Dự thảo Luật Phòng, chống ma túy: Cần làm rõ nhiều vấn đề về cai nghiện

01/03/2021 15:34

Vừa qua, Đoàn đại biểu Quốc hội các địa phương tiếp tục tổ chức Hội nghị lấy ý kiến góp ý dự thảo Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi). Trong đó nhiều ý kiến góp ý xung quanh đến công tác cai nghiện ma túy, quản lý người sử dụng ma túy.

  Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Lắk tổ chức Hội nghị lấy ý kiến góp ý Dự thảo Luật Phòng, chống ma túy

Cần bổ sung thêm trách nhiệm từ phía gia đình đối với học sinh, sinh viên sử dụng ma tuý

Tại Tây Ninh, ý kiến cử tri xoay quanh những nội dung liên quan đến dự thảo Luật Phòng, chống ma tuý (sửa đổi) như: Cần xem xét từ “bổ sung” vào tên luật thành “Luật Phòng, chống ma tuý (sửa đổi, bổ sung). Tại Khoản 8, Điều 2, giải thích từ ngữ về “tệ nạn ma tuý là việc sử dụng trái phép chất ma tuý, nghiện ma tuý và các hành vi vi phạm pháp luật về ma tuý mà chưa đến mức hoặc không bị truy cứu trách nhiệm hình sự”.

Cụm từ việc sử dụng trái phép chất ma tuý, nghiện ma tuý" bị thừa. Do tệ nạn ma tuý bao gồm cả các hành vi vi phạm pháp luật về ma tuý, chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự. Cử tri đề nghị sửa lại thành “tệ nạn ma tuý là các hành vi vi phạm pháp luật về ma tuý mà chưa đến mức hoặc không bị truy cứu trách nhiệm hình sự”.

Tại Khoản 14, Điều 2 trong dự thảo luật có nêu "cai nghiện ma tuý là quá trình thực hiện các hoạt động hỗ trợ về tâm lý, xã hội, y tế giúp người nghiện ma tuý dừng sử dụng chất ma tuý, thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần, phục hồi thể chất, tinh thần".

Đề nghị xem xét lại từ “dừng”, thay bằng “không tiếp tục” để thể hiện rõ ý. Ngoài ra, chất ma tuý đã bao gồm thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần nên không cần phải cụ thể hoá, đề nghị sửa "cai nghiện ma tuý là quá trình thực hiện các hoạt động hỗ trợ về tâm lý, xã hội, y tế giúp người nghiện ma tuý không tiếp tục sử dụng trái phép chất ma tuý phục hồi thể chất, tinh thần".

Cử tri đề nghị bổ sung nội dung giải thích từ ngữ tại Điều 2, làm rõ về “phương tiện, dụng cụ dùng vào việc sản xuất, sử dụng trái phép chất ma tuý” (có đề cập đến tại khoản 5, Điều 3). Trong quá trình vận dụng pháp lý để xử lý, có nhiều quan điểm, nhận thức khác nhau dẫn đến tranh chấp nên cần làm rõ các nội dung.

Tại Điều 38, dự thảo Luật Phòng, chống ma tuý (sửa đổi), việc cai nghiện ma tuý cho người bị tạm giam chưa phù hợp. Khoản 13, Điều 2 giải thích từ ngữ về “người nghiện ma tuý là người sử dụng chất ma tuý, thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần và bị lệ thuộc vào các chất này”.

Theo quy định, người nghiện ma tuý được coi là nghiện khi được cơ quan y tế xác định tình trạng nghiện. Người sử dụng và các đối tượng khác khi chưa được xác định tình trạng nghiện thì không phải người nghiện. Do đó, cử tri đề nghị điều chỉnh lại “người nghiện ma tuý là người sử dụng trái phép chất ma tuý, thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần và bị lệ thuộc vào các chất này và được cơ quan y tế xác định tình trạng nghiện”.

Tại Khoản 3, Điều 8, cần bổ sung thêm trách nhiệm từ phía gia đình đối với học sinh, sinh viên sử dụng trái phép chất ma tuý. Khoản 4, Điều 11 dự thảo luật, có các cụm từ bị trùng lặp, đề nghị sửa thay cụm từ “có trách nhiệm” thành “chủ trì, phối hợp”.

Cử tri còn tham gia đóng góp ý kiến cho Điều 3, quy định có 11 hành vi bị nghiêm cấm và hành vi bị nghiêm cấm khác liên quan đến ma tuý do luật định. Tuy nhiên, việc thống kê sẽ còn thiếu sót, chưa đầy đủ, cần xem xét thêm nội dung về các hành vi khác liên quan đến ma tuý mà không được pháp luật quy định, có danh mục kèm theo do Chính phủ quy định.

Trong Khoản 11, Điều 2, việc kỳ thị, phân biệt đối xử với người cai nghiện ma tuý, cần nêu rõ hành vi vi phạm để khi cụ thể hoá thành nghị định xử lý cho phù hợp…

Đánh giá tính xác thực về trách nhiệm của người sử dụng ma túy

Tại Hội nghị lấy ý kiến góp ý Dự thảo Luật Phòng, chống ma túy cuả Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Lắk, góp ý vào Điều 24 về trách nhiệm của người sử dụng trái phép chất ma túy, các đại biểu đề nghị luật nên quy định cụ thể hơn trách nhiệm của UBND cấp xã về công tác quản lý người sử dụng trái phép chất ma tuý trên địa bàn cũng như đánh giá tính xác thực về trách nhiệm của người sử dụng trái phép chất ma túy trong việc cung cấp thông tin về hành vi sử dụng trái phép chất ma túy của mình với cơ quan, tổ chức, nơi làm việc hoặc công an cấp xã nơi cư trú.

Tại Điều 31 về cai nghiện ma túy tự nguyện tại cơ sở cai nghiện ma túy, các đại biểu cho rằng cần có sự giám sát chặt chẽ của cơ quan quản lý nhà nước để bảo đảm tính xác thực về việc cơ sở cai nghiện ma túy cấp giấy chứng nhận hoàn thành cai nghiện tự nguyện cho người nghiện ma túy để nâng cao hiệu quả công tác cai nghiện tự nguyện.

Các đại biểu cũng đã nêu một số kiến nghị về khó khăn trong công tác quản lý cơ sở sản xuất, buôn bán các loại hóa chất (đặc biệt là các loại hóa chất liên quan đến chất gây nghiện, chất để điều chế ma túy tổng hợp); kinh phí hỗ trợ đối với người tự nguyện cai nghiện ma túy tại gia đình, cộng đồng...

Quá nhiều quy trình, thủ tục đưa người nghiện vào cơ sở cai nghiện

Tại Hội nghị lấy ý kiến góp ý Dự thảo Luật Phòng, chống ma túy cuả Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp, đa số đại biểu đặt vấn đề về nhận thức, quan điểm coi người nghiện là “tội phạm” hay “người bệnh”, theo đó kiến nghị nên có tổng kết so sánh luật trước đây với luật hiện hành.

Đại biểu cho rằng thực tiễn thời gian qua, số người sử dụng trái phép chất ma túy ngày càng tăng, đặc biệt là sử dụng ma túy tổng hợp với nhiều hình thức; công tác phòng, chống ma túy thời gian qua thực hiện chưa đồng bộ; hiện nay nhu cầu sử dụng ma túy lớn nên nguồn cung tăng, tuy nhiên cơ quan quản lý chủ yếu trấn áp “nguồn cung”, chưa trấn áp được “nguồn cầu”…

Các đại biểu cũng nêu một số khó khăn trong việc xét nghiệm xác định người nghiện; công tác quản lý; quy trình, thủ tục để đưa người nghiện vào cơ sở cai nghiện quá nhiều và trong thời gian này việc quản lý người nghiện rất khó… Đồng thời, đại biểu có một số kiến nghị như: Mở rộng cơ sở điều trị tự nguyện để giảm áp lực xã hội; áp dụng cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình quy định từ 12 tuổi -16 tuổi, trên 18 tuổi phải đưa vào trai cai nghiện bắt buộc, tập trung (điều 30); cân nhắc lại việc hỗ trợ học văn hóa nên áp dụng đào tạo nghề sẽ phù hợp hơn (Điều 40)…

Dự án Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi) sẽ được trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV (dự kiến vào cuối tháng 3, đầu tháng 4/2021). Việc lấy ý kiến tại địa phương là bước tiếp thu, chỉnh lý cuối cùng để Quốc hội xem xét thông qua trong kỳ họp tới.

Top