Hơn 137 nghìn đối tượng bị áp dụng các biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn

07/05/2021 13:52

Trong 7 năm (2014-2020), tổng số đối tượng bị lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn (GDTXPTT) là 153.138 đối tượng, tổng số đối tượng bị áp dụng các biện pháp GDTXPTT là 137.906 đối tượng (chiếm khoảng 90% tổng số đối tượng bị lập hồ sơ đề nghị), tổng số người chưa thành niên bị áp dụng biện pháp thay thế quản lý tại gia đình là 8.470 người (chỉ bằng 6,1% so với đối tượng bị áp dụng biện pháp GDTXPTT).

Công an xã vận động một người nghiện ma túy đi cắt cơn nghiện. Ảnh: Báo CAND

Theo Bộ Tư pháp, trong quá trình triển khai thi hành Nghị định số 111/2013/NĐ-CP ngày 30/9/2013 của Chính phủ quy định chế độ áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 56/2016/NĐ-CP), thông qua báo cáo của một số địa phương cho thấy, đối tượng người nghiện ma túy từ đủ 18 tuổi trở lên có nơi cư trú ổn định; người từ đủ 18 tuổi trở lên thực hiện hành vi xâm phạm tài sản, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của công dân bị lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp GDTXPTT nhiều nhất trong số những đối tượng đủ điều kiện áp dụng biện pháp này.

So sánh số liệu các năm cho thấy, số lượng đối tượng bị lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp GDTXPTT có xu hướng tăng đều từ năm 2014 cho đến nay, đó có thể là biểu hiện của ý thức chấp hành pháp luật của một số bộ phận người dân còn hạn chế, có lối sống chưa lành mạnh, tình hình vi phạm hành chính vẫn diễn biến ngày càng phức tạp. Tuy nhiên, mặt khác lại cho thấy, kể từ khi Nghị định số 111/2013/NĐ-CP và Nghị định số 56/2016/NĐ-CP được Chính phủ ban hành, các bộ, ngành, địa phương đã tập trung chỉ đạo, đẩy mạnh, chú trọng việc áp dụng biện pháp này trên thực tế.

Nhìn chung, tình hình áp dụng biện pháp GDTXPTT trên cả nước đã được thực hiện tương đối tốt, các cơ quan, ban ngành đã triển khai thực hiện có hiệu quả các quy định về quy trình, trình tự, thủ tục áp dụng biện pháp GDTXPTT theo đúng Nghị định số 111/2013/NĐ-CP và Nghị định số 56/2016/NĐ-CP.

'Rào cản' lớn ảnh hưởng đến hiệu quả

Với hệ thống văn bản quy phạm pháp luật như hiện nay, có thể nói, hành lang pháp lý cho việc áp dụng biện pháp GDTXPTT cơ bản đã được bảo đảm, đầy đủ. Tuy nhiên, xét dưới giác độ tính thống nhất, đồng bộ và tính khả thi thì hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật vẫn còn tồn tại những vấn đề bất cập, chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn đặt ra. Đây cũng chính là một trong những “rào cản” lớn, ảnh hưởng đến hiệu quả công tác áp dụng biện pháp GDTXPTT .

Các cán bộ làm công tác xử lý vi phạm hành chính ở cấp xã còn thiếu và yếu về chuyên môn nghiệp vụ do chủ yếu là kiêm nhiệm, chưa được đào tạo bồi dưỡng thường xuyên về chuyên môn một cách bài bản. Vì vậy, việc triển khai THPL về XLVPHC còn hạn chế, hiệu quả chưa cao.Cán bộ trực tiếp làm công tác quản lý, cảm hóa giáo dục có trình độ không đồng đều, kiến thức và kỹ năng trong cảm hóa, giáo dục còn hạn chế, một bộ phận người dân còn chưa tích cực trong việc phối hợp cùng với chính quyền địa phương thực hiện biện pháp xử lý hành chính GDTXPTT.

Vai trò của các tổ chức chính trị, xã hội và các ban ngành, đoàn thể chưa phát huy được hiệu quả trong công tác phối hợp, giám sát, theo dõi, giúp đỡ các đối tượng bị áp dụng các biện pháp xử lý hành chính GDTXPTT .

Việc thực hiện quyết định áp dụng biện pháp GDTXPTT là quyết định mang tính mệnh lệnh hành chính nhưng biện pháp thực hiện lại mang tính giúp đỡ, thuyết phục, do người không thuộc cơ quan nhà nước thực hiện, không có cơ chế giám sát, đánh giá năng lực, chất lượng, hiệu quả của người thực hiện giáo dục là không tương xứng với yêu cầu quản lý nhà nước .

Ý thức chấp hành của một số người dân chưa cao, chưa tích cực phối hợp với chính quyền địa phương thực hiện biện pháp GDTXPTT, nhất là đối với các gia đình có con em đang bị áp dụng biện pháp này .

Mặc dù Luật XLVPHC và Nghị định số 20/2016/NĐ-CP ngày 30/3/2016 của Chính phủ quy định cơ sở dữ liệu quốc gia về xử lý vi phạm hành chính đã quy định cụ thể về việc xây dựng, quản lý, khai thác và sử dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về xử lý vi phạm hành chính, tuy nhiên, đến nay vẫn chưa được vận hành trên thực tế, dẫn đến chưa có cơ chế để chia sẻ và cung cấp thông tin về các đối tượng xử phạt vi phạm hành chính, gây khó khăn trong việc xác định những trường hợp đã bị xử phạt vi phạm hành chính để áp dụng biện pháp GDTXPTT .

Hiện Bộ Tư pháp đang xây dựng dự thảo Nghị định quy định chế độ áp dụng biện pháp xử lý hành chính GDTXPTT (thay thế Nghị định số 111/2013/NĐ-CP và Nghị định số 56/2016/NĐ-CP) để đảm bảo phù hợp với Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật XLVPHC, Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi), đồng thời, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc áp dụng pháp luật trên thực tế.

Đồng thời đề nghị Bộ Công an, Bộ LĐTB&XH cần phải chú trọng hơn đến công tác tập huấn chuyên sâu, bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác hướng dẫn, kiểm tra và cán bộ trực tiếp lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp xử lý vi phạm hành chính GDTXPTT, những người làm công tác quản lý, giáo dục, giúp đỡ đối tượng được giáo dục để nâng cao, cải thiện hơn nữa năng lực của các cán bộ, chiến sĩ, công chức, viên chức… trong việc áp dụng biện pháp này.

Cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể ở địa phương cần thường xuyên quan tâm chỉ đạo thực hiện biện pháp xử lý hành chính GDTXPTT, không nên xem đó là nhiệm vụ của cơ quan Công an, mà coi đây là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị và toàn dân, nếu làm tốt vấn đề này sẽ hạn chế người vi phạm pháp luật. Đồng thời quan tâm bố trí cán bộ chuyên trách, có trình độ phù hợp để thực hiện nhiệm vụ; cử công chức tham gia đầy đủ các lớp tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ do Bộ Tư pháp, Bộ Công an tổ chức; đồng thời chủ động tổ chức tập huấn nghiệp vụ áp dụng biện pháp xử lý hành chính GDTXPTT cho cán bộ làm công tác này tại địa phương mình.

Top