Góp ý xây dựng Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi)

25/02/2021 10:33

(Chinhphu.vn) - Dự án Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi) sẽ được trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV (dự kiến vào cuối tháng 3, đầu tháng 4/2021). Đóng góp ý kiến hoàn thiện dự thảo luật này, nhiều đại biểu đánh giá, dự thảo luật hiện nay đã cơ bản rõ ràng, chặt chẽ. Tuy nhiên, cũng còn một số nội dung cần hoàn thiện đặc biệt là liên quan đến công tác cai nghiện, vấn đề người sử dụng ma túy...

 Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam lấy ý kiến góp ý về Luật Phòng chống ma túy (sửa đổi) 

Dự thảo luật có 8 chương, 54 điều, giảm 2 điều so với Luật hiện hành. Luật quy định về phòng, chống ma túy; quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy; cai nghiện ma túy; trách nhiệm của cá nhân, gia đình, cơ quan, tổ chức trong phòng, chống ma túy; quản lý nhà nước và hợp tác quốc tế về phòng, chống ma túy.

Một số điểm mới chủ yếu của dự thảo Luật bao gồm: Bổ sung nội dung về quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy và cai nghiện ma túy trong phạm vi điều chỉnh; Bổ sung 4 nhóm hành vi bị nghiêm cấm; Bổ sung một số chính sách của Nhà nước như: Ưu tiên nguồn lực phòng, chống ma túy cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng sâu, vùng xa, hải đảo, khu vực biên giới, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn và phức tạp về ma túy; chế độ ưu đãi theo quy định của Chính phủ đối với cơ quan chuyên trách phòng, chống ma túy, người làm công tác cai nghiện ma túy tại các cơ sở cai nghiện ma túy công lập; Bổ sung quy định xác định rõ các cơ quan chuyên trách phòng, chống tội phạm về ma túy…

Trong kỳ họp thứ 10 của Quốc hội, có 102 lượt ý kiến phát biểu thảo luận tổ, 26 lượt ý kiến phát biểu tại hội trường, 3 ý kiến tranh luận, 3 ý kiến bằng văn bản. Đa số đại biểu Quốc hội nhất trí về sự cần thiết, quan điểm xây dựng và nội dung chủ yếu của dự thảo luật. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo cơ quan thẩm tra, tổng hợp, nghiên cứu và chủ trì phối hợp cùng các cơ quan liên quan giải trình, chỉnh lý. Việc lấy ý kiến tại địa phương là bước tiếp thu, chỉnh lý cuối cùng để Quốc hội xem xét thông qua trong kỳ họp tới.

Chưa có trường hợp người nghiện tới chính quyền khai báo!

Tại Hội nghị lấy ý kiến góp ý dự thảo Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi) của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam mới đây, một số đại biểu cũng cho rằng, tại Khoản 1 Điều 24 của dự thảo Luật quy định người sử dụng trái phép chất ma túy phải cung cấp thông tin về hành vi sử dụng trái phép chất ma túy của mình với cơ quan, tổ chức nơi làm việc hoặc Công an cấp xã nơi cư trú là không khả thi.

Phó Giám đốc Công an tỉnh Quảng Nam Huỳnh Sông Thu cho biết, thời gian qua trên địa bàn tỉnh Quảng Nam chưa có trường hợp nào nghiện tới công an xã hay chính quyền địa phương khai báo. Hiện nay, các đối tượng nghiện ma tuý không ra bờ ra bụi nữa mà ra vũ trường, quán bar, karaoke rồi sử dụng. Đơn cử như vừa qua, Công an tỉnh Quảng Nam kiểm tra hàng loạt thì phát hiện các địa điểm trên là nơi tụ tập của các tội phạm ma túy.

Đại diện Tòa án Nhân dân tỉnh Quảng Nam đề nghị, dự thảo Luật cần xác định lại người sử dụng ma túy là tệ nạn xã hội hay người bệnh để các cơ quan chức năng thuận lợi hơn trong việc lập hồ sơ quản lý. Đại diện Hội Luật sư Quảng Nam cho rằng, đã là luật thì phải dùng từ khẳng định chứ không nên sử dụng những từ như "có thể gây nghiện", "dễ gây nghiện", "cũng có thể"...

Ngoài ra, các đại biểu còn thảo luận về những vướng mắc trong thủ tục đưa người bị nghiện đi cai nghiện bắt buộc. Việc chuyển từ Uỷ ban nhân dân ra quyết định sang Tòa án đưa quyết định phải có cách thức phù hợp với thông lệ và luật pháp quốc tế nhưng vẫn đảm bảo tính khả thi?

Đồng thời, các đại biểu cho rằng, cần phải đưa vào dự thảo quy định cụ thể quy trình đưa vào cai nghiện bắt buộc đối với đối tượng từ 12-18 tuổi; chỉnh sửa Điều 40, bởi tỷ lệ người tái nghiện sau cai rất cao và bổ sung nội dung cần phải quản lý, giáo dục người nghiện ma túy sau khi cai nghiện; thêm một điều về xử lý người tái nghiện sau cai...

Tại cuộc họp đóng góp dự thảo Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi) của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Sóc Trăng, đại diện các sở, ngành tỉnh Sóc Trăng đều thống nhất về sự cần thiết phải thông qua dự thảo luật này.

Bên cạnh đó, đại biểu cũng đề nghị xem xét lại quy định về cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng vì thực tế hiệu quả không cao. Đồng thời, kiến nghị nghiên cứu, làm rõ quy định nhiệm vụ trong phòng, chống ma túy, quản lý sau cai nghiện của ngành Công an, ngành Lao động - Thương binh và Xã hội để tránh chồng chéo. Bổ sung trách nhiệm của cơ quan truyền thông trong công tác phối hợp tuyên truyền phòng, chống tác hại ma túy và các luật có liên quan. Điều chỉnh phù hợp hơn về quy định người bệnh trong dự thảo luật và giải thích cụ thể một số từ ngữ ở một số điều, khoản...

Top