc, nhận thức hạn chế nên cùng với vấn nạn ma túy, mua bán người vẫn diễn biến hết sức phức tạp, dù lực lượng chức năng đã ra sức tuyên truyền, kết hợp răn đe, xử lý hình sự hàng chục vụ mỗi năm.

Cùng với đó, địa phương có số lượng lao động (hợp pháp lẫn bất hợp pháp) ở Trung Quốc khá đông, trong số đó có nhiều người đã từng là nạn nhân của nạn mua bán người, thay vì cảnh tỉnh những người khác, một bộ phận đã biến mình thành “má mì”, rủ rê người khác phạm tội.

Thời gian gần đây, do cơ quan chức năng đẩy mạnh việc truy quét tội phạm trên lĩnh vực này, tội phạm mua bán người đã có những biến tướng nhất định. Thay vì dụ dỗ qua biên giới bán con, tìm kiếm việc làm rồi móc nối với người quen để lừa bán, những người đứng ra tổ chức các đường dây này vẽ ra viễn cảnh xin việc làm ở các tỉnh, thành khác với chế độ lương, thưởng hậu hĩnh. Đến lúc có thời cơ sẽ đưa qua biên giới để bán, trong trường hợp bị phát hiện, sẽ “đem con bỏ chợ” rồi cao chạy xa bay.

Đơn cử, cuối tháng 3-2021, Công an huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) phối hợp với lực lượng chức năng và Công an tỉnh Lâm Đồng giải cứu thành công hai chị em Học Thị H. (SN 2007) và Học Thị V. (SN 2009), trú ở bản Huồi Xui, xã Keng Đu, huyện Kỳ Sơn sau 3 tháng bị lừa vào tỉnh Lâm Đồng làm việc.

Dịp tết Nguyên đán, H. và V. gặp một người (chưa rõ danh tính), rủ vào Lâm Đồng làm công nhân cao su, lương cao mà công việc lại nhàn hạ. Tin lời, ngày mồng 6 tết, hai chị em bỏ học, trốn gia đình theo người lạ vào miền Nam. Tại đây, hai chị em được giao cho một người chủ có rẫy cà phê, 3 tháng làm quần quật mà không được trả bất cứ đồng lương nào.

Thất vọng, hai đứa trẻ trốn khỏi nơi làm việc, lang thang suốt mấy ngày trời, may mắn gặp một người đồng hương, được cưu mang và liên hệ để người nhà và chính quyền địa phương vào tận nơi đón về an toàn. Theo nhận định, đối tượng đưa hai em này đi làm ăn xa, mục đích chính có thể là sẽ lừa bán sang Trung Quốc. Tuy nhiên, khi chưa thực hiện được hành vi, có thể bị đánh động nên đối tượng đã cao chạy xa bay.

Thượng tá Tô Văn Hậu, Trưởng Công an huyện Kỳ Sơn chia sẻ, địa bàn huyện Kỳ Sơn từ trước đến nay luôn là địa bàn nhức nhối về tệ nạn mua bán người, mua bán trẻ em. Dù Công an huyện Kỳ Sơn đã triển khai nhiều biện pháp quyết liệt, cấp bách nhưng thủ đoạn của tội phạm trong lĩnh vực này hết sức ma mãnh, khiến cơ quan chức năng gặp không ít khó khăn trong quá trình đấu tranh, triệt xóa.

Một nạn nhân được giải cứu, trở về với gia đình.

 

Thực tiễn từ quá trình đấu tranh, phòng ngừa tội phạm mua bán người trong thời gian qua  cho thấy, khó khăn trong các vụ án mua bán người qua biên giới, là có những vụ việc, xác định được đối tượng nhưng do không ở địa phương, mà chủ yếu ở bên kia biên giới nên phải mất thời gian rất lâu, đến khi đối tượng về nước mới bắt giữ được.

Đơn cử, năm 2014, Sầm Văn Biên (SN 1984), trú xã Quang Phong, huyện Quế Phong sang Trung Quốc làm ăn thì gặp lại bạn học cũ là Lang Thị Xuân (SN 1983), là người cùng xã. Tại đây, Xuân đã bàn với Biên về Việt Nam tìm người đưa sang Trung Quốc bán. Biên đồng ý, sau đó trở về quê nhà làm quen, dụ dỗ các sơn nữ trong xã. Với màn kịch sang Trung Quốc làm việc với mức lương cao, nhiều cô gái đã “sập bẫy” của Biên, trong số này có Lang Thị L. (SN 1988), là người cùng xã với hai đối tượng nói trên.

Với lời đường mật, qua Trung Quốc làm công nhân, việc nhẹ nhưng lương mỗi tháng gần 20 triệu đồng, đặc biệt khi Biên cho ứng trước 3 tháng lương, L. đã theo chân người đàn ông này qua Trung Quốc. Ngay khi vừa đặt chân đến xứ người, ngay lập tức L. bị bán đứt cho một người đàn ông bản địa với giá 6,5 vạn tệ, tương đương 195 triệu đồng. 3 năm sau, vào năm 2017, Lang Thị L. được Tổ chức Trẻ em Rồng Xanh giải cứu, về Việt Nam làm đơn tố giác. Tuy nhiên, cả Biên lẫn Xuân đều trốn biệt bên kia nên đến ngày 25-1-2021, khi biết hai đối tượng này vừa về quê nhà, lực lượng chức năng mới tiến hành vây bắt thành công.

Cái khó trong đấu tranh với tội phạm và tệ nạn mua bán người, là có những vụ việc cả nạn nhân lẫn kẻ phạm tội đều đồng lõa, thống nhất với nhau để đối phó với cơ quan chức năng. Nhiều người, biết là vi phạm pháp luật nhưng vẫn tìm đủ mọi cách để phạm tội, thậm chí là tái phạm.

Trong khi đó, trong số nhiều nạn nhân được giải cứu hằng năm, khi trở về địa phương dù đã được các tổ chức, đoàn thể hết sức tạo điều kiện để làm lại cuộc đời, nhưng vẫn có những mặc cảm, khó khăn nhất định. Thậm chí, một bộ phận không nhỏ trong số này đã giẫm lên chính vết xe đổ của mình trong quá khứ, quay lại với sai lầm của bản thân chỉ vì tiền.

Top