Cần tăng độ bảo phủ và duy trì số người nhiễm có thẻ BHYT

25/01/2021 15:36

TS. Hoàng Đình Cảnh, Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) cho biết, để mở rộng điều trị HIV/AIDS qua BHYT, cần phải tăng độ bảo phủ và duy trì số người nhiễm có thẻ BHYT vì vậy việc truyền thông và tư vấn lợi ích của tham gia BHYT của người nhiễm HIV là rất quan trọng. Đến tháng 6 năm 2020, tỷ lệ bệnh nhân điều trị ARV có thẻ BHYT đã đạt đến 91%. 52 tỉnh/thành phố đã đạt được tỷ lệ bao phủ BHYT hơn 90%. 9 tỉnh thành phố còn lại đạt mức bao phủ từ 80%-90%.

BHYT là phao cứu cánh cho bệnh nhân, đặc biệt là những người nhiễm HIV/AIDS. Ảnh: Thùy Chi

Số liệu thống kê cho thấy, đến nay, có gần 300 cơ sở điều trị (chiếm 69% số cơ sở) đã cung cấp thuốc ARV qua nguồn BHYT, cung cấp cho 55.000 (chiếm hơn 30%) người nhiễm HIV đang điều trị ARV. Dự kiến, đến năm 2023 sẽ có khoảng 82% người nhiễm HIV sẽ được điều trị thuốc kháng HIV từ nguồn BHYT.

Báo cáo của Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) cho thấy, đã có 54 tỉnh, thành phố có tỷ lệ bao phủ BHYT trong điều trị HIV/AIDS đạt được hơn 90%. Trong số đó, có 9 tỉnh đạt tỷ lệ 100% gồm: Tuyên Quang, Kon Tum, Bình Định, Hà Giang, Đà Nẵng, Sóc Trăng, Quảng Ngãi, Quảng Trị và Hưng Yên. Thấp nhất là TPHCM, tỷ lệ bao phủ BHYT cho người nhiễm HIV/AIDS mới đạt 80%.

Hiện nay đã có nhiều địa phương chủ động triển khai BHYT cho người nhiễm HIV bằng các hoạt động truyền thông, hỗ trợ người nhiễm HIV tạo điều kiện cung cấp giấy tờ cá nhân trong việc đăng ký BHYT. Kiện toàn các cơ sở điều trị HIV/AIDS để có thể ký hợp đồng và thanh toán được với quỹ BHYT. Có 40 tỉnh, thành phố đã bố trí được ngân sách địa phương để mua thẻ BHYT với tổng kinh phí 16 tỷ đồng cho khoảng 20.000 thẻ BHYT. Bên cạnh ngân sách địa phương, thì các dự án viện trợ quốc tế cũng sẵn sàng hỗ trợ mua thẻ BHYT như Quỹ Toàn cầu mua gần 8.000 thẻ.

Anh Phạm Đức H. nhóm Niềm tin xanh Hà Nội cho biết, việc sử dụng quỹ BHYT chi trả thuốc ARV giúp những người nhiễm HIV hưởng lợi nhiều nhất và yên tâm về nguồn thuốc chữa bệnh suốt đời. Về phía cơ quan quản lý, khi sử dụng thẻ BHYT có thể quản lý được người nhiễm HIV và chủ động cho công tác phòng, chống HIV, tránh được lây lan virus HIV ra cộng đồng. Tuy nhiên, có mặt khó cho người nhiễm HIV là khi đăng ký BHYT họ sẽ lộ thông tin cá nhân. Đây là điều mà phần lớn những người nhiễm HIV lo ngại, vì lộ thông tin dẫn đến sự kỳ thị tại chính địa phương mình. Có một số người đã tự ý mua thuốc bên ngoài để điều trị, nhưng nguồn thuốc mua bên ngoài không bảo đảm chất lượng và cũng không đủ kinh phí để họ điều trị suốt đời.

TS. Hoàng Đình Cảnh cho hay, từ năm 2016, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 2188/QĐ-TTg quy định việc thanh toán thuốc kháng HIV được mua sắm tập trung cấp quốc gia sử dụng nguồn quỹ khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế và hỗ trợ người sử dụng thuốc kháng HIV. Đây là chính sách quan trọng, cho phép đấu thầu tập trung cấp quốc gia thuốc kháng HIV từ nguồn quỹ BHYT và giao cho UBND các tỉnh bảo đảm 100% người nhiễm HIV có thẻ BHYT nhằm bảo đảm tiếp cận công bằng trong điều trị thuốc kháng HIV.

Sau ba năm chuẩn bị và thiết lập hệ thống cơ sở cung cấp dịch vụ điều trị HIV/AIDS đảm bảo điều kiện khám, chữa bệnh qua BHYT, đến tháng 3 năm 2019, những bệnh nhân đầu tiên nhận thuốc ARV từ Quỹ BHYT.

Theo TS. Hoàng Đình Cảnh, bên cạnh thành công trên, việc triển khai điều trị HIV/AIDS qua BHYT vẫn còn một số khó khăn thách thức trong việc bảo đảm 100% bệnh nhân đang điều trị ARV có thẻ BHYT và trong quản lý, cung ứng, thanh quyết toán thuốc ARV nguồn BHYT. Tuy nhiên, Bộ Y tế sẽ phối hợp với các ngành chức năng và địa phương tìm những giải pháp tháo gỡ khi có tình huống phát sinh.
Top