Lai Châu: Phát huy đội ngũ nòng cốt trong công tác phòng, chống HIV/AIDS

12/05/2021 18:35

(Chinhphu.vn) - Là tỉnh có nhiều dân tộc sinh sống, ngôn ngữ bất đồng giữa các dân tộc, do đó công tác phòng chống HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh Lai Châu vẫn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt trong công tác truyền thông phòng, chống HIV/AIDS.

Ông Trần Đỗ Kiên, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Lai Châu. Ảnh: Thùy Chi

Phóng viên Trang tin Tiếng Chuông có dịp trao đổi với ông Trần Đỗ Kiên, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Lai Châu về những kết quả, khó khăn và các giải pháp đặt ra trong công tác phòng, chống HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh.

Là một tỉnh miền núi có địa hình phức tạp, nhiều dân tộc sinh sống, ngôn ngữ bất đồng, xin ông cho biết những khó khăn mà địa phương đang phải đối mặt trong công tác phòng, chống HIV/AIDS?

Ông Trần Đỗ Kiên: Hiện nay, địa phương có 20 dân tộc cùng sinh sống, trong đó 85,6% là dân tộc thiểu số, một số dân tộc có quy mô dân số thấp trên toàn quốc như: Mảng, La Hủ, Cống, Si La, Lự, trong đó: Thái 35,19%; Mông 21,18%;  Kinh 12,69%; Dao 11,8%; tỷ lệ đói nghèo trên địa bàn tỉnh còn cao, trình độ dân trí không đồng đều giữa các vùng.

Đáng lưu ý, Lai Châu là tỉnh có nhiều dân tộc sinh sống, ngôn ngữ bất đồng giữa các dân tộc, vì vậy việc này gây khó khăn, ảnh hưởng nhiều đến hiệu quả công tác truyền thông phòng, chống HIV/AIDS trên địa bàn.

Ngoài ra, sự kỳ thị và phân biệt đối xử vẫn đang xảy ra ở một số địa bàn đã tác động trực tiếp đến cuộc sống của người nhiễm HIV/AIDS, ảnh hưởng đến đời sống tinh thần và vật chất của bản thân người nhiễm và gia đình họ.

Tuy đã giảm được tốc độ lây nhiễm của dịch nhưng dịch vẫn có xu hướng gia tăng ở nhóm đối tượng nguy cơ cao (tiêm chích ma túy, lao động tình dục, bạn tình của người nhiễm HIV, quan hệ đồng giới). Đây chính là yếu tố lây nhiễm HIV ra cộng đồng.

Mặt khác, nhận thức của người dân về dự phòng lây nhiễm HIV/AIDS một số nhóm nguy cơ thực hành các hành vi an toàn chưa tốt, số người nhiễm HIV sau khi đã biết mình bị nhiễm nhưng vẫn dùng chung bơm kim tiêm hay quan hệ tình dục không an toàn vẫn gia tăng.

Đa số những người nhiễm HIV, người nghiện ma túy kinh tế gia đình khó khăn, nhiều bệnh nhân không có phương tiện đi lại làm ảnh hưởng đến tuân thủ điều trị của các bệnh nhân điều trị HIV/AIDS và điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế Methadone. Trong khi đó, chế độ cho người trực tiếp chăm sóc, điều trị hỗ trợ người nhiễm còn bất cập nên tỷ lệ tiếp cận dịch vụ y tế của các bệnh nhân còn hạn chế.

Ngành Y tế tỉnh sẽ có những giải pháp gì để khắc phục vấn đề này, thưa ông?

Ông Trần Đỗ Kiên: Chúng tôi sẽ chú trọng công tác thông tin, giáo dục và truyền thông thay đổi hành vi. Thường xuyên phối hợp với đài truyền hình, đài truyền thanh tỉnh, huyện và các cơ quan Báo, Đài của địa phương thường xuyên đưa tin, bài về phòng, chống HIV/AIDS.

Đặc biệt là phát huy đội ngũ nòng cốt là đội ngũ cán bộ Y tế các tuyến, đồng thời huy động các ban, ngành tổ chức đoàn thể cùng tham gia. Tập trung chủ yếu cho các hoạt động truyền thông trực tiếp tại cộng đồng, nhất là các khu vực vùng sâu vùng xa với sự phân công cụ thể cho các ngành phụ trách các địa bàn trọng điểm để tránh chồng chéo các hoạt động.

Tăng cường tổ chức truyền thông thay đổi hành vi cho các nhóm đối tượng như: Ma túy, mại dâm, học viên trong Trung tâm 06, phạm nhân Trại giam Công an tỉnh được tiếp cận tham gia nghe tuyên truyền.

Tổ chức tuyên truyền trực tiếp nói chuyện chuyên đề tại các công trường xây dựng, các đơn vị nhà trường cho: Công nhân, cán bộ công chức, bộ đội, học sinh, sinh viên. Đặc biệt ưu tiên triển khai cho nhóm đồng bào dân tộc tại địa bàn của xã vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, nhóm nguy cơ cao…

Bên cạnh đó, đẩy mạnh các công tác can thiệp giảm hại do HIV/AIDS gây ra. Duy trì, triển khai chương trình trao đổi bơm kim tiêm và bao cao su tại tất cả các xã/phường có tình hình lây nhiễm HIV/AIDS phức tạp; duy trì mạng lưới hoạt động của đồng đẳng viên tại các xã, phường có triển khai chương trình.

Đặc biệt, chúng tôi sẽ duy trì quản lý người nhiễm bằng phần mềm HIV Info 3.1 qua mạng internet; mở rộng quản lý thông tin, số liệu bằng các phần mềm trực tuyến của Bộ Y tế từ tuyến tỉnh đến tuyến xã và ứng dụng các phần mềm quản lý điều trị ARV, Methedone tại tất cả các cơ sở/điểm điều trị.

Dịch HIV tại Lai Châu hiện nay đang ở giai đoạn tập trung, chủ yếu là nhóm người nghiện chích ma túy, xin ông cho biết Trung tâm chú trọng những hoạt động nào để giảm thiểu số người lây nhiễm HIV trong nhóm này?

Ông Trần Đỗ Kiên: Để giảm thiểu số người lây nhiễm HIV trong nhóm nghiện chích ma túy, từ năm 2013 đến nay, chúng tôi đã triển khai công tác điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế Methadone trên địa bàn tình. Hiện toàn tỉnh có 08 cơ sở điều trị Methadone/8 huyện, thành phố và 30 điểm cấp phát thuốc tại tuyến xã duy trì hoạt động.

Số người tham gia điều trị Methadone, Buprenorphine là 2.289 đạt 76,7% so với số người nghiện có trên địa bàn 2.996 người. So với kế hoạch giao đạt 104% (KH 2.200); So với với Quyết định số 1008/QĐ-TTg, ngày 20/6/2014 của Thủ tướng Chính phủ đạt 134,6% (giao 1.700 người).

Số người điều trị duy trì trên 1 năm đạt trên 80% đạt so với yêu cầu của Bộ Y tế là từ 70% trở lên đối với tỉnh miền núi là đạt yêu cầu.

Mô hình cấp thuốc tại tuyến xã được tỉnh Lai Châu quan tâm chỉ đạo và nhân rộng để tạo sự thuận lợi cho người bệnh tiếp cận dịch vụ. Lai Châu đã được các tỉnh: Sơn La, Hòa Bình, Hải Dương, Thái Nguyên, Thái Bình và Lào Cai đến thăm và chia sẻ kinh nghiệm.

Việc triển khai các cơ sở điều trị, cơ sở cấp phát thuốc trên địa bàn tỉnh hiện rất thuận lợi vì hoàn toàn nằm trong hệ thống ngành Y tế quản lý thuận lợi cho việc chuyển tiếp các dịch vụ tư vấn, chăm sóc theo dõi sức khỏe cho bệnh nhân.

Các hoạt động điều trị triển khai tại tuyến huyện đã chủ động lồng ghép các điểm dịch vụ: Tư vấn (VCT), Điều trị ARV (OPC) và Methadone (MMT) thành mô hình 3 trong 1.

Mới đây, địa phương cũng đã được Bộ Y tế tạo điều kiện, chọn là 1 trong 3 tỉnh được thí điểm chương trình cấp phát thuốc Methadone nhiều ngày cho bệnh nhân. Việc này giúp giải quyết những khó khăn trong công tác điều trị Methadone mà địa phương đang gặp phải.

Ngoài ra, chúng tôi sẽ tăng cường các hoạt động can thiệp giảm hại, mở rộng triển khai tại 8/8 huyện, thành phố. Cấp phát bơm kim tiêm tại 51 xã trọng điểm thông qua mạng lưới: Đồng đẳng, nhân viên y tế thôn bản và kết hợp phân phát thông qua hộp bơm kim tiêm cố định đặt tại cộng đồng. Chỉ tính riêng trong năm 2020, đội ngũ này đã cấp phát được 524.762 bơm kim tiêm, phát được 243.291 bao cao su, thu gom tiêu hủy được 301.145 bơm kim tiêm bẩn. Số đối tượng tham gia chương trình bơm kim tiêm được tiếp cận qua Đồng đẳng viên được 450 người và số lấy qua hộp bơm kim tiêm cố định ước trên 300 người.

Ngoài việc tăng cường công tác truyền thông và đẩy mạnh các biện pháp can thiệp, xin ông cho biết thời gian tới, ngành Y tế tỉnh sẽ chú trọng các hoạt động nào để đạt được các mục tiêu trong công tác phòng chống HIV/AIDS?

Ông Trần Đỗ Kiên: Chúng tôi sẽ tăng cường năng lực hệ thống phòng, chống HIV/AIDS. Tổ chức các lớp tập huấn chuyên môn về kiến thức HIV/AIDS, kỹ năng truyền thông, giám sát, theo dõi đánh giá, quản lý chương trình, điều trị... cho cán bộ y tế các tuyến, cán bộ chuyên trách.

Bên cạnh đó, hợp tác chặt chẽ với các tổ chức quốc tế triển khai trên địa bàn để tổ chức tập huấn cho cán bộ tại các tuyến. Tăng cường quản lý, sử dụng hiệu quả các trang thiết bị chuyên môn, đặc biệt là tuyến cơ sở.

Công tác giám sát dịch tễ học HIV/AIDS, theo dõi và đánh giá chương trình phòng, chống HIV/AIDS cũng là công tác rất quan trọng mà địa phương cần đẩy mạnh. Cụ thể, chúng tôi sẽ tổ chức giám sát hỗ trợ thường xuyên và đánh giá kịp thời những khó khăn tồn tại trong hoạt động tại huyện, thành phố và các xã; nâng cao chất lượng mẫu giám sát, thực hiện giám sát mẫu tập chung cho nhóm đối tượng nguy cơ cao; đa dạng hóa, triển khai các hình thức xét nghiệm (xét nghiệm tại cơ sở y tế, xét nghiêm lưu động, tự xét nghiệm) tại tại 8/8 huyện, thành phố; tổ chức các đợt tư vấn, lấy mẫu xét nghiệm HIV lưu động cho các đối tượng nguy cơ cao ngoài cộng đồng; định kỳ xét nghiệm cho đối tượng nghiện chích đang điều trị tại cơ sở điều trị Methadone, Buprenophine và tiếp viên nhà hàng; duy trì, phát huy hiệu quả của hệ thống phòng tư vấn, xét nghiệm tự nguyện tại các tuyến…

Đồng thời tăng cường hỗ trợ, điều trị toàn diện HIV/AIDS và Dự phòng lây truyền từ mẹ sang con. Kiện toàn, duy trì tốt các phòng khám ngoại trú sẵn có để đẩy mạnh hoạt động tiếp cận, tư vấn cho bệnh nhân HIV/AIDS đưa vào điều trị ARV và điều trị dự phòng bằng Cotrimoxazole. Tăng cường tuyên truyền tư vấn, lấy mẫu giám sát phát hiện nhiễm HIV ở phụ nữ có thai và thực hiện tốt điều trị dự phòng lây nhiễm từ mẹ sang con để đảm bảo ngăn ngừa lây truyền từ mẹ sang con được hiệu quả.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Theo số liệu thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, tính đến hết năm 2020, số trường hợp nhiễm HIV lũy tích trên địa bàn tỉnh là 3.539 trường hợp, lũy tích tử vong do HIV/AIDS từ đầu kỳ là 1.640 người, số nhiễm HIV còn sống là 1.812 người. Số nhiễm HIV được phát hiện trong những năm gần đây liên tục giảm: 2018 là 159 trường hợp, năm 2019 là 113 trường hợp, năm 2020 là 84 người, giảm 25,6% so cùng kỳ 2019.
Top