Gập ghềnh lối về

22/06/2021 15:00

Nghiện ma túy được xác định là bệnh mạn tính do rối loạn não bộ nên việc điều trị gặp rất nhiều khó khăn. Nhưng giúp người nghiện giã từ ma túy sau khi cai nghiện trở về cũng gian nan, gập ghềnh không kém.

 Học viên lao động tại Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh

Tái nghiện nhiều lần

Tôi gặp lại Nguyễn Anh T ở phường Trần Nguyên Hãn (TP.Bắc Giang) sau hai năm T trở về từ Cơ sở cai nghiện ma túy (Sở Lao động -Thương binh và Xã hội). T là nhân vật trong bài viết của tôi về sự khốn cùng của những người mắc nghiện. Nay ở tuổi 43, T bảo giờ em có công việc ổn định rồi. Tuy rằng cuộc sống đang còn rất nhiều khó khăn nhưng trong lòng lúc nào cũng vui vẻ, thoải mái, điều quan trọng nhất là đã xa được ma túy.

T không ngần ngại nhắc lại quãng thời gian hơn 20 năm làm nô lệ của thứ thuốc chết người này: “Để có tiền thỏa mãn cơn nghiện, em đã đi làm những việc mà xã hội không thể chấp nhận được, trộm cắp, bảo kê, cướp giật... dày đặc những “thành tích” bất hảo với 6 tiền án; tiền sự thì nhiều vô kể. Em đã phá phách không biết bao nhiêu tiền của của gia đình và các anh chị. Cuộc đời em tưởng như bỏ đi rồi”.

T bảo: “Cai rồi lại tái nghiện nhiều lần. Lần cai nghiện trở về sau cùng này, em đặt quyết tâm rất cao. Em hứa với con gái và lòng mình nếu mà nghiện lại thì sẽ thắt cổ tự tử ngay. Ý chí quan trọng lắm chị ạ, cùng đó là môi trường nữa. Về phải có công ăn việc làm ổn định, tránh tiếp xúc với bạn nghiện thì mới thành công”.

Trên thực tế, nhiều người nghiện muốn từ bỏ nhưng không thoát khỏi cám dỗ, bế tắc về cuộc sống, chỉ vài tháng sau là tái nghiện. Anh Giáp Văn M ở xã Việt Tiến (Việt Yên) năm nay bước sang tuổi 43 nhưng đã vào Cơ sở cai đến lần thứ 5. Bản thân có 1 tiền án, 1 tiền sự, vợ bỏ… kết thúc thời gian 2 năm cai nghiện tập trung trở về nhà, nhận thấy ánh nhìn nghi ngại, xa lánh của xóm làng, việc làm cũng chưa tìm được, chán nản anh hút hít trở lại. Tương tự, ông Trần Khoa H (SN 1965) ở phường Lê Lợi; Nguyễn Sỹ T (SN 1978) ở phường Mỹ Độ (TP.Bắc Giang) hay Nguyễn Văn Th (SN 1979) ở xã Đoan Bái (Hiệp Hòa) cũng đều có “thâm niên” từ 4 đến 5 lần hết ra lại vào cơ sở cai nghiện.

Đáng chú ý là số người cai nghiện từ hai lần trở lên trong vòng 10 năm trở lại đây chiếm tỷ lệ khá cao, khoảng 60% tổng số người nghiện Cơ sở tiếp nhận. Điều này thể hiện, bên cạnh số nghiện mới thì nguy cơ tái nghiện đối với người sau cai là rất lớn. Đồng thời, cũng chỉ ra việc từ bỏ ma túy, tái hòa nhập cộng đồng của người nghiện là rất khó khăn.

“Bước đệm” giúp người nghiện

Theo Phó Giám đốc Cơ sở cai nghiện ma túy Nguyễn Hữu Thắng, điều đáng quan tâm hiện nay là độ tuổi của đối tượng sử dụng ma túy ngày càng trẻ, lứa tuổi từ 18-30 chiếm gần 60%. Ngoài sử dụng heroin, hơn 80% đối tượng sử dụng ma túy tổng hợp như thuốc lắc, ma túy đá. Cách thức sử dụng cũng có nhiều thay đổi, không chỉ tiêm, hút mà còn hít, nuốt, uống…

Theo ông Thắng, khó khăn của người sau cai nghiện khi hòa nhập cộng đồng là do người sau cai luôn mặc cảm, tự ti, dù 100% số người cai nghiện tại Cơ sở được tư vấn tâm lý các biện pháp phòng, chống tái nghiện. Khi trở về gia đình, cộng đồng, đa số gặp phải sự kỳ thị, không tìm được việc làm ổn định, không được học nghề. Điều này dẫn đến sớm nảy sinh tiêu cực, nhớ đến bạn nghiện, nhớ đến những lúc sử dụng ma túy và làm cho tỷ lệ tái nghiện sau cai sớm hơn, cao hơn, 6 tháng đến một năm sau cai đã có người tái nghiện.

Sự hiểu biết về ma túy và các vấn đề liên quan đến công tác cai nghiện ma túy đối với đa số gia đình người nghiện chưa đầy đủ, điều kiện kinh tế của người nghiện phần lớn rất khó khăn. Nhiều gia đình bỏ mặc con em mình không có sự quan tâm cần thiết để giúp người nghiện có động lực và quyết tâm cai nghiện.

Để khắc phục thì việc hỗ trợ, giúp đỡ người sau cai nghiện đoạn tuyệt với ma túy và thành công trong việc hòa nhập cộng đồng đòi hỏi sự vào cuộc của các cấp chính quyền, các tổ chức xã hội, đoàn thể cũng như sự nỗ lực vươn lên của từng cá nhân người nghiện. Trước khi hết hạn cai nghiện, tái hòa nhập cộng đồng, tất cả các học viên cần được củng cố lại các kiến thức, kỹ năng phòng, chống tái nghiện; động viên, tạo động lực để học viên đi đúng hướng và có thêm nghị lực, lòng quyết tâm từ bỏ ma túy. Các địa phương cần quyết liệt đấu tranh triệt xóa những tụ điểm phức tạp về ma túy để người nghiện không thể tiếp cận với nguồn cung. Công tác tuyên truyền cần được thực hiện thường xuyên, liên tục.

Xác định nghiện ma túy là bệnh mạn tính do rối loạn não bộ nên điều trị cần một quá trình lâu dài, tạo dựng niềm tin cho người nghiện thoát khỏi ma túy. Điều quan trọng nữa là kết nối các nguồn lực, tạo “bước đệm” giúp người nghiện, gia đình người nghiện được tiếp cận các dịch vụ dạy nghề, truyền nghề, tạo việc làm, nguồn vốn vay ưu đãi để phát triển kinh tế.

Top