Công tác cai nghiện ma túy gặp ‘khó’ trong dịch bệnh

18/09/2021 08:15

(Chinhphu.vn) – Do tác động của đại dịch COVID-19 bùng phát mạnh và thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội, việc đưa người nghiện ma túy vào các cơ sở cai nghiện khó khăn hơn, cùng với đó là số người nghiện tiếp tục gia tăng, đã làm tăng nguy cơ gây rối, mất trật tự xã hội và lây lan dịch bệnh COVID-19 từ người nghiện tại cộng đồng.

Các cơ sở cai nghiện ma túy thực hiện nghiêm công tác phòng chống dịch COVID-19. Ảnh: Hoàng Giang

Theo thống kê của Bộ Công an, số người nghiện ma túy trong nước tiếp tục gia tăng, hiện có 246.648 người nghiện có hồ sơ quản lý (tăng 4,7% so với năm 2020), trong đó gần 70% đang sinh sống tại cộng đồng. Tình trạng trẻ hóa và sử dụng ma túy tổng hợp cũng có xu hướng gia tăng, số người nghiện ma túy dưới 35 tuổi chiếm trên 70%, tỷ lệ sử dụng ma túy tổng hợp chiếm khoảng 75%.

Bất chấp dịch, tình hình ma túy vẫn diễn biến phức tạp

Hoạt động tổ chức sử dụng trái phép ma túy trong quán bar, vũ trường, karaoke vẫn diễn biến phức tạp; thậm chí đã phát hiện một số vụ sử dụng trái phép chất ma túy trong các cơ sở y tế, cơ quan nhà nước.

Đáng lo ngại đã xuất hiện một số loại ma tuý mới, chưa có trong danh mục, như “tem giấy”, “trà sữa”, “khô gà”... đã và đang thu hút giới trẻ, len lỏi vào khu vực học đường; nhiều đối tượng sử dụng ma túy dẫn đến “ngáo đá” gây án các vụ án hình sự nghiêm trọng.

Thực tế trên đã đang gây áp lực cho xã hội, cơ quan quản lý nhà nước. Hơn nữa, diễn biến phức tạp của COVID-19 tác động đến mọi mặt đời sống kinh tế-xã hội, trong đó có công tác quản lý người nghiện và cai nghiện.

Đơn cử như tại Hậu Giang, trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội để phòng, chống dịch COVID-19, lực lượng Công an tỉnh Hậu Giang đã triệt phá 19 vụ, bắt 35 đối tượng thực hiện các hành vi mua bán, tàng trữ, chứa chấp việc sử dụng trái phép chất ma túy; so với thời gian cùng kỳ số vụ tăng 90%, số đối tượng tăng 169%. Trong đó, đa số các vụ vi phạm xảy ra trong thời gian hạn chế ra đường theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ nhưng các đối tượng vẫn ngang nhiên đi mua ma túy về tàng trữ, sử dụng đã bị lực lượng Công an phát hiện, xử lý.

Tình hình trên cho thấy mặc dù tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp nhưng người nghiện ma túy vẫn bất chấp các quy định về phòng, chống dịch, ra đường đi mua ma túy, tụ tập sử dụng tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch bệnh, làm phức tạp công tác phòng, chống dịch bệnh và an ninh, trật tự trên địa bàn.

Trao đổi với Báo điện tử Chính phủ, ông Trần Ngọc Túy, Cục trưởng Cục Phòng chống tệ nạn xã hội (Bộ LĐTB&XH) cho biết, thời gian qua, do dịch COVID-19 bùng phát mạnh, diễn biến phức tạp và việc thực hiện biện pháp giãn cách xã hội để phòng chống dịch COVID-19 tại nhiều địa phương đã khiến việc lập hồ sơ, đưa người nghiện ma túy vào cơ sở cai nghiện bắt buộc khó khăn hơn. Đây cũng là một phần nguyên nhân làm gia tăng người nghiện tại cộng đồng, ảnh hưởng đến an ninh trật tự, an toàn xã hội tại địa phương.

Để tăng cường phòng chống dịch, Bộ LĐTB&XH đã chỉ đạo các Sở LĐTB&XH tạm dừng tiếp nhận đối tượng mới vào các cơ sở điều dưỡng người có công với cách mạng, cơ sở trợ giúp xã hội, cơ sở cai nghiện ma túy. Trường hợp phải tiếp nhận khẩn cấp thì cơ sở phải phối hợp với cơ sở y tế trên địa bàn tổ chức xét nghiệm, bố trí nơi cách ly theo quy định về phòng, chống dịch COVID-19 trước khi chuyển về các khoa, phòng tại cơ sở.

Bên cạnh đó, một số cơ sở cai nghiện tạm dừng việc gia đình thăm gặp học viên, đã ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý của người nghiện đang cai nghiện ma túy tại cơ sở cai nghiện.

Đầu tư nguồn lực cho công tác cai nghiện

Hiện nay trên cả nước có 97 cơ sở cai nghiện ma túy công lập, đang quản lý, điều trị, cai nghiện cho hơn 39.800 người nghiện ma túy. Tình trạng chung của các cơ sở cai nghiện là xuống cấp về điều kiện cơ sở, thiếu trang thiết bị phục vụ công tác khám chữa bệnh, thiếu nhân lực do chưa có chế độ thu hút cán bộ có chuyên môn vào làm việc, kinh phí Trung ương và địa phương cho công tác quản lý nhà nước về cai nghiện còn hạn chế...

Những điều này đã gây nhiều khó khăn cho công tác cai nghiện, đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa giữa các bộ ngành, trung ương và địa phương trong đó việc quan tâm, đầu tư nguồn lực cả kinh phí và con người cho công tác cai nghiện.

Bên cạnh đó, theo Thượng tá Nguyễn Đức Huy, Trưởng phòng Tham mưu Cảnh sát, Văn phòng Bộ Công an, trong nhiều năm qua, một số chủ trương, chính sách về phòng chống tệ nạn xã hội chậm được sửa đổi, bổ sung, đặc biệt chưa có thống nhất trong tư tưởng chỉ đạo coi người nghiện là người bệnh hay người vi phạm pháp luật khiến việc thiết kế, hướng dẫn và thực thi chính sách pháp luật trong thực tiễn vẫn chưa đạt hiệu quả.

Ông Trần Ngọc Túy cho biết, hiện Bộ LĐTB&XH đang chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan có liên quan nghiên cứu, xây dựng trình Chính phủ ban hành Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Phòng, chống ma túy, Luật Xử lý vi phạm hành chính về cai nghiện ma túy và quản lý sau cai nghiện ma túy (gộp với Nghị định quy định chế độ áp dụng, thi hành biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc). Qua đó, khắc phục những vướng mắc, bấp cập xuất phát từ các quy định hay phát sinh trong thực tiễn tổ chức thi hành các Nghị định; bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của những người cai nghiện ma túy và quản lý sau cai nghiện ma túy.

Để nâng cao hiệu quả công tác cai nghiện, bên cạnh giải pháp về mặt chính sách pháp luât thì cần tiếp tục tăng cường các hoạt động truyền thông, đẩy mạnh sự phối hợp liên ngành trong công tác phòng chống ma túy và cai nghiện; chú trọng công tác can thiệp dự phòng nghiện cho người sử dụng ma túy cũng như biện pháp giảm tác hại cùng; đồng thời quan tâm chính sách hỗ trợ người nghiện tái hòa nhập cộng đồng.

Hoàng Giang

Top